Ngày đăng : 24/08/2015

Miền Nam trong mắt một người miền Bắc


Dù còn nhiều điều cần bàn thảo nhưng “Hồ sơ về Lục châu học” là một công trình kết tập tài liệu (phần lớn là quý hiếm) và khảo cứu quy mô hoành tráng trước giờ hiếm thấy. Điều đáng quý hơn nữa là cung cách làm việc khoa học và sự cẩn trọng khách quan trong việc trình bày luận điểm của tác giả.


Với tên sách khá dài, Hồ sơ về Lục châu học - tìm hiểu con người vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930 có thể khiến người đọc khó hiểu.

Với cách gọi “Lục châu” để chỉ vùng đất Nam bộ ngày nay, mặc dù được tác giả Nguyễn Văn Trung giới thiệu rất rõ trong “Lời nói đầu” và trưng ra nhiều thông tin báo chí đương thời minh chứng cách gọi này, tuy nhiên lạ vẫn cứ lạ. “Nam kỳ lục tỉnh” hoặc “Lục tỉnh” hay lúc nhiều hơn sáu tỉnh thì gọi chung chung là “Nam kỳ” mới là những tên gọi đúng, đủ nghĩa, phổ biến khắp bình dân bác học và có sức ảnh hưởng lâu dài về sau, đáng làm tên gọi đại diện hơn “Lục châu”.

Sự lấn cấn về hồ sơ với tài liệu, Lục châu với Lục châu học trong nhan đề sách này có lẽ cũng đáng lưu ý. Nội dung sách cho thấy số hồ sơ lưu trữ rất ít so với tài liệu báo chí và sách sử đương thời, và ở một góc độ khác số hồ sơ này hình như gần với phạm vi Lục châu hơn là Lục châu học.

Ở một góc khác nữa, việc thiếu vắng đến mức không có một ảnh chụp hồ sơ nào suốt tập sách hơn 600 trang có lẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ khả tín của một số nhận định được trình bày liên quan đến hồ sơ, hoặc vấn đề mà hồ sơ mang tính quyết định.

Tản mạn về nội dung sách

Bỏ qua những điều cần bàn thảo về cách định danh cũng như khái niệm do tác giả quy ước, dễ nhận thấy đây là một công trình kết tập tài liệu và khảo cứu quy mô hoành tráng trước giờ hiếm thấy. Ngoài việc đưa đến người đọc những hồ sơ và tài liệu phần lớn là quý hiếm, điều đáng quý hơn nữa là cung cách làm việc khoa học và sự cẩn trọng khách quan trong việc trình bày luận điểm của tác giả.

Như tựa sách đã nêu và qua nội dung của nó, mục đích chính của công trình này là tìm hiểu tính cách người miền Nam thông qua các nguồn tài liệu bản địa (bằng quốc ngữ) đương thời. Trước đây, nhà văn Sơn Nam từng làm việc này nhưng với nhãn quan và kinh nghiệm thực tiễn của một nhà văn, cùng với sự hạn chế trong việc tiếp cận/thu thập tài liệu, nên những biên khảo của Sơn Nam tuy được cái sinh động, hấp dẫn nhưng có một số nhận định thiếu chính xác và về tài liệu thì có nhiều điểm không được chắc chắn. Công trình này của giáo sư Nguyễn Văn Trung tiến hơn một bước so với trước về tính khoa học và độ tin cậy của những tài liệu được dẫn và nêu.

Để phục vụ mục đích chính, tác giả đã vận dụng tối đa những nguồn tư liệu có thể và qua nguồn này, người đọc có thể khai thác, khai triển hoặc bổ sung cho nhiều đề tài nghiên cứu khác về lịch sử văn chương - ngôn ngữ, lịch sử văn hóa - tôn giáo, lịch sử báo chí… vùng Nam bộ.

Chẳng hạn, nếu có một đề tài mới gọi là “Lịch sử biên soạn sách lịch sử Việt Nam bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam” thì nhờ vào công trình này, người thực hiện đề tài sẽ đỡ phải chật vật. Với việc xác định cuốn sách lịch sử Việt Nam bằng chữ quốc ngữ nào được viết sớm hơn cả (trong chương III), tác giả đã cho người đọc một danh mục tám tựa sách được xuất bản từ năm 1901-1919, có nghĩa là chúng ra đời trước Việt Nam sử lược (1919) của Trần Trọng Kim khá lâu. Đằng sau những ưu khuyết của mấy cuốn sử có sớm ấy mà Nguyễn Văn Trung đã phân tích và nhận định khá khách quan, người sau có thể thấy cần phải thận trọng hơn trong vấn đề xác định giá trị hay ý nghĩa tiên khởi của sử phẩm nào đó trong lịch sử trước tác.

