Ngày đăng : 23/11/2015

Nho sĩ và trí thức hiện đại


Từ nửa sau thế kỉ XIX, Việt Nam phải đương đầu với cuộc xâm lược của thực dân. Sự rạn nứt giữa quan lại với nho sĩ trở nên quyết liệt. Triều đình và quan lại vội vàng hòa hoãn với giặc; đối với họ, ngai vàng và chức vụ quan trọng hơn độc lập dân tộc. Nhưng mặc dầu triều đình kêu gọi các làng xóm giữ gìn trật tự, những nhà nho tin vào sự ủng hộ của nhân dân, mang sẵn truyền thống đấu tranh dân tộc hàng thế kỉ, đã huy động nông dân tổ chức kháng chiến. Trong suốt hai mươi năm, từ Nam đến Bắc, ta thấy các nho sĩ trở thành chiến sĩ cầm đầu học trò và nông dân trong tỉnh mình ra chiến đấu. Bị địch bắt, họ dũng cảm chịu đựng tra tấn và sẵn sàng để chết. Nhưng thiếu vũ khí hiện đại, thiếu một đường lối chính trị phù hợp với thời đại, họ lần lượt thất bại. Tuy nhiên trước khi lụi tàn, trước khi rời khỏi hoàn toàn sân khấu lịch sử Việt Nam những nho sĩ yêu nước đã cứu vãn danh dự của Nho giáo. Nước Việt Nam bước vào thế kỉ XX với một học thuyết Nho giáo hoàn toàn mất hết sức sống; mọi mưu toan khôi phục nó chỉ là một trò hề phản động (đặc biệt chế độ Vichy đã định phục hồi Nho giáo ở Đông Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai).

Thất bại của nho sĩ trước thực dân xâm lược không phải chỉ là vấn đề thua kém về vũ khí. Sự thua kém về ý thức hệ cũng không kém phần nổi bật. Nho giáo, dù là Nho giáo bình dân cũng có hạn chế của nó, đó là những hạn chế do nguồn gốc và tính chất của tư tưởng nông dân.

Bị chế độ quan liêu chèn ép, giai cấp tư sản Việt Nam chưa bao giờ trở thành một giai cấp mạnh, những cuộc nổi dậy trong lịch sử Việt Nam chỉ là những phong trào nông dân, nông dân nổi loạn, và nho sĩ cầm đầu không có con đường nào khác là đưa đến ông vua mới, có đức độ và công bằng theo học thuyết Nho giáo. Với Mạnh Tử, họ nghĩ rằng: dân vi quý. Nhưng chính Mạnh Tử cũng nói rằng: Kẻ lao lực bị người trị, kẻ lao tâm trị người. Vua và quan cai trị nhân dân, là “dân chi phụ mẫu”. Khái niệm dân chủ đối với họ hoàn toàn xa lạ. Họ có thể đấu tranh để thay một ông vua vô đạo bằng một ông vua nhân đạo, một ông vua thoán nghịch bằng một ông vua chính thống. Các nhà nho yêu nước không có một ý niệm gì về những cải cách phải tiến hành trong thiết chế cho phù hợp với tình hình mới. Họ chống chủ nghĩa thực dân hiện đại như tổ tiên xưa đã chống phong kiến Trung Hoa xâm lược, với một phương pháp, một tư tưởng như cũ.

Mặt khác, hoàn toàn không biết đến vấn đề sản xuất, họ không thể hiểu cũng như không thể tiếp thu khoa học hiện đại. Đến lúc này, họ vẫn coi khinh lao động chân tay, chỉ coi trọng việc đọc sách. Hình ảnh người nho sĩ để móng tay thật dài, trói gà không nổi, không phải chỉ là một lời nói suông. Đất nước không thể dựa vào họ để cải tiến phương pháp sản xuất.

Các thế hệ sau năm 1900 không muốn chết cho vương triều đã thoái hoá, họ cũng không muốn chết dưới ngọn cờ Nho giáo. Những thất bại trước một kẻ thù có vũ khí tối tân, chiến thắng của quân đội Nhật chống quân đội Nga hoàng năm 1905, những tân thư của Jean Jacques Rousseau và Montesquieu truyền vào, đã gây nên những đột biến đối với các nho sĩ khai minh cũng như đối với toàn đất nước. Hai khái niệm mới, hoàn toàn xa lạ với Nho giáo xuất hiện ở Việt Nam; đó là khoa học và dân chủ. Người ta bắt đầu đi tìm giải pháp bên ngoài những con đường mòn của quá khứ.

Sự phát hiện một chế độ không phải chế độ quân chủ, trong đó nhân dân được tham gia chính quyền một cách đáng kể, đối với nhiều nho sĩ là cả một điều mới lạ... Những máy móc, với những sự nghiên cứu khoa học lại là một phát hiện khác. Những nho sĩ trong làng quả cũng từng làm thầy thuốc và thầy địa lí, nhưng họ lấy Đạo giáo làm hệ suy luận, nên không phân biệt được khoa học với ma thuật. Thiên văn học lẫn lộn với chiêm tinh học, địa dư học và địa chất học lẫn lộn với khoa phong thủy, y học đạt được những thành tựu đáng kể nhưng vẫn chưa thật thoát khỏi thuật suy luận siêu hình.

