Ngày đăng : 05/01/2013

Jean-Claude Carrière: “Tưởng tượng là chất liệu cố kết Ấn Độ”


Trong Từ điển yêu thích Ấn Độ, ông đã dành 25 trang cho tác phẩm Mahabharata. Đây là sự khởi đầu của tất cả mọi điều phải không?

 

Đó là một tác phẩm nền tảng, nhưng nó không phải là duy nhất. Có thể nói rằng ở Ấn Độ, người ta có thể quan sát thấy những tình trạng của văn học, từ khởi thủy cho đến ngày nay. Đầu tiên là những văn bản không do con người viết ra, những văn bản được thần khải, là kết quả của các vũ trụ: đó là kinh Vệ đà, ra đời vào khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ X trước Công nguyên. Chúng được sinh ra từ những sự rung cảm về mặt  âm nhạc trong thế giới đã sản sinh ra âm tiết chính Om, từ đó những âm khác đã sản sinh ra những từ, và những câu, và những cuốn kinh Vệ đà. Người ta không thể tranh luận về những cuốn kinh Vệ đà, nhưng cần phải giải thích chúng. Đó là trường hợp của các văn bản Purana[1]. Sau đó, có những tập sử thi: Mahabharata, hoặc là câu chuyện vĩ đại của Bharata, và Ramayana. Cả hai cuốn đều có những nhân vật anh hùng chính là một trong những hiện thân của thần Vishnou. Hai bài thơ về thần Vishnou nhằm làm dịu đi mọi chuyện, và tái tạo lại trật tự của thế giới. Cũng giống như trong Iliade Odysée, các nhân vật chính của hai bài thơ này, nửa là thần, nửa là người, nhưng theo dòng câu chuyện thì đã quên mất nguồn gốc thần thánh của mình.

 

Ông có cho rằng Mahabharata là chất kết nối dân tộc Ấn Độ…

 

Vâng, hẳn đó là thứ làm nên sự cố kết của Ấn Độ. Người ta thường hỏi vì sao một đất nước có nhiều sắc dân khác nhau như thế, nói những ngôn ngữ hết sức phong phú – như tiếng Bengali, tiếng Tamoul, v.v… - và có lối ẩm thực hết sức đa dạng mà cuối cùng lại hình thành nên một dân tộc, một nền dân chủ. Trên thực tế, đó là sự tưởng tượng, chứ không phải thực tế, đã tạo nên tính thống nhất của Ấn Độ. Tất cả những người Ấn Độ đều chia sẻ những huyền thọai giống nhau, những truyền thuyết như nhau, những nhân vật anh hùng giống nhau.

 

Thực tế là, dù bạn có đi đến đâu ở Ấn Độ, thì tất cả mọi người, kể cả những người theo đạo Hồi, cũng biết Mahabharata. Và mỗi người đều có cách diễn giải khác nhau.

 

Ngay cả những thế hệ trẻ ư?

 

Tất nhiên, Mahabharata có các phiên bản là truyện tranh bán trên hè phố, những bộ phim dài kỳ trên truyền hình, những bộ phim chuyển thể để đến gần với thời đại chúng ta hơn. Không một ai giữ cuốn sách đó trong nhà, vì đó là câu chuyện kể về mối mâu thuẫn gia đình giữa hai anh em họ gần như là kẻ thù. Vì thế, nó có thể làm đứt gãy những mối liên hệ gia đình. Vậy nên họ đặt nó trong nhà để xe, trong nhà phụ.

 

Những thiên sử thi ấy được viết bằng ngôn ngữ gì? 

 

Bằng tiếng Sanskrit, là thứ tiếng cổ nhất, mà người ta coi là hay nhất thế giới và nó nổi tiếng là ngôn ngữ mẹ của các ngôn ngữ Ấn Âu. Hai người Pháp đã chết vì việc dịch cuốn Mahabharata… Nước Pháp có may mắn, cùng với Iran, là hai nước sở hữu một phiên bản đầy đủ nhất của tác phẩm này. Một ngôn ngữ khác, tuy không cổ bằng, nhưng là suối nguồn văn học quan trọng, đó là tiếng Pali. Nó nuôi dưỡng một nền văn học chưa bao giờ được khởi thảo, văn học Phật giáo. Phần lớn những văn bản được viết ra bằng tiếng Pali và sau đó được dịch sang tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Tạng, v.v… Từ Sermon de Bénarès, văn bản duy nhất ghi lại từng lời của Đức Phật với các môn đệ của mình – được thêm vào những lời bình… Và việc này không kết thúc, từ đó một sự nở rộ vô tận những chuyện kể. Đến thế kỷ XIX, một số các nhà thông thái cho rằng tất cả các câu chuyện đều có nguồn gốc từ Ấn Độ, một điều thật phi lý. Nhưng đúng là chúng ta có một tháp chứa nước khổng lồ tưới tiêu cả Ba Tư ngay cạnh, Trung Quốc, vân vân… Rồi, đối với các nền văn học cổ, đã kế tiếp tất cả nền văn học bằng tiếng Hindi, Bengali, Tamoul, Rajashani, v.v… Ngày nay, chúng ta thấy có không ít hơn 16 ngôn ngữ chính thức tại Ấn.

 


Jean-Claude Carrière

 

Vậy văn xuôi hình thành từ khi nào?

