Ngày đăng : 23/11/2015

Phẩm chất trí thức trong tiểu luận của Đặng Hoàng Giang


Mỗi bài tiểu luận trong cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can”* của Đặng Hoàng Giang đều có thể xem như một thực hành phê bình văn hóa, phê bình xã hội.

1. Cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can của Đặng Hoàng Giang không ghi tên thể loại trên bìa sách. Nhưng có thể nhận diện những bài viết được tập hợp trong cuốn sách là các essay - các tiểu luận hay văn luận thuyết (một cách dịch xưa hơn tên gọi thể loại này). Thường được xem là một thể loại văn học còn chưa phát triển đến độ tách ra được độc lập với luân lý, khoa học và nghệ thuật (mượn ý của Georg Lukács), và do đó, được xem là ít quan trọng hơn so với tiểu thuyết, thơ hay kịch, văn tiểu luận, trên thực tế lịch sử văn học, lại là một thể loại năng động, đặc biệt ở những thời kỳ khi mà bối cảnh văn hóa xã hội có những sự chuyển giao, cần đến những thảo luận, trao đổi, cần đến những hình thức linh hoạt, sống động để dẫn nhập cái mới vào đời sống. Tiểu luận là thể loại của xã hội dân sự, của ý thức dân chủ và cá nhân. Như một nghịch lý, tiểu luận muốn hấp dẫn vừa phải chạy theo đời sống lại vừa phải dừng lại, đứng một mình để quan sát, nhận diện và phân tích đời sống. Một tình thế trớ trêu!

2. Cuốn sách của Đặng Hoàng Giang, với tôi, chính là một tập tiểu luận vừa “chạy” mà lại vừa “đứng một mình”. Tác giả đã giải quyết được nghịch lý chơi khó người viết tiểu luận. Thật vậy, các bài viết trong cuốn sách đều khơi nguồn từ các vấn đề thời sự thu hút nhiều mối quan tâm, từ những vấn đề vĩ mô như chỉ số GDP, toàn cầu hóa, công lý, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội cho đến những câu chuyện thời thượng như du lịch, truyền hình thực tế, giải phẫu thẩm mỹ, văn hóa ngôi sao... với những “từ khóa” rất dễ làm dậy sóng dư luận như Ngọc Trinh, Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Ngọc Hà... Bám vào những sự kiện có độ nóng như vậy, tiểu luận của Đặng Hoàng Giang không ngần ngại cho thấy xã hội Việt Nam đương đại đang có rất nhiều bất ổn, nhiều nguy cơ đáng lo âu, nhiều điều để bất mãn, bức xúc - để dùng lại động từ xuất hiện ngay ở nhan đề của cuốn sách này. Không chỉ tham khảo, liên hệ, đối thoại với những quan điểm, kết luận của nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn hóa khác, trong nhiều trường hợp, tiểu luận của anh có dáng dấp của những khảo cứu nhỏ. Hình thức cô đọng của thể loại tự nó tạo ra áp lực để người viết không được phép dừng lại ở những nhận định nửa vời hoặc lan man với những lập luận lòng vòng, né tránh. Văn tiểu luận của Đặng Hoàng Giang sắc, gọn và trí thức.

3. Tôi muốn nói rõ hơn về tính chất trí thức trong tiểu luận của Đặng Hoàng Giang. Thực chất, mỗi bài tiểu luận trong cuốn sách đều có thể xem như một thực hành phê bình văn hóa, phê bình xã hội. Anh đã rất tinh và sâu sắc khi nhìn ra và phân tích được những cơ chế bất bình đẳng, bất công đang chi phối đời sống hôm nay từ những câu chuyện nhỏ, những tiểu tự sự của xã hội Việt Nam đương đại. Đó là câu chuyện về những người nghèo bị lợi dụng bởi truyền thông giải trí nhằm tạo nên những “thực tế” giả để thu lợi nhuận qua các chương trình truyền hình thực tế và thậm chí các hoạt động từ thiện. Đó là sự lên ngôi của chủ nghĩa sùng ngoại, tôn thờ phương Tây từ kiến trúc, sinh hoạt đến cách nuôi dạy con cái và ngay cả trong những đề xuất cải cách, đổi mới đất nước. Đó là cám dỗ về sự giàu có vật chất, về đời sống vương giả và quyền lực thống trị kẻ khác trong các sách self-help...

