Ngày đăng : 25/05/2015

Cuộc sống trần trụi qua trang viết 'Đốt đời' của Đào Hiếu


Đưa chất liệu cuộc sống vào trang viết, nhà văn sinh năm 1946 thể hiện sự khắc nghiệt trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Tên sách: Đốt đời
Tác giả Đào Hiếu
Nhà xuất bản Trẻ

Cuốn sách Đốt đời đánh dấu sự trở lại văn đàn của nhà văn Đào Hiếu sau thời gian dài vắng bóng. Trang viết của tác giả sinh năm 1946 vẫn trau chuốt, hứng khởi và rất đời như ông từng thể hiện qua các tác phẩm trước đây.

Cuốn sách kể về mối tình kỳ lạ giữa hai nhân vật chính, mà theo ngôn ngữ của Gabriel Garcia Marquez, có thể gọi đây là chuyện tình "thời thổ tả". Đó là Thùy Vân - một cô gái hai lăm tuổi, chạy bàn ở một tiệm cà phê, có sở thích là ăn bánh tráng trộn và uống nước ngọt. Duy - một ông tuổi sáu mươi - có gia đình, nhưng thích lang thang làm thơ và... dại khờ với những cô gái trẻ. Họ yêu nhau, quấn lại thành một đôi ngạo ngược giữa đời trần trụi.

Mối quan hệ giữa hai người nảy sinh từ tình yêu đơn phương phía ông Duy. Còn Thùy Vân đến với ông thực chất là để "đào mỏ". Cô gái cứ mãi sắm vai một kẻ lừa tình, còn ông nhà thơ vẫn nguyên một bộ dạng khù khờ.

Nhân vật nữ từng sống như vợ chồng với một kẻ nghiện và buôn bán ma túy đá. Sau đó, Thùy Vân lại "sang tay" một cậu ấm - chủ nhà trọ mà cô đang tá túc. Cả hai người đều chơi và buôn bán ma túy. Lẽ đương nhiên, Thùy Vân cũng không ít lần phê thuốc. Rồi cô bị công an bắt, dính vào tù tội.

Tác giả cho biết, có nhiều chất liệu thật được ông chắt lọc từ những tình huống mà ông tình cờ trải qua trong đời. Vì dựa trên nền chất liệu thật, diễn biến dẫn ra trong sách đôi lúc gợi cảm giác như những cảnh phim sống động và bất ngờ. Trong đó, có nhiều hình ảnh được khắc họa xúc động, đậm chất nhân văn. Chẳng hạn như cảnh ông nhà thơ già chạy xe máy cả trăm km thăm nuôi cô tình nhân ngồi tù.

Câu chuyện tình của ông nhà thơ được dệt lên không chỉ bằng tình tiết ly kỳ, gai góc mà còn bằng tâm trạng của một con người khao khát tình yêu. Nụ hôn của ông và cô gái giữa chốn nhà tù được miêu tả: "Đó không phải là một cái hôn bình thường. Hai cái miệng đã xa cách nhau nhiều nghìn năm, giờ bỗng bắt gặp tình cờ giữa hoang mạc, giữa rừng rú, giữa vực thẳm... nên phải nuốt trọn, không một giây chậm trễ, không một chút xao lãng, không bỏ phí một tích tắc. Cái hôn dài bằng cả một đời người. Cái hôn đủ say đắm để xóa nhòa cả thế giới này"...

Từ những chuyến thăm nuôi Thùy Vân, ông nhà thơ tình cờ gặp những phận tù khác. Trong đó có một cô gái trẻ tên là Ngọc - một cô gái nông nổi, vì giận cha bỏ nhà đi bụi mà đánh mất sự trong trắng của mình. Để trả thù, Ngọc thành kẻ giết người.

Cứ thế, từng dòng văn của Đào Hiếu phơi bày ra những mảnh đời, những số phận không còn lành lặn. Bởi chính họ đã tự "đốt đời" mình.

Sách khép lại với cái kết bỏ ngỏ. Từ đó, độc giả có quyền hy vọng về một điều gì đó có hậu hơn. Cũng như những đau khổ, lầm lỡ, vui buồn luôn tiếp diễn trong cuộc sống, trang sách là lời chất vấn về số phận con người.

Trần Nhã Thụy
Nguồn: VnExpress