Ngày đăng : 09/12/2014

Mọi cuộc đời đều quấn bện nhau


Một buổi sáng tháng 8-1974, người đàn ông mang tên Philipe Petit đã để lại dấu ấn trong lịch sử sôi động của thành phố New York khi thực hiện cuộc đi dây mạo hiểm ở độ cao 110 tầng.


Cuộc đi dây mạo hiểm giữa hai tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới.

Cuộc trình diễn chừng như vượt ngoài khả năng con người đó đã gợi cảm hứng cho tác phẩm đoạt giải thưởng văn học IMPAC Dublin 2011: Let the great world spin (NXB Trẻ vừa ấn hành bản tiếng Việt với tên Người đi dây) của Colum McCann.

Tiểu thuyết này thoạt nhìn dễ lầm là một tập truyện ngắn, bởi vận dụng lối viết đa vai kể, mỗi câu chuyện là một mảnh ghép phản chiếu một số phận, và “sợi chỉ đỏ” xâu chuỗi những câu chuyện ấy là mối liên kết đôi khi rất tình cờ giữa các nhân vật.

Nó khiến người đọc bước vào mỗi câu chuyện mới với tâm thế tò mò, cố tìm cho ra “sợi chỉ” ẩn giấu đó.

Let the great world spin - tựa sách gốc vốn là một câu trong bài thơ Locksley Hall của Alfred Tennyson. Trả lời trong buổi phỏng vấn tại thư viện công cộng New York về tác phẩm, Colum McCann cho biết tiểu thuyết xem xét khía cạnh tiếp diễn không ngừng nghỉ của cuộc sống chúng ta, khi cái ngẫu nhiên bắt gặp cái vô tận. Sau khi tác phẩm hoàn thành, ông đã gửi sách cho nhân vật nguyên mẫu Philipe Petit.

Anh chàng đi dây thực hiện màn diễn. Manhattan ngước nhìn và sững lặng. Cái hình ảnh phi thường ấy kéo họ ra khỏi những tất bật của một sáng thứ tư bình thường.

Quá trình chuẩn bị của anh cũng được mô tả cặn kẽ, nhưng tác giả chỉ dành cho anh đến vậy. Toàn bộ phần còn lại là về những con người ở bên dưới sợi dây, vốn hiếm khi nào ngước lên cao đến thế.

Bên trên sợi dây là bầu trời, bên dưới sợi dây là một New York sôi sục những mâu thuẫn nội tại, những hoang mang và thể nghiệm của người trẻ, cả phong trào phản đối chiến tranh VN đang lúc lên cao.

Ma túy, đốt phá, phong trào hippy, hacker, gái điếm, sắc tộc, phản chiến và những thử nghiệm được đẩy đến cực đoan.

Người đi dây khi đứng giữa trời nhận biết rằng mình không phải do đấng nào sáng tạo ra.

Ở bên dưới, trong mắt vị quan tòa luôn thấy mình tuyệt vọng trong cuộc chiến chống cái xấu cái ác, anh là kẻ phạm pháp ngông cuồng; trong mắt những bà mẹ có con đi lính và chết ở chiến trường VN, anh như đứa con trở về thăm nhà trong dáng hình siêu thực; sự liều lĩnh mạng sống cố tình của kẻ đang được sống đối với người mẹ mất con chừng như là sự trớ trêu không thể chịu nổi.

Bị xử chung phiên tòa với anh, nhưng không hề được báo chí quan tâm, là cô gái điếm bị bắt về tội ăn cắp. Câu chuyện về cô mở ra một thế giới tăm tối, nơi ánh sáng duy nhất những người trong đó biết tới là ánh sáng ngọn đèn đường.

Lối kể bình thản của Colum McCann lật mở những biểu hiện đáng kinh ngạc của lòng thiện và cái ác nơi con người.

Có thể nào tin được giữa đám đông nhìn lên người đi dây giữa trời, một kẻ trong cánh văn phòng ngày thường đạo mạo sang trọng, đã thét lên một câu độc địa thật lòng: “Nhảy xuống mẹ nó đi!”. Những tay hacker ở California theo dõi buổi diễn qua đường dây điện thoại câu trộm, vô tư đánh cá xem anh chàng đó sẽ ngã hay vẫn trụ vững...

Ta cũng thấy chút lương tri xót xa còn sót lại trong tâm hồn những người đàn bà trong gia đình có ba đời làm điếm: Bà ngoại chỉ biết bất lực khuyên “đừng có đi theo vết xe đổ của mẹ đó”.

Người mẹ sau khi đi khách lần đầu năm 15 tuổi đã mua cho mình cái bánh ngọt để tự xoa dịu nỗi đau chính cô cũng không thấu rõ, rồi đến khi con gái cô phải ra đường, cô cũng chỉ biết mua cho con một cái bánh ngọt để an ủi nó trong lần đi khách đầu tiên.

Thế giới xoay vần. Những cuộc đời kết nối với ta theo những cách không ngờ, đều đang “đi dây” giữa thực tại theo một cách nào đó, sợi dây mà theo tác giả là “chăng gần sát đất” chứ không phải giữa trời, mong manh giữa thăm thẳm buồn vui, tốt và xấu, hồi ức và giấc mơ muôn màu cho tương lai.

Vương Mộc
Nguồn: Tuổi Trẻ