Ngày đăng : 24/08/2015

'Cầu Ô Thước' - bản tình ca trong chiến tranh Đông Dương


Antoine Audoard mang đến cho độc giả những trang văn da diết và ngập tràn tiếc nuối. Cuốn tiểu thuyết là sự pha trộn giữa lịch sử và cảm hứng lãng mạn.

Cầu Ô Thước là câu chuyện tình buồn của một anh lính trẻ người Pháp với cô gái Nga xinh đẹp. Chiến tranh đã cho họ cơ hội để yêu nhau, nhưng chính nó lại làm cho đôi tình nhân xa nhau mãi mãi. Nửa thế kỷ sau, con trai họ bắt đầu cuộc hành trình lật mở những bí mật của quá khứ.

Cuối thu năm 1945, anh lính trẻ người Pháp Pierre Garnier tòng quân, gia nhập quân đội viễn chinh Pháp sang tham chiến ở Đông Dương. Trước khi lên đường, Pierre tin rằng anh tới đây để giải giáp quân đội Nhật, nhằm lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng khi đặt chân đến Việt Nam, Pierre nhận ra anh đã bị cuốn vào một cuộc chiến phi nghĩa giống như hàng vạn thanh niên Pháp đương thời.

Chán nản trước hiện thực trước mắt, anh tìm cách ra khỏi quân đội và trở thành phóng viên của tờ Tự Do. Vì yêu cầu của công việc, Pierre được phái ra Hà Nội. Ở đây, anh đã gặp lại Katia, người con gái mà trong quá khứ, có lúc anh tưởng lầm là người tình của cha mình.

"Cầu Ô Thước" do hai dịch giả Phạm Thanh Vân và Đỗ Thị Minh Nguyệt chuyển ngữ,
được NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam phát hành.

Với vẻ ngoài xinh đẹp, tính cách phóng khoáng và quyết liệt, Katia nhanh chóng "hớp hồn" Pierre. Giữa họ hình thành sự đồng điệu giữa hai tâm hồn. Hai con người ấy ở bên nhau và cùng chia sẻ tâm sự ngổn ngang trong lòng, mối lo sợ và hoang mang của những con người vô tình bị kéo vào vòng xoáy chiến tranh.

Là phóng viên chiến trường của hãng thông tấn Reuters, Katia và Pierre cùng sát cánh bên nhau đưa tin về cuộc chiến, cùng ghi lại những dấu mốc quan trọng trong chiến tranh Đông Dương. Đến năm 1954, khi cuộc chiến kết thúc, những mục đích chính trị khiến Pierre và Katia phải xa nhau. Không ngờ cuộc chia ly ấy kéo dài nửa thế kỷ. Trước khi ra đi, Katia đã mang trong mình đứa con của Pierre. Năm mươi năm sau, con trai họ - André tới Việt Nam để tìm hiểu về quá khứ của cha mẹ cùng những câu chuyện mà anh không biết. Từ nhỏ, André đã sống mà không được gặp cha dù chỉ một lần. Anh luôn thấy giận ông vì đã bỏ rơi mình. André hoài nghi về tình yêu của bố mẹ. Đến khi những bí mật trong quá khứ được lật mở, André đã hiểu được nỗi khổ của cha.

Cầu Ô Thước là một điển tích đẹp mà u buồn nói về sự cách trở trong tình yêu. Nhờ bầy quạ đen lấy thân mình làm cầu nối hai bên bờ sông mà Ngưu Lang và Chức Nữ mới được gặp nhau. Tác giả Pháp đã dùng một biểu tượng đẹp của văn hóa phương Đông để nói lên sức mạnh bền bỉ của tình yêu thời chiến. Thế nhưng, không chỉ là một câu chuyện tình, Cầu Ô Thước là một trang lịch sử bị tách rời. Dưới góc nhìn công tâm của một người Pháp sinh ra sau cuộc chiến, Antoine Audoard đã lên án sự vô nghĩa của chiến tranh xâm lược thuộc địa. Không khí những trận đánh lớn, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ được nhà văn tái hiện chân thực.

Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, Antoine Audoard đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu lịch sử Việt Nam suốt quá trình từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1954. Những tên phố, tên đường của Sài Gòn và Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc như: phố Filippini (nay là phố Nguyễn Trung Trực) quảng trường Puginier (nay là quảng trường Ba Đình), phố Carrau (nay là đường Lý Thường Kiệt) được tái hiện sống động.

Tác giả sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn chương. Cha Antoine Audoard là nhà văn, nhà báo kỳ cựu người Pháp Yvan Audoard.

Quỳnh Anh
Nguồn: VnExpress