Ngày đăng : 24/08/2015

'Từ thăm thẳm lãng quên' - sự lơ lửng của những mảnh vỡ ký ức


Chủ nhân Nobel Văn chương 2014 khiến người đọc day dứt về cuộc gặp gỡ trong quá khứ. Ký ức ấy được gợi ra, tạc vào cảm xúc độc giả bằng ngôn ngữ tinh tế.

Tên tác phẩm: Từ thăm thẳm lãng quên
Tác giả: Patrick Modiano
Nhà xuất bản Hà Nội, 2015

Sau cuốn Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, một tác phẩm khác của Patrick Modiano vừa được xuất bản ở Việt Nam là Từ thăm thẳm lãng quên. Tác phẩm của nhà văn người Pháp luôn nhẹ nhàng như một bản nhạc phát trong quán chiều nhàn rỗi, còn độc giả là những vị khách sẵn lòng dành thời gian lắng nghe nhịp điệu dặt dìu, hoài niệm.

Từ thẳm thẳm lãng quên là câu chuyện về những dòng hồi ức tưởng chừng nhẹ nhàng về cuộc gặp gỡ từ ba thập kỷ trước. Những nhân vật có người dễ dàng quên chuyện cũ, có người vĩnh viễn bị quá khứ ám ảnh.

Mọi chuyện bắt đầu vào những năm 1960 của thế kỷ 20, khi người kể chuyện giấu tên gặp gỡ Jacqueline và Van Bever. Nếu Van Bever là người đàn ông hơi trầm lắng thì Jacqueline là một cô gái táo bạo, mang trong mình sự nổi loạn. Cả ba người cùng sống trong khu nhà trọ. Sau nhiều lần trò chuyện ở quán cà phê trên phố Dante, họ dần trở nên thân thiết.

Người kể chuyện (nhân vật tôi) ngày càng hình thành một tình yêu mơ hồ với Jacqueline. Thế nhưng Jacqueline chỉ dành tình cảm cho Van Bever. Dẫu vậy, cô đã nhờ nhân vật tôi lấy cắp tiền của nha sĩ Cartaud nhằm giúp mình đến được vùng đất Mallorca như ước nguyện. Mọi việc hoàn thành đúng dự tính của người đẹp. Jacqueline ra đi cùng nhân vật tôi, họ dừng chân ở London, Anh và gặp Peter Rachman - một người đàn ông trung niên giàu có yêu văn chương. Peter Rachman sẵn sàng bỏ tiền để nhân vật tôi sáng tác, đổi lại Jacqueline phải tham gia những buổi tiệc của ông ta. Mâu thuẫn dần hình thành khiến Jacqueline và nhân vật tôi chia tay.


"Từ thăm thẳm lãng quên" được chuyển ngữ bởi dịch giả Trần Bạch Lan. Ảnh: NN.

30 năm sau, trong một bữa tiệc, người kể chuyện gặp lại Jacqueline, lúc này đổi tên mới là Thérèse Caisley. Hình ảnh Jacqueline tồn tại trong tâm trí anh ngày xưa hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là một phụ nữ quý phái và nhã nhặn. Suốt hôm ấy, họ vờ như không quen nhau. Lúc tàn tiệc, hai người lén gặp nhau trong ô tô, ôn lại quãng thời gian cũ. Ngày hôm sau, khi nhân vật tôi trở lại tìm Jacqueline, nàng đã cùng chồng rời Paris để sang Mallorca.

Một thời gian dài sau đó, người kể chuyện cũng bặt tin Thérèse Caisley. Tất cả quá khứ, hiện tại, tương lai đều chìm vào quên lãng.

