Ngày đăng : 23/04/2015

Kiệt Tấn: Ngợi ca đàn bà


Nếu truyện dài Lớp lớp phù sa của Kiệt Tấn (NXB VH-VN TP.HCM, 2012) nổi bật bởi cách dùng ngôn ngữ miệt vườn Nam bộ để ngợi ca ái tình, thì tập truyện ngắn Đêm cỏ Tuyết (NXB Hội Nhà văn, 2014) lại là cách mượn ái tình để ngợi ca ngôn ngữ. Nếu xét ở khía cạnh ngợi ca ái tình của đàn bà, hiếm có nhà văn nào hiện nay của Việt Nam có thể sánh với Kiệt Tấn.

“Cái ghiền đàn bà của Kiệt Tấn đã tạo nên những trang sách đẹp, bắt đầu cho những cái ghiền khác nơi độc giả: cái ghiền được nằm một mình, đọc những chuyện tình của ông, nghe thấm thía ở từng tế bào, và lắm lúc vừa đọc vừa cười thích thú” - nhà phê bình Đoàn Nhã Văn nhận định.


Nhà văn Kiệt Tấn

Diane, Tuyết và những cô nàng khác

Diane có lẽ là người đàn bà đầu tiên đi vào truyện của Kiệt Tấn. Nếu như Diane là nhân vật vồ vập, đầy ám ảnh trong tập truyện Người em xóm học (NXB Thời đại, 2010), nơi tình yêu và tình dục hòa thành một, trần trụi, bạo liệt. Thì, Tuyết trong Đêm cỏ Tuyết (2014) lại là cõi hồi nhớ những kỷ niệm ái tình đã qua, nơi mà sự thất vọng cũng trở thành điều đáng lưu luyến.

Tuyết cũng đại diện cho những người đàn bà chân chất, sống thật với mình, với người… nếu có đớn đau, thất vọng thì cũng mau chóng cho qua. Họ bình thản yêu và sống, nên khi ở gần thì thấy bình thường, nhưng khi cách xa thì dạt dào thương nhớ, bởi với đời sống, đáng đón nhận nhất vẫn là sự bình thản.

Những truyện ngắn khác trong tập này như Em đến mùa trăng cuối, Sáng dậy nghe em khóc, Những cuộc tình không tới, Yêu em xứ tuyết, Những đóa hạnh phúc không ngờ… cũng đi theo mạch cảm xúc này. Dường như Kiệt Tấn bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho việc ngợi ca đàn bà, hơn là “trực diện yêu” đàn bà như trước đây.

Đừng tưởng chỉ có Diane, Tuyết mới là những ấn tượng khó phai trong tình trường của Kiệt Tấn, còn những nàng khác chỉ là tình thoáng qua. Vì với ông: “Cuộc tình nào của tôi cũng tay chân rối beng, thịt da bát ngát, đồi núi trập trùng, cỏ non mút mắt. Khi hồi tưởng và viết lại thì nó y chang như vậy thôi, cũng đất trời choáng váng, thịt da bấn loạn, đâu có mất công gì phải đưa với đón tình dục vào truyện hoặc hư cấu làm chi cho nó nhức cái đầu”.

Kiệt Tấn giải thích thêm: “Độc giả chỉ muốn đọc một câu chuyện hay chứ không nhất thiết phải là chuyện thật một trăm phần trăm. Họ cóc cần, có thể nói thẳng ra như vậy. Thế nhưng nếu hư cấu quá trớn, truyện viết thấy “xạo” rõ ràng thì độc giả cũng chịu đời không thấu”.


Đêm cỏ Tuyết là tập truyện thứ 4 của Kiệt Tấn được phát hành tại Việt Nam

Đi ra từ ca dao, dân ca

Kiệt Tấn tên đầy đủ là Lê Tấn Kiệt, sinh năm 1940 tại làng Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Học tiểu học ở Bạc Liêu, trung học ở Vĩnh Long, Mỹ Tho và Sài Gòn. Năm 1959 du học tại Québec, Canada. Tháng 3/1975, xuất ngoại công tác, rồi sống tại Pháp cho tới bây giờ.

Năm 1966, ông ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi tập thơ Điệp khúc tình yêu và trái phá, viết về ái tình và sự phi lý của chiến tranh. Gần 20 năm định cư tại nước ngoài, Kiệt Tấn mới tái cầm bút vào năm 1985, hai năm sau cho xuất bản tập truyện Nụ cười tre trúc (1987), rồi liên tục các tập truyện khác như Lớp lớp phù sa (1988), Thương nàng bấy nhiêu (1988), Nghe mưa (1989), Em ơi biết đâu tìm (1994)… Tuy viết trực diện và gần như xóa bỏ mọi cấm kị, nhưng văn chương của Kiệt Tấn luôn đảm bảo hai điều: dạt dào chất thơ, và cuốn hút bởi ái tình thanh thoát, đầy sức sống.

Gần như truyện nào của Kiệt Tấn cũng có vài ý thơ hoặc nhiều câu ca dao, dân ca được trích ý. Thời học tiểu học và trung học, Kiệt Tấn là cậu học trò giỏi, trong các phần thưởng nhận về có mấy tuyển tập ca dao, dân ca Nam bộ, ngày đêm nghiền ngẫm nên vốn dân gian thơ ca trở nên phong phú.

“Viết về Nam bộ cô đơn, bát ngát mà thiếu dân ca hò vè, hay viết về ái tình mà thiếu chất thơ kiểu “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé” thì e không được. Mà ngoài hai chủ đề này ra, tôi đâu mặn mà với những thứ khác, nên có thể nói tôi đi ra từ ca dao, dân ca cũng đặng” - Kiệt Tấn cho biết.

Văn Bảy
Nguồn: Thể thao & Văn hóa