Ngày đăng : 22/04/2014

Chiến binh cầu vồng - Chuyến du hành về miền ký ức


Tâm sự của Angie Kilbane – người đã cộng tác với Andrea Hirata để dịch ‘Laskar Pelangi’ sang tiếng Anh.

Lần đầu tiên tôi nghe thấy cái tên Laskar Pelangi (Chiến binh Cầu Vồng) là vào tháng 9 năm 2008. Vô cùng đột ngột, cái tên ấy dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi: bìa sách, bài hát, phim ảnh. Là cuốn sách đầu tiên trong tuyển tập bốn tác phẩm của Andrea Hirata được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời tác giả, ngay từ lần đầu tiên phát hành năm 2005, Chiến binh Cầu Vồng không khác gì một cơn bão lớn hoàn toàn chinh phục các độc giả Indonesia, với lượng tiêu thụ đạt mức kỷ lục. Mức độ nổi tiếng của nó đến nay vẫn chưa có cuốn sách nào vượt qua được. Năm 2008, cuốn sách được chuyển thể thành phim, nhờ đó đã đạt được nhiều giải thưởng và được bạn bè quốc tế công nhận rộng rãi.

Xét trên phương diện nội dung hay lối hành văn, Chiến binh Cầu Vồng đều là viên ngọc vô giá – thật đáng ngưỡng mộ xiết bao khi có những người đàn ông đã cầu hôn nửa kia của mình bằng cuốn sách này thay vì bằng chiếc nhẫn cưới. Tác phẩm chứa đựng cách kể chuyện vô cùng độc đáo và mới lạ. Được lấy bối cảnh từ Belitong, đảo Indonesia, Chiến binh Cầu Vồng vẽ lên câu chuyện buồn bằng tiếng cười và sự lạc quan. Nó kể về cách những con người bị áp bức vươn lên đấu tranh bằng một phong thái hài hước lạ thường, không có chửi thề, không bạo lực, không bạo động chia rẽ chính trị, và cũng chẳng ai đề cập đến nguyên do của họ. Sự thăng trầm trong quá trình trưởng thành được khắc họa một cách xuất sắc, độc giả sẽ bị lay động bởi mối tình đầu ngốc nghếch mà thuần khiết, và có những người không thể ngăn mình mỉm cười trước sự ngây ngô của lũ trẻ khi chúng thật thà lên kế hoạch cho tương lai của mình. Trên tất cả, Chiến binh Cầu Vồng đề cập đến một vấn đề nhức nhối, như quyền được học tập hay sự bóc lột tập thể, trong khi lồng ghép chúng vào câu chuyện đẹp đẽ như cổ tích, một chuyến du hành về miền ký ức tuổi thơ và tình bạn.

Sau khi đọc cuốn sách, tôi bị ấn tượng mạnh mẽ bởi Belitong và quyết định phải đến đó bằng được. Vì thế, tôi và cô bạn Kate của mình đã lên kế hoạch nghỉ Giáng sinh ở Belitong – vậy là tôi mua vé máy bay rồi phó mặc chuyện còn lại cho số phận. Tình cờ, chúng tôi được ở cùng gia đình anh trai của Andrea Hirata, Pak Diding. Chúng tôi lập tức yêu mến Belitong: con người nơi này, cảnh sắc thiên nhiên, nền văn hóa. Tôi có cảm giác như đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Vài tháng sau, Andrea có nhờ tôi đọc bản dịch nháp của tác phẩm. Tôi đã nói cho anh ấy nghe ý kiến của mình, và cuối cùng anh hỏi tôi có thể dịch cuốn sách này không. Lúc đó, là một sinh viên khoa văn trường đại học Indonesia, tôi vừa vui vừa lo bởi lời đề nghị này. Tôi chấp nhận, và chúng tôi bắt đầu công việc dịch thuật từ cuối tháng Ba năm 2008.

Một trong những mục tiêu chúng tôi đặt ra khi dịch Chiến binh Cầu Vồng sang tiếng Anh là để chia sẻ nó với thế giới – chứ không chỉ gói gọn lại trong những thư viện nghiên cứu và lớp học của Đông Nam Á. Với hi vọng Chiến binh Cầu Vồng sẽ thu hút đông đảo độc giả hơn, chúng tôi quyết định không dùng đến phụ lục chú giải và chú thích.

Một mục tiêu khác khi dịch Chiến binh Cầu Vồng là để cung cấp cho sinh viên Indonesia những tài liệu tiếng Anh được viết bởi chính đồng hương của mình. Sinh viên Indonesia thường được giao những bài luận về các tác phẩm văn học tiếng Anh – còn gì có thể mang lại cho họ nhiều hứng thú và động lực hơn là một cuốn sách viết bởi một người Indo về chính quê hương mình chứ.

Chuyến phiêu lưu hùng tráng cùng Chiến binh Cầu Vồng và chủ đề giáo dục xuyên suốt tác phẩm (xét trên mọi phương diện: đó là cách con người khẳng định giá trị sự tồn tại của mình trong cộng đồng, giữa những người khác) đã góp phần biến tác phẩm thành một trải nghiệm vô cùng xúc động đối với toàn thế giới. Giáo dục là quyền cơ bản của con người, và trên khắp thế gian này, vẫn có những đứa trẻ, những người giáo viên phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi ấy. Tôi từng được tiếp xúc với một giáo viên ở miền Trung Java, người thầy thỉnh thoảng lại mất một vài cậu học trò vì chúng buộc phải nghỉ học đi làm việc. Chẳng khác mấy so với Bu Mus hay Pak Harfan, anh không kiếm nổi 25 USD một tháng, và còn thường phải làm quá phận sự của mình, như liên hệ với gia đình khi có học sinh nào nghỉ học quá ba ngày. Vì sự nghèo đói, tảo hôn, thiếu giáo viên, thiếu học sinh, chưa kể đến là còn có thiên tai và cả những vấn đề xã hội, vô số trẻ em đã không được đến trường. Chiến binh Cầu Vồng là một sản phẩm và cũng là một phương tiện tạo nên những nguồn cảm hứng để vượt qua tình trạng này. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cuốn sách trở nên ăn khách ở Indonesia.

Tôi rất vinh dự có cơ hội được dịch cuốn sách này. Rất nhiều người đã giúp đỡ tôi, và vì thế trong phần này tôi muốn gửi lời cảm ơn đến họ. Tôi muốn cảm ơn Andrea Hirata vì đã tin tưởng giao cho tôi dịch kiệt tác của mình. Chính bản thân Andrea cũng luôn nắm vai trò chủ động trong việc dịch thuật. Chúng tôi cũng có nhiều vui buồn trong suốt quá trình cộng tác, nhưng nếu không có anh ấy thì cuốn sách đã không được như bây giờ..

Tôi hi vọng tất cả các bạn sẽ yêu câu chuyện này như tôi đã yêu nó. Selamat membaca – Chúc các bạn tìm được niềm hạnh phúc khi đọc cuốn sách này.

Nguyễn Thảo lược dịch - Theo http://andrea-hirata.com/english/ 
Nguồn: Nhã Nam