Ngày đăng : 01/12/2014

'Me Tư Hồng' - chuyện người đàn bà 'phá tường thành Hà Nội'


"Me Tư Hồng" là tiểu thuyết dựa trên nhân vật có thật trong lịch sử: cô Tư Hồng - người phụ nữ lập công ty đầu tiên xứ Bắc, người phá thành Hà Nội.

Tên sách: Me Tư Hồng
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tiến
NXB Trẻ phát hành

Lấy bối cảnh miền Bắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chuyện xảy ra chủ yếu ở Hà Nội cùng hai đô thị lớn lúc đó là Nam Định và Hải Phòng. Cuốn tiểu thuyết dựng chân dung về một người phụ nữ sống chủ động, mạnh mẽ trong buổi giao thời; đồng thời dựng chân dung đất nước ở một giai đoạn lịch sử đã qua.


Sách "Me Tư Hồng".

Trong tiểu thuyết, nhân vật chính là Trần Thị Lan vốn người Nam Định, cha mẹ mất, em trai bị gán nợ cho nhà lý trưởng, bản thân phải sống nhờ nhà dì. Tới tuổi dậy thì, cô theo tên bán xáo trâu về sống như vợ chồng. Một Hoa kiều tên Hồng làm thương gia buôn gạo đã đưa tiền giúp Lan chuộc em khiến cô cảm động. Cô bỏ chồng theo Hồng về Hải Phòng. Không thể đường đường chính chính về nhà Hồng bởi ông ta đã có vợ, Lan đành ở trong căn nhà thuê tồi tàn. Một trận đòn oan nghiệt mà Lan ngỡ là đòn ghen đã khiến cô sảy thai và vĩnh viễn không bao giờ có con trở lại. Sau biến cố, Lan tìm ra Hà Nội. Tại đây, cô gặp Laglan - một quan tư người Pháp. Hai người nảy sinh tình cảm và đám cưới diễn ra không lâu sau. 

Định kiến xã hội đổ lên đầu một me Tây như Lan, lên cả em trai và họ hàng nội ngoại của cô. Số phận chìm nổi khiến cô theo không người ta, lấy người Tàu, rồi lại lấy Tây. Sau một lần uất ức tự tử không thành, Lan quyết lập công ty làm ăn lấy tên "Tư Hồng An Nam". 

Hợp đồng lớn nhất trong đời Tư Hồng là trúng thầu phá thành Hà Nội. Chịu bao miệng tiếng người đời là phá biểu tượng mà triều đình phong kiến dựng nên; nhưng Tư Hồng vẫn bình tâm, vì "chúng (chính phủ bảo hộ Pháp) đã quyết, Thành Hà Nội cô không phá cũng có kẻ khác phá". Không chỉ làm thầu khoán, Tư Hồng còn mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển. Đội vận chuyển đường thủy của cô toàn phu là nữ, nhờ đó, tránh được các sự cố nếu phu là nam gây ra.

Khi đã thành công trong việc làm ăn với thực dân, Tư Hồng còn mua danh "Ngũ phẩm nghi nhân" cho bố. Làm đủ việc để vinh thân, phù thế, nhiều giai thoại cho rằng me Tư Hồng bị cụ Nguyễn Khuyến "tặng" cho hai câu đối nhói lòng, và bài ca trù "Đĩ cầu Nôm". Giai thoại ấy cũng được tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đưa vào trong tác phẩm.

Cuộc đời một người phụ nữ táo tợn như vậy qua hơn trăm năm vẫn có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tiểu thuyết Me Tư Hồng xây dựng chân dung nhân vật theo cách nhìn của người đương thời, với những nét nhân văn.

Ngoài đời thực, cô Tư Hồng là người nổi danh khắp xứ An Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cô mở công ty, trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894. Cô cũng nổi danh về tài buôn bán, làm từ thiện, lấy chồng Tây. Hiện ở Hà Nội vẫn còn những công trình liên quan đến cô Tư Hồng như trường Puginier (nay là trường THPT Việt Đức), dãy nhà xây ở phố Quán Sứ, ghế đá trước số nhà 16 phố Lê Thái Tổ... Trong chuyến thăm Paris, Pháp, nhà sử học Dương Trung Quốc đã thấy một bức ảnh tư liệu chụp cô Tư Hồng lưu giữ tại Bảo tàng Albert Kahn (thuộc bộ ảnh màu chụp ở Việt Nam năm 1915 - 1918). Ông Dương Trung Quốc xác nhận bức ảnh có chú giải rõ ràng là chụp chân dung cô Tư Hồng tại ngôi nhà cạnh ngõ Hội Vũ. Đây không phải lần đầu tiên có tác phẩm văn học khai thác hình mẫu nhân vật này. Năm 1944, báo Trung Bắc chủ nhật đăng dài kỳ tiểu thuyết Cô Tư Hồng của nhà văn Hồng Phong (Đào Trinh Nhất). Năm 1952, NXB Yên Sơn tập hợp lại rồi in thành sách. Trong tiểu thuyết lịch sử Bóng nước Hồ Gươm của Chu Thiên cũng dành nhiều trang kể về Tư Hồng... 

Sách Me Tư Hồng không chỉ kể về một con người có thật trong lịch sử, mà còn vẽ lại bức tranh Hà Nội một thời. Sự biến đổi không ngừng từ một thủ phủ phong kiến sang đô thị kiểu phương Tây của Hà Nội được miêu tả tỉ mỉ. Không gian truyện với những tên phố, tên đường, nhà cửa, kiến trúc, ăn ở, sinh hoạt, trang phục... được tác giả miêu tả một cách chính xác. Điều đó chứng tỏ người viết không chỉ công phu trong khâu tìm hiểu dữ liệu, kiến thức cho tác phẩm, mà có một tình yêu lớn với mảnh đất Hà Nội mới dựng lên một giai đoạn lịch sử bằng văn như vậy.

Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến dựa theo cuộc đời cô Tư Hồng. Nhưng là tác phẩm văn học nên có thêm bớt, hư cấu để cuốn sách mang hình dáng một tiểu thuyết chân dung. Tuy nhiên, cùng với nhiều nhân vật có thật xuất hiện trong sách, hoàn cảnh lịch sử, địa danh, những sự kiện lịch sử được đưa vào sách, nên có thể coi đây là một tiểu thuyết tư liệu. Dù có là thể loại gì, dùng chất liệu lịch sử, dã sử hay hư cấu thì Me Tư Hồng vẫn là một tác phẩm hấp dẫn về cuộc đời một người phụ nữ sắc sảo, quyết đoán, táo bạo, nhưng nữ tính và đa đoan.

Lam Thu
Nguồn: VnExpress