Ngày đăng : 08/04/2014

Chứng nhân và kẻ kiến tạo lịch sử


Cách hoàn chỉnh nhất để hiểu lịch sử ở một lát cắt nào đó là phải hiểu hết mọi cá nhân xuất hiện trong lát cắt ấy.

Đáng tiếc, điều đó là bất khả. Hơn nữa, dòng chảy của lịch sử lại không phải là phép cộng máy móc của những lát cắt trên trục thời gian liên tục. Lịch sử tạo nên những con người mà nó cần hay chính những con người ấy đã kiến tạo nên lịch sử, câu hỏi đó vẫn tiếp tục khó trả lời trên cả bình diện lịch sử lẫn triết học.

1. Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn chưa bao giờ ngừng cuốn hút. “Điệp viên hoàn hảo” (*) đã là nhân vật chính của rất nhiều sách báo và các công trình nghiên cứu.

Lần này, quyển Điệp viên Z.21 (1) tiếp tục đóng góp một cách đầy ấn tượng vào việc khắc họa chân dung ông, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ, một nhà báo chuyên nghiệp, người vẫn tiếp tục gửi các báo cáo tường thuật về cho tòa soạn báo Time ngay trong ngày 30-4-1975 và chỉ biến mất khỏi măngsét của tờ này từ ngày 10-5-1976 (tr.17).

Thomas Bass, một nhà báo Mỹ kỳ cựu, gặp Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên vào năm 1992 và duy trì gặp gỡ giữa hai bên cho đến tháng 1-2006, tám tháng trước khi ông Phạm Xuân Ẩn qua đời.

Với tư liệu thực tế là 60 giờ băng phỏng vấn và nhiều giờ trò chuyện được ghi lại bằng văn bản, cùng những nỗ lực nghiên cứu và khảo cứu trong nhiều năm, ông đã vẽ nên bức chân dung sinh động của một điệp viên sừng sỏ, là kẻ thù của nước Mỹ nhưng đồng thời là một người yêu nước Mỹ.

Không có cách nào tốt hơn để chống lại kẻ thù bằng cách hiểu họ một cách tường tận. Chính người Mỹ - trước đó là người Pháp - đã đào luyện nên Phạm Xuân Ẩn. Văn hóa và ngôn ngữ là mấu chốt, từ cách hút thuốc cho đến cách ăn nói. Dưới sự hướng dẫn của những người Mỹ, ông đã bớt “cộng sản” trong hành vi, nhờ thế “ẩn mình” khéo léo hơn.

Phạm Xuân Ẩn học “nghề” tình báo cũng chủ yếu từ người Mỹ, trong đó Edward G. Landale (2) là một bậc thầy mà ông tôn trọng.

Câu chuyện về các điệp viên sẽ hấp dẫn nhất ở những chi tiết, trong đó nhân vật đã giấu mình thế nào, vượt qua hiểm nguy ra sao và tác nghiệp bằng cách nào. Dưới ngòi bút của Thomas Bass, Phạm Xuân Ẩn là một nhà tình báo chiến lược, ông không phải là một người thu thập thông tin đơn thuần mà thật sự là người sử dụng thông tin một cách chủ động.

Điều kỳ diệu, mà chính tác giả của quyển sách cũng chưa hoàn toàn khẳng định, là Phạm Xuân Ẩn đã sử dụng cùng một thông tin để tác động vào hành động của cả hai phía trong cuộc chiến một cách tài tình.

Thomas Bass “đọc” được sự tinh tế của Phạm Xuân Ẩn trong rất nhiều chi tiết khi mà hai bên trao đổi trực tiếp với nhau, kể từ việc lựa chọn ngôn từ khi mô tả một tình huống cho đến cách né tránh những câu hỏi về các vấn đề mà ông cho là tế nhị.

Con người Phạm Xuân Ẩn đã cuốn hút những người cùng thời như thế nào thì chuyện về ông cũng lôi cuốn chúng ta y như vậy, hấp lực đến từ chính sự mẫn cảm và tinh tế mà ông sở đắc.

Nếu quyển sách chỉ vẽ nên chân dung của Phạm Xuân Ẩn một cách xuất sắc thì nó cũng chỉ được xếp vào nhóm những quyển tiểu sử hay nhất, nhưng Thomas Bass đã đi xa hơn rất nhiều.

