Ngày đăng : 23/07/2015

'Thiên đưởng ảo vọng' - giấc mơ đổi đời của phu đào vàng


Tiểu thuyết của Nguyễn Trí là câu chuyện về bước thăng trầm của những con người đói khổ, ôm khát vọng làm giàu từ những bãi vàng miền Đông Nam bộ.

Tác phẩm: Thiên đường ảo vọng
Tác giả: Nguyễn Trí
Nhà xuất bản Trẻ

Thiên đường ảo vọng xoay quanh cuộc sống của những phu đào vàng. Họ sống tạm bợ qua ngày, lao động chân tay cực nhọc để mong đổi đời. Những người đi đào vàng dường như đều bế tắc trong cuộc sống. Nhiều người ôm hy vọng để rồi thất vọng đau đớn. Kể cả những người tìm được nhiều vàng, cũng gặp bi kịch của kẻ bỗng chốc trở nên giàu có, chẳng biết tiêu tiền vào việc gì ngoài tham gia các tệ nạn.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Cường Linh - một người đàn ông giang hồ, từng vào tù ra tội. Sau mấy năm đi lao động cải tạo, Cường Linh nghe tin vợ do không chịu được sự ghê gớm của mẹ chồng đã dắt con từ Bình Định vào miền Đông. Hắn quyết chí vào đó tìm vợ con. Đi cùng hắn là Lâm - người bạn thân thuở còn ở tù và một người hàng xóm tên Bình Võ.

Trên đường, do bất bình với tình trạng chủ xe khách ép giá, Lâm đã gây ra vụ ẩu đả. Nhờ đó cả ba quen Bá Điệp - một người dân miền Đông - và theo anh tới đây. Sau khi tìm được vợ con, cả nhóm vào rừng tìm gỗ đốt than. Không ngờ họ phát hiện vùng suối Bến Tỷ có vàng sa khoáng. Nhóm bỏ ý định đốt than, quyết đi đãi vàng. Chẳng bao lâu, cái tin suối Bến Tỷ có vàng cứ một đồn mười, mười đồn trăm. Người ta kéo tới khai thác đông như kiến cỏ. Từ một vùng rừng núi hoang vu, nơi đây bỗng chốc nhộn nhịp và thành một xã hội thu nhỏ. Hàng loạt quán café thi nhau mọc lên.

Ở bãi đào vàng từ cờ bạc đến gái gú đều có cả. Những phu vàng cả ngày còng lưng đãi, được chút vốn đều nướng vào chiếu bạc. Khi có kẻ bỗng nhiên "trúng mánh" được cục vàng trị giá hàng cây, cả bãi sôi sục. Kẻ hiền lành nghĩ mình chưa gặp may. Kẻ táo tợn tìm cách lừa lọc, không được thì cướp trắng trợn. Cường Linh từ kẻ tay trắng trở thành một con người có tiếng nói trong bãi vàng suối Bến Tỷ.

Do dính vào một vụ cướp của, Cường Linh bị truy nã phải rời suối Bến Tỷ. Bãi vàng từ đó cũng dần tan rã. Trong khi những người bạn đã quên giấc mộng đổi đời từ nghề đào vàng, Cường Linh vẫn ôm ước vọng. Hắn chạy vào bãi vàng Long Mỹ náu thân và tìm chốn làm ăn mới. Để khuyên bạn ra đầu thú, Lâm vào Long Mỹ rồi gặp nạn. Cái chết của Lâm thức tỉnh Cường Linh và đồng bọn, kéo chúng khỏi thiên ảo vọng.

Đằng sau câu chuyện về bãi vàng suối Bến Tỷ với những khắc nghiệt, phân chia, thanh trừng là vẻ đẹp nhân văn của tình bằng hữu và tinh thần trượng nghĩa. Nguyễn Trí nhắn nhủ tới người đọc một thông điệp: tiền bạc chỉ là phù du, quý hơn bạc vàng chính là giá trị của lòng tốt.

Trước khi bén duyên với văn chương, tác giả Nguyễn Trí đã trải qua nhiều nghề: đào vàng, đốt than, tìm trầm, làm đồ tể, dạy Anh văn. Những năm tháng bôn ba đã cho ông vốn sống và nguồn tư liệu để dựng nên những câu chuyện chân thực trong Thiên đường ảo vọng.

Cuốn tiểu thuyết lôi cuốn không phải bằng những tình tiết giật gân, chớp nhoáng mà bằng cách kể chân thực và giản dị của tác giả. Nguyễn Trí cũng đưa nhiều phương ngữ miền đông Nam bộ vào tác phẩm, tạo cho câu chuyện không khí gần gũi, khiến người đọc cảm giác như đang rong ruổi trên xe đò và được nghe một phu đào vàng kể chuyện đời.

Nguyễn Trí từng được cả nước biết tới khi viết thư xin giảm án cho kẻ sát hại con mình. Ông cầm bút viết như một cách xoa dịu nỗi đau mất con. Tác phẩm của ông được giới chuyên môn đánh giá là giàu trải nghiệm, có phong vị riêng. Tập truyện ngắn đầu tay Bãi vàng, đá quý, trầm hương của ông đạt Giải thưởng Hội nhà văn năm 2013.

Quỳnh Anh
Nguồn: VnExpress