Ngày đăng : 21/07/2014

Văn hóa thành thị thời @


Đây là cuốn sách thứ 5 của tác giả Benjamin Ngô, bút danh của nhà báo Ngô Bá Nha, hoạt động báo chí từ năm 1997 tại các báo Người Lao Động, Phụ Nữ, Sài Gòn Tiếp Thị. Hiện anh là Trưởng ban biên tập website Thế giới Văn hóa (Công ty Sun Flower Media).



Định nghĩa một cách nôm na, đơn giản nhất, “thị dân” là cư dân sống tại các đô thị. Nhưng “thị dân 3.0” có nội hàm rộng hơn thế. Họ không chỉ là người dân đang sống tại các thành phố, mà có mặt khắp nơi trên thế gian này, miễn nơi đó có thể kết nối Internet. Thành ra, nếu có thể tạm định nghĩa, “thị dân 3.0” là những công dân sống trong thời đại của Internet và các ứng dụng công nghệ tràn ngập đời sống.

Với cách hiểu đó, cuốn sách của tác giả Benjamin Ngô đi vào 3 mảng cụ thể: giới trẻ thời đại số, xã hội 3.0 và sống trên mạng xã hội.

Là nhà báo, người viết có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin phong phú. Là người trẻ, tác giả quan tâm và chú ý nhiều tới sự biến chuyển trong các phương diện đời sống của những người thuộc các thế hệ đồng hành với mình và gần mình.

Nếu không kể một vài góc nhìn mang tính biểu dương, Thị dân 3.0 tập trung phần lớn nội dung vào những lệch lạc trong nhận thức, từ đó dẫn tới lầm lẫn trong hành động của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hôm nay. Góc nhìn phản biện của tác giả đặt trong bối cảnh đương đại, một xã hội chịu sự chi phối mạnh mẽ của công nghệ thông tin và những tiến bộ, văn minh đáng kể của vật chất.

Nếu trong cái nhìn về giới trẻ, người viết lo ngại trước “một thế hệ được nuông chiều” với thói vô tâm, ích kỷ, huyênh hoang, nhu nhược nhưng lại thích thể hiện mình, thì với một “xã hội 3.0”, anh bày tỏ nỗi trăn trở trước sự lãng phí, chạy đua thành tích, thói ngạo mạn và sự nhiễu loạn thông tin, v.v...

Và dĩ nhiên trong đời sống của “thị dân 3.0”, mạng xã hội là phần không thể tách rời. Benjamin Ngô đã phơi bày những khía cạnh hỉ, nộ, ái, ố liên quan tới xã hội Facebook mà dường như khi đọc, người trẻ nào hẳn cũng có lúc giật mình vì thấy hơi… giống mình. Đó là chuyện giá trị ảo của nút Like, là sự thiếu ý thức trong chia sẻ thông tin, là thói phát ngôn bừa bãi, vô trách nhiệm của những “anh hùng bàn phím”…

Như tác giả chia sẻ trong phần mở đầu sách, một phần nội dung của Thị dân 3.0 từng là những bài báo đăng rải rác trên Tạp chí Thế giới Văn hóa, có thể thấy, văn phong báo chí rất rõ trong cuốn sách này. Tính nhạy bén trong phát hiện và sự ngắn gọn, xác đáng trong các quan điểm đưa ra là tinh thần xuyên suốt các trang.

Với những người muốn học nghề báo, những tít bài thú vị trong sách hẳn cũng sẽ giúp ích ít nhiều. Có thể dẫn ra đây một số tít như: “Dear chị, thank you em” - nói về thói trưởng giả học làm sang của một số người cố ý chen tiếng Anh trong khi nói. “Kẻ cắp hồn nhiên vô số tội” - nói về những người đang “hồn nhiên xài chùa” phim, nhạc miễn phí trên mạng. “Còi xe ai nhấn mà đau?” - nói về thói nhấn còi xe vô tội vạ của những chủ phương tiện thiếu ý thức, v.v…

Thị dân 3.0 là góc nhìn của một nhà báo về những biến chuyển trong giới trẻ giữa thời công nghệ số. Những gì đang mất đi, những gì còn lại và những gì cần hướng tới. Không đưa ra quan điểm hay nhắn nhủ theo lối giảng giải giáo điều, nhưng đọc xong, hẳn mỗi người sẽ tự rút được cho mình cách hành xử phù hợp hơn với nhịp sống số mà họ đang hòa mình trong đó.

Dương Quang
Nguồn: Báo Đà Nẵng