Ngày đăng : 30/03/2015

Một phố sách cho Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không?


Một khu phố sách cho Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không nhỉ? Ngày xưa Sài Gòn từng có đường sách Ðặng Thị Nhu. Hiện nay nhiều người "đề cử" đường Nguyễn Văn Bình (Q.1) làm "phố sách".


Đường Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) là một trong những lựa chọn được nhiều người yêu sách đồng tình khi mong muốn thành phố cho ra đời một phố sách giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh: Thanh Tùng

Chỉ vài ngày sau khi bài viết Khu phố sách cho Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không? của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc NXB Trẻ - được đăng tải trên trang Facebook cá nhân, nó đã nhận được hơn 300.000 lượt yêu thích, hàng chục lượt sẻ chia.

Cần phải nói thêm rằng “mộng mơ” về một con đường sách tập trung, bài bản ngay tại trung tâm TP không phải là chuyện mới. Thế nhưng, câu chuyện “đường sách” lại nóng lên khi được nhắc vào thời điểm Ngày sách VN lần 2 cận kề, lại “thức thời” từ chuyện con đường sách tấp nập người qua nhưng chỉ có vào dịp tết, và sự “thèm thuồng” tủi thân của người làm sách mỗi khi đặt chân đến phố sách của những TP nổi tiếng trên thế giới...

Vì vậy, tâm tư của bà Nguyệt gần như ngay lập tức trở thành mối tâm tư chung của rất nhiều người làm sách, mê sách đang sinh sống tại Sài Gòn.

Tồn tại trong ký ức của nhiều người vẫn là hình ảnh về con đường sách Ðặng Thị Nhu - “một con đường nhỏ dài chừng 200m, nối liền hai đường Ký Con và Calmette là những sạp chứa đầy sách, đối diện nhau qua một lối đi bộ” (nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa viết trong bài Con đường sách nào cho Sài Gòn?, Tuổi Trẻ ngày 13-11-2014).

Bà Nguyệt thì nhớ: “Mỗi lần ra đó thì cơ man nào là sách mà đâu chỉ có sách cũ, sách mới, người ta còn trao đổi những bộ sưu tập sách quý, tem cổ, là nơi tề tựu, là chốn “hẹn hò” của người yêu sách”.

Sau này do nhu cầu phát triển đô thị, chỉnh trang bộ mặt TP, đường sách Ðặng Thị Nhu phải di dời, giải tỏa. Những gian hàng sách cũ tản mát về các con phố khác như Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Huy Liệu, Trần Nhân Tông...

Tuy nhiên các cửa hàng sách cũ ở những con đường này lẻ tẻ, rời rạc, không tập trung như khu phố sách Ðặng Thị Nhu trước nữa. Những người yêu sách ở Sài Gòn xưa đã nuối tiếc biết bao về một con phố đầy ắp sách và đầy ắp kỷ niệm...


Sơ đồ vị trí đường sách Nguyễn Văn Bình - Đồ họa: Việt Anh

Là người yêu sách, nhưng trên tất cả là yêu vẻ đẹp văn hóa đã mất của Sài Gòn, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận chia sẻ thêm:

“Một khu phố sách sẽ là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn của TP ham học hỏi này, thúc đẩy thú vui đọc sách cho lớp trẻ và chắc chắn sẽ thu hút khách phương xa khi đến đây. Có thể qua khu phố sách người ta sẽ nhìn ra phần nào diện mạo tinh thần của một TP”.

Ông Ðỗ Thành, giám đốc Công ty Nhân Trí Việt - một đơn vị làm sách tại TP.HCM, bổ sung:

“Tôi cũng là người đã đề xuất việc cho ra đời đường sách bởi sự cần thiết cho việc phát triển văn hóa đọc của TP.HCM, nhưng đường sách cũng phải gắn liền với sự phát triển lâu dài của quy hoạch TP.

Chúng ta không thể làm theo phong trào, bởi sách tuy không phải là một sản phẩm kinh doanh thông thường, nhưng vẫn phải gắn liền với kinh tế. Nếu làm không khéo, phố sách có khi lại trở thành gánh nặng của những đơn vị tham gia”.

Trong khi đó, phản ứng chung của nhiều độc giả là vô cùng háo hức, chờ đợi. Bạn đọc Minh Phương hình dung: “Phố sách sẽ là điểm hẹn văn hóa đọc! Mong quá ý tưởng sẽ thành hiện thực trong nay mai...”.

Rất nhiều ý kiến giới thiệu địa điểm cho phố sách như đường Nguyễn Huệ, đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Trương Ðịnh (đoạn cắt ngang công viên Tao Ðàn)...

Nhưng đường Nguyễn Văn Bình (nằm sau lưng trụ sở UBND Q.1 và bên hông Bưu điện TP) là lựa chọn được nhiều người đồng tình hơn bởi đoạn đường này tuy không quá dài nhưng lại nằm ngay khu vực trung tâm, hai bên đường không có nhà dân (hiện nay vỉa hè được sử dụng làm bãi giữ xe) nên không tốn công sức cho việc cải tạo, quanh năm lại rợp mát bóng me cổ thụ...

“Năm nay TP của chúng ta kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp nhất để TP chúng ta quy hoạch cho ra đời một phố sách dài lâu ngay giữa trung tâm Sài Gòn.

Tôi tha thiết mong mỏi mỗi độc giả yêu sách góp một tiếng nói để ý tưởng này không còn là một kế hoạch mộng mơ của riêng chúng tôi nữa” - TS Quách Thu Nguyệt tâm sự. 

Xây dựng đề án thí điểm Phố sách trong tháng 3

Việc xây dựng con đường sách tại TP.HCM đã được Sở Thông tin - truyền thông và một số NXB của TP bàn bạc, lần gần đây nhất là trong tọa đàm Những quyển sách làm “ô nhiễm” môi trường giáo dục thanh thiếu niên - thực trạng và giải pháp.

Ðặc biệt, lần này chúng tôi nhận được thêm sự đồng thuận của Hội Xuất bản VN (khu vực phía Nam) mà anh Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản VN phụ trách. Trong buổi tổng kết lễ hội Ðường sách Tết Ất Mùi 2015 hôm 7-3, ý tưởng này tiếp tục nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo thực hiện từ Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận.

Dự kiến, chúng tôi sẽ xây dựng đề án “Phố sách TP.HCM” thí điểm tại Q.1 trong tháng 3-2015 (sau đó sẽ nhân rộng cho những quận, huyện có đủ điều kiện).

Theo ý kiến của đông đảo người làm sách về việc chọn địa điểm cho phố sách TP.HCM, trong kế hoạch tổ chức Ngày sách VN lần 2 mà Sở Thông tin - truyền thông vừa trình UBND TP cũng có đề nghị địa điểm tổ chức Ngày sách lần 2 có liên quan đến khu vực đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, hiện UBND TP đang xem xét.

Cũng xin nói thêm một trong những hoạt động của Ngày sách VN lần 2 (dự kiến tổ chức từ ngày 18-4 đến 21-4) là tổ chức lấy ý kiến bạn đọc về đề án Phố sách TP.HCM. Sau đó Sở Thông tin - truyền thông Hội Xuất bản VN và các NXB, doanh nghiệp phát hành sách TP sẽ hiệu chỉnh, trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

Ông LÊ THÁI HỶ (giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM)

Minh Trang
Nguồn: Tuổi Trẻ