Ngày đăng : 12/08/2014

Cách mạng và quy luật muôn đời của thân phận


Các cuộc cách mạng thường đi liền với những biến đổi kinh thiên động địa, làm thay đổi nền tảng của một xã hội.


Hiểu về một cuộc cách mạng không phải là nhu cầu riêng của các nhà chính trị; viết về nó và kiến giải nó luôn là khát khao mà cũng là trách nhiệm tự nhận lãnh của các tác giả từ xưa đến nay. Cho dù hình thành từ góc nhìn nào chăng nữa, tác phẩm của họ đều là những nỗ lực để khám phá cái cách mà một cuộc cách mạng có thể dẫn dắt và chi phối cuộc đời một con người, sâu xa hơn là tác động đến một cộng đồng, một dân tộc.

1. Một ngày tháng 5 năm “Chín mươi ba” (1), một tiểu đoàn quân của phe Cộng hòa từ Paris đến đang lùng sục khu rừng Saudraie ở xứ Bretagne, nơi mà nội chiến đã trở nên khốc liệt kể từ năm 1772. Trong khu rừng mà “thời thái bình, người ta săn chim ban đêm” ấy, “bây giờ đây người ta săn người” (tr.14).

Họ tìm thấy một người đàn bà “gầy, trẻ, xanh xao, rách rưới..., chân không, không tất, rơm rớm máu” (tr.18), cùng với ba đứa trẻ, con của cô, mà cộng tuổi của chúng lại chưa đầy số chín. Người đàn bà ấy không trả lời được “Tổ quốc là gì” nhưng cô biết rằng mình có một quê hương: “Ấp Siscoignard, trong giáo khu Azé” (tr.20).

Vào lúc mà các nhà cách mạng tư sản Pháp đang quyết liệt giương cao ngọn cờ “Tự do. Bình đẳng. Bác ái” và muốn đem những giá trị ấy đến cho toàn dân Pháp và thậm chí là cả châu Âu, người đàn bà xanh xao kia vẫn khăng khăng: “Các ông ở đất Pháp, còn tôi, tôi ở Bretagne” (tr.20). Cô không đi với phe nào, dù là phe Xanh, cách mạng, hay phe Trắng, bảo hoàng, cô chỉ đi với các con của mình.

Nhưng năm 1793 là “cuộc chiến tranh của châu Âu chống lại nước Pháp và nước Pháp chống lại Paris” (tr.160), để rồi thân phận bé mọn của Michelle Fléchard, tên người đàn bà, cùng với các con của cô, sẽ phải lăn trôi theo dòng bạo lực cách mạng đang hồi dâng cao. Họ sẽ buộc phải góp phần của mình vào dòng triều dữ dội đó.

Giữa những săn lùng và quyết tâm đàn áp của phe Cộng hòa, những người nông dân Vendeé xứ Bretagne - đang hướng về vị vua đã bị xử tử Louis XVI và vương triều đã thất sủng - vẫn chuẩn bị cho một ngày mà họ tin rằng “cả vùng bờ biển từ Granville đến Saint Malo sẽ rực lửa” (tr.35).

Họ chờ đón thủ lĩnh, một bậc vương hầu xứ Bretagne: Hầu tước Lantenac, người lập tức ra lệnh xử bắn một pháo thủ ngay khi anh ta vừa lập công, bởi ông tin rằng “lòng dũng cảm phải được khen thưởng, tính cẩu thả phải bị trừng trị”, và “khi mà tất cả biển khơi là một cuộc phục kích thì không có lỗi lầm nào có thể sửa chữa được”. Với Lantenac, “xứ Vendeé đã có một thủ lĩnh” thực thụ (tr.64).

Paris bấy giờ đang sống trong “thời buổi cách mạng”; “cả thành phố Paris như đang dọn nhà”, có nữ bá tước trước kia bây giờ ngồi vá thuê bít tất trong một gian nhà hẹp, có chị thợ may nguyên là một bà hầu tước; và ai cũng thấy như có máy chém đang treo trên đầu (tr.148). “Người ta đua nhảy vòng tròn kiểu “cách mạng”, không ai còn dùng những tiếng như chàng và nàng mà người ta gọi là nam công dân và nữ công dân” (tr.149).

“Quần chúng thiếu thốn ghê gớm nhưng liêm khiết vô cùng. Những người đầu trần chân trụi, bụng đói dạ khát, nghiêm trang cúi mặt đi qua các cửa hàng vàng bạc” (tr.153). Trong lúc đó, Robespierre, Danton và Marat (2) đang tranh luận gay gắt để xác định xem kẻ thù của Cách mạng là nước Phổ đe dọa từ bên ngoài, hay là xứ Vendeé nổi loạn từ bên trong.