Những người đàn ông đến với Jacqueline đều hiểu mình chỉ là một trạm dừng trên hành trình đi đến Mallorca của nàng. Nhưng rốt cuộc, Mallorca vẫn không phải là vùng đất mang đến cho nàng sự thỏa mãn. Nó chỉ là một điểm đến trên hành trình quên lãng quá khứ của Jacqueline. Cả cuộc đời nàng trốn chạy để chối bỏ quá khứ, trong khi nhân vật tôi lại bị ám ảnh ở hiện tại. Hai nhân vật này là điển hình cho cách sống của con người sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Họ có chung bộ mặt hoang mang, luôn tự vấn về sự tồn tại của mình, phủ nhận ngày hôm qua để hướng tới những điều tươi sáng ở tương lai, để rồi, họ vẫn rơi vào bế tắc.

Không thiên về hành động, hay tình tiết, Patrick Modiano viết nên cuốn tiểu thuyết bằng một lối trần thuật đơn giản nhưng tinh tế. Theo dòng suy tưởng của người kể chuyện, những tên người, tên đường phố, mùi hương, khung cảnh tựa như những mảnh vỡ lần lượt được chắp nối. Trên phông nền cũ kỹ đó, nhân vật tôi không phải tâm điểm, anh ta lặng lẽ đứng bên ngoài quan sát, đôi khi trở nên vô hình và nhạt nhòa đến mức sự tồn tại của anh không gây ảnh hưởng đến một ai khác.

Đốm sáng trong cuộc đời nhàn nhạt ấy chính là tình yêu của anh dành cho nàng Jacqueline. Tình yêu ấy xuất phát từ một nỗi ám ảnh chung - quá khứ, dệt nên mối quan hệ kỳ lạ giữa thực tại và quá khứ. Quãng thời gian 30 năm chập chờn hiện lên qua vài cảnh tượng tại Paris, London, đại lộ lớn và phòng khách sạn tồi tàn. Tất cả những gì Patrick Modiano kể lại là những dấu ấn sâu sắc nhất đọng trong trí nhớ của nhân vật.

Cuốn sách là câu chuyện của những điều dang dở, từ tình yêu đến ước nguyện. Cả cái kết thúc cũng dang dở. Sự nửa vời đó khiến cho hiện tại và quá khứ kết dính với nhau trong khiếm khuyết, những kẽ hở không thể lấp đầy giữa hai chiều tạo nên một hố sâu thăm thẳm. Ký ức như một cây cầu, mỗi lần chạm đến là một lần run rẩy lựa chọn quên - nhớ. Mạch truyện gãy gập, chông chênh giữa hai chiều thời gian khiến tác phẩm như một cuốn nhật ký bị bỏ trong ngăn tủ, bẵng đi một thời gian lục ra viết tiếp rồi lại bị lãng quên.

Từng trang trong cuốn sách cứ thế tạo nên những tầng bậc cảm xúc tuần hoàn, mỗi lần quên - nhớ lại thêm một lần thấu hiểu cuộc đời. Người trẻ thấy mình trong câu chuyện tình yêu của Jacqueline, trong sự day dứt về nỗi cô đơn và lẽ tồn tại của nhân vật "tôi". Còn người già lại tìm thấy ở đó cảm giác chông chênh hoài niệm mỗi khi soi mình vào tấm gương quá khứ.

Patrick Modiano xuất hiện trên văn đàn từ năm 1968 với Quảng trường ngôi sao và giành cùng lúc hai giải thưởng văn học: Roger Nimier và Fenéon. Sự kiện này biến ông thành một hiện tượng của nền văn học Pháp lúc bấy giờ. Năm 1978 Patrick Modiano đạt giải Goncourt cho tiểu thuyết Phố những cửa hiệu u tối. Đặc biệt, năm 2014 ông trở thành nhà văn thứ 15 của Pháp giành giải Nobel.

Peter Englund - Bí thư thường trực của Viện Nobel - mệnh danh Patrick Modiano là Marcel Proust trong thời đại của chúng ta. Các tác phẩm của ông chưa bao giờ tới 300 trang nhưng có một sự ảnh hưởng lớn tới nền văn học thế giới. Chúng khẳng định một điều rằng: sức nặng của một cuốn sách không phụ thuộc vào độ dày của trang giấy mà nằm ở chiều sâu của câu chữ.

Thảo Anh
Nguồn: VnExpress