Ngày đăng : 06/02/2015

Đà Lạt thức trong tâm hồn


Như một nhận định chủ quan về vùng đất đầy ắp yêu thương và hồn hậu nghĩa tình, Nguyễn Vĩnh Nguyên cất tiếng kêu về rẻo cao nguyên rìa cuối Nam Trường Sơn: Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách.


Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Đến với từng trang viết, cũng chính là đặt tiếng kêu ấy vào 15 năm gắn bó với Đà Lạt, mới thấy Nguyễn Vĩnh Nguyên “có thẩm quyền” trong cách nói chủ quan kia.

Bởi Nguyên như một khách tình si tự đặt mình trong từng tiết điệu của Đà Lạt bất kể thời gian và không gian. Bất kể, bởi năm năm gắn bó sinh nhai với Đà Lạt hay suốt nhiều năm sau đó lui tới trở về vẫn chỉ là những điểm rời trên trục thời gian của Nguyên với Đà Lạt. Còn sống với vùng đất ấy, yêu cây cỏ và con người, say trong khí trời và bè bạn, đau đớn khi thấy Đà Lạt đổi thay, hoặc đến với Đà Lạt xuyên qua các lớp tàng thư, hồi ký, lịch sử... dường như vẫn là những mảng trải nghiệm hữu hạn trên cái trục không gian mà Nguyên đã dành cho Đà Lạt từ lâu lắm trong sâu thẳm cõi lòng.

Những trang viết của Nguyên không chỉ có sức gợi về một Đà Lạt của không gian kỷ niệm. Đà Lạt của tuổi sinh viên, vùng đất của nắng quái sương mù, mưa dầm giá buốt và những cuộc rượu, những cuộc tình, những giấc mơ ngông cuồng một thời tuổi trẻ... thì hẳn ai cũng mường tượng được chất men xúc tác ấy.

Nhưng với Nguyễn Vĩnh Nguyên, tình yêu Đà Lạt trong anh không còn là những cao trào, chất men ngày nào đã ngưng tụ trong suy nghĩ và ngôn từ. Nó không bắt anh phải chộn rộn khoác balô nhảy chuyến xe đêm lên với cao nguyên như một niềm thôi thúc, mà nó trở thành một phần của cuộc sống bình nhật, để từ hồi ký Lý Quý Chung, cuộc hẹn với Lê Uyên, hay thậm chí những bản tin về hoa anh đào trên nhật báo... cũng dừng lại, hiện diện trong trang viết, nằm ngay ngắn đâu đó trong số các thư mục trên hành trình viết văn làm báo của anh.

Lữ khách của Đà Lạt ai cũng có thể nhận mình đã biết cà phê Tùng, đã thuộc chuyện tình Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, đã nghe dòng tân nhạc Lê Uyên Phương danh trấn xứ núi mù sương, đã nằm lòng những huyền thoại gắn với các địa danh mà nói như Nguyễn Vĩnh Nguyên là “đều có bóng dáng của những cuộc tình tan vỡ và những cái chết”...

Nhưng để biết một thời Đà Lạt từng có tám nhà sách, Đài phát thanh thành phố Đà Lạt có bao nhiêu chương trình và nhạc sĩ Từ Công Phụng đã “chạm vào tâm hồn nhiều thính giả trẻ” từ khi nào, cũng như những ca khúc đầu tiên của Lê Uyên Phương được đến với công chúng qua chương trình Mây cao nguyên... thì phải Nguyễn Vĩnh Nguyên mới tìm kiếm và đặt để vào trong từng phần việc thường ngày.

Để rồi khi Nguyên viết người đọc lại có dịp dừng tay chép miệng, ôi những gì mình sống với Đà Lạt và biết về Đà Lạt hình như vẫn còn nông cạn quá, cho dù cái xứ lạnh hiếm hoi ở cuối dãy Trường Sơn này thật ra là quá quen thuộc với người dân xứ nóng phương Nam.

Và rồi khó có ai nói được như Nguyên, dù là lời kết luận rất chủ quan: “Ai cũng là...”, bởi có lẽ Đà Lạt đã thức suốt trong tâm hồn Nguyên, ám ảnh anh, chực trào ra trang viết mỗi khi có dịp. Cho nên sau bao năm gắn bó với phố thị Sài Gòn, những câu chữ của anh về thành phố cao nguyên ấy vẫn có sức ám ảnh người ta, nhất là những ai đã từng lỡ yêu... Đà Lạt.

Lam Điền
Nguồn: Tuổi Trẻ