Quyển sách của ông đã kể với người đọc một câu chuyện hấp dẫn, cùng lúc đó cho chúng ta rất nhiều sử liệu và những manh mối để có lần tìm về những diễn tiến của lịch sử Việt Nam hiện đại, mà tâm điểm là hai cuộc chiến tranh Đông Dương, trong đó nhân vật chính của nó bị giằng xé giữa những lựa chọn sinh tử để rồi vĩnh viễn viết tên mình vào lịch sử dân tộc ở những trang bi tráng nhất.

2. Được mệnh danh là “giáo hoàng của văn học Đức”, Marcel Reich-Ranicki, qua tự truyện Đời tôi (3), đã kể cho chúng ta những “biến cố lịch sử quan trọng đầu thế kỷ 20, ghi dấu những đau thương khủng khiếp đã khiến khoảng 6 triệu người gốc Do Thái ở châu Âu phải bỏ mình trong các trại tập trung thời Thế chiến thứ hai”.

Hơn thế, câu chuyện cuộc đời của “giáo hoàng” còn dẫn người đọc vào một cuộc khám phá đời sống văn học và nghệ thuật Đức.

Sinh ra ở Ba Lan trong một gia đình gốc Do Thái, hoàn cảnh đưa cậu bé Marcel Reich đến Đức ở độ tuổi chín mười để rồi từ đó cậu tiếp nhận dần từng phần những giá trị Đức, mà khởi đầu là rất khiên cưỡng và phải chịu nhiều ép buộc.

Bắt đầu là những nét sinh hoạt nhỏ nhất: “Ở nước Đức, người ta không ăn trứng như thế” (tr.25), rồi đến giáo dục: “Tại đất nước của văn hóa mà con trẻ bị những người dạy dỗ đánh bằng roi vọt”; nhưng cậu đã “nhanh chóng rơi vào vòng quyến rũ của văn học Đức, âm nhạc Đức”.

Và thế là cậu lớn lên “bên cạnh nỗi sợ hãi người Đức” cùng với “niềm hạnh phúc mà [cậu] đã hàm ơn người Đức” (tr.27).

Những va chạm về văn hóa và tình trạng bị cô lập trong một xã hội mới đã hun đúc nên vị “giáo hoàng” tương lai: “Hồi đó tôi đã biết: muốn hòa nhập và hơn nữa được coi trọng, tôi phải học xuất sắc” (tr.29). Ngay từ những tiếp xúc rất sớm với văn học và nghệ thuật Đức, trong môi trường giáo dục Đức, Marcel Reich đã hình thành những quan điểm về nghệ thuật của ông.

Cậu bé Marcel lúc đó đã tranh luận trực tiếp với thầy giáo về một vở kịch, để rồi giữ quan điểm của mình cho đến mãi về sau: “Tôi trân trọng, song không thể ham thích vở kịch ấy” (tr.43). Và đây là một quan điểm nữa, mà tính thời sự của nó có lẽ ngay bây giờ vẫn y nguyên: “Văn học được phép hấp dẫn - và nên hấp dẫn” (tr.42).

Năm 1933, ở Berlin, những màn giáo đầu của bi kịch lớn bắt đầu diễn ra dưới mắt của “đám học trò trường trung học”, chúng đã “cảm nhận tức thì chế độ quốc xã”. Những bài giảng về sự ưu việt của dòng giống Aryan, về “âm mưu thống trị thế giới của bọn Do Thái” đã đi vào trường học và gây ra những xáo động lớn về tư tưởng của cả một lớp người.

Đến tận lúc mà chiến tranh đã kết thúc lâu lắm rồi thì Marcel Reich vẫn đau đáu câu hỏi: lúc đó, những người không - phải - Do - Thái đã tiếp nhận các bài học ấy thế nào, họ nghĩ gì, ai cho họ quyền phân biệt chủng tộc? Những người bạn học cũ đối diện nhau, người ở trại tập trung ra, kẻ đã cởi quân phục quốc xã, nhưng không thể có câu trả lời thỏa đáng, lịch sử để lại một vết sẹo vĩnh viễn.

Trải qua hết những thăng trầm của thời cuộc, Marcel Reich-Ranicki vừa can dự, vừa quan sát những biến động chính trị và xã hội lớn lao ở Đức và Ba Lan. Ông trở thành chứng nhân cho thời đại của mình, câu chuyện đời ông cho chúng ta rất nhiều cơ hội để chiêm nghiệm và phản tỉnh.

3. Một người Do Thái khác cũng sinh ra ở Ba Lan và đi vào lịch sử như một người kiến tạo quốc gia: David Ben-Gurion. Ông là một nhà chính trị trứ danh. Quyển Tiểu sử David Ben-Gurion  (4) kể lại lịch sử hình thành nhà nước Israel bằng cách vẽ lại hành trình của Ben-Gurion.

