Ngày đăng : 19/10/2015

Tìm về những khoảng trống


Một bộ văn học sử, dù thế nào, vẫn là cơ hội để người đọc tự do lần tìm những khoảng trống mà nó chưa/không kịp san lấp. Bài viết này bước đầu hình dung một số khoảng trống ấy trong khi nhìn lại giai đoạn văn học Việt Nam, đầu thế kỉ XX đã được giáo trình hóa một cách vững chắc, kéo dài.

“Chỉ tại Hoài Thanh” hay là sự bất cập của những điển phạm

Những bài viết đính kèm tài liệu văn học sử chân xác gần đây của nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng có thể đã làm không ít người hồ nghi cái gọi là công bằng, khách quan trong việc định giá văn học Việt Nam trước 19451. Việc anh đọc lại Tự lực văn đoàn, Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, giới thiệu kĩ lưỡng Nhượng Tống, cùng rất nhiều thông tin về báo chí văn chương trước 1945, một mặt, khía vào sự an tâm tiếp nhận của độc giả trước các hiện tượng quen thuộc, mặt khác, kéo theo một nhu cầu tái minh định giá trị văn học sử.

Tôi nghĩ, với rất nhiều vấn đề, tác giả, tác phẩm thuộc văn học trước 1945 vẫn đang còn những khoảng trống cần tìm lại và công việc ấy phải được coi là trách nhiệm đương nhiên của văn học sử. Nếu không, gần như bất kì ai có bằng cử nhân về văn học Việt Nam hiện đại cũng đã/đang và sẽ băn khoăn về mức độ trọn vẹn, đa dạng của những bảng giá trị văn học trước 1945 được cố định trong các giáo trình văn học sử hiện nay. Cũng đã và sẽ có nhiều người đặt câu hỏi về tính sáng giá, đặc sắc, đột biến, phức tạp của toàn bộ đời sống văn học giai đoạn đó một khi họ thấy người soạn sách phần nhiều chỉ dựa vào vai trò xã hội và ý hệ tư tưởng mà nhà văn can dự, đảm nhiệm lấy.

Dĩ nhiên, chúng ta không xa lạ gì với sự thật rằng văn học sử bao giờ cũng bị qui chiếu bởi cái nhìn chính trị - xã hội và việc xây dựng các điển phạm (canonization) trong đó không tránh khỏi sự ảnh hưởng từ đường hướng tổng thể hài hòa lợi ích mà một thể chế có thể đạt tới. Tuy vậy, vì thực tế văn học trước 1945 quá đa dạng, sinh động, nhiều khúc ngoặt và tiếng nói thực sự phong phú nên nếu chỉ vận vào một (hoặc vài) tiêu chí để giá trị hóa, chính thống hóa nó thì sẽ không tránh khỏi nhiều bất cập.

Là người có dăm năm chấm thi đại học, tôi không khỏi ngán ngẩm và giật mình vì sự kiên định của học sinh mỗi khi phải nói về Xuân Diệu, Nguyễn Bính hay Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Bao giờ cũng thế, cứ nhắc đến Xuân Diệu là trích dẫn Hoài Thanh, rằng nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ Mới” mà không cần dừng lại để phụ họa thêm mới ở đâu, vì sao mới. Giảng dạy văn chương trong nhà trường phổ thông ở nhiều nơi, có lẽ, là sự diễn dịch tận tụy các giáo trình văn học sử vốn đã chênh vênh, khuyết thiếu. Rất ít khi những thông tin mới về tác giả, tác phẩm, về các hiện tượng văn học khác ngoài sách giáo khoa được cập nhật. Vì thế, lỗi không phải vì Hoài Thanh đã điển phạm thơ Mới quá sớm và cũng chưa hoàn toàn thuyết phục mà chủ yếu vì văn học sử thừa nhận và sử dụng Thi nhân Việt Nam quá mức. Và đến lượt mình, giáo viên lại đẩy thêm một lá phiếu vinh danh, mặc định những gì Hoài Thanh đã phát biểu cách đây hơn 70 năm. Tôi xin nhường câu hỏi về tính sáng tạo trong giảng dạy cho các nhà cải cách giáo dục đang hăm hở đề ra nhiều phương pháp mới. Ở đây, tôi chỉ chờ đợi sự thay đổi thật sự trong cái nhìn văn học sử của nhà trường, một quyền uy/lực quan trọng của hệ thống thiết chế phổ cập tri thức.