 

Cũng giống chúng ta, vào khoảng thời Trung Cổ. Nhưng thời kỳ này cũng phong phú với các vở kịch, các tập thơ và các sách chuyên luận (sastra hay là soutra. Người Ấn Độ rất có óc phân tích. Nhờ họ, ngày nay ta có chẳng hạn, sách chuyên luận đầu tiên về sân khấu, đó là Natyasastra (đó là truyền thống duy nhất đã biến sân khấu thành một huyền thọai, trước cả bậc thầy về kịch Nô Nhật Bản là Zeami), hay là Kamasutra, không gì khác hơn là một chuyên luận về các tư thế tình dục…

 

Làm thế nào để giải thích sự giàu có của nền văn học Ấn Độ so với những nền văn học khác, cũng có số dân đông như vậy?

 

Điều này thực sự không thể giải thích được. Ở Ấn Độ, có một nhu cầu biểu hiện hết sức cổ sơ và bền vững. Tôi không thấy ở quốc gia nào mà đời sống văn hóa lại phát triển như vậy, và lại là một thành tố trong đời sống thường nhật đến như thế. Ở Madras, khi bạn nhìn thấy một chiếc xe máy chạy qua, thể nào phía sau người đàn ông đang cầm lái cũng là một người phụ nữ đang đọc sách. Bạn có biết là Calculta giữ kỷ lục thế giới với 10 000 hiệu sách! Ở Hội chợ sách Calcuta, người ta đếm được có khoảng 8 triệu người ghé thăm. Tôi đã từng phát biểu khai mạc hội thảo ở đó (tôi là người Pháp thứ hai sau Derrida), và thật là ấn tượng. 

 

Rất nhiều tác giả đương đại Ấn Độ viết bằng tiếng Anh. Điều này có phải là một phần đưa đến thành công của họ trên thế giới không?

 

Đương nhiên rồi. Người Ấn có sự thông minh để không chối bỏ đi ngôn ngữ của kẻ thực dân. Tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ Ấn, một vài gia đình còn xem  tiếng Anh như là tiếng “mẹ đẻ”. Điều này đã mở ra cho các nhà văn thị trường thế giới nhưng cũng là thị trường nội địa. Lord Mountbatten[2] đã thực sự khéo léo, nhất là khi sự chuyển đổi đã diễn ra trong hòa bình từ một nền quân chủ Anh sang nền dân chủ Ấn. Sự kỳ diệu là họ giữ lại được nét đặc thù mà vẫn xuất khẩu tốt. Ngược lại, một số tác giả người Anh, chẳng hạn như Kipling (Sách rừng xanh là một tác phẩm kinh điển ở Ấn độ), đã được Ấn hóa, đến độ hòa quyện hẳn vào văn hóa bản địa. Tóm lại, chấn thương của Ấn Độ không phải là sự phi thực dân hóa, mà là sự chia cắt với Pakistan. Ngày nay, một phần lớn nền văn học và điện ảnh vẫn theo đuổi vấn đề này. Sự chia cắt được so sánh với thời kỳ lịch sử của Mabahbharata, có nghĩa là một vết thương đau giữa hai phần của một dân tộc, họ không thể nào quên nhau được và vờ ghét nhau.

 

Các tác giả nổi tiếng trên văn đàn thế giới (như Vikram Seth, Aravind Adiga, Arundhati Roy, Kiran Desaï...) có được biết đến rộng rãi trong Ấn Độ không?

 

Nhìn chung là có, nhưng cũng có những tác giả được biết đến trong từng khu vực, chẳng hạn như những tác giả người Tamoul thì không được thế giới cũng như Delhi biết tới.

 

Người ta nói đến thế hệ những đứa trẻ nửa đêm, gợi nhắc từ Salman Rushdie. Sau Nailpaul, liệu đó có phải là người đứng đầu cho một thế hệ không?

 

Đương nhiên rồi, nhưng cũng không nên quên gương mặt của nhà thơ và nhà văn Tagore, và vào thế kỷ XX, có ba hay bốn tác giả “thần thánh”. Ramakrishna, ở Calcutta, và nhà văn người Tamoul Krishnamurti, những người đã có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển của văn học và tư tưởng Ấn Độ. Đó là những bậc thầy, những giáo sư. Và cuối cùng, tại sao lại không nhắc đến Satyajit Ray, là một nhà điện ảnh, nhưng cũng là một tác giả quan trọng. Điều quyến rũ ở Ấn Độ chính là, một mặt thì nó có sự tiếp nối, nhưng mặt khác thì nó hết sức phong phú đa dạng.

 

Jean-Claude Carrière sinh năm 1931, là một nhà văn, nhà biên kịch người Pháp. Cựu sinh viên của École Normale Supérieure de Saint-Cloud. Ông viết rất nhiều sách, đã từng đạo diễn và viết hàng chục chuyện phim và kịch bản. Ông là một Phật tử trung kiên.

 

Sách Hay dịch 

Nguồn: L’express



[1] Đây là các văn bản tôn giáo, bao gồm các câu chuyện kể về từ sáng thế, phả hệ các đời vua, các anh hùng, các triết nhân, các vị bán thần, và sự mô tả vũ trụ và triết lý Hindu.

[2] Ngài Mounbatten (25/6/1900 – 27/8/1979), Đô đốc Hải quân của Hải quân Hoàng gia và là chính khách, là phó vương của Ấn Độ thời đế quốc Anh và là toàn quyền của Ấn Độ độc lập.