Ngày đăng : 05/10/2015

Những đứa con của nửa đêm


Nó đây, chính nó. Cuốn sách đã tước đoạt của tui hai tháng ròng rã, đã ném đời tui vô một mê cung hỗn độn của những câu chuyện rối tinh rối mù về một đất nước còn rối loạn kinh hơn cả thế, với một kẻ dẫn đường rất khủng khiếp, một kẻ mà người ta gọi là phù thủy, một kẻ biết thả bùa, biết trù quến và luôn cố tình đi lạc. Kẻ đó là Salman Rushdie còn cái xứ sở kinh dị ấy, ta gọi nó là Ấn Độ.

Một cuốn sách cực kỳ khó đọc nhưng cực kỳ lôi cuốn. Nó lôi cuốn bạn trong lúc bạn thậm chí chả hiểu nó đang kể cái quái gì, như một kẻ bị ăn phải bùa mê thuốc lú. Nó dẫn bạn đi đến vấn đề một cách vô cùng quanh co, hỗn loạn, chuyện nọ xọ chuyện kia, hết sức mất trật tự. Salman Rushdie cứ thế thao thao bất tuyệt theo đúng nguyên tắc cái gì nghĩ tới trong đầu trước thì sẽ nhảy bổ ra giấy trước, và lỡ kẻ nào nói leo vào câu chuyện một chút thôi thì ông ta sẽ không ngần ngại mà đu theo cái kẻ nói leo ấy, đi cùng trời cuối đất. Một kẻ kể chuyện bất chấp trật tự, lớp lang, thế là một câu chuyện phi tuyến tính và một thế giới kỳ ảo huyền hoặc đã mở ra, với những hành trình bất tận.

Chỉ độ 10 trang thôi, và rồi bạn sẽ phát điên với cái lối dẫn đường tùy tiện của ông ta, tui biết. Cái kiểu phóng to thu nhỏ sự kiện vô cùng ngẫu hứng, lúc zoom in, khi zoom out, vừa mới soi tới ngón tay cái xong thì đã liên kết được ngay tới hàng lô lốc biến động chính trị trên toàn thế giới trong cùng thời điểm. Bạn sẽ điều tiết óc tưởng tượng và liên tưởng mệt nghỉ, sẽ vật vã và mất khả năng kiểm soát với cái kiểu điên khùng ấy. Với Salman Rushdie, không có chuyện đọc tới đâu hiểu tới đấy, chỉ có đọc hết toàn bộ thì mới có thể hiểu (và với tui, đọc hết rồi đọc lại lần 2 thì mới hiểu). Nhưng trong khi cả thế giới phát điên lên vì cái kiểu kể chuyện ấy, thì dân Ấn Độ xì một câu : có gì đâu mà ầm ĩ, chuyện ông ta kể tui cũng kể được, huyền ảo cóc khô gì :)). Thì đúng rồi, không ai hiểu chỉ một người rất hiểu, vì đó chính là em, vì em là Ấn Độ, và vì cuốn sách này, từ đầu tới cuối đã được Salman Rushdie tưới tắm cho một tinh thần Ấn Độ thật là bất diệt, và còn hơn cả thế.

Bởi vì Salman Rushdie rất tham vọng, cái tham vọng dám đem cuộc đời của một nhân vật đơn lẻ ra để phóng chiếu cho cả một dân tộc, dám truy ngọn nguồn của những biến động đau thương của dân tộc ấy về một khởi điểm là nỗi thống khổ cá nhân. Ông ấy đã tạo ra Saleem Sinai, đứa trẻ song sinh của đất nước Ấn Độ, đứa bé mang trong mình năng lực siêu nhiên, như chính cái đất nước mang trong lòng nó vô vàn câu chuyện thần thoại, tới mức thần thoại chính là một phần thực tế của cuộc sống. Cũng như số phận của dân tộc mà nó phản chiếu, Salem long đong lận đận và trôi dạt ngay từ khi nó mới sinh ra. Một đứa con lai bị tráo bọc, một kẻ bần cùng rơi vào tầng lớp thượng lưu để luôn phải sợ hãi cái bí mật của chính mình. Saleem, hay Ấn Độ, hay những dòng máu đã bị pha lẫn dòng máu của thực dân Anh, quay về bơ vơ trong cái huyết thống tưởng là của mình nhưng rồi xa lạ, hoang mang chới với với sự tự do và nền độc lập non trẻ chưa kịp thích nghi. Để rồi cả cậu và Ấn Độ, số phận của cả hai rơi vào vòng xoáy của những xung đột buổi giao thời, giữa xưa cũ và mới mẻ, giữa nền văn hóa phức tạp cũ kỹ và “sự khai sáng” của nước quốc mẫu để lại. Một thời đại hỗn loạn, một xã hội rối ren và con người cứ quanh co bế tắc trong những mâu thuẫn nội tại, không sao thoát ra được. Để rồi mặc lòng cho thời đại cuốn đi, mặc lòng cho sự phân ly, chia cắt rồi tan rã.

