Ngày đăng : 09/10/2015

Tặng sách và mời đám giỗ


Tuổi thanh niên, bước chân vào nghiệp, một trong những niềm vui là nhận được sách tặng. 


Đôi khi trầm ngâm trước nét bút và chữ ký của các tác giả đi trước. Có người chữ ký thật thanh thoát, có người chặt chẽ từng nét, có người chơn chất như viết rõ ràng bút danh, có người mỗi năm ký mỗi khác. Ông Vũ Hoàng Chương tựa hồ dựng một hàng rào. Ông Đinh Hùng bay bướm lả lướt, và nhất định viết Nguyễn Ngu Ý, Trần Huyền Ân, chứ không chịu Nguiễn Ngu Í, Trần Huiền Ân.

Thời ấy không phải hễ mở miệng ra là gọi nhau bằng nhà văn nhà thơ, càng không gọi là nhà văn thiếu tướng, nhà văn đại tá… Các chức vụ hành chánh và quân sự bị gạt ra ngoài khi bước vào lãnh vực văn chương. Cũng không ai đề Nhà văn… Nhà thơ… trước bút danh mình khi ký tên.

Cứ đơn giản là Vũ Hòang Chương, Hữu Phương, Cao Tiêu, Diên Nghị, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Dương Hùng Cường, Dương Nghiễm Mậu, cả Trần Văn Hương với Lao trung lãnh vận , cụ cũng chỉ ghi tên. Chức vụ và cấp bậc không làm cho văn thơ hay hơn, nếu văn thơ dở càng làm hao hụt danh tiếng chức vụ và cấp bậc.

Nhận sách tặng lúc nào cũng đọc kỹ, và có thư bày tỏ ý kiến, dưới góc độ cảm nhận chứ không phải góc độ phê bình. Nhờ Thuốc trường sanh hiểu thêm được phần nào lời thề cọp hú linh thiêng trong Nam. Ngẫm nghĩ Méa Culpa thích thú với những bồng bột, thẳng thắn các chàng trai trong bối cảnh 1945-1946. Ở Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang, xông xáo và phẫn nộ, hùng tráng và bi thương những năm 1960-1975… ẩn ức hòa quyện.

Đến khi in được sách, lập ngay một bảng kê những người cần tặng, gói ghém gởi đi. Và trông chờ thư hồi âm, trông chờ bài điểm trên báo chí, trên nguyệt san Tin Sách. Nguyễn Kim Phượng là người điểm sách rất có duyên, bằng những cách ví von, dẫn dụ làm cho lời khen không khách sáo và lời chê không nặng nề.

Một hôm, tôi và một người bạn (tạm gọi là A) ghé nhà một người bạn chung (tạm gọi là B), thấy tập thơ của một bạn khác (tạm gọi là C) có đề tặng B, vất dưới đất, gần đầu giường B nằm. A bất bình nhưng im lặng, sau đó mới nói như vậy là B coi thường C.

Tôi suy nghĩ khác: Có thể B thích tập thơ của C, thường đọc đi đọc lại và vô tình đánh rơi ở chỗ ấy. So với người khác, nhận sách bạn tặng rồi cất kỹ, không xem đến, cách làm nào đúng hơn? Trong tủ sách của tôi, sách thường được đọc bao giờ cũng long gáy rách bìa, còn sách ít khi cầm đến thì vẫn mới nguyên.

Trước khi  “nhập đô thành” tôi có hai mươi năm sống ở làng quê. Mỗi gia đình chọn một ngày kỵ quan trọng trong năm, làm đầy đủ mâm cỗ mời bà con, quen thuộc, đãi suốt cả ngày. Có khi chỗ thân tình ở một làng khác, đi mời mất nửa buổi đường. Bạn phải gác việc nhà lại, đến dự, mất ít nhất là nửa ngày. Bởi vậy mới có câu Ăn đám giỗ lỗ buổi cày.

Ăn đám giỗ không phải mang theo lễ vật, có mặt là quý, một mặt hơn mười gói, chủ nhà còn gởi đem về cho con cháu vài món bánh, và không thể thiếu bánh ít lá gai. Thành ra trước khi đi ăn đám giỗ thường dặn con cháu: Ở nhà cho ngoan, rồi ông/bà, hay cha/mẹ đem bánh ít về cho. Không đến sẽ bị trách: Đám giỗ cha (hay mẹ) tôi, mời ổng không tới!

Có người nói: Làm đám giỗ để trả nợ miệng. Không đúng một phần, người mời mong bà con bạn bè đến cho vui, để linh hồn người đã khuất vẫn hiện diện thấy rằng con cháu mình còn được đông người thương mến. Chuyện Mất và Còn giữa hai cõi âm dương mang một ý nghĩa quan trọng. Cũng đúng một phần, ta cứ đi ăn đám giỗ mãi cũng ngại, phải làm đám giỗ để mời lại, chứ không không e có phần… khó coi!

Bữa nọ, một chị nhà thơ cho biết: Đang xin khoản tài trợ, nếu không cũng cố gắng gom góp tiền in tập thơ, in tặng bạn bè, chứ bán khó lắm, bán ai mua! Chị ấy cười: In thơ cũng như đám giỗ vậy, đi ăn của bằng hữu mãi… phải mời lại, người ta tặng sách mình nhiều quá, phải có sách tặng lại chứ, nín thinh sao được!

Trần Huiền Ân
Nguồn: Tuổi Trẻ