Ngày đăng : 22/11/2015

Thị trường của những ý niệm riêng tư


Chiếc máy bán sách đầu tiên trong lịch sử ra đời là để phục vụ những giao dịch ngầm, buôn bán những quyển sách cấm. Chi tiết ấy nói rằng tìm sách khởi thủy luôn là những ý niệm rất riêng tư, và việc đại chúng hóa sách không bao giờ là dễ dàng.


Tranh: Lê Thiết Cương

Chiếc máy bán sách tự động đầu tiên trên thế giới được xây dựng năm 1822 để buôn bán hàng cấm. Chuyện nghe lạ tai nhưng là sự thật.

Một tay buôn sách tên là Richard Carlile “ngửi” thấy lợi nhuận lớn từ những đầu sách nổi loạn, tiêu biểu như Thời của lý tính (The age of reason), cuốn sách nổi tiếng vì thách thức các giá trị của Kinh thánh, vốn là một thứ có thể tống người bán vào tù trong thời đại ấy. Ông ta dựng lên một cỗ máy tự phục vụ, khách hàng nhấn số hiệu của cuốn sách, đưa tiền vào máy và nhận hàng để tránh phải trực tiếp ra mặt.

Cho dù động cơ của “ông tổ” Richard Carlile không hề mang tính chiều sâu, thì ý tưởng ấy cũng đã được kế thừa và phát triển bởi các thế hệ sau hòng tạo ra một cuộc cách mạng.

Năm 1937 sau một cuộc trò chuyện với nhà văn Agatha Christie, ông trùm ngành sách Allen Lane của nước Anh quyết định cách mạng hóa việc bán sách bằng một chiếc máy bán sách tự động “xịn”, bán những cuốn sách bìa mềm với giá bằng một bao thuốc. Nó tên là The Penguincubator.

Những cháu chắt của The Penguincubator mang số phận không khả quan. Riêng tại Nhật Bản nhờ vào một văn hóa đọc đặc thù, mô hình ấy phát triển cực thịnh, khi sách bỏ túi được để trong máy bán hàng tự động cùng với báo, tạp chí khiêu dâm, truyện tranh, thuốc lá và nước ngọt. Cần nhớ rằng “sách trong lòng bàn tay” (sách bỏ túi) đã là một đặc trưng của đất nước năng động này cả thế kỷ nay. Nhưng tại phương Tây, máy bán sách tự động được gọi là “Voi trắng công nghệ”.

Voi trắng được vua Thái Lan thời cổ ban cho những tội thần mà ông không thể công khai xử tội. Nó không dùng được cho việc gì và phải nuôi rất tốn kém, cho đến khi kẻ có voi trắng phải khánh kiệt. Bây giờ nó thành một khái niệm cho những thứ rất - tốn - kém - nhưng - không - dùng - cho - việc - gì. The Penguincubator đã thất bại ít lâu sau khi ra đời.

Cho đến trước năm 2010, ở sân bay Heathrow của London, Anh vẫn có thể nhìn thấy một chiếc máy bán sách tự động có tên rất kêu là “The novel deal” (Ý tưởng tiểu thuyết). Công ty sở hữu chiếc máy này giờ đã phá sản.

Hãy quay trở lại với câu chuyện của chiếc máy bán sách lậu mà Richard Carlile khởi xướng đầu thế kỷ 19. Nó dường như kể được cho người ta vấn đề cơ bản nhất của những cuộc - mua - bán - sách: đấy là người mua sẽ phải biết và có nhu cầu về sách trước khi tìm đến cửa hàng. Họ vốn đã tò mò về việc Thời của lý tính thách thức tôn giáo ra sao mới nhấn nút mua.

Nhiều nhà phân phối mong rằng khi họ có thể đưa sách đến trước mặt những người đứng bồn chồn ở bến tàu, sân ga, chúng có thể trở thành một thứ thường thức. Nhưng sách không thể cùng tính chất với đồ ăn vặt, thuốc lá hay nước ngọt. Cơ bản nhất là chi phí thời gian: một quyển sách mất thời gian thụ hưởng nhiều tiếng đồng hồ.

Câu chuyện “phải quen biết trước rồi mua sau” này được chứng minh bằng sự thành công thời gian gần đây của một cỗ máy mang tên “Máy bán sách Esspresso”: năm 2009, người Anh cho ra đời một cỗ máy có thể tự in và đóng sách theo yêu cầu, kể cả những quyển không còn bán ngoài thị trường.

Với tốc độ in 100 trang/phút, chỉ cần nhập vào tên của một cuốn sách, sau 5-10 phút người ta cầm trên tay một cuốn sách nóng hổi... Đặc điểm nổi bật nhất của nó là gì? Vẫn là việc người dùng đã có ý niệm về sách, thậm chí cụ thể là tên của cuốn sách mình muốn trước khi tiếp cận kênh bán hàng.

Chung quy những nỗ lực cải cách thị trường sách vẫn chỉ tay về một điểm: việc đọc. Ý niệm về sách vốn phải tồn tại mạnh trong xã hội, những đầu sách giá trị phải được biết đến, người mua phải có nhu cầu nội tại tương đối mạnh về việc đọc, có kiến thức về sách ngay cả với những cuốn họ chưa đọc. Các kênh phân phối sẽ chỉ là hệ quả chứ không phải lý do cho nhu cầu này.

Văn hóa của sách là một câu chuyện dài hơn rất nhiều so với lịch sử của máy bán sách. UNESCO thì nói về “Chính sách sách quốc gia”. Các nhà xuất bản thì tổ chức những ngày hội sách. Một nhóm bạn trẻ ở TP.HCM thì sáng lập Book box, một mô hình trong đó những chiếc hộp gỗ đựng sách được đặt khắp nơi trong thành phố để trao đổi và đọc miễn phí sách cũ.

Hai thế kỷ sau thời của tay buôn thức thời Richard Carlile, quy trình của thị trường sách vẫn không hề thay đổi: những cuốn sách luôn phải được cấy vào đầu mỗi người từ trước khi họ giở những trang đầu tiên.

Đức Hoàng
Nguồn: Tuổi Trẻ