Ngày đăng : 26/06/2015

Dịch và văn hay chuyện 'tại sao không' và 'sao lại không'?


Báo chí bây giờ quen đưa nguyên xi một câu tiếng Anh: Tại sao không? (Why not?) Cùng nghĩa ấy, Việt hơn thì phải là: Sao lại không? Nghe cũng sinh động hơn đấy chứ.

1. Trước thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, nhiều nhà ngôn ngữ học Anh - Mỹ cho rằng tiếng Anh đã trở nên xơ cứng, thiếu sức biểu cảm. Thế rồi xuất hiện một dòng văn học viết bằng tiếng Anh của Ấn Độ đổ ập vào dòng chung văn học tiếng Anh.

Một sự chào đón hân hoan khi Salman Rushdie xuất hiện với tiểu thuyết Midnight’s Children năm 1980 (bản tiếng Việt là Những đứa con của nửa đêm, Nhã Nam và Hội Nhà văn xuất bản 2014). Rồi The God of Small Things của Arundhati Roy năm 1997 (bản tiếng Việt là Chúa trời của những điều vụn vặt, nhà xuất bản Phụ Nữ 1999).

Dòng văn học của các tác giả Ấn Độ hoặc gốc Ấn có nhiều tác phẩm hay, nhưng hai cuốn nêu ra đây đặc biệt có đóng góp về mặt ngôn ngữ. Rushdie và Roy được đánh giá cao, được xem như những người đem lại màu sắc mới cho tiếng Anh. Một thứ tiếng Anh khác lạ, rực rỡ như xứ sở nhiệt đới nhiều ánh nắng, lộng lẫy như trang phục Ấn, đa màu sắc, đa hương vị và đa thanh như mỹ thuật, ẩm thực và âm nhạc xứ này.

Đấy là thứ tiếng Anh văn chương đầy gia vị Ấn, masala English (nghĩa là tiếng Anh gia vị). Họ bổ sung cho tiếng Anh những từ mới, không thể tìm thấy trong từ điển, những ngôn từ cứ như thể từ đời sống Ấn Độ mà náo động tràn vào trang sách. Những từ ghép có gạch nối và không gạch nối, những trò chơi chữ, sắp đặt chữ và nói lái theo kiểu Ấn, ban đầu có thể ngồ ngộ lạ lùng, nhưng được sử dụng đắc địa và hài hòa, đến lúc được người đọc nghiền ngẫm kỹ thì bản thân sự hiện diện của những ngôn từ ấy trong tiếng Anh đã mang ý nghĩa văn chương và triết học.

Ban đầu những từ mới ấy được in nghiêng, sau rồi quen dần, nó được in thẳng, tự nhiên và đàng hoàng được kết nạp vào thứ tiếng Anh chính thống.

Không chỉ là ngôn từ, Salman Rushdie, Arundhati Roy, Kiran Desai, Vikram Seth, Amitav Ghosh, Jhumpa Lahiri… còn thay đổi trật tự từ trong câu tiếng Anh theo kiểu chỉ có người Ấn mới làm được như vậy. Các cụm từ bị đảo ngược vị trí, nhiều giới từ bị lược bỏ, nhiều hư từ không còn có chỗ trong câu. Những thao tác này đã tạo ra thách thức cho người đọc, và các dịch giả nước ngoài có thể phải mất nhiều thời gian suy ngẫm để thẩm cho được một câu văn.

Bản thân nhiều nhà văn Anh - Mỹ cũng làm mới tiếng Anh theo kiểu này, nhưng thao tác của các nhà văn Ấn vẫn là một kiểu cách không giống ai, chỉ có tư duy Ấn Độ mới làm theo cách ấy.

Thành tựu của các nhà văn Ấn Độ đã dẫn đến một thực tế: bây giờ vào hiệu sách Âu - Mỹ, rất nhiều người mua sách đã tìm đến giá sách riêng của nhà văn Ấn Độ. Họ đã nghiện một thứ ngôn ngữ tiếng Anh không còn bị chê là xơ cứng, già nua, mà tươi mới, độc đáo, nhiều sinh sắc.