Nhưng nguy cơ lớn nhất mà những phân tích xã hội và văn hóa của Đặng Hoàng Giang cho thấy đó là nguy cơ con người bị quên lãng, bị chối bỏ, một nguy cơ mà theo tôi là lớn nhất chính vì dường như nó không được nhận ra, không được cảnh báo, thậm chí được mặc định là điều hoàn toàn bình thường. Chúng ta chối bỏ con người khi chúng ta chối bỏ cơ thể mình qua việc phẫu thuật thẩm mỹ - một công việc mà có vẻ mục đích của nó là làm con người đẹp lên. Chúng ta quên mình là người khi dễ dàng bị hòa tan vào đám đông, đánh mất cái cá nhân trong trải nghiệm, nghĩ suy, cảm xúc - những biểu hiện quan trọng nhất của nhân tính. Ngay cả những người tưởng như có quyền lực trong xã hội đương đại như những ngôi sao cũng sẵn sàng chấp nhận vong thân, chạy theo sự hào nhoáng, công cộng hóa đời sống riêng tư để thu hút sự chú ý của công chúng bằng mọi giá. Và cùng lúc con người bị quên lãng thì một chủ nghĩa bái vật mới lại đang trên đà thắng thế trong xã hội qua sự sùng bài hàng hiệu, biệt thự kiểu Tây, lợi nhuận thị trường...
4. Cách Đặng Hoàng Giang đi từ những tiểu tự sự để từ đó chất vấn hệ thống, chất vấn trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của mỗi cá nhân, theo đó, không ai nên mặc định rằng mình vô can với những sự bất công, bất bình đẳng, bất bình thường của xã hội hiện tại... chính là một cách thực hành phê bình xã hội, văn hóa từ cảm quan hậu hiện đại. Nhưng cảm quan hậu hiện đại trong cuốn sách này không phải chỉ tập trung ở chỗ phơi bày, bóc trần những cơ chế bất công, bất bình đẳng đang được bình thường hóa trong đời sống. Đặng Hoàng Giang còn nhìn thấy khả năng thay đổi thật sự của xã hội bắt đầu từ những con người cá nhân bình thường, vô danh. Nói theo thuật ngữ hậu hiện đại, họ là những tiểu tự sự. Đó là những con người từ chối tặc lưỡi chấp nhận “sống chung với lũ”, sống chung với sự dối trá, bạc nhược, sống theo cuộc sống mà kẻ khác coi như ước định. Những con người ấy thực ra không thực hiện một chiến công nào cả: họ chỉ đối lập với hệ thống từ việc từ chối đi phong bì sếp, từ chối im lặng trước sự gian lận, từ chối hùa theo đám đông và không tự suy nghĩ, phân tích, cảm nhận. Họ có thể chỉ là những kẻ “chạy marathon về chót”, nhẫn nại đi đến cùng cuộc đua dù ở phía đích không ai chào mừng họ.

Không phải ngẫu nhiên, cuốn sách này lại đặt bài viết về những kẻ vô danh, những kẻ ngỡ như chiến bại này, là tiểu luận mở đầu. Đặng Hoàng Giang đã viết bằng một giọng văn giàu cảm xúc về những kẻ chạy lê về đích với “lòng quyết tâm đầy đau đớn”, những kẻ “bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ”, những kẻ “tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ”. Những cố gắng của kẻ chạy marathon về chót này, thực ra, mới chính là những gì chúng ta cần có, chúng ta đang thiếu ở bối cảnh bây giờ, khi mà chúng ta đều mong muốn có nhiều hơn những đổi thay tích cực, tốt đẹp hơn xuất hiện trong đời sống xã hội.

Tiểu luận Đặng Hoàng Giang hấp dẫn bởi sự sắc sảo. Có lẽ nhiều người sẽ đồng ý với một nhận định như vậy. Nhưng sự sắc sảo cũng không phải là điều khó bắt gặp khi đọc tiểu luận hiện nay, tôi nghĩ thế. Hiếm gặp hơn là những trang văn thể hiện một đầu óc sắc sảo mà vẫn giàu khả năng cảm thông, một cái nhìn đời sống lý tính, thẳng thắn, gai góc mà vẫn bao dung và truyền cảm hứng, niềm tin, một lối viết lạnh, tỉnh táo, khúc chiết nhưng vẫn thấp thoáng một ý vị hài hước và sẵn lòng đối thoại, chuyện trò. Tiểu luận của Đặng Hoàng Giang, theo tôi, vừa sắc mà vừa hiền, nói cụ thể hơn, ở sự nhạy cảm, ráo riết và quyết liệt trong tư duy của anh, có cả sự bao dung, rộng rãi và trắc ẩn.

Trần Ngọc Hiếu
Nguồn: Tia Sáng

* NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, tháng 10/2015; 221 trang; Giá bìa: 72.000 đồng