Ấn Độ mang gương mặt của đứa trẻ ngay giờ phút giành độc lập, gương mặt vĩnh viễn trẻ trung nhưng không sao trẻ hóa được tâm hồn già cỗi hỗn mang của nó. Tâm hồn trĩu nặng ưu phiền triền miên biết bao thế kỷ, tâm hồn chứa đựng cả nghìn xung đột từ tôn giáo đến sắc tộc đến giai cấp, tâm hồn loay hoay muôn thuở không tìm được một câu trả lời chung cho chừng ấy con người. Bởi thế một gương mặt Saleem Sinai là không đủ. Từ cái buổi giao thời ấy, vào cái đêm định mệnh ấy, không chí có số phận Salem bị buộc chặt vào số phận Ấn Độ, mà cái bóng của nó, cái bản thể đối lập của nó, đứa trẻ bị tráo bọc với nó cũng đã bị buộc chung vào. Như một hiện thân của sự hắc ám tồn tại trong nội thể, sự đen tối trong tâm hồn, Shiva, đứa con thực sự của dòng họ, đứa bé không may bị đẩy xuống sống cuộc đời tăm tối bần hàn để rồi lớn lên với cơ cực và bạo lực, đứa trẻ ấy cũng chính là Ấn Độ, một Ấn Độ mông muội, cực đoan nhưng thuần huyết, một Ấn Độ của cái ác và sự hủy hoại. Cái bóng muôn đời theo chân một đất nước vừa được hồi sinh.

Những đứa con của nửa đêm là một cuốn sách khó đọc, không chỉ vì lối kể chuyện rối rắm một cách cố tình của nó, không chỉ vì một khối lượng vấn đề đồ sộ được đặt ra trong cuốn sách, không chỉ vì những đầu dây mối nhợ chính trị giăng ngang kẻ dọc. Nó còn khó đọc bởi nó chứa trong mình nó cả một nền văn hóa vĩ đại, với những tầng sâu thăm thẳm lẫn bề rộng mênh mông, nó khó đọc bởi vì Salman Rushdie đã vận dụng hàng loạt điển tích điển cố, các câu chuyện thần thoại, sử thi và thậm chí là cả nghệ thuật châu Âu cũng không tha, cùng lối kể ẩn dụ vào câu chuyện vốn đã rất giống đống bùi nhùi của mình. Ông ấy cứ trộn lẫn tất cả chúng vào nhau để cho ra một món ăn sặc mùi cà ri không chạy vào đâu được.Ấn Độ ở đây rồi. Salman Rushdie đã làm công việc ông ấy cần phải làm để mô tả Ấn Độ, đó là bẻ gãy tất thảy các loại cấu trúc, bố cục, trật tự chỉ để lại một hổ lốn các câu chuyện mà cho dù bạn làm bất cứ cách gì thì chúng nó vẫn cứ dính chùm với nhau bền bỉ keo sơn không sao gỡ ra được.

Thỉnh thoảng tui cũng phải tự tha thứ cho chính mình nếu vấp phải một cái hố thuộc về văn hóa Ấn Độ tối om, tặc lưỡi bỏ qua vì không thể đào sâu hơn bởi vì đời người thì có hạn. Những gì cuốn sách này đem lại, giống hệt đất nước Ấn Độ nó phản chiếu, tầng tầng lớp lớp, một hai lần ghé qua không thấy hết được, cả đời ở đó có khi cũng không thấy hết được. Có thể vì lẽ đó mà người ta đã dúi vào tay ông ấy một cái giải Man Booker, rồi thêm chục năm sau, người ta thấy vẫn chưa ép phê, dúi thêm cho ông cái giải nữa có tên là Booker of Man Booker. Sau chừng ấy năm, người ta vẫn chưa thôi bị choáng ngợp.

Nguồn: Kafka