Khi mà các thủ lĩnh nhận thấy rằng kẻ thù của Cách mạng có thể ở khắp nơi, nhưng chiến tranh chống ngoại xâm chẳng nghĩa lý gì, nội chiến mới là tất cả, nội chiến như mụn loét ăn ruỗng lá gan (tr.178) của Cách mạng thì cũng là lúc mà bọn phiến loạn ở Vendeé sắp có thủ lĩnh. Vendeé trở thành mối đe dọa lớn nhất, “một Vendeé đáng sợ hơn mười nước Đức”; vì nước Pháp, phải tiêu diệt Vendeé (tr.201).

Trong bối cảnh đó, Cimourdain (3) nhận nhiệm vụ đến Vendeé để sát cánh cùng Gauvain, con đỡ đầu của ông, người đang chỉ huy đội quân tiễu phạt xứ đó. “Vừa liêm chính, vừa tàn nhẫn”, mang trong mình một lương tâm trong sạch nhưng u sầu, là con người chất chứa đạo đức và chân lý, nhưng chỉ sáng ngời trong bóng tối, Cimourdain bước vào một tấn bi kịch lớn: cùng với Gauvain chống lại Lantenac.

Chiến tranh đã đặt hai người thân thuộc, cũng là đại diện của hai thế hệ, trong một gia tộc dòng dõi của xứ Bretagne ở hai bên chiến tuyến: bên này là Gauvain kiêu dũng và trong sáng, bên kia là Lantenac dày dạn và khắc nghiệt.

Những biến cố của cách mạng, của chiến tranh cứ xô đẩy con người và cuốn họ vào dòng chảy hung bạo của thời cuộc, không chỉ có Lantenac, Cirmoudain và Gauvain mà còn cả thiếu phụ Michelle Fléchard. Định mệnh sắp đặt để rồi cuối cùng tất cả họ gặp nhau ở cùng một nơi, ngay giữa lằn ranh sống chết.

Michelle Fléchard may mắn sống sót trong cuộc tàn sát của đội quân Vendeé giáng trả quân Cách mạng nhưng rồi phải phiêu dạt trên đường tìm lại ba đứa con. Cô không biết rằng mẹ con cô sẽ trở thành nút thắt của tấn bi kịch đã được đặt bày.

Giữa nơi chiến địa khốc liệt, sự sống của ba đứa trẻ trong sáng như thiên thần và tiếng gọi của người mẹ đã thử thách sự khắc nghiệt của Lantenac; rồi đến lượt tình cảm gia đình sẽ thử thách tinh thần cách mạng của Gauvain; và lòng yêu thương sẽ thử thách sự liêm chính và tàn nhẫn của Cimourdain.

2. Những biến động mà các cuộc cách mạng tạo ra khi thì hào hùng, khi thì bi thương, nhưng luôn diễn ra một cách khốc liệt và cuốn theo những phận người. Một Gauvain rơi đầu trên máy chém và một Cimourdain tự kết liễu cuộc đời chỉ là những ví dụ lẻ loi minh chứng cho sự khốc liệt của thời buổi cách mạng. Bởi không chỉ có họ, thực tế thì cả Robespierre, Danton lẫn Marat, là những thủ lĩnh cách mạng điển hình nhất, đều nhanh chóng bị chính cỗ xe cách mạng nghiền nát.

Lịch sử đã ghi nhận, thời gian từ lúc họ tranh luận cùng nhau để tìm ra kẻ thù của Cách mạng cho đến khi họ lần lượt chết đi chỉ tính bằng tháng. Và còn vô số những kẻ vô danh phải nhận lấy cái chết, vì chống lại Cách mạng hay để bảo vệ thành quả của nó.

Tìm ra những kiến giải khoa học về diễn trình của các cuộc cách mạng là một việc khó. Gustave Le Bon, ở ngay những trang đầu của quyển Cách mạng Pháp và tâm lý của các cuộc cách mạng (4), đã phải giãi bày: “Những sự kiện vĩ đại từng làm thay đổi số phận của các dân tộc, như những cuộc cách mạng..., thật là khó giải thích, đôi khi đành phải dừng lại ở sự ghi nhận đơn thuần” (tr.25).

Mặc dù vậy, những luận giải của Le Bon về cách mạng từ quan điểm tâm lý học dựa trên cơ sở nghiên cứu tâm lý của cuộc Cách mạng Pháp thật sự đem lại những kết luận có ý nghĩa, không chỉ dành riêng cho việc mô tả cuộc Cách mạng Pháp.