Độ lùi thời gian cũng như các điều kiện học thuật tương đối cởi mở đã cho chúng ta biết Thơ Mới không phải “tới hay lui cũng chừng ấy mặt người”, viết về Thơ Mới không chỉ có Thi nhân Việt Nam. Tương tự, chúng ta hoàn toàn được quyền nêu thắc mắc về vị trí của “những người khổng lồ” khác trong giai đoạn mà công cuộc canh tân văn hóa - xã hội rất cam go đã đặt lên vai họ. Chúng ta cũng chưa thể bằng lòng với các nhận định còn khái lược về bối cảnh lịch sử, chính trị đã tác động đến sự hình thành, phát triển văn chương giai đoạn này. Ngay cả bản thân những điển phạm đã có thì không hẳn mọi dữ liệu đang dùng để chứng thực cũng đã đầy đủ và chính xác nhất. Đành rằng văn học sử đôi khi chỉ dừng lại ở “diện” mà không thể đi sâu vào “điểm”, nhưng như một qui luật, sự xuất hiện của thực thể này sẽ tiết lộ sự vắng mặt thực thể khác. Tại sao vắng và sự vắng mặt này đã gây hệ quả gì hẳn sẽ là vấn đề không dễ giải quyết tức thì.

Một mô hình viết văn học sử quen thuộc lâu nay vẫn là đi từ khái quát (bối cảnh văn hóa - xã hội; trào lưu, xu hướng) đến cụ thể (tác giả, tác phẩm). Mô hình này đem lại bức tranh tổng thể và từ đó, kịp lưu lại các nét diện mạo, đặc trưng bản chất nổi bật. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc sẽ bỏ rơi “những lịch sử” nhỏ hơn, mà với văn học trước 1945, đó sẽ là lịch sử về thể loại, về phê bình, về báo chí văn chương, về xuất bản/in ấn… Bằng cách nào để có nhiều góc tiếp cận, tổng kết văn học giai đoạn này, theo tôi, là quan trọng hơn thay vì chỉ quan tâm đến những gì đã tựu thành trong các bộ giáo trình như Văn học Việt Nam (1900-1945); Việt Nam văn học sử giản ước tân biên hay Bảng lược đồ văn học Việt Nam2. Nếu đa dạng hóa cách viết văn học sử thì khung vấn đề, khung giá trị cũng được mở rộng, vượt qua các ngăn trở dai dẳng về nhân thân tác giả, địa-chính trị, vùng miền…

Gần đây, như một cách đưa ra quan điểm văn học sử mới, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy và các cộng sự đã tiến hành viết lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từ góc độ lí thuyết hệ hình. Nỗ lực này, theo tôi, vẫn là để điều chỉnh cơ cấu tri thức văn học sử nhiều năm liền tưởng đã ổn định. Nhưng không thể hoàn thiện nếu các sinh hoạt văn chương đi kèm, từ giảng dạy, nghiên cứu, đến xuất bản đều thờ ơ hoặc đứng ngoài cuộc.

Nhà trường và công việc giảng dạy văn chương chưa phải là nơi cuối cùng chịu đựng sự khuyết thiếu của văn học sử. Còn có thể thấy sự lúng túng, băn khoăn của giới sử học, giới nghiên cứu văn hóa, tư tưởng khi muốn tìm đến hướng học thuật liên ngành.

Những bổ khuyết gần đây

Không phải sách giáo khoa, giáo trình văn chương là công cụ duy nhất để người đọc nắm bắt chi tiết về một giai đoạn văn học. Nhưng như đã nói, nó sẽ là một nguyên cớ để vào thời điểm thích hợp, những bổ khuyết được xuất hiện và lan truyền cảm hứng đọc lại.

Vài năm qua, bởi mục đích hiển thị các khoảng trống mà công việc bổ khuyết văn học trước 1945 đã ngày một hiệu quả, sinh động, trong đó, đáng kể vẫn là khối lượng lớn đơn vị tác giả, tác phẩm từng ghi dấu ấn được hiện hữu trở lại như chưa bao giờ cũ.

