Ngày đăng : 29/07/2015

Sách & Tôi


 
La Liseuse, tranh của J.H. Fragonard
(khoảng 1770)
Bảo tàng Nghệ thuật Washington
 

1. Trong cuốn “Không đây cũng chẳng đó” (Neither Here Nor There) của Bill Bryson viết về châu Âu, tôi chẳng thể nào quên được ấn tượng về Brussel của tác giả: “Cái thành phố mà ngay đến một dòng sông cũng không có”. Đối với Bill, thành phố không thể đẹp nếu không có nổi một dòng sông. Còn đối với tôi, một thành phố không thể đẹp nếu không có một hiệu sách ra hồn.

2. Định nghĩa về sự “ra hồn” này thực ra rất mông lung. Đừng tưởng tượng một tiệm sách lớn mênh mang với những kệ sách gỗ sồi chắc nịch và hàng ngàn cuốn sách được sắp đặt ngăn nắp với các thể loại và danh sách tên tác giả theo đúng thứ tự bảng chữ cái - Một tiệm sách kiểu Kinokuniya hay Barnes & Nobles. Đó có thể chỉ là một tiệm sách nhỏ nằm ở ngay cổng chợ phố thị nơi vét sạch túi tất cả những đồng tôi có thể tiết kiệm được suốt những năm cấp III. Vợ chồng ông chủ tiệm lúc nào nhìn thấy tôi cũng như nhìn thấy con gái, gọi tên tôi ríu rít và mang ra cho tôi những tuyển tập Nguyên Hồng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân,… “vừa kịp lấy ở nhà sách về”. Ông bà chủ còn vui hơn bố mẹ tôi khi dúi vào tay tôi tờ Mực Tím thơm mùi mực in chỉ vào bài thơ của tôi lần đầu đăng báo. Cả tiệm sách là một không gian rộng chừng 4-5m2, không có cửa ra vào mà chỉ có một cửa dạng ghi-sê rộng chừng 1,5m2, cao tới hơn 1m đủ để người mua sách báo ngó vào bên trong. Để dễ hình dung, thì nó đích thị là mô hình một cửa hàng mậu dịch rất thịnh hành ở miền Bắc những năm 1980, nhưng thay vì những cô mậu dịch viên quyền thế thì hai ông bà chủ đặc biệt niềm nở, thường xuyên đọc trước nội dung những sách, báo mới ra để tán chuyện với người mua và ghi ngay những loại báo, sách mới nhập về bằng phấn trắng trên tấm bảng học sinh treo lệch một bên cửa.

3. Một tiệm sách như thế thậm chí đã đi vào giấc mơ của mấy anh em tôi suốt bao nhiêu năm khi cứ nhắm mắt lại là ao ước khi nào bố mẹ về hưu có tiền thì sẽ mở một tiệm sách, báo tại gia (nhưng sự thực là giấc mơ ấy chẳng bao giờ thành hiện thực). Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng căn bệnh mê sách có thể là một chứng di truyền.

Tôi vẫn nhớ mùa hè chuyển từ cấp I lên cấp II là một mùa hè dài tơi bời và tôi có tới ba tháng nghỉ hè về ở Hải Phòng. Khi đó, bố tôi đã về hưu một cục, chuyển công tác, đưa anh trai và em gái lên cùng ở với tôi và mẹ ở Hà Đông. Tôi có cả một mùa hè thơm mùi sách và sống trong thế giới của sách. Chính là bố tôi, người hơn tôi rất nhiều tuổi và thừa đủ kinh nghiệm chống lại bao thứ cám dỗ, lại là người vét sạch túi với tất cả những sách có thể in ở Việt Nam vào những năm 1970-1990. Chỗ nào cũng sách. Từ văn học Nga tới văn học Mỹ. Từ chuyện trẻ con tới tiểu thuyết kiếm hiệp. Từ chuyện tranh tới tiểu thuyết dài lê thê. Anh trai tôi có lẽ là cậu bé có tuổi thơ hạnh phúc nhất (nếu sách có thể được coi là thước đo của hạnh phúc). Tôi thậm chí còn tìm được những tuyển tập Puskin, những tập sách in mực đen dày cộp,… có lời đề tặng của bố mẹ, của bạn bè bố mẹ tôi cho anh tôi vào những sinh nhật năm một chín bảy mươi mấy, khi anh tôi mới lên bốn, lên năm…

Nhưng rồi cả thế giới huyền thoại ấy biến mất khi những người họ hàng trông nhà giúp đã mang bán sạch cho các hàng đồng nát. Tất cả ký ức của tôi còn sau đó là cuốn “Truyện cổ Grim” (đã bị con cô giáo chủ nhiệm năm lớp 7 mượn và lấy mất), tuyển tập “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh (đã bị chị H trong khu tập thể mượn và lấy mất), tuyển tập thơ Puskin (đã bị bạn học PA cấp 3 mượn và lấy mất) và “Những bóng cây săng lẻ” (đã bị mất theo cách nào đó không nhớ người mượn).

