Ngày đăng : 19/10/2015

Hành trình tìm về bản sắc Đà Lạt


Những ai từng tìm hiểu (để biết) hoặc khảo cứu tài liệu về Đà Lạt, đều có thể từng trải qua cái cảm giác cô độc và mơ hồ như lạc trong rừng sương mù của thành phố này vào những ngày mùa thu.

Cho đến nay, tìm về nguồn gốc Đà Lạt, giới khảo cứu trong nước vẫn loay hoay với Hồi ký A. Yersin, Tập san Sử Địa (số đặc khảo Đà Lạt 7-12.1971), cuốn Đà Lạt năm xưa của nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Tranh (ấn hành năm 2001) hay khá hơn, là những du ký rời rạc trong bộ Nam Phong tạp chí, một dữ liệu dân tộc học vùng cao nguyên Trung phần nói chung trong cuốn Rừng người Thượng của Henry Maitre, một chương ghi chép trong cuốn Ba năm ở An Nam của Gabrielle M. Vassal hay mới đây nhất, là thông qua lăng kính tiểu thuyết hóa của nhà văn Pháp Patrick Deville trong cuốn tiểu thuyết về cuộc đời bác sĩ Yersin có tựa Yersin: dịch hạch và thổ tả vừa có bản dịch tiếng Việt cách đây hai năm...

Nghe nói, ông Nguyễn Hữu Tranh, nhà nghiên cứu khiêm nhượng và kín tiếng đã từng làm một kho lưu trữ tư liệu cho Đà Lạt song tính chất phổ biến như một kho văn khố mở, từ đó có thể tạo ra các giá trị mới cho nghiên cứu lịch sử đô thị có số phận đặc biệt này thì cho đến nay chưa có những ghi nhận rõ ràng.

Chính sự thiếu thốn nguồn sử liệu nói chung cộng với sự thụ động trong giới nghiên cứu nặng hành chính đã dẫn đến tình trạng mù mờ, cảm tính. Điều này lý giải cho việc bấy lâu trên báo chí, ai cũng có thể bày tỏ “thất vọng”, phê phán sự “xuống cấp”, “không như xưa” của đô thị này theo lối cưỡi ngựa xem hoa, dựa trên cảm giác, đôi khi cũng thiếu thiện chí.

Mọi thiện chí hay tình yêu sâu sắc thực sự chỉ có thể xuất phát từ nền tảng của sự am hiểu ngọn ngành. Một cuốn sử cho Đà Lạt của ngày hôm qua, vì thế, cần hơn bao giờ hết, cho dù là để bán ở quầy sách phục vụ du khách ngày lễ hội, để chính cư dân Đà Lạt đọc để hiểu hơn về lý lịch cái thành phố mình đang sống hay có thể nằm yên đâu đó trong các kệ sách thư viện phục vụ cho giới nghiên cứu chuyên sâu. Nếu sách thực hay, đừng quá câu nệ.

Cuốn Đỉnh cao đế quốc - Đà lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp của nhà nghiên cứu lịch sử người Canada Eric T. Jennings (Phạm Viêm Phương, Bùi Thanh Châu dịch, Trần Đức Tài hiệu đính, Đại học Hoa Sen & NXB Hồng Đức ấn hành 2015) phần nào đáp ứng được cái yêu cầu đó.

Trước hết, như đã nói, cuốn sách là một tổng thuật có giá trị cao về mặt sử liệu, một pho sử đáng tin cậy về Đà Lạt hình thành và phát triển trong thời kỳ Pháp thuộc. Để làm được điều đó, tác giả cuốn sách mất 10 năm, đi qua năm quốc gia, lặn lội trong hàng trăm tài liệu đủ các loại, từ văn chương đến du ký, sổ sách hành chính, thư tín, sơ đồ quy hoạch... để chỉ trả lời cho chúng ta câu hỏi: vì sao người Pháp đi tìm những vùng cao nguyên ở xứ thuộc địa Đông Dương này để làm nơi nghỉ dưỡng và sau đó là củng cố quyền lực đế quốc của mình?

Tác giả bắt đầu cuốn sách với những dữ liệu hãi hùng về tỷ lệ tử vong do bệnh nhiệt đới, về những chuyến thuyền của người Pháp từ xứ thuộc địa hồi hương chở đầy người bệnh và tử thi, về nỗi ám ảnh khí hậu xứ Đông Dương lây lan trong hàng ngũ binh lính, sĩ quan và cả những quan chức cấp cao trong chính quyền thuộc địa. Và tiếp theo đó là những cuộc cạnh tranh âm ỉ nhưng đầy khốc liệt trong chinh phục và khám phá những vùng cao nguyên để rồi sau đó ngòi bút của nhà nghiên cứu đã đi vào chi tiết cuộc chinh phục Lang Bian của nhà thám hiểm, bác sĩ Pháp gốc Thụy Sỹ A. Yersin.