Một ví dụ điển hình là, cùng lúc, năm nhân vật quan trọng của giai đoạn trước 1945 được phục dựng: Phan Khôi (1887-1959) đã có thể minh bạch hóa ở sự nghiệp báo chí với chín tuyển tập Tác phẩm đăng báo (từ năm 1928 đến 1937); Phạm Quỳnh (1893-1945) phần nào đã xác thực toàn bộ trước tác khi Tuyển tập Du kí (2013) nối vào những Luận giải văn học và triết học (2003), Thượng Chi văn tập (2006), Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007), Hoa Đường tùy bút (2011) được sưu tầm, giới thiệu trước đó; Trương Tửu (1913-1999) khép lại một cách rực rỡ với Tuyển tập nghiên cứu văn hóa (2013) sau Tuyển tập nghiên cứu phê bình (2007) và  Tuyển tập văn xuôi (2009); Đào Trinh Nhất (1900-1951) không chỉ có Tuyển tập tác phẩm (2011) mà còn được chia nhỏ, in từng cuốn quan trọng như Lương Ngọc Quyến (2014), Phan Đình Phùng (2014), Nhật Bản duy tân 30 năm (2015); Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), muộn mằn hơn cả, khi mới khởi đầu tập 1 (trong dự kiến 15 tập bộ sách Lời người Man di hiện đại) mang tên Phong tục và thiết chế của người An-nam, khiến câu hỏi đặt làm tiêu đề cho tập sách viết về ông Nguyễn Văn Vĩnh là ai? (2013) vẫn còn nhiều thảng thốt đến đau lòng.

Như vậy, về mặt trước tác, những thiếu hụt đã dần được tìm thấy, những phong thanh đã có sở cứ, những rời rạc đã thành qui củ hệ thống. Phần lớn các trước tác nêu trên đều ra đời trong giai đoạn đầu thế kỉ XX, lúc cuộc tiếp xúc của Việt Nam với thực dân Pháp không đơn thuần diễn ra trên bình diện địa-chính trị. Giáo dục, văn hóa văn chương, tư tưởng đều là những lĩnh vực dễ bị điều chỉnh và tái cấu trúc, ngay cả khi bản thân chúng đều có những phản ứng và tự vệ nhất định, mà một trong những hệ quả tất yếu của nó là xuất hiện kiểu trí thức dân tộc-bản địa mới. Sản phẩm tinh thần của tầng lớp này minh chứng cho tính chất cộng sinh hai cơ địa văn hóa: truyền thống-hiện đại, Việt-Pháp, phương Đông-phương Tây. Cả Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất, Trương Tửu, ngoài vốn liếng văn hóa bản địa, đều kịp tiếp thu nền học vấn mới, dù ở mức độ khác nhau, và từ đó, khuếch tán những hiểu biết mới đến quảng đại quần chúng như hành động tất yếu của một trí thức độc lập. Lấy sách vở báo chí làm diễn đàn cho những điều mình tâm đắc, họ đã di chuyển sang không gian xã hội dân sự mang tính học thuật, nơi họ có cơ hội “khai dân trí, chấn dân khí” sau khi chứng kiến sự thất bại không thể cứu vãn của phần lớn các hoạt động tư tưởng, tinh thần kiểu cũ được gây dựng bởi tầng lớp nhà nho chí sĩ. Chỉ với ngòi bút sắt, các trí thức bản địa ít ra cũng đã giành lại những thế/lực nhất định trước tình thế thực dân hóa văn hóa đang đi cùng súng ống áp đảo. Chỉ với sự cởi mở, dân chủ ít ỏi mà chính quyền cai trị đôi khi nới lỏng, họ cũng tìm đến khả năng đối thoại, tranh biện nhưng không bị đặt vào lép vế. Động thái này khiến tôi hình dung họ không chỉ là “kẻ môi giới văn hóa”, danh xưng có phần dè bỉu từ cửa miệng thực dân, mà còn là những người đối thoại văn hóa, một phẩm chất thuộc về kiểu người trí thức độc lập.

Khi nhìn lại đôi nét về hành trạng tri thức của họ, ta có thể hình dung rõ nhu cầu canh tân đất nước là đau đáu từng giây từng giờ nhưng không thể dứt điểm một lần cho tất cả, càng không thể thỏa mãn cho mọi đòi hỏi về tựu thành. Cùng với họ, nhiều trí thức khác cũng góp phần tạo nên lực đẩy cần thiết để xã hội Việt Nam tiến từng bước vào tính chất hiện đại cho dù dở dang. Giới văn học sử có thể đã bị hút vào những diễn ngôn lịch sử ưa sự kịch tính hóa cách mạng giải phóng dân tộc mà bỏ quên tầm quan trọng của canh tân, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện bị thực dân hóa. Giờ đây nhìn lại, trước áp lực truy cầu các nội lực đủ mạnh để hội nhập quốc tế, cự li với quá khứ hẳn đã tiệm cận hơn đến trung thực, công bằng. Dĩ nhiên, mọi sự trở lại đều không dễ dàng. Công việc của văn học sử hiện nay, nói một cách sòng phẳng, là bộn bề và khó khăn nhưng không thể lảng tránh mãi nhiệm vụ tái minh định nhiều sự nghiệp đã bị diễn dịch phiến diện, sơ lược.

