Ngày đăng : 05/10/2015

Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông


Đã từ lâu, người H’Mông là một tộc người rất đặc biệt trong các tộc người phía Bắc Việt Nam. Nghiên cứu về H’Mông là thách thức lớn trong nghiên cứu dân tộc học.

Nhưng với Nguyễn Mạnh Tiến, nhà nghiên cứu dân tộc học độc lập, bằng thái độ thông hiểu và nhiều năm ròng rã thực địa tại cao nguyên đá Đồng Văn, “Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông” (NXB Thế Giới) là công trình nghiên cứu xuất sắc xoay quanh phát hiện, xác lập và làm sáng bộ từ khóa đã kiến tạo “cá tính H’Mông” trong lịch sử: tâm thức lưu vong - tâm thức di dân-tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi...

Trong nghiên cứu của mình, Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, chính cá tính H’Mông là vấn đề then chốt khi tìm hiểu tộc người này. “Cá tính H’Mông là cấu trúc ngầm ẩn, quyết định toàn bộ số phận văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng người H’Mông” (tr.45), từ đó khai triển cái nhìn trên một nền tảng rộng lớn hơn nhằm tìm kiếm một thực tại khác về lịch sử Việt Nam, phần nhìn từ núi.

Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật đã từng khẳng định: Dân ca gắn liền với đời sống các dân tộc, bởi vậy, Nguyễn Mạnh Tiến có phần “khôn ngoan” khi chọn dân ca làm cửa ngõ để mở vào tâm thức H’Mông với bốn chủ đề chính: Tiếng hát tình yêu, Tiếng hát cưới xin, Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát làm dâu. Từ và trong nội dung được phản ánh ở kho tàng folklore này, tác giả đã khảm một bức tranh H’Mông với đầy đủ màu sắc, từ nỗi buồn khổ trong xã hội phân cấp và/cùng vết tích tâm lý tộc người lưu vong đến nền văn hóa khai phóng tính dục, tự do hôn nhân, chợ tình, tục kéo/bắt/cướp dâu và lấp lánh một hiện hữu H’Mông mộng mơ bên cạnh sự kiêu hùng thiện chiến.

Vấn đề quan trọng cần được hiểu ở đây, là sự ràng buộc trong tổng thể hiện hữu của dân ca với đời sống. Hiểu về dân ca H’Mông sẽ hiểu về chính trị H’Mông và hơn hết, hiểu chính H’Mông với đỉnh cao quyền lực nơi họ thuộc về. Quyền lực miền núi là mắt xích sau cùng của cá tính H’Mông góp phần giải mã cách thức để cộng sinh của nhóm tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử phức tạp kiến tạo quốc gia.

Hệ thống quyền lực Việt Nam “nhìn từ núi” được Nguyễn Mạnh Tiến tái hiện thông qua ba lớp vành đai quyền lực tồn tại và liên hệ tác động lẫn nhau: lớp quan trọng nhất, cầm quyền quốc gia: Kinh, ở đồng bằng; lớp quyền lực núi thấp, trung du: Mường - Thái - Tày và lớp quyền lực cuối cùng, tồn tại một cách dai dẳng là H’Mông ở đỉnh núi - một tiểu quốc độc lập trên cao kiến tạo căn cước bởi những thân phận ngoại biên “thân phận kép”, song điều chắc chắn, họ đã tham gia những mắt xích quan trọng nhất trong vận mệnh nước Việt Nam cả quá khứ và hiện đại.

Trước đây, lịch sử Việt Nam thường được diễn giải bằng diễn ngôn của người đồng bằng, thậm chí đã từng chỉ được nhìn từ cấu trúc chính trị của chế độ tập quyền, bởi vậy, điểm khác biệt và hấp dẫn của “Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông” là việc giải cấu trúc những cái nhìn đã thành nếp hằn trong tư duy người Việt, mở ra chiều kích mới trong lịch sử với mô hình núi trong các quan sát về vấn đề Việt Nam.

Tôi tin rằng, rồi đây, Nguyễn Mạnh Tiến sẽ còn tiến xa hơn nữa, đi đến tận cùng trong rất nhiều khoảng trống của/về H’Mông: “hiểm nguy, hùng vĩ, tự do và thơ mộng, như những đỉnh núi cao bất tận, vô danh, đời đời mù sương phủ” (tr.347).

Ngân Anh
Nguồn: Phụ Nữ