Ngày đăng : 15/07/2015

'Ngoài kia dông bão lòng mẹ bình yên' - triết lý giản dị về gia đình


"Một gia đình đơn giản là ở bên nhau, cùng ăn, khóc, cùng cười" là tuyên ngôn chứa đựng tình yêu vô bờ, sự bao dung và nghị lực phi thường của người mẹ dành cho con.

Tên sách: Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên
Tác giả: Cheon Myeong Kwan
Alphabooks và Nxb Văn học phát hành, 6/2015

Trong làn sóng xuất khẩu văn hóa mạnh mẽ của Hàn Quốc, những câu chuyện về gia đình và việc tôn vinh giá trị truyền thống không còn xa lạ với người đọc Việt Nam qua phim ảnh và gần đây là các tác phẩm văn học. Tác giả Cheon Myeong Kwan đã mang đến một tiếng nói mới, một văn phong có phần khô, lạnh và không mượt mà nhưng để lại dấu ấn riêng giữa những cây viết cùng khai thác chủ đề gia đình như Shin Kyung-sook, Go Ji-young.

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên, Cheon Myeong Kwan sử dụng nhiều đoạn độc thoại nội tâm xen kẽ tình tiết hài hước, dở khóc dở cười. Câu chuyện xoay quanh nhân vật Oh In Mo, một con người thất bại trên tư cách một đạo diễn, thất bại trong cả đời sống cá nhân với vụ ly hôn và cuộc sống chật vật ở căn phòng trọ nhiều tháng chưa trả tiền. Anh tìm về với mẹ dù biết bà "nặng gánh" với người anh trai lớn từng vào tù ra tội và đang thất nghiệp nằm nhà "ăn cơm mẹ nấu". Chẳng bao lâu sau, cô em gái út ly hôn với người chồng thứ hai cũng mang con gái về.

Cả nhà năm người ba thế hệ chung sống trong căn hộ mấy chục mét vuông chật chội, nham nháp mùi vị của mồ hôi, thức ăn và những nhu cầu bản năng. Bầu không khí của căn nhà - và cả của câu chuyện - luôn bị nén chặt và căng lên trên đường biên mỏng manh giữa yên ấm bên ngoài và bùng nổ bên trong, bởi sự va chạm của tính cách, lối sống, bởi sự đấu tranh giữa phần bản năng và phần tính người, sự vật lộn giữa những khổ sở, uẩn ức và mong muốn vươn lên.

Câu chuyện xây dựng bằng những diễn biến đời thường, nhưng được sắp xếp ở mấp mé những điểm cao trào. Chúng sẵn sàng bật mở các bí mật, khiến người đọc không ngừng ngạc nhiên về ứng xử nằm ngoài mong đợi của nhân vật. Từ sự kiện "chiếc quần lót", nguồn gốc xuất thân của người anh cả, sau đó là cô em út được mở ra. Và rồi bí mật chôn giấu về chuyện tình lén lút mãnh liệt hồi trẻ của người mẹ cũng hé lộ.

Song song với sự căng thẳng của chuỗi tình tiết, một sợi dây luôn xuyên suốt câu chuyện và trở thành chất keo hàn gắn những vết rạn trong quan hệ gia đình, là "những món ăn của mẹ". Như món cháo gà của mẹ đã xuất hiện đúng thời khắc cùng cực trong cuộc đời, In Mo quyết định chừa cho mình một con đường sống. Hay "chuỗi ngày thịt nướng" là khoảng thời gian hạnh phúc mà cả gia đình quay quần bên nhau sau những thất vọng, cãi vã và cả những điều tưởng như không thể chấp nhận về nhau, cùng nhớ về kỷ niệm ngày thơ ấu vui vẻ. 

"Xét về mặt nào đấy, việc mẹ cho chúng tôi ăn thịt không khác gì việc mẹ đối mặt chiến đấu với cuộc đời đã khiến chúng tôi thảm bại không thương tiếc. Điều đó cũng có nghĩa, chúng tôi ăn cơm mẹ nấu, xốc lại tấm thân mình, sau đó lại tiếp tục bước ra, tiếp tục chiến đấu với cuộc đời" - một thứ triết lý giản dị nhưng đủ sức nâng đỡ, vực dậy các thành viên trong gia đình.

Hơn nữa, người mẹ cùng cách ứng xử của bà đã khéo léo hóa giải tình thế trước mỗi lần bí mật bật mở hay xung đột diễn ra. Bà không chối bỏ sự thật và bình thản đón nhận sự phẫn nộ của những đứa con. Việc giữ bí mật trong lòng là bởi bà mong gạt đi lớp rào cản có nguy cơ chia cách tình cảm gia đình. Đối với bà, một gia đình đơn giản là ở bên nhau, cùng ăn, cùng khóc và cùng cười. 

Trong cách ứng xử của người mẹ luôn tiềm ẩn động lực đưa cỗ xe gia đình nhích về phía trước. Ví dụ như hành động tưởng chừng ích kỷ, không hợp lẽ của bà - làm sống dậy tình yêu đã chôn vùi bao năm. Một người phụ nữ đã gần đất xa trời còn có thể hạnh phúc, thì tại sao một người đàn ông từng vào tù ra tội không có quyền bắt đầu cuộc sống mới cùng người phụ nữ anh ta thương yêu, một đạo diễn thất bại không có quyền tiếp tục làm phim và cô con gái hai lần kết hôn không thể kết hôn lần thứ ba? Với hành động như thế, người mẹ mở ra hy vọng cho những đứa con của mình về những ngày mai tươi sáng hơn.

Cheon Myeong Kwan là tác giả của những tác phẩm: Frank and I (2003), Whale (2004), Cheerful Maid Marisa (2006), Modern Family (2010), My Uncle, Bruce Lee (2012).

Với tiểu thuyết đầu tay Whale, ông từng giành giải "Tác phẩm xuất sắc" trong cuộc thi "Tìm kiếm tác phẩm" lần thứ 10 của Nhà xuất bản Munhakdongnae. Còn Modern Family - tựa tiếng Việt Ngoài kia dông bão lòng mẹ bình yên - từng được chuyển thể sang phim điện ảnh dưới tên Boomerang Family năm 2013. Hai tác phẩm đánh dấu bước chuyển trong sự nghiệp viết lách của ông, thu hút sự chú ý của giới phê bình cũng như sự quan tâm của độc giả, giúp ông là gương mặt độc đáo của văn chương Hàn Quốc.

Yên San
Nguồn: VnExpress