4. Cuốn “Chân trời cũ” của Hồ Dzếnh là một quyển sách rất đẹp, đẹp từ bìa tới từng câu chuyện. Tôi vẫn nhớ bìa có màu xanh lam nhạt, một màu rất chân trời cũ. Lần nào đọc tôi cũng khóc, đọc chuyện gì tôi cũng khóc, thương cho một cậu bé tha hương từ nhỏ tới lớn, thiếu thốn đủ thứ, nhất là tình thương của những người thân, mà không bao giờ biết cay nghiệt và oán trách cuộc đời.

Chị H trong khu tập thể là con của bà trông trẻ già. Bà đã luống tuổi mà chưa có con, đi chùa người ta nói nên nhận con nuôi thì sẽ sinh nở được. Vậy là chị H được nhận về. Rồi bà sinh được thêm một anh con trai trước khi chồng hi sinh ở chiến trường miền Nam.

Chị H lớn lên chẳng biết giống ai, da dẻ trắng hồng, mắt lúc nào cũng lúng liếng, đuôi mắt có nốt ruồi, động một chút là rơi lệ. Chị hay giành đọc sách với tôi, thấy tôi có quyển sách, tờ báo nào cũng mượn rồi giấu biệt đi, đòi mãi mới trả. Mà chuyện chị đọc sách, chắc cũng chỉ mình tôi biết. Người con gái lớn lên ngấu nghiến những câu chuyện trong sách, khóc và buồn với sách, coi sách như cơm ăn nước uống chẳng thể thiếu, rồi làm điếm và tàn úa đi như chị H – một đời này là người duy nhất tôi biết.

5. Tôi có người bạn trai thân thiết đã mười năm ở Paris. Lần đầu đặt chân tới châu Âu, nơi đầu tiên bạn dẫn tới là tiệm sách Shakespear & Company nằm bên sông Seine, nơi thứ hai là quán cà phê Flore. Suốt những chuyến đi, về của tôi từ châu lục này tới châu lục nọ, bao giờ valy cũng đầy ắp sách. Tôi mua sách như một cái thú, giống như người say mê âm nhạc lùng sục tìm kiếm những album hay, như người mê sưu tập đồ gốm sứ chịu khó đóng gói những món đồ dễ vỡ cầu kỳ trong không gian nhỏ bé của lòng những chiếc valy. Căn phòng của tôi ở Hà Nội, căn phòng trọ của tôi ở Sài Gòn, cũng vì thế mà chẳng mấy chốc sách đã có thể đuổi tôi đi chốn khác. Người bạn ấy cũng bị sách đuổi đi khỏi căn phòng nhỏ xíu. Bạn tôi chỉ thích mua loại sách bỏ túi, in giấy đen, chữ nhỏ để ngồi đọc trên tàu. Những cuốn quá khổ thường là lúc về nước tìm được rồi mang qua. Trong thế giới tưởng chừng chỉ dành cho những trí thức như vậy, cũng có những kẻ như tôi, tầm thường mọi sự. Tôi thường mua sách của những tác giả yêu thích, nhưng đôi khi mua cũng chỉ vì những cái bìa. Lắm lúc phóng tay, mua những bộ “phiên bản giới hạn” chỉ để… trưng và ngắm nghía (dù nội dung cuốn sách, truyện đó đã đọc thuộc làu). Những người như bạn tôi đôi khi không hiểu nổi những kẻ như tôi, vì họ là những người đọc vì bản thân ý nghĩa của Sự Đọc – họ đọc vì muốn có thêm tri thức, đọc để sung sướng với những cảm xúc tươi mới hay quen thuộc nào đó đã quên đi mà sách gợi lại, đọc vì những gì tác giả đã viết ra trên những trang giấy và ý nghĩa của mỗi từ, mỗi chữ, mỗi câu,… chứ không Đọc Ngắm – như một kẻ rất không chuyên (trong sự Đọc) như tôi.

 

Trong hiệu sách Shakespear&Co, Paris

 

6. Có lẽ vì rất tin vào những người Đọc vì chính bản chất Giản dị của sự Đọc, mà ông chủ tiệm sách La Boucherie ở gần Place Monge mới tự tin giữ lại cái tên Hàng Thịt cho tiệm sách của mình. Gần như lần nào tới Paris, tới nhà hàng Việt Nam Foyer Monge với anh Thận chủ tiệm (nay đã chuyển sang Foyer Mon Vietnam, phố Sainte Geneviève, gần đấy) vừa nấu ăn khéo, vừa phong lưu thi phú, tôi đều ghé ngang tiệm sách này để mua dăm ba cuốn tặng bạn bè. Ông chủ có gu chọn sách rất khá, gần như sách mới nào cũng có – và cũng giản dị như cái tên đã được giữ nguyên (hay vì sự trân trọng lịch sử của một địa điểm?), các sách sắp xếp gọn gàng trong tiệm phần lớn là những sách được in với phiên bản sách bỏ túi, nhỏ, gọn, nhẹ. Và nếu như ở Việt Nam ai đó nói “sách bị bày bán như mớ rau mớ dưa” như một lời miệt thị hay sự chua xót, thì tôi sẽ chẳng nghĩ gì nếu như ai đó nói “sách bày bán như thịt” ở tiệm La Boucherie, vì thực sự, cái cách họ gói sách trong thứ giấy màu nâu và đóng dấu mộc La Boucherie – không những duyên dáng một cách thực dụng – mà còn tạo một cảm giác thân thuộc – vì Sách, có lẽ, đâu khác chi một thứ thức ăn cần thiết mỗi ngày cho tâm hồn và trí não?