2. Kể sơ qua như vậy để thấy văn của Salman Rushdie và Arundhati Roy là thứ văn hầu như không thể dịch được. Lost in translation, dịch là mất. Dịch là mất văn. Mà một khi đã mất văn rồi, cuốn sách chỉ còn trơ lại cốt truyện, trong khi cốt truyện lại không phải là mục đích chính của các tác giả này. Cốt truyện mỏng, hầu như không cốt truyện, hoặc nói cách khác thì không cốt truyện chính là đa cốt truyện. Cái không cốt truyện ấy không hấp dẫn đối với cách đọc thông thường. Người đọc thông thường không nhận được gì nhiều từ một bản dịch đã mất văn như thế.

Ở đây, ta không nhằm định giá những bản dịch kể trên, mặc dù phải ghi nhận nỗ lực và thành tựu không nhỏ của các dịch giả. Nhưng đồng thời, vẫn phải khẳng định lại, việc dịch chúng là điều bất khả. Mặt trái của tấm thảm. Tôi đang ngồi trước một bức tranh thảm Ba Tư, và tiện tay lật ngược xem mặt sau của tấm thảm. Chỉ còn thấy lờ mờ những đường nét mái vòm của một phiên chợ Ba Tư cổ chứ không còn là bức tranh. Ví von sát hơn thì phải là bản chép tranh. Bản dịch sách của Rushdie và Roy chỉ có thể là bản tranh chép, gần giống như bức tranh thật, nhưng không phải là tranh thật.

Vậy là ta đang bắt bẻ và làm khó cho các dịch giả? Rushdie và Roy tạo ra một thứ tiếng Anh mới, thì dịch giả cũng buộc phải tạo ra một ngôn ngữ mới tương xứng trong tiếng mẹ đẻ của mình hay sao? Người dịch một tác phẩm có tầm cỡ thì dứt khoát cũng phải đạt đến tầm như tác giả, phải sáng tạo ra ngôn ngữ mới? Mặt khác, cầm một bản dịch được coi là hay thì phải hiểu rằng dịch giả đã đến tầm của tác giả?

Câu trả lời dường như là: không hẳn.

3. Trong đời sống hàng ngày, khi nghe một câu nói hơi khách sáo, hơi khách khí, hơi trịnh trọng, hơi chỉnh đốn thành phần chủ vị, hơi sách vở, người ta thường bình: giống như văn dịch.

Văn dịch đồng nghĩa với những gì không tự nhiên.

Hầu như mới chỉ có vài ba dịch giả có thể chuyển dịch được văn bản nước ngoài bằng một thứ tiếng Việt tự nhiên, sinh động, có cảm giác đấy là sách do chính dịch giả vung bút viết ra, chứ không hẳn là biên dịch. Có người sẽ phản bác cách dịch này mà cho là vẫn phải giữ hơi hướng văn dịch, để người đọc luôn nhớ rằng họ đang đọc sách dịch.

Nhưng điều ta muốn nói ở đây là hầu như các dịch giả vẫn còn nghèo tiếng Việt, và trong văn bản dịch họ không thể bơi lội vẫy vùng như cá trong nước. Ngôn ngữ họ dùng vẫn là ngôn ngữ giản đơn, khô cứng, sách vở, thiếu sinh sắc. Như thể họ vẫn thường xuyên loay hoay bùng nhùng trong tấm lưới của bản gốc.

Ta thường gặp những câu văn dịch theo kiểu: Bà ta đứng trước tôi.

Dịch bám sát thì vậy, nhưng tiếng Việt nghe cho xuôi thì cần thêm một chữ: Bà ta đứng trước mặt tôi.

Cũng thế là câu: Hãy nói cho tôi anh đang đi đâu?

Lại cũng nên thêm một chữ: Hãy nói cho tôi biết anh đang đi đâu? (Có thể nói thêm: vào tiếng Việt thì cũng nên bỏ luôn cả cụm từ Hãy nói cho tôi biết).

Bản gốc không có chữ mặt, cũng không có chữ biết, nhưng khi Việt hóa thì lời ăn tiếng nói của người Việt là có.

