Ngày đăng : 09/09/2014

Cuốn sử quý trở về


“Với Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, GS Lê Thành Khôi đã trình bày lịch sử không phải lịch sử chính trị, mà là lịch sử của con người”, GS Phan Huy Lê nói về cuốn sử quý vừa ra mắt tại VN sau nhiều năm ở nước ngoài.


Cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX -
Ảnh: Nhã Nam cung cấp

TS Nguyễn Thụy Phương, ĐH Paris Decartes, trong bài viết cách đây 1 năm, đã tôn vinh GS Lê Thành Khôi như di sản văn hóa sống của nhân loại, một bản thể chuyển giao và tiếp biến văn hóa Việt - Pháp ở ý nghĩa cao quý nhất. Ông cũng là người duy nhất giới thiệu với độc giả Pháp ngữ trên thế giới một cách hệ thống, uyên bác bề dày lịch sử, văn hóa, văn học VN. Nhưng bà Phương vương vấn nỗi buồn: “Đây đó, ông có những bài tiếng Việt nhưng chưa một công trình học thuật nào của ông được dịch in ở VN”.

Giờ đây, nỗi buồn đó sẽ không còn nữa. Hai cuốn sách cơ bản của GS Lê Thành Khôi đã được Công ty Nhã Nam dịch sang tiếng Việt và biên tập lại thành cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX. Hai cuốn đó là Việt Nam lịch sử và văn minh và Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1858.

“Đặt trong bối cảnh ra đời những năm 50 của thế kỷ trước, thì cuốn Việt Nam lịch sử và văn minh vừa là một quan điểm mới về sử học, vừa là một hình ảnh trung thực hơn về VN”, GS Phan Huy Lê nói.

Quan điểm mới, cái nhìn mới đó được đặt trên góc nhìn phản ánh phong cách đặc biệt của GS Lê Thành Khôi - cái nhìn liên ngành đa ngành. Trong khi lịch sử bấy giờ, kể cả lịch sử của các sử gia phương Tây viết, vẫn nặng về chính trị. “Ông đã cho thấy cách nhìn lịch sử không thể dừng lại ở lịch sử các vương triều. Lịch sử phải là lịch sử của con người”, GS Lê nói.

Viết về lịch sử VN, như thế với GS Khôi cũng chính là đi sâu vào cuộc sống, nhận diện lịch sử bao gồm toàn bộ đời sống xã hội. Có kiến thức dân tộc học, văn hóa học, khảo cổ học, kinh tế học. Một lịch sử của con người như thế trong sách, dễ làm người đọc xao xuyến. Trong khi, sự xao xuyến của lịch sử dường như xa xỉ với nhiều người đọc sử, nhất là người trẻ phải học sử đã hàng chục năm gần đây. Mặc dù, có thể nói, việc chuyển ngữ chưa được như giọng văn uyển chuyển, tinh tế mà bản gốc tiếng Pháp mang lại.

Những uẩn khúc của lịch sử

Bước qua những khô khan của biên niên sử, cuốn sử của GS Khôi khoan nhặt kể lại những uẩn khúc của lịch sử một cách khoa học. Nó cũng thấp thoáng bóng dáng một trái tim yêu nước ta, yêu sử ta. Có những tia sáng tí tách khi đọc tới đoạn văn có nhịp điệu vui khi ông mô tả những vết khắc, những đường thêu trên sống áo của người Mèo trắng, Mèo đen, Mèo đỏ, Mèo hoa, Mèo sừng. Có khi, độc giả sững lại rồi phập phồng khi ông viết về sự hình thành dân tộc tính của người Việt trong một nghìn năm đô hộ của giặc Tàu - nghìn năm dài hơn cả nghìn năm khác. Có cả sự khâm phục trước cách Khúc Hạo thoát khỏi kiềm tỏa Trung Hoa bằng cách xây dựng chính quyền khoan hòa mà đơn giản, miễn là nhân dân hạnh phúc...

“Đó là một thử thách khốc liệt. Nghìn năm mất nước là nghìn năm không chỉ đấu tranh chống đô hộ mà còn chống lại cả đồng hóa. Nghĩa là đấu tranh chống lại việc xóa bỏ lãnh thổ và văn hóa của người Việt. Ông đã rất tinh tế nhận ra bước phát triển sâu sắc của dân tộc tính, hình thành các dân tộc tính VN. Nên đã có mục riêng về hình thành dân tộc tính ấy”, GS Lê nói.

Chính vì thế, không mấy ngạc nhiên, khi hai cuốn sách của GS Khôi (được gộp lại trong bản in của Nhã Nam) đã mau chóng trở thành cuốn sách giáo khoa VN học của rất nhiều trung tâm nghiên cứu, trường đại học trên thế giới. Thậm chí, nhà dân tộc học gắn bó với Tây nguyên, Georges Condominas, đã tự nhận mình “gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác” của GS Lê Thành Khôi.

Và cuối cùng, cuốn sử quý đó đã trở về.  

Trinh Nguyễn
Nguồn: Thanh Niên