7. Nhiều lần tôi đã thử tìm hiểu vì sao người ta lại yêu sách? Vì tôi đã từng gặp những người yêu sách tới nỗi họ không yêu nổi bất kỳ ai trong cuộc đời thật. Và tôi đã từng gặp những người bị sách đuổi ra khỏi nhà. Tôi cũng đã gặp những người trở thành kẻ thù vì chuyện mượn sách khó đòi không trả. Và rất rất nhiều – số đông – mà tôi đã gặp chỉ coi sách là một thứ giấy có chữ chả có ý nghĩa gì hơn là làm mấy món xôi ngộ độc. Và nặng nề hơn – thậm chí chỉ để chùi đít.

Nhưng hẳn sách đã phải được yêu quý và coi trọng; hẳn sách đã phải là nơi cất giấu và thường trú bao nhiêu tâm tư, suy nghĩ; hẳn sách đã phải chất chứa một thứ tà thuật mê ám gớm ghê nên ngay cả có những kẻ chỉ hiểu ý nghĩa của sách ở mức chỉ là chữ bằng mực cũng đã phải e sợ trước quyền năng của sách. Trong lịch sử của bao nhiêu dân tộc, sách đã từng bị coi như một thứ dịch hạch, sách bị coi như những thứ vi khuẩn vi rút độc hại, bị coi như thứ phải loại bỏ khỏi một xã hội. Sách đã từng vấy biết bao nhiêu máu và đã bị hoá đi bao nhiêu kiếp tro tàn. Nhưng ngay cả những cuốn sách không còn tồn tại, trên bia miệng người đời bao nhiêu thế kỷ, dù không ai biết có những cuốn sách đã viết gì, mà người ta vẫn cứ nhắc nhớ về những cuốn sách ấy, về những người đã viết ra chúng bằng cả một tấm lòng trân trọng.

8. Xưa nay, những dân tộc được trân trọng là những dân tộc gìn giữ được Sách từ đời này sang đời khác. Có sách là có văn minh. Tôn trọng Sách là tôn trọng Quyền con người. Không có ngôn ngữ xấu hay ngôn ngữ đẹp. Chỉ có những ngôn ngữ bình đẳng – chỉ có những từ bình đẳng – cho dù để diễn tả bất cứ một nội dung nào.

Ngay cả những thị trấn bé nhỏ xa xôi nhất, ở một đất nước lạc hậu nghèo kém nhất, nếu có một tiệm sách ra hồn cũng đã là quyến rũ, ngay cả khi đó là một sự bắt chước. Thế cho nên, có lần tôi đã ngạc nhiên thấy một tiệm sách Shakespear & Co trong một ngày tuyết lạnh ngắt đầu tháng 3 ở Cezky Krumlov (Tiệp). Tôi hỏi người bán hàng xem có liên quan gì tới tiệm sách Shakespear bên bờ sông Seine không, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và khuôn mặt cô ửng đỏ. Đó là sự bối rối. Của người có học. Nhưng có ai mê sách mà không muốn có một tiệm sách như Shakespear & Company ở Paris – nơi những câu chuyện được viết bằng phấn trắng trên những cửa sổ sơn màu xanh lá cây và một chiếc giường nhung đỏ phủ rèm trên gác có thể trở thành chỗ trú tạm cho ai đó muốn được thành nhà văn nổi tiếng ngay giữa chốn hoa lệ bậc nhất đó? Trên đời này tôi ghét nhất là thói giả dối, nhưng tôi nghĩ, sự giả dối trong việc in nối bản hay in lại sách – có lẽ vẫn là sự giả dối dễ tha thứ nhất.

