Ngày đăng : 08/07/2015

'Tuyết hoang' - Trải nghiệm những thân phận


Hình ảnh “tuyết chồng lên tuyết trải khắp đất trời một màu trắng xóa hoang dại” dường như không khoả lấp đi được bầu không khí ngột ngạt, nhiều lúc tưởng chừng như nóng rẫy qua những con chữ trong Tuyết hoang.

Ký ức bị dồn nén nhiều năm, như được bật lò xo, vụt văng ra, phơi bày một cách sinh động cuộc sống mưu sinh của những người Việt nơi xa xứ. Cay đắng. Tủi nhục. Uất hận. Mệt mỏi… đã biến những sinh viên, lưu học sinh, tri thức du học, trở thành những người ngày đêm quay cuồng với dòng xoáy của đồng tiền. Sự chấp nhận đánh đổi số phận đó khiến không ít những người đã phải trả giá như vợ chồng An và Mai Lan hay chính Nguyên, nhân vật chính trong truyện.

Trong cái vòng xoáy “vong thân” đó, cùng với niềm tin, phẩm hạnh cộng đồng lần lượt bị xói mòn. Niềm tin và phẩm hạnh chỉ còn là những thứ xa xỉ!

Đi liền với sự sụp đổ của một ý thức hệ, là nỗi hoang mang, lúng túng dẫn đến liều lĩnh của một thế hệ tuổi trẻ trong công cuộc tìm kiếm nhằm thay đổi số phận. 

“Nhiều lúc Nguyên bối rối không xác định được trong hai thứ đó đâu là mục đích, đâu là phương tiện. Nguyên chỉ biết chắc chắn một điều, rằng nếu không tranh thủ cơ hội để làm giàu, cả hiện tại và tương lai vợ chồng Nguyên và con trai phải sống ngoi ngóp trong muôn vàn khốn khó” (Chương 1).

Nỗi ám ảnh tự thân của nhân vật Nguyên tưởng chừng cũng chỉ là sự bươn chải mưu sinh, nhưng về tâm khảm, dường như đây cũng là một chặng đường để minh chứng cho điều mà anh đã nhận ra :

“Đặt chân sang Ba Lan, lần lượt chứng kiến sự sụp đổ của từng nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Nguyên vật vã trong cuộc lột xác để trở thành một con người khác. ..”

Trong Tuyết Hoang, tác giả Trần Quốc Quân đã ví cái cộng đồng người Việt xa xứ như làng Vũ Đại bên sông Wisla. Nơi đó có đầy đủ những Bá Kiến, Chí Phèo, lão Hạc, giáo Thứ... "nơi ấy có đầy đủ từ văn hóa mắm tôm thịt chó tới hội chứng con gà tức nhau tiếng gáy".

Trong cái cộng đồng nhốn nháo và đầy hoang mang ấy, tôi cứ băn khoăn tìm kiếm xem "Bá Kiến" ở đâu?  Nhân vật "chị Châu" ư? Hay đó lại chính là Nguyên?

Dường như chưa ai nghiên cứu và thống kê một cách thấu đáo xem những đức tính nào của người Việt vẫn tồn tại đến hôm nay và niềm tin của con người đã bị xói mòn đến mức độ nào.

Rồi đây, có lẽ thế hệ trẻ sẽ cần học thêm những điều khác để giành lấy tương lai của mình. Nhưng nghĩ một cách sâu xa hơn, tôi chợt thấy băn khoăn xa xót khi tâm thức bất thiện và vọng động thái quá xuất phát từ một cộng đồng đang mất dần bản sắc và phẩm hạnh, khiến cho những đứa con của mình chênh vênh nơi xứ người.  

Quốc Trọng (đạo diễn)
Nguồn: Thể thao & Văn hóa