Báo chí bây giờ quen đưa nguyên xi một câu tiếng Anh: Tại sao không? (Why not?) Cùng nghĩa ấy, Việt hơn thì phải là: Sao lại không? Nghe cũng sinh động hơn đấy chứ.

Tôi nhớ một cuốn sách có hai bản dịch tiếng Việt. Cùng một câu, có hai cách dịch thế này:

Cuối cùng cô giáo đã chọn nhóm của chúng tôi để biểu dương. Thật tuyệt vời.

Cô giáo rốt cuộc chọn nhóm chúng tôi mà khen. Sướng thế.

Câu trên là của một người dịch thông thường. Câu dưới là do một nhà văn kiêm dịch giả thực hiện. Chữ sướng thế thì đúng là chỉ nhà văn mới biết chọn.

4. Dòng văn học dịch có ảnh hưởng đến sự phát triển của văn học trong nước. Chắc chắn là như vậy, không cần phải bàn cãi.

Nhưng tôi muốn nói đến khía cạnh khác của sự ảnh hưởng này: văn học dịch gần đây tạo ra hai kiểu văn chương tiếng Việt:

- Một thứ văn như văn dịch. Người viết như thể đang dịch văn mình từ tiếng Việt ra tiếng Việt. Câu cú đầy đủ chủ vị, đầy đủ giới từ hư từ, đầy đủ bổ ngữ tân ngữ. Sáo và trịnh trọng, khô cứng và nhạt nhẽo, giản đơn và thiếu cá tính. Cấu trúc câu cũng lùa thùa rườm rà, vòng qua vòng lại lý giải biện luận bằng những cụm bổ ngữ, làm phức tạp cho một câu lẽ ra đơn giản (ông đang đứng trước một cử tọa mà, không biết từ đâu kéo nhau đến rất đông, chen chúc những bộ mặt vô hồn dưới kia, đang nhìn lên ông, người mà sắc mặt tái đi, nói năng lập bập, không biết bắt đầu từ đâu, điều mà ông chưa từng là)…

Người viết tự sướng mà tự khen rằng văn mình Tây, tư duy mình Tây. Họ đang mô phỏng bản dịch cuốn sách nào đó mà họ khoái, và không biết rằng trong văn bản gốc, ngôn ngữ của cuốn sách ấy thực ra rất sinh động, mới lạ, nhiều sắc độ, giống như văn của Salman Rushdie và Arundhati Roy. Nhưng những cuốn sách ấy khi chuyển sang tiếng Việt thì ngôn ngữ không thể chuyển được đã gây ra tiếp nhận sai. Và mấy người viết bản địa muốn mô phỏng Tây kia đã và đang mô phỏng một thứ văn dịch nghèo nàn và nhợt nhạt, một thứ con lai không được cả Tây lẫn ta thừa nhận.

- Một thứ cốt truyện mỏng như truyện dịch. Người viết tiếng Việt hiểu sai rằng không cần cốt truyện, hoặc chỉ cần một cốt truyện mỏng, giống như những cuốn sách bậc thầy của nhà văn nước ngoài. Có khi đấy cũng là do người viết tiếng Việt lười biếng, không chịu đầu tư kiến tạo cốt truyện.

Họ lại cũng hiểu sai: những tác phẩm cốt truyện đơn giản ấy đòi hỏi phải được bù lại bằng một thứ văn hay. Trong nguyên tác, văn Rushdie và Roy có thể làm người đọc xuýt xoa với từng câu từng chữ, gấp sách lại rồi thỉnh thoảng vẫn nhớ mà bật ra cửa miệng đôi ba câu. Không chủ ý gây hấp dẫn bằng cốt truyện, họ chủ ý đầu tư vào văn, văn phải hay, phải độc đáo, phải ấn tượng, phải có những phát kiến về ngôn ngữ.

Tiếc. Mấy nhà văn ta đã hiểu sai. Họ không đầu tư vào văn. Cũng chẳng đầu tư vào cốt truyện.

Nhà văn Hồ Anh Thái
Nguồn: Thể thao & Văn hóa