9. Tôi đã bắt đầu viết những dòng này vào chiều thứ hai cuối cùng của năm Quý Tỵ tại tiệm sách Payot ở Geneva và tiếp tục nó vào chiều thứ hai đầu tiên của năm Giáp Ngọ tại tiệm sách Galignani ở Paris. Không hiểu sao tôi lại bắt đầu nữa, vì trong thế giới của sách, tôi thậm chí không xứng là một từ; và trong thế giới của những kẻ yêu sách, tôi thậm chí không đủ để tồn tại. Nhưng khi đứng trong tiệm sách Payot ở Geneva, tôi không thể dừng những dòng suy nghĩ miên man về sách, những kỷ niệm thời thơ ấu, những cuốn sách đã mất đi, những người bạn đã từng tặng ta cuốn sách họ yêu thích nhất tưởng không thể rời xa và cuối cùng ta và họ lại chia tay không bao giờ gặp lại. Mẹ tôi đã từng giận ông chú một thời gian dài vì ông đã để cho toàn bộ trước tác của ông ngoại tôi bị thiêu rụi cùng căn nhà cháy trên quê. Tôi cũng đã từng giận ông trẻ vì ông đã mượn cuốn Hán Việt tự điển tôi yêu bậc nhất (và là món quý giá nhất mà bố đã từng tặng tôi khi tôi mới bước vào cấp II) rồi để nó rã ra từng trang và cuối cùng thông báo rằng nó biến mất. Có những thứ sẽ tìm lại được, như cuốn tự điển kia, nhưng có những thứ mà ông ngoại tôi – ông giáo nổi tiếng cả một vùng xưa – sẽ chỉ còn tồn tại trong chúng tôi bởi hai câu đối khắc trên núi chùa Thầy: “Núi Tản sông Đà còn trẻ mãi/ Con Hồng cháu Lạc có già chi” mà tôi còn được những ông trẻ, bà trẻ,… kể lại và rồi họ cũng sẽ mãi mãi rời xa đi.

10. Có những tiệm sách cũng đã rời đi như thế. Gần ba năm sau, có dịp trở lại La Haye, thứ tôi muốn làm nhất là chui vào quán cà phê ở tiệm sách Paagman trên đường Frederick. Tôi vẫn nhớ chuyến tàu điện số 1 đi tới đó, nhớ cả những tiệm hoa, những tiệm bán đồ hai bên phố khi tôi đi bộ từ trạm tàu điện tới. Thật may là nó vẫn còn! Vì những tiệm sách khác mà tôi yêu thích ở La Haye như Selexyz đã biến mất. Dù nó đã từng là tiệm lớn nhất, chiếm tới 3 tầng lầu trong Passage đi bộ mua sắm nổi tiếng nhất La Haye ở Buitenhof. Thành phố bị xáo trộn đi nhiều bởi những thay đổi, các tiệm thức ăn nhanh bành trướng và tiệm sách lại đóng cửa. Ngay cả ở một nơi như La Haye!

11. Ngay cả ở một nơi như thế! Tôi không chắc những tiệm sách mình yêu thích ở Siem Riep, ở Krakow, ở Budapest,…có biến mất đi để nhường chỗ cho tiệm thức ăn nhanh hay không nữa! Và ngay cả những tiệm thức ăn nhanh, theo một cách nào đó, ở những đất nước đang phát triển và mọi thứ trở nên đắt đỏ, cũng đang biến thành những không gian dạy học ngoại ngữ và ngồi đọc, dù bạn sẽ phải chịu tiếng í ới hò hét và chạy nhảy như điên của lũ trẻ cùng mùi dầu mỡ chiên nghìn lần thật hôi hám.

12. Để tôi kể bạn nghe, nếu những tiệm sách nổi tiếng ở các nước phát triển mang lại cho bạn cảm giác khoa học, ngăn nắp, nơi sạch sẽ li lau không một hạt bụi, nơi những người già về hưu và lũ trẻ, những bà nội trợ,… có thể ngồi bệt xuống sàn nhà để đọc cọp những cuốn sách mới ra mắc tiền,… - một nơi để người ta không thể phân biệt nhau về vị trí hay thứ bậc xã hội, thì ở những xã hội đang chuyển đổi, dường như ngay cả những tiệm sách cũng ẩn chứa trong nó một sự phân cấp rõ rệt.

Thì cứ nhìn vào tiệm sách ở Krakow Galeria trong trung tâm mua sắm bóng lộn nơi những người trẻ choai choai ăn mặc thật oách với những thương hiệu bình dân cỡ Zara, Mango đi lại tấp nập chọn cho mình một cuốn sách tiếng Anh đắt đỏ với hành lang dưới lòng đường với những tiệm bán sách cũ xen kẽ cùng những tiệm bán thuốc lá, bánh vừng vòng và đồ ăn vặt suốt con đường dẫn tới bến tàu điện ngầm gần công viên trung tâm Krakow. Chẳng có gì ấm lòng hơn trong một ngày mùa đông ướt át và trời xầm xì với bầy quạ đen như một đám mây bao phủ thành phố ở Krakow khi trong tay cầm một chiếc bánh vừng vòng nóng hổi và đứng tán gẫu với những người bán sách cũ với vẻ mặt cũng cũ kỹ già nua và những đôi mục kỉnh lấp loá sẵn sàng giới thiệu cho bạn những cuốn tiểu thuyết cấm thời Xô viết cho tới những tạp chí, hoạ báo vẫn đang toả ra hơi ấm của sự cũ kỹ với những hình bìa đặc trưng màu đỏ cờ.

Chẳng cần đến trí tưởng tượng của tôi thì những người bán sách cũ ở Krakow ấy cũng đã từng là thủ thư, giáo viên dạy văn già, những người đã sống cả cuộc đời với sách, hiểu sách và yêu sách tới mức họ vẫn duy trì những tiệm sách cũ ấy dù giá của chúng so với những cuốn sách Vintage thuộc tủ sách Penguins trong Galeria cách đó không bao xa kia thực sự là rẻ bèo, rẻ bèo.