Ở phạm vi bao quát hơn, công trình Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954) (NXB Thế giới, 2013) của Trịnh Văn Thảo, hay Hồ sơ về Lục châu học (NXB Trẻ, 2015) của Nguyễn Văn Trung, cũng là một điểm nhấn.

Cuốn sách của giáo sư Thảo đưa ra những dữ liệu, con số rất cụ thể và đưa ra những mô tả khái quát nhất về đặc điểm, tính chất, xu hướng hoạt động của ba thế hệ trí thức Việt Nam từ cuối XIX đến nửa đầu XX: thế hệ 1862, thế hệ 1907 và thế hệ 1925, tổng là 222 người. Sự khác biệt giữa ba thế hệ này, trong bối cảnh Việt Nam đương đầu với quá trình thực dân hóa, phần nào giúp người đọc nhận biết được những nỗ lực không mệt mỏi của giới trí thức Việt trong quá trình thích ứng, tiếp nhận và lựa chọn cung cách hành xử trước hai vấn đề có thể coi là cơ bản: giải phóng dân tộc và canh tân văn hóa. Đây là cuốn sách cho thấy sự đắc dụng của phương pháp xã hội học trong nghiên cứu lịch sử, trở thành một tài liệu quan trọng và khá hấp dẫn cho giới nghiên cứu.

Cuốn sách của giáo sư Nguyễn Văn Trung (vừa được Quỹ Phan Châu Trinh trao giải Sách hay 2015) lại tập trung dẫn giải, chứng minh sự sôi động, tiền phong của đời sống văn chương - báo chí quốc ngữ Nam Bộ từ 1865-1930. Công trình rất nhiều tư liệu này, thực chất, là rất “ý tứ” nhắc nhở thái độ bỏ quên văn chương lục tỉnh trong nhiều bộ văn học sử được viết bởi các tác giả miền Bắc. Nguyễn Văn Trung đã dựa vào các đặc tính dân tộc học của xã hội và con người miền Nam để diễn dịch những đặc điểm văn chương rất riêng thuộc vùng đất này, giải tỏa một số thiên kiến về miền Nam (chẳng hạn: báo chí không có tính cách văn chương; văn nôm na, trơn tuột như tiếng hằng ngày; thiếu cái gốc truyền thống văn hóa dân tộc sâu xa…)

Ở thời điểm hiện tại, đã và sẽ có nhiều người coi việc đọc những tác phẩm, văn bản cách đây cả trăm là sa đà hoài cổ. Nhưng nếu nhìn vào hiện tượng độc giả thích thú bộ sách Việt Nam danh tác thì có thể tin rằng, trong khi văn học sử vẫn muốn áp đặt một chuẩn mực nhất định thì độc giả đã có thể làm mới bản thân bằng việc tìm kiếm những giá trị khác, thích hợp hơn với quan điểm của mình. 

-------------------
1 Xin xem các bài “Vài tác phẩm hiếm của Nhượng Tống”, “Khu vườn Nhượng Tống”; “Tiểu luận thứ nhất về Tự lực văn đoàn”, “Một sự nghiệp tuyệt đẹp” trên blog cá nhân: http://nhilinhblog.blogspot.com/.

2 Văn học Việt Nam (1900-1945) [NXB Giáo dục, H., 1997) được coi là một giáo trình văn học sử cơ bản hiện nay ở bậc cử nhân ngữ văn. Công trình tập thể được tái bản rất nhiều lần này hình thành trên cơ sở sửa chữa, chỉnh lý các cuốn Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930 của Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng; và công trình Văn học Việt Nam (1930-1945) của Phan Cự Đệ, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Hà Văn Đức; Việt Nam văn học sử giản ước tân biên [Quốc học tùng thư, 1961-1965] của Phạm Thế Ngũ gồm ba tập, trong đó tập III là Văn học hiện đại 1862-1945; Bảng lược đồ văn học Việt Nam [Trình Bầy xuất bản, 1967) của Thanh Lãng gồm hai quyển, trong đó, quyển hạ là  Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945). Hai công trình của Phạm Thế Ngũ và Thanh Lãng cũng là những tài liệu nền về văn học Việt Nam trước 1945, được sử dụng trong bậc đại học ở miền Nam 1954-1975.

Mai Anh Tuấn
Nguồn: Tia Sáng