Tuy vậy, trong một thời kỳ dài, những tư tưởng khoa học và dân chủ vẫn chỉ là những ánh sáng leo lét trong đêm tối, chưa thể chiếu sáng khắp cả nước. Từ năm 1905 đến năm 1930, đất nước Việt Nam phải chịu đựng chấp nhận nền đô hộ thực dân. Những thế hệ trí thức mới được đào tạo ở nhà trường phương Tây được học thế nào là dân chủ và khoa học, nhưng dù cho họ có tài giỏi uyên bác đến đâu, cũng không có một ai có thể kêu gọi đất nước đứng dậy như những nho sĩ cuối thế kỉ XIX. Chúng tôi, những trí thức Việt Nam tốt nghiệp trường Đại học Hà Nội hay ở Pháp về trong thời kì thuộc địa, được học những điều mà nho sĩ không biết đến như vật lí, đại số, sinh vật học; chế độ bầu cử, thiết chế cộng hòa. Nhưng so với một số nhà nho mà chúng tôi còn tiếp xúc, chúng tôi vẫn cảm thấy mình thiếu một cái gì.

Kiến thức của nhà nho so với chúng tôi còn bị hạn chế nhiều, nhưng họ là những “Con người”, những “cây tre” mọc thẳng, những “cây thông” đứng vững trong gió rét. Chúng tôi thì chỉ là những “cái túi kiến thức”, những cây sậy sẵn sàng rạp mình trước gió nhẹ, mà khi gian khổ không thể tin cậy được. Các nhà nho có những nguyên tắc sống, những quan niệm đạo đức ăn sâu trong đầu mà họ làm theo. Người ta có thể phủ nhận giá trị của những nguyên tắc đó, nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của chúng, vì không thể bảo những con người đó làm ngược lại quan niệm của họ. Đạo đức là cơ sở giáo dục của họ.

Sự đào tạo của chúng tôi khác hẳn. Ở trường trung học cũng như ở trường đại học, chúng tôi tập trung học hoá hay học lượng giác, địa lí. Nhưng đến giờ luân lí thì chúng tôi chỉ lén lút đọc truyện hay đánh cờ chơi. Nho sĩ không biết thế nào là một con người khoa học; còn chúng tôi thì không biết thế nào là một con người chính nghĩa. Và khi tình hình biến động, phần lớn chúng tôi, tất nhiên không phải là tất cả - trở thành những thứ bột dẻo để cho những thế lực đối lập nhau tha hồ nặn một cách dễ dàng.

Giống như quan lại thời xưa, mấy nghìn trí thức được đào tạo dưới thời thuộc địa ở các trường đại học bên Pháp hay ở Hà Nội đều sống xa nhân dân. Chúng tôi là những người thành thị thuần túy trong một nước mà 95% dân sống ở nông thôn. Khi các nho sĩ ra lời kêu gọi, cả nước từ Nam ra Bắc đều hưởng ứng, vì sống trong làng, hàng ngày, nhà nho có quan hệ mật thiết với nông dân. Chúng tôi thì bị chìm giữa đất nước, không có kim chỉ nam, không có gậy chỉ đường.

Chúng tôi cũng không phải là quan chức của chế độ mới, vì người ngoại quốc cai trị nước chúng tôi. Về phần các nho sĩ thì họ cảm thấy là kẻ thừa kế những người đã lãnh đạo đất nước bao thế kỉ, đã dẫn dắt nhân dân trong cuộc đấu tranh dân tộc hàng mấy trăm năm nay. Những người ưu tú trong tầng lớp nho sĩ còn giữ được lòng tự hào và tự tin, cái mà chúng tôi thiếu. Trong nhân dân, người ta vẫn kể lại một cách kính trọng tên tuổi những nhà nho vừa ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân, hiên ngang chết trước mũi súng quân thù, thà chịu tù đày còn hơn danh vọng, thực hiện điều mà Mạnh Tử từng nói: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. Tôi biết rằng, phần lớn chúng tôi không có được tinh thần dũng cảm bình thản đó.

Một điều nữa ám ảnh chúng tôi là chúng tôi học bằng tiếng Pháp. Rất ít người trong chúng tôi biết viết một bài chính xác bằng chữ quốc ngữ, trước nhân dân, chúng tôi trở thành không có tiếng nói, bị cắt đứt khỏi truyền thống dân tộc.

Chúng tôi có trong đầu những tư tưởng hiện đại về khoa học và dân chủ, nhưng lật đổ chế độ thực dân, phá vỡ cấu trúc phong kiến, để có thể thiết lập nền dân chủ và phương thức sản xuất khoa học trong nước, lại là một gánh nặng mà đôi vai chúng tôi không thể đảm đương nổi. Cơ sở xã hội của chúng tôi, giai cấp tư sản Việt Nam lại quá yếu. Nó chỉ có thể sống dưới bóng đô hộ của thực dân. Chúng tôi đã thất bại ngay từ bước đầu, trước chủ nghĩa đế quốc phương Tây, chúng tôi cảm thấy bất lực. Những trí thức tốt nghiệp đại học dưới thời thuộc địa không thể đóng vai trò như nho sĩ thời Nguyễn Trãi.

Nguyễn Khắc Viện
Nguồn: Đạo và Đời