13. Nhưng bạn sẽ kinh ngạc vì người Budapest đã thể hiện sự yêu sách của họ thế nào. Khác với những tiệm sách mở rong ngoài trời trong khu phố đi bộ ở trung tâm nơi có thể bạn phải trả giá cho một cuốn sách khoảng 150 năm tuổi tới cả trăm euro, thì tiệm sách Alexandra ở Andrassy Ut (đại lộ) của Budapest có thể làm những người tự tin với sách nhất phải choáng ngợp.

Được cải tạo lại từ một toà nhà thế kỷ XVIII, tiệm sách Alexandra là thế giới sang chảnh của những nhà phê bình salon và những kẻ yêu sách (lỡ may) quá giàu! Chẳng có một hạt bụi nào trong cái nhà sách thậm chí lót thảm sàn ấy, khiến bất kỳ ai cũng trở nên rón rén và ngay cả những quyển sách được xén thủ công một cách tinh tế theo trào lưu hoài cổ cũng cảm thấy có chút gì đó thiếu tự tin để được đặt lên những cái kệ mời chào.

Họ chỉ có những cuốn sách “thượng hạng” ở đó – nơi người ta có thể gọi một ly rượu vang thượng hạng, nghe nhạc dặt dìu, thi thoảng cúi xuống lật mở trang sách với bàn tay đeo nhẫn kim cương đặt trên lòng một chiếc váy hàng hiệu và (giả vờ) liếc thật nhẹ nhàng xung quanh để xem người nổi tiếng nào đang ngồi xung quanh mình. Tôi đã bắt gặp một vài kẻ đến chỉ để đọc lén và họ, trời ơi là thảm hại, trốn bằng kỹ nhất vào những góc khó nhìn thấy nhất của tiệm sách ấy (nơi chẳng may người ta đã khéo léo sắp xếp những chiếc gương trong veo điệu đàng tinh tế hết mực phản ánh những dáng dấp yếu đuối tội nghiệp ấy).

14. Nhưng liệu có một thước đo nào với những tiêu chuẩn của mùi hương, sự sắc sảo của đường nét in, cách chọn typo của chữ, cách thiết kế của bìa, tên của người biên tập, logo của nhà xuất bản, phiên bản của năm,… và trên hết là tác giả của cuốn sách – để người ta định ra một cuốn sách là “dở”, “tạm được”, “được”, “khá”, “tuyệt hảo”, “trên cả tuyệt vời”, “ngàn năm có một”,… như cách người ta làm với rượu nho hay cà phê?

Hay sách chỉ đơn thuần là sách? Hay sách chỉ nên tồn tại với ý nghĩa giản dị nhất, cốt lõi nhất của nó – truyền đi những thông điệp – một chiều – nơi người viết ra không thể nào hình dung nổi vẻ mặt và những suy nghĩ xáo trộn trong đầu óc của những người đọc nó?

15. Nhưng nếu những tiệm sách Alexandra chỉ mang lại cho bạn cảm giác cái gì đó choáng ngợp, sang chảnh, thì những tiệm sách cổ phía bên kia cầu Pont de la Machine ở Geneva – khu phố cổ trên đồi cao – mới là những tiệm sách làm cho bạn thót tim với mức giá đắt đỏ của nó.

Bạn có thể tìm thấy ở đó những cuốn thơ của Appolinaire được in từ cuối thế kỷ XIX với hình minh hoạ vẽ tay (loại sách mà số bản in của nó chỉ đếm được trên đầu ngón tay) với bút tích của những nghệ sĩ danh tiếng mà sinh thời đã kịp nổi tiếng và biết cách hưởng thụ ở xứ sở của những đỉnh núi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp này. Trong ổ cứng của tôi, tôi chắc rằng mình vẫn còn lưu tấm hình bìa một cuốn thơ mỏng dính của Appolinaire được bầy sau cửa kính của một tiệm sách cổ như vậy ở Geneva với vết máu (mà hình như đã có một ghi chú nhỏ rằng nó là máu của chính nhà thơ) với giá hơn 1000 euro.

16. Tôi có một người bạn già qua đời cách đây gần một năm. Trong tất cả những chuyến đi công tác có dịp đi cùng nhau, chúng tôi gần như lúc nào cũng gặp nhau ở tiệm sách nổi tiếng nhất của thành phố dẫu nhiều khi chúng tôi không cùng bắt đầu từ một điểm xuất phát. Anh có thú sưu tập những cuốn sách bề thế, đồ sộ về thiết kế, kiến trúc xanh, về sinh học và sinh thái, môi trường. Ngày nay, người ta có thể dễ dàng có được những thông tin ấy trên mạng nhưng có những cuốn sách ấy ở trong nhà – có lẽ - vẫn là một niềm khôn khoái khó tả. Khi anh qua đời, sau tất cả, những gì tôi nhớ tới anh trong mỗi lúc lang thang ở các tiệm sách nước ngoài – là bộ sưu tập những cuốn sách tuyệt vời ấy của anh – không biết ai có diễm phúc được thừa hưởng chúng?

