Ngày đăng : 17/01/2013

Chui ra khỏi kén: một quyền lực mới trỗi dậy


Tờ Economist điểm cuốn sách Chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo và người Thổ mới của Jenny White, giáo sư đại học Boston, Hoa Kỳ.

 

Khi Kemal Ataturk (1881-1938) xây dựng nền cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ trên đống tro tàn của đế chế Ottoman thất trận, cùng với nó, ông phát minh ra một con người mới: người Thổ, chủng tộc có thể được tẩy rửa khỏi cái ông cho là “sự ô uế” Arab và Byzantine. Người Thổ nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi và muôn thuở mang phong cách riêng của người Thổ. Những biểu hiện công khai về lòng sùng đạo, như phụ nữ che mạng hay đàn ông mang khăn đội đầu, bị cấm vì chúng mâu thuẫn với hình mẫu phương Tây theo đó người Thổ lấy làm chuẩn. Quyền điều hành toàn năng tối cao của Ataturk và một loạt các tướng lĩnh về sau giới hạn phạm vi đời sống chính trị, tôn giáo và văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Những ai cả gan chống lại họ đều chịu kết cục nghiệt ngã.

 

Gần một thế kỷ bị Kemal bó buộc, và từ đó nảy sinh một thứ mà Jenny White, giáo sư nhân loại học Đại học tổng hợp Boston, gọi là “người Thổ mới”. Họ là ai? Trong một cuốn sách lý thú, xen kẽ giai thoại với phân tích, White, một người sử dụng tiếng Thổ thành thạo (và một nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám giả tưởng tiếng tăm) kết luận dựa trên những năm sống chung với người Thổ để đưa ra câu trả lời. Những câu trả lời này có ý nghĩa với người Thổ đang vật lộn với nhận dạng của mình cũng như với những người láng giềng Arab đang quằn quại vì cách mạng, vì ai mà Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra như một hình mẫu.

 

Bất chấp tình cảm dành cho Thổ Nhĩ Kỳ, bức tranh do tác giả White vẽ thật lộn xộn. Cuộc đảo chính của các tướng lĩnh gần đây nhất, năm 1980, mở ra thời kỳ suy tàn của kinh tế Thổ, sự trỗi dậy của các đảng phái Hồi giáo và tầng lớp trưởng giả ngoan đạo vùng Anatolia xung quanh các mạng lưới công cộng và tôn giáo. Sự kết hợp ấy đập tan sự độc quyền của tầng lớp cao cấp theo chủ nghĩa Kemal, những người có tầm nhìn về đặc tính Thổ Nhĩ Kỳ bám rễ vào sự bất khả xâm phạm của danh dự, tính thuần khiết chủng tộc và một thể thống nhất. Mặt khác, người Thổ mới chính là những người Hồi giáo ngoan đạo và thực dụng, với họ “các giá trị luân lý cùng tồn tại với sự giàu có”. Thổ Nhĩ Kỳ thời Ottoman bị nhạo báng bởi những người theo chủ nghĩa Kemal đã trở thành “tiêu chuẩn cho những ước mong đó”. Họ không hề thấy mâu thuẫn khi đặt hàng những chiếc ghế ngồi xổm khảm pha lê cho nhà vệ sinh và “bục cầu nguyện” công nghệ cao có thể nâng lên được từ phòng khách.

 

Đảng Phát triển và Công lý Hồi giáo ôn hòa, cầm quyền từ cuối năm 2002, đấu tranh cho “phong tục văn hóa Thổ hơn là dòng máu sắc tộc Thổ”. Đảng này cho rằng đất nước “có biên giới linh hoạt hơn thời đế chế Ottoman” và theo đuổi lợi ích kinh tế “mà không quan ngại tới nhận dạng chủng tộc hay vai trò của nó trong lịch sử nền cộng hòa”.

 

Tuy vậy, như tác giả White đã chỉ ra, những người theo chủ nghĩa Kemal và những người Thổ mới có một điểm chung: chủ nghĩa dân tộc gắn chặt sâu sắc. Nó biến họ thành “những người theo chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo”, danh hiệu mà theo đó White gộp cả nhóm cũ và nhóm mới lại. Họ cùng nhau đề cao “Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ”, cho rằng nó “tốt hơn” các hình thức khác của Hồi giáo, và nuôi dưỡng một sự ngờ vực đối với những người thiểu số không theo đạo Hồi hay “những người nước ngoài ở địa phương”. Một trong những khoảnh khắc chua cay nhất trong cuốn sách của White là cuộc trao đổi với Ishak Alaton, doanh nhân Do Thái nổi tiếng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ và thường xuyên là đích ngắm của những cuộc công kích bài Do Thái của truyền thông Hồi giáo. “Jenny (White), bà có thể viết điều này vào cuốn sách”, ông nói, “rằng người bà phỏng vấn hôm nay, đã 82 tuổi, nhưng chưa bao giờ được đất nước này cảm thông và coi là một phần của nó”.

 

Rất nhiều người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ chia sẻ cảm xúc này. Phân tích độc đáo và sâu sắc của White không mang lại sự chú ý họ cần. Cuộc tranh giành quyền lực giữa những người theo chủ nghĩa thế tục ở thành thị và những người Anatolia ngoan đạo đã định nghĩa nền chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ suốt sáu mươi năm. Nhưng tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu xoay quanh sự xung đột giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc Hồi giáo và khoảng mười lăm triệu người Kurd. Trừ khi được đối xử bình đẳng hơn, họ sẽ vẫn là một vấn đề lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch

Nguồn: NĐB