Thông qua những tổng thuật về lai lịch của một thành phố, tác giả ngầm cho thấy, ngay trong kế hoạch xây dựng một chốn thiên đường nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe, để làm lành lặn vết thương tinh thần của những người Pháp tha hương nhớ nhà, thì Đà Lạt của thuở ban đầu mang trong đó sự ưu tiên đặc biệt lớn so với những vùng cao khác ở Đông Dương: Sapa, Tam Đảo, Bà Nà hay Bokor (Campuchia), Trấn Ninh (Lào) nhưng cũng chứa đầy những mâu thuẫn. Mâu thuẫn, quan điểm trái chiều diễn ra ngay trong chính nội bộ chính quyền thuộc địa, các nhà quy hoạch tác động không nhỏ đến chính sách xây dựng thành phố trong từng thời kỳ. Sự liên tục tranh cãi, phản biện ngay trong chính quyền thuộc địa, sự điều chỉnh kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn hình thành một đô thị nghỉ dưỡng cho thấy lý tính trong việc thiết lập bản sắc cho đô thị.

Đà Lạt không chỉ là nơi nghỉ dưỡng, mà còn là đô thị hóa giải các vấn đề giữa hệ thống chính trị thực dân với chính quyền vua Bảo Đại, giữa người Pháp với người Việt, giữa người Thượng với người Pháp....

Đà Lạt phát triển nhanh vào thập niên 1930, đặc biệt sau khi có đường sắt và hệ thống hạ tầng, các biệt thự được xây dựng.

Từ một đô thị nghỉ dưỡng, một thiên đường tiêu dao, Đà Lạt một mặt mang diện mạo xa xỉ của một “nước Pháp thu nhỏ”, một mặt, là trung tâm văn hóa, giáo dục con em Pháp và tầng lớp thượng lưu ở Đông Dương. Để từ đây, tham vọng về một trung tâm hành chính (hay có thể gọi là thủ đô) của Liên bang Đông Dương dần dần định hình.

Eric T. Jennings, 40 tuổi, là giáo sư sử học chuyên về chủ nghĩa thực dân Pháp hiện đại tại Đại học Victoria thuộc Viện Đại học Toronto. Ông từng có những công trình nghiên cứu về sinh hoạt chính trị thuộc địa ở Tây Ấn, Đông Dương, Madagascar thuộc Pháp dưới chế độ độc tài Vichy, vùng châu Phi xích đạo thuộc Pháp... Ông cũng là người đồng chủ biên nhiều công trình nghiên cứu về hậu thực dân được giới chuyên môn đánh giá cao.

Từ năm 1945-1954 dồn dập những biến cố trong lịch sử thế giới: xung đột Nhật - Pháp gia tăng, sự lớn mạnh và gây ảnh hưởng của lực lượng Việt Minh, Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân toàn cầu vào hồi suy thoái,... thúc đẩy đế quốc thực dân Pháp phải “để lại” cho Quốc trưởng Bảo Đại xây dựng Đà Lạt như một trung tâm hành chính của Hoàng triều cương thổ (từ năm 1950-1955). Người Pháp rút khỏi Đông Dương, chấm dứt giấc mộng quyền lực đế quốc tại đây, lẽ ra pho sử đã có thể kết thúc một cách gợi mở, nhưng có cảm giác tác giả tỏ ra chu đáo khi đi tiếp hai chương cuối, Đà Lạt 1954-1975, dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm và người Mỹ kiểm soát. Sự chu đáo đó, gợi mở thêm một điều đằng sau cuốn sách: có thể tình hình chính trị thay đổi, chính sách dân cư, tôn giáo, quy mô dân số thay đổi nhưng những gì người Pháp thiết lập ban đầu nơi đô thị này - là trạm nghỉ dưỡng, trung tâm giáo dục và văn hóa, chính trị quan trọng của cao nguyên trung phần Việt Nam - như ngầm phác thảo ra những nét căn tính của đô thị Đà Lạt... đứng vững qua thời gian.

Với phương pháp nghiên cứu lịch sử liên ngành - phương pháp nghiên cứu khoa học phổ biến hiện đại - cùng sự dày công khai thác nguồn tư liệu độc đáo, phong phú, Eric T. Jennings đã tạo ra cuốn sử riêng về một thành phố đầy độc đáo. Nhược điểm của cuốn sách có lẽ nằm ở sự lặp lại nhiều diễn giải dễ khiến người đọc mất kiên nhẫn, nhảy quãng khi đọc. Nhưng đặt cuốn sách trong khu vực sách nghiên cứu về Đà Lạt, như đã nói, thì đây là một đóng góp quý giá đến từ một nhà nghiên cứu lịch sử ngoại quốc. Nhiều dữ liệu quý trong cuốn sách lần đầu được khai thác, có sức gợi mở, tạo hứng thú cho những nhà nghiên cứu có tham vọng đào sâu hơn vào lãnh địa thú vị này.

Đặc biệt, sáng tạo và gợi hứng nhất là ở ý tưởng đặt lịch sử một đô thị trong bức tranh lịch sử một thời kỳ quan trọng của lịch sử nhân loại - lịch sử thực dân. 

Nguyễn Vinh
Nguồn: TBKTSG