17. Hay người ta sẽ để chúng nằm trong một góc thư phòng lạnh lẽo và bỏ quên chúng?

Hay người ta sẽ để cho thời gian và mối mọt gặm nhấm, làm ố mờ đi những hình ảnh cây cối đã từng xanh tươi, tường nhà đã từng trắng và những mái ngói đã từng đỏ?

18. Hay có thể như một người bạn già khác của tôi, trở về từ Canada, mang theo nhiều chục tấn sách và một lòng muốn hiến tặng cái kho tàng đồ sộ ấy cho nhà nước và phải thực sự nhờ vả tới rất nhiều bạn bè, cuối cùng người ta mới có thể tìm một mái ấm cho nhiều chục tấn sách ấy?

19. Tôi tìm thấy cuốn “The New Life” (Đời sống mới ấy) của Orhan Pamuk – bản in năm 1998 – cuốn tiểu thuyết đầu tiên đưa ông tới với văn đàn thế giới và khẳng định một tài năng – người sau này được trao Nobel văn chương với những mô tả chân thực về một xã hội đang chuyển động và chuyển đổi Thổ Nhĩ Kỳ - trong tiệm sách Gilignani ở số 224 đường Rivoli bên kia vườn Tuilerries với tất cả sự may mắn mà tôi có. Khi tôi than thở giá cuốn sách đắt quá (những gần 16eu) thì người bạn của tôi đã cười mà rằng tới quá nửa số tiền ấy là để chi cho công tiệm sách đã giữ được bản in này những 15 năm qua. Đó là một cuốn sách kể về một cuốn sách. Một cuốn sách hư cấu trong một cuốn sách có thật nói về những con người đã đọc sách, bị cuốn vào thế giới của sách và không có đường quay lại. Nó là ẩn dụ về sự chối bỏ những thực tại mà nhiều người trong chúng ta không muốn chấp nhận. Thế giới của sách cho ta tưởng tượng vô bờ bến (và thường làm ta hụt hẫng khi coi những bộ phim chuyển thể từ nó – bởi không phim ảnh nào truyền tải hết sức tưởng tượng phong phú của não bộ con người). Sách không còn là sự tưởng tượng của cá nhân tác giả muốn truyền tải tới ta – nó là sự gom góp kinh nghiệm và quá trình tư duy và tưởng tượng, quá trình quan sát và trải nghiệm,… của tác giả với đời sống, với chính bản thân mình và với hàng ngàn số phận vây quanh để được chọn lựa thật kỹ những gì được và không được viết ra, những gì nên và không nên viết ra, những gì muốn người khác đọc và không đọc.

20. Nên có những điều đã không bao giờ được viết ra, mà chỉ được lưu truyền theo kiểu “nghe nói” hay truyền miệng.

Và nhiều khi, những cuốn “sách nói-nghe-kể lại” ấy thậm chí còn có sức lưu truyền bền bỉ hơn cả những giấy và mực có thể bị thời gian bào mòn và làm cho rữa nát.

Đó là những huyền thoại, truyền thuyết, đó là những trường ca, những đoạn thơ,…mà kho tàng văn học, văn hoá dân gian của dân tộc nào cũng có – cho dù có những dân tộc không có chữ viết.

Đó là lý do để trong bất kỳ nền văn hoá nào ta cũng thường nghe nói đến những già làng, trưởng bản, những trưởng lão, những mái đình, những cây đa cây bao báp cây ôliu cổ thụ, những ông già Nasredin đi từ làng này qua làng nọ kể bao nhiêu chuyện đời…

Đó là lý do để những người chưa bao giờ mơ tưởng tới sự vĩ đại của cá nhân sẽ trở thành vĩ nhân của lịch sử khi từ người này qua người nọ, những lời truyền dạy của họ, những lý giải của họ, những dẫn dụ và lời nói của họ,…được ghi chép và truyền qua nhau, thấm vào đầu óc, tim não,… của bao nhiêu tỷ tỷ con người qua hàng ngàn năm…

21. Mà đôi khi cả kho tàng những lời truyền dạy ấy chỉ đọng lại trong một vài từ ngữ.

Mà không cần những hệ thống khẩu hiệu kêu gào và miết đi miết lại trong nếp não của con người.

Sự nhân văn nhất của con người là để họ tự trải nghiệm, tự học và tự trưởng thành – chứ không phải là sự nhồi nhét, giáo huấn.

Hãy để họ thừa nhận anh là một tác giả hay – bằng tác phẩm của anh – chứ không bằng bất kỳ một sự đánh bóng nào.

Hãy để cuốn sách của anh phủ bụi trong những nhà sách và đợi cho cuốn cuối cùng không ai có thể tìm thấy, thay vì cậy nhờ thiên hạ nói về nó.

Người ta đọc sách vì bản thân nội dung của nó, như người xem tranh bị thu hút bởi bản thân những màu sắc và đường nét trên tấm toan, chứ không bằng những phân tích hay dẫn giải.

