Ngày đăng : 29/07/2015

Một bảo tàng của tình yêu


Yếu tố quan trọng của một tiểu thuyết lớn nằm ở chỗ trong lúc biết đó là hư cấu, ta lại cảm thấy rõ một câu chuyện thật và bị câu chuyện đó lay động.


Nối tiếp Istanbul - Hồi ức và thành phố, Bảo tàng ngây thơ (*) - tiểu thuyết đầu tiên của Orhan Pamuk hoàn thành sau khi được trao Nobel văn chương năm 2006 - tiếp tục kể một câu chuyện thật đẹp, thật phức tạp với những chi tiết tinh tế nhói lòng về con người và mảnh đất này.  

Bốn năm sau khi cuốn sách ra đời, Bảo tàng ngây thơ được mở cửa thật sự vào năm 2012, dựa trên chính bảo tàng được mô tả trong sách. Pamuk đã bỏ rất nhiều công sức kiến tạo một không gian văn hóa, với niềm vui thích xóa mờ ranh giới giữa hiện thực và tưởng tượng - điều mà ắt hẳn người đọc được thể nghiệm khi đọc chậm rãi từng trang sách của ông. 

Năm 1975, Kemal - người con trai thành đạt của một gia đình doanh nhân giàu có và danh giá ở Istanbul - chuẩn bị đính hôn với Sibel - một cô gái ưu tú con nhà dòng dõi. Nhưng những điều ngẫu nhiên đã khiến anh gặp lại Füsun - cô em họ xa, nhà nghèo, xinh đẹp - và sự khao khát nhanh chóng bùng lên giữa hai người.

Trong suốt chín năm sau đó và nhiều năm tiếp theo của cuộc đời mình, Kemal theo đuổi Füsun bất chấp tất cả rào cản vô hình và hữu hình ngăn cách họ. Giữa những định kiến và tục lệ xã hội, tình yêu của họ có cách riêng để tồn tại, quanh co và bền bỉ đến không ngờ.

Ở trang đầu tiên của cuốn sách, “khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời” Kemal được mô tả là cảm giác “như thể thế giới được giải thoát khỏi các quy luật của trọng lực và thời gian”. Về sau, nỗi băn khoăn về thời gian còn trở lại nhiều lần, trong những giấc mơ về cả quá khứ và tương lai của anh, đặc biệt anh được đắm mình trong trạng thái phi thời gian những khi đến thăm Füsun và ở lại qua buổi tối cùng gia đình cô.

Sự hiện hữu của Füsun và những đồ vật xung quanh cô dường như tạo nên một vũ trụ bỏ túi, trong đó không gian và thời gian lặp lại theo chu kỳ và cảm giác hạnh phúc cùng nỗi hoài nhớ kéo dài tưởng chừng vĩnh cửu.

Đó là điều mà Kemal cố gắng níu kéo khi miệt mài sưu tập những đồ vật liên quan đến Füsun, lập nên một bảo tàng của riêng mình mang tên Bảo tàng ngây thơ, nơi chỉ có kỷ niệm về tình yêu mãnh liệt và bản thể của họ ngự trị, cao hơn lầm lạc và tội lỗi, sự trừng phạt và ăn năn. 

Lần theo những mối dây của một con người si tình nỗ lực tái hiện những khoảnh khắc đã tuột khỏi tay mình, người đọc say mê với viện bảo tàng kỳ diệu mà Orhan Pamuk tạo nên. Những mốc thời gian, những hiện vật, hình ảnh, những câu chuyện, con người có thật và hư cấu được đan cài, phản chiếu, lặp lại và nhân lên theo những cách thức đầy bất ngờ.

Nhiều sự kiện được mô tả chính xác với cả thời gian và địa điểm cụ thể, nhưng dưới cách nhìn khác nhau của các nhân vật, cách cảm nhận những sự kiện đó lại thay đổi đột ngột luôn luôn. Những mô tả tỉ mỉ khéo léo lạ lùng khơi sâu những con đường vô hình trong trái tim con người, đồng thời dẫn chúng ta một lần nữa tiến vào khảo sát sự đa dạng và biến động không ngừng của Istanbul.

Thành phố nơi Đông và Tây giao nhau này cũng tựa như một vũ trụ riêng mà Pamuk say mê khám phá trong mọi tác phẩm của mình. Ở đó, dù là những vấn đề vĩnh cửu của nhân loại hay mâu thuẫn đặc trưng của vùng đất cũng đều mang sắc thái không thể trộn lẫn.

Orhan Pamuk sinh năm 1952 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là giáo sư dạy môn văn học so sánh ở Đại học Columbia. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1974, từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước trước khi đoạt giải Nobel 2006.

Sách của ông đã được dịch ra hơn 50 thứ tiếng. Tác phẩm tiêu biểu: Pháo đài trắng (1985), Cuốn sách đen (1990), Tên tôi là Đỏ (1998), Những màu khác (1999), Tuyết (2002), Istanbul - Hồi ức và thành phố (2003), Bảo tàng ngây thơ (2008)...

(*): Tiểu thuyết của Orhan Pamuk, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam và NXB Văn Học, tháng 10-2014.

Cuộc sống đã dạy tôi rằng thời gian mà Aristotle gọi là đường thẳng liên kết các khoảnh khắc hiện tại, đối với đa số chúng ta tiềm ẩn nhiều cay đắng... Tuy nhiên, những khoảnh khắc được gọi là “hiện tại”, nhưng đã xảy ra trong ngôi nhà Çukurcuma, ví như nụ cười của Füsun, có thể cho chúng ta đủ hạnh phúc cả một thế kỷ. Ngay từ đầu tôi đã nhận ra rằng trong ngôi nhà của gia đình Keskin tôi sẽ lãnh đủ hạnh phúc cho phần đời còn lại, và tôi đã lấy đi vài đồ vật lớn nhỏ mà bàn tay em đã chạm vào, để giữ lại những phút giây hạnh phúc. 

(Bảo tàng ngây thơ - Orhan Pamuk)


Thanh Vân
Nguồn: Tuổi Trẻ