Khát khao trở về “Đất thánh” là nỗi niềm của người Do Thái suốt hàng ngàn năm lưu lạc, và nỗi khát khao ấy đã hội tụ ở những người trẻ tuổi và cấp tiến như Ben-Gurion. Lý tưởng phục quốc được những thanh niên tiền phong chọn như một lẽ đương nhiên.

Và vào một buổi sáng tháng 9-1906, David Ben-Gurion về đến bến cảng Jaffa, đặt chân lên vùng đất Israel trong cảm xúc “vui sướng và mê mẩn”. Những ngày sau đó, cùng với nhiều thanh niên Do Thái chung lý tưởng, anh “rất quyết tâm cuốc đất, vì đây là tiếng gọi chủ đạo của sự phục quốc Do Thái”.

Biểu hiện có phần ngây thơ ấy chính là quan điểm chính trị mà Ben-Gurion và các đồng đội của ông, cũng là những đại diện xuất sắc của dân tộc Do Thái, theo đuổi trong suốt gần nửa thế kỷ tiếp theo, cho đến ngày Nhà nước Israel đứng vững được trên đôi chân của mình: “Người Do Thái lao động trên đất cát Do Thái - đây là cách duy nhất để dân tộc Do Thái giành lại chủ quyền vùng đất Israel”.

Cũng vào năm đó, lần đầu tiên đảng mà Ben-Gurion là thành viên tích cực đã “đặt mục tiêu cho chính nó: thành lập một nhà nước Do Thái”.

Người Do Thái không đi chinh phục một quốc gia, chiếm đoạt một vùng đất, mà họ tìm kiếm một quê hương. “Một quê hương thì không được trao hay nhận như một món quà, nó không thể bị sở hữu bởi vàng hay chinh phục bằng sức mạnh nắm đấm, mà nó phải được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt.

Chúng ta sẽ nhận lại vùng đất của mình không phải từ một hội nghị hòa bình... mà từ những lao động Do Thái sẽ cắm rễ trên vùng đất đó, hồi sinh nó và sống trong nó”.

Nhưng tất cả những quan điểm ấy, cho dù mạnh mẽ và đầy khao khát, mới chỉ là những điểm sơ khởi. Con đường mà Ben-Gurion và dân tộc ông phải đi qua để đến ngày Nhà nước Israel được cộng đồng quốc tế công nhận còn dài, rất dài.

Lặn lội giữa nhiều làn đạn, khôn khéo giữ thăng bằng để kiên định với mục tiêu thành lập một nhà nước Do Thái trên chính mảnh đất Israel giữa những bề bộn giằng xé của một thế giới đang tan nát trong sự giằng co của các cường quốc và các thế lực chính trị là những gì mà người Do Thái đã phải làm.

Tụ hội về miền đất được xem là quê hương từ khắp mọi nơi trên thế giới, sau quãng thời gian lưu tán mấy nghìn năm, người Do Thái đã nắm chắc ngọn cờ của họ: vì dân tộc, vì quê hương.

Cho dù là ai và đến từ đâu, những kẻ xuất chúng - có thể gọi các nhân vật của chúng ta như vậy - đã trở thành một phần của lịch sử mà họ vừa là kẻ kiến tạo vừa là chứng nhân. Lịch sử ấy chưa bao giờ tách rời khỏi một dân tộc, một quê hương, ngay cả khi dân tộc ấy, quê hương ấy là một lựa chọn.

Cứ thế, những cá nhân và lịch sử đã hòa quyện với nhau trong một thể bất khả phân ly.

Vũ Thái Hà
Nguồn: Tuổi Trẻ

(1): Bản dịch tiếng Việt tác phẩm The spy who loved us của Thomas Bass, Đỗ Tuấn Kiệt dịch, Nhã Nam và NXB Hồng Đức ấn hành tháng 3-2014.
(2): Tướng tình báo Mỹ Edward Geary Lansdale (1908-1987).

(3): Bản dịch tiếng Việt hồi ký Mein Leben của Marcel Reich-Ranicki, Lê Chu Cầu dịch, Nhã Nam và NXb Thế Giới ấn hành tháng 4-2014.

(4): Bản dịch tiếng Việt Tiểu sử David Ben-Gurion của Michael Bar-Zohar do Đỗ Tiến Vương dịch, Alphabooks và NXB Thế Giới ấn hành tháng 4-2014.
(*): Tựa cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn của tác giả Larry Berman.