22. Nhưng thời nay hiếm có những tác giả đủ dũng cảm để “bỏ mặc” tác phẩm của mình với đời (người đọc).

Những thế hệ dũng cảm đã viết và đã dám từ bỏ như Franz Kafka, những tình bạn văn chương cao đẹp (mà để giữ gìn nó người ta phải thực sự phê bình và lắng nghe nhau) dường như ngày càng hiếm có.

Nên tôi chẳng ngạc nhiên gì khi cuốn sách trao đổi email và thư từ giữa Paul Auster và J.M. Coetzee “Here and Now” (Ở đây và bây giờ) bán rất chạy khi nó vừa ra sạp. Tôi đã mua ngay vào những ngày đầu nó được phát hành ở tiệm Payot ở Geneva, không phải chỉ vì sự tò mò về hai tác giả yêu thích của mình – mà vì một sự gần như cảm động với tình bạn của họ.

Và để giữ gìn tình bạn, trong văn chương, tôi biết, có nhiều người đã không dám đọc tác phẩm của bạn mình – trong một xã hội như ngày nay, như ở Việt Nam – bạn đồng nghĩa với sự “bốc thơm” hơn là “chia sẻ thực sự”.

23. Tôi có một người bạn già khác (sao xung quanh tôi toàn những bạn già? Tôi biết sống sao khi họ cứ dần dần rời bỏ tôi?) sợ người ta thấy tác phẩm của mình như sợ kẻ cướp. Trong căn chòi gỗ của mình trên đồi cao ở B’lao, người bạn già gần 80 tuổi của tôi bước thấp bước cao với cây gậy gỗ trông có vẻ rất chậm chạp nhưng có thể rút phắt cuốn thơ của ông khỏi tay tôi khi vừa nhìn thấy nó. “Tôi sẽ chôn hết, nhá nhá nhá” – cái giọng già run rẩy nói lắp đi lắp lại ấy thậm chí như đang nói ở bên tai tôi, ngay lúc này.

Không phải vì sợ người khác chê tác phẩm mình dở, mà vì sự kiêu hãnh luôn cho rằng thiên hạ “dưới phân” mình – không tài nào hiểu tác phẩm của mình.

Nỗi sợ không có kẻ đồng điệu khi viết ra – có lẽ là nỗi sợ của tất cả những kẻ bắt đầu đặt bút.

Giống như người vẽ tranh thấy lòng mình trống hoác trước tấm toan – nhiều người viết cũng chỉ thấy những hố rỗng trong lòng mình – mà họ cho rằng sự tồn tại của họ (và tác phẩm của họ) cũng không làm đầy gì hơn cho thế giới này.

24. Hai mắt của Franz Kafka như hai cái hố rỗng.

Cho dù phần lớn người đặt chân tới Praha sẽ đồng ý rằng đó là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới.

Nhưng người con của thành phố ấy – có thể lúc sinh thời – đã từng yêu cái thành phố ấy – ai mà biết? nhưng tất cả những gì để lại của ông chỉ mang một màu sắc u ám.

Nếu là người mê Kafka, đừng bỏ qua tiệm sách Franz Kafka ngay tại quảng trường trung tâm. Không biết giờ anh chủ tiệm còn để tóc dài buộc phía sau với một cái bụng bự đặc kiểu dân Đông Âu đứng bên quầy tính tiền với mớ bưu thiếp đầy hình ảnh Kafka nữa hay không? Tiệm có gần như trọn vẹn các tác phẩm của Kafka với nhiều phiên bản, của nhiều nhà xuất bản trên thế giới in, và có gần như đủ các thứ tiếng mà tác phẩm của Kafka đã được dịch ra.

25. Những tiệm sách nhỏ bé, bình dị nhưng chất chứa cả cuộc đời của những nhân vật như thế gần như chỉ tồn tại ở châu Âu.

Với những tiệm sách có tiếng ở Mỹ hay ở Úc mà tôi có dịp qua, những châu lục với lịch sử trẻ hơn – thường là những tiệm sách hiện đại với dịch vụ tuyệt hảo. Trong những tiệm sách như vậy, trẻ em có thể nằm xoài ra nền đọc sách và người lớn có thể vừa lật sách vừa thưởng thức những ly cà phê thơm lừng.

Nhưng cho dù nó thật đương đại và thật bình dị - thật sự là cuộc đời chúng ta đang sống – cho dù ở đó đôi khi các tác giả nổi tiếng tổ chức những buổi ký tặng sách – thì nó vẫn khó làm ta nhung nhớ như những tiệm sách nho nhỏ, cũ kỹ - nơi mà mùi của sách và của lịch sử đã gọi mời và nhấn chìm ta ngay từ khi đẩy cửa bước vào như những tiệm sách nhỏ ở châu Âu.

26. Đôi khi, chỉ là những bước chân, dẫn bạn đến những tiệm sách như thế - chứ không phải nhờ những chỉ trỏ mời mọc của các hướng dẫn viên du lịch.