Thiên kiến trong nhận định đối với những vấn đề đang bàn cãi là vấn đề mà tác giả Nguyễn Văn Trung có nhiều trăn trở. Phải thừa nhận rằng ông đã nêu lên khá nhiều luận điểm hợp tình hợp lý trong cách đánh giá tính cách người Nam bộ, như những nhận định sắc sảo, xác đáng và khá lý thú về địa chính trị ảnh hưởng ra sao (trong chương I…), về tiếng nói, văn viết biểu lộ hay phản ánh như thế nào đến tính cách ấy (trong chương II, chương VIII).

Tuy nhiên, đôi chỗ chính tác giả lại rơi vào thiên kiến, như ở chương IV trường hợp nhận định về cố Du (linh mục Marchand, tên chữ Hán trong văn bản triều Nguyễn là đạo trưởng Mã Song). Về Lê Văn Khôi và vai trò của những thế lực yểm trợ cuộc nổi dậy ở thành Phiên An/Gia Định (1833-1835), liên quan đến nhân vật cố Du trước giờ có hai luồng ý kiến trái ngược: một là, cố Du chủ động gia nhập hàng ngũ nổi dậy và hai là, cố Du bị Khôi ép phải theo. Ngay cả một số sách lịch sử Công giáo ở VN do người Công giáo viết cũng tồn tại hai luồng ý kiến đó, như Trương Vĩnh Ký thì theo thuyết thứ nhất. Dựa vào tài liệu trong sách Hạnh Á thánh Marchand (Du) của linh mục Matthêu Đức, Nguyễn Văn Trung đã theo thuyết thứ hai.

Vấn đề đặt ra ở đây là liệu trong ba nguồn tài liệu: chữ Hán của triều Nguyễn, chữ Pháp của các giáo sĩ, chữ quốc ngữ thì nên tổng hợp hay chỉ chọn một, và mặt khác có cần phải xét tới quan điểm của mỗi bên, mỗi người viết hay không để những tình tiết thông tin được dung hòa nhằm đi đến kiến giải có thể. Trong vấn đề này, thấy tác giả đã nhận định chủ quan khi chỉ dựa vào riêng tài liệu quốc ngữ. Đây cũng là một trong vài điểm mà đôi lúc độc giả nên xét đoán cẩn thận.

Phần viết về đạo Cao Đài (chương V) lại khác hẳn với phần viết về cố Du nêu trên, nghĩa là tác giả không dừng lại ở tài liệu chữ quốc ngữ (của Đào Trinh Nhất, Băng Thanh, Trần Huy Liệu…) mà còn khai thác những tài liệu, hồ sơ tiếng Pháp (của La Laurette - thanh tra chính trị sự vụ và hành chính Nam Kỳ, Vilmont - tham biện chủ tỉnh Tây Ninh, một số báo cáo của mật thám Pháp…). Như vậy, nếu tách riêng chương V (nghiên cứu về đạo Cao Đài, 80 trang) thành một sách thì có lẽ đây là một tập khảo cứu mới mẻ và hấp dẫn, nhưng khi phần này là một chương trong sách đang nói thì lại không phù hợp với tiêu chí “tài liệu chữ quốc ngữ” như nhan đề đã nêu.

Điều đáng tiếc là khâu biên tập của nhà xuất bản đã để quá nhiều sai sót trong sách này. Ngoài các lỗi morasse thông thường, những lỗi gây khó khăn nhiều cho người đọc cũng không ít. Xuyên suốt và nổi bật là cách trình bày không rõ ràng và thiếu nhất quán (câu văn trích lúc đổi font, lúc thì không), tài liệu/câu văn trích dẫn lẫn lộn với lời văn/nhận định của người viết (thí dụ như ở tr.98, tr. 329), một đôi chỗ lầm lẫn chú thích với chính văn (như ở trang 537, đoạn cuối của chú thích 1 ở trang trước bị đưa lên thành ba dòng chính văn ở đầu trang sau).