Một trong những luận điểm lớn mà Le Bon đặt ra là cách mà nhân dân hiểu về cách mạng, hay là vai trò của quần chúng trong cách mạng. Theo Le Bon, nhân dân không tự nghĩ ra, cũng không tự điều khiển chính mình; hành động của nhân dân là do các nhà lãnh đạo gầy dựng nên; nhân dân làm cách mạng vì bị đẩy vào cuộc mà không thật sự hiểu nhiều về tư tưởng của các lãnh tụ cách mạng (tr.90).

Do đó, khi được đặt ngang hàng với những người chủ cũ, là giai cấp quý tộc vừa bị lật đổ, thì chính họ sẽ cảm thấy rằng mình đã từng là nạn nhân của cái cũ cho nên bắt đầu cướp bóc, giết chóc, đốt phá, trong khi vẫn tin rằng đó là quyền mà họ được phép thực thi.

Đến một mức độ nào đó, những khẩu hiệu như “Tự do. Bình đẳng. Bác ái” có thể sẽ chỉ còn là những mỹ từ nhằm che đậy những động cơ thấp hèn của đám đông, đó cũng là lúc mà cách mạng rơi vào tình trạng ô hợp, bạo lực và vô chính phủ (tr.93).

Le Bon đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các thủ lĩnh trong phong trào cách mạng, bởi “mọi biến thể của đám đông thuần nhất hay không thuần nhất, của các hội đồng, các dân tộc... đều là những thể tập hợp không có khả năng thống nhất và tập hợp, khi mà chúng còn chưa tìm được một người thủ lĩnh” (tr.150). Diễn đạt theo cách khác thì “đám đông là một sự vật vô định hình không có khả năng làm gì mà cũng không mong muốn gì khi không có một bộ phận đầu não chèo lái nó” (tr.38).

Khi phân loại các cuộc cách mạng, Le Bon cho thấy một quan điểm rất đáng chú ý khác của ông, đó là những cuộc cách mạng chính trị diễn ra đột ngột có thể gây kinh ngạc cho các nhà sử học nhưng đôi khi lại là những cuộc cách mạng ít quan trọng; “còn những cuộc cách mạng vĩ đại lại chính là cách mạng lối sống, thuần phong mỹ tục và tư tưởng”.

“Không phải là bằng cách thay đổi chính phủ mà người ta có thể thay đổi tư duy, tình cảm của một dân tộc” (tr.38).

Không thể tìm cho tất cả quan điểm của Le Bon những chi tiết minh họa trong tác phẩm của Victor Hugo nhưng ở điểm này người đọc hoàn toàn có thể kiểm chứng như một điển hình: ngay trong bầu không khí hừng hực của bạo lực cách mạng thì ứng xử nhuốm màu bi kịch của ba nhân vật Latenac, Gauvain và Cimourdain vẫn dựa trên những thang giá trị truyền thống, gắn liền với dòng dõi của họ, đặc biệt là trong cách mà họ chọn lấy cái chết cho mình.

Cách mạng Pháp từng sôi sục trong mười năm, để lại dấu ấn của nó rồi lùi dần vào quá khứ. Từ đó đến nay, ở nước Pháp cũng như những nơi khác, nhiều cuộc cách mạng từng nổ ra và hoàn thành sứ mệnh của chúng. Đến tận hôm nay, các cuộc cách mạng - hiểu theo cách của Le Bon là “mọi sự chuyển đổi bất ngờ” - vẫn tiếp tục xảy ra hoặc đang được ươm mầm ở đâu đó, như một thực tế không thể tách rời lịch sử tiến hóa của xã hội loài người.

Còn Le Bon thì vẫn nhắc nhở chúng ta: “Làm cách mạng thì dễ, thay đổi tâm hồn của một dân tộc lại rất khó”.

Vũ Thái Hà
Nguồn: Tuổi Trẻ

(1): Tiểu thuyết của Victor Hugo, bản dịch tiếng Việt của Châu Diên, NXB Trẻ 2014.
(2): Các thủ lĩnh của phái Cách mạng trong phe Cộng hòa: Robespierre đại diện cho Ủy ban cứu quốc, Danton cho Montagnard, và Marat cho Công xã.
(3): Nhân vật khác thuộc phe Cộng hòa, đại diện cho tòa giám mục Paris.
(4): Tác phẩm của Gustave Le Bon, bản dịch tiếng Việt của Đào Đình Bắc, Alphabooks & NXB Thế Giới 2014.