Một ngày mùa xuân tháng 3 trong lần tới Dusseldorf xin visa sang Anh bất thành, tôi đã hạnh phúc thấy mình – duy nhất một mình tôi – đứng trong tiệm sách Heinrich Heiner xâm xẩm tối với một bình tuy lip đang dần tàn trên kệ tính tiền ngay bên tay phải cửa vào.

Trời ơi – có ai ngờ tác giả của những câu thơ tình mà tôi học thuộc từ mẹ (sao mẹ tôi lại đọc thơ tình cho đứa trẻ bé bỏng là tôi nghe trong những mùa đông bao cấp lạnh tê buốt đói khát?):

Ta đem chôn Tình yêu
Rồi trồng hoa trên mộ
Lạy Chúa thế là xong
Cả hai cùng nói khẽ
Nhưng Tình yêu thức dậy
Trách móc nhìn chúng ta
“Các ngươi nói gì đấy
Ta đang sống đây mà!”

đã từng sống trong căn nhà nhỏ này?

Và cũng như tiệm sách Franz Kafka, có gì nhân văn hơn là biến chính nơi ở một văn sĩ/thi sĩ thành một tiệm sách như cà phê sách Heinrich Heiner?

27. Một ngày nào đó, một trong những người bà con của tôi, sẽ được sở hữu những cuốn sách tôi đã mua ở tất cả những châu lục đã từng qua, những đất nước đã từng đến.

Một ngày nào đó, một đứa trẻ sẽ lớn lên, sẽ thắc mắc vì những giá tiền bằng đủ loại đơn vị với những tên nhà sách đủ nơi này nơi khác.

Hoặc có thể chúng sẽ tìm thấy một cuốn “Đèn không hắt bóng” từng trang đã long gáy rời ra với giấy màu nâu, chúng sẽ thấy có ba bản in cuốn “Quy luật của muôn đời” (mà tôi đã đọc vào bất kỳ lúc nào cảm thấy cần nhìn nhận lại mình – và bản in thích nhất vẫn là bản cũ nhất).

Hoặc có thể chúng sẽ thấy thú vị và nhâm nhẩm nỗi tự hào khi thấy chữ ký tác giả đề tặng tên của một người trong gia đình chúng.

Hoặc người bạn nào đó, sau khi đọc những dòng chữ lẩm cẩm này, có thể về lục lại tủ sách và trả lại cho tôi những cuốn họ đã từng mượn (dù tôi không có ý nghĩ tương tự với những cuốn sách tôi đã mượn (và quên) từ những người khác.

Hoặc ai đó đang giữ những cuốn sách họ đã từng nghĩ sẽ giành cho tôi và sẽ thực sự nhấc máy lên để gọi và nói “Chúng ta cần gặp nhau vì cuốn sách tôi đang giữ cần phải đưa tới tay G”…

Chỉ nghĩ đến điều đó đã vô cùng hạnh phúc.

28. Và hãy tin rằng, nếu bạn yêu sách, bạn là bạn của tôi.

Và bạn cũng là kẻ cạnh tranh của tôi – một kẻ cạnh tranh tích cực – cho những cuốn sách chúng ta sẽ cùng nhau đọc và tuỳ cảm nhận và cách hiểu khác nhau – có thể tranh luận, cãi cọ, thậm chí không muốn nhìn mặt nhau.

Nhưng ít nhất chúng ta đã là những kẻ đọc sách.

29. Và nếu bạn cười nhạo với sách – ngay cả với những cuốn vô giá trị (theo một thước đo hay quan điểm nào đó) – thì bạn không thuộc thế giới của tôi.

30. Và bạn sẽ là kẻ thù của tôi nếu bạn cố gắng ngăn chặn quyền được tiếp cận sách, được đọc sách, được yêu mến sách, được truyền niềm yêu mến sách, được tặng sách,… của ai đó.

Nếu bạn là một kẻ bất lực, đừng cố gắng biến người khác thành kẻ bất lực như bạn.

Những đầu óc lành mạnh sẽ tự biết cách chọn lựa, nhưng trước khi có một đầu óc lành mạnh, người ta cần những trái tim biết chia sẻ. Điều tốt hay điều xấu đều cần được chia sẻ, thuốc độc hay thuốc tốt đều cần phải được thử nghiệm. Con người không bao giờ tồn tại được nếu thiếu những vi khuẩn hay kí sinh trùng.

31. Chỉ bằng cách trải qua đau đớn, con người mới trưởng thành.

Nhưng có thể sự đau đớn ấy không cần phải cắt vào da thịt, mà chỉ cần qua những trang sách.

32. Bạn đã muốn bắt đầu chưa?

Mở ra thế giới vô tận mênh mông với bao nhiêu hy vọng tuyệt vọng đau khổ hạnh phúc ấy?

Với những cuốn sách của bạn, với những tiệm sách cuộc đời của bạn, của-bạn?

Phạm Điệp Giang
Geneva, Paris, Hà Đông (tháng 1&2/2014)
Nguồn: Diễn Đàn