Nhiều lỗi chính tả nặng, gây khó hiểu như trong câu: “Tấm gương của cụ Trần Chánh Chiếu thật đáng cho những ai thuộc hàng tịch dám vong tổ hãy soi lấy mà suy hầu tự kiểm, tự phê” (tr.566). “Tịch dám vong tổ” là viết sai từ “Tịch đàm vong tổ”, vốn là một điển tích Tàu mà ngày nay đã không thấy dùng, ngay khi viết đúng cũng cần phải chú thêm thì người đọc mới hiểu; một số cách dùng từ theo kiểu xưa của tác giả lẽ ra cần phải được biên tập cho hợp thời (như cách gọi Nam Hải, tr. 542). Nhìn chung, đối với một công trình nghiên cứu nghiêm túc, những sai sót như trên ảnh hưởng không ít.


Lăng Ông Bà Chiểu (Ảnh: Hoàng Thịnh)

Người nghiên cứu nên đọc

Mặc dù trong sách còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận, trước mắt người đọc, nhất là những người nghiên cứu trẻ, đây vẫn là một công trình đáng quý. Từ cách làm việc, cách nhìn những hiện tượng xã hội đến cách bày tỏ quan điểm, tác giả đều cẩn thận chu đáo.

Trong nhiều vấn đề, ngoài việc tạo tiếng nói từ tài liệu, tác giả đã công tâm bình luận những nhận xét của người đi trước, tham chiếu phương pháp nghiên cứu hữu quan tiến bộ của nhiều học giả phương Tây về xã hội học, về cách tiếp cận đa chiều hoặc xu hướng nhìn lịch sử theo quan điểm của quần chúng... Những yếu tố này đã làm nhiều nhận định của tác giả có được sự dung dị rộng mở lẫn trong nền tảng kiến thức uyên bác, công trình vì vậy mang nét độc đáo và có sức hấp dẫn.

Ở chương X, ngoài chủ ý nêu lên “Những tiền đề về phương pháp luận”, tác giả còn gởi trong đó những lời tâm sự chân tình, như một cách chia sẻ kinh nghiệm bổ ích cho người đọc và đồng nghiệp.

Trong đó có thể thấy được niềm ưu tư của tác giả qua nhiều vấn đề, như việc phải làm sao để những nghiên cứu của người Việt Nam về nhân vật lịch sử, về lịch sử văn hóa Nam bộ chiếm được địa vị cao trên mặt bằng học thuật, thay vì phải chấp nhận nói theo kết quả nghiên cứu của những tác giả ngoại quốc (tr.532); hay như gợi ý chung cho người Việt Nam - không riêng Nam hay Bắc - cần phải khắc phục tâm lý truyền thống, không nên chỉ đề cao tinh thần dân tộc trên bình diện đấu tranh chính trị, quân sự, mà còn cần xem trọng cả bình diện kinh tế, thương mại (tr.557-558).

Hi vọng công trình này mang thêm giá trị mở đường cho nhiều nghiên cứu khác.

Với lợi thế tự nhiên là người gốc miền Bắc, am hiểu tính cách hai miền, tác giả có những so sánh độc đáo thông qua vài góc khuất thuộc dạng hậu trường làng văn mà nhiều người ngại miệng không đề cập. Như vụ lời qua tiếng lại giữa Phạm Duy Tốn với làng báo Sài Gòn do ông Tốn chê người Nam kỳ là “văn minh giả” (chương mở đầu); vụ Phan Khôi cãi cọ với một số người cầm bút Nam kỳ về việc sai đúng chính tả, đến nỗi có người cám cảnh mà mần giùm Đặng Thúc Liêng hai câu: “Đời ông chẳng giận hờn ai hết, Chỉ giận Phan Khôi một chữ G” (tr.584). Những trưng dẫn và so sánh với tinh thần giải tỏa kỳ thị “do lịch sử để lại”, cũng như xem chúng là một phần sử liệu tâm lý học phục vụ luận điểm hoặc giả thiết nhằm vào mục đích tìm hiểu tính cách người miền đất mới, tác giả đã không gây sự khó chịu cho người đọc Bắc hay Nam, mà trái lại rất sinh động, thú vị.

Phạm Hoàng Quân
Nguồn: Tuổi Trẻ