Ngày đăng : 26/03/2013

Phụ nữ vẫn còn giận dữ


Ngày 19/2 năm nay đánh dấu 50 năm ra đời Sự thần bí của nữ giới (The Feminine Mystique) – cuốn sách xuất bản năm 1963, khởi đầu làn sóng nữ quyền lần hai và được xem là tác phẩm làm thay đổi thế giới. Từ đó đến nay, thế giới, đặc biệt là phụ nữ, đã tiến được bao xa?

Năm 1959, khi nhà báo ít tên tuổi Betty Friedan được NXB W.W.Norton đề nghị viết một cuốn sách về hoàn cảnh sống của các bà nội trợ ở Mỹ thập niên 1950, không ai hình dung được rằng, một ấn phẩm xuất bản 4 năm sau đó sẽ làm thay đổi thế giới và nửa thế kỷ sau vẫn khiến người ta phải nhắc đến.


Tác giả Betty Friedan với chiếc mũi điển hình của người Do Thái.

“Sự thần bí” cũ kỹ

“Đó là một nỗi niềm được chôn giấu, hoàn toàn câm lặng, qua hàng năm trời trong tâm trí của những người phụ nữ Mỹ. Một chút xáo trộn kỳ lạ, một cảm giác không thỏa mãn, một khao khát mà phụ nữ trong những năm giữa thế kỷ 20 ở nước Mỹ đã phải chịu đựng. Mỗi người vợ ở ngoại ô phải đối mặt với nó, một mình. Mỗi khi chị dọn giường, mua sắm đồ tạp hóa và các vật liệu che phủ, ăn sandwich bơ lạc với các con, lái xe đưa con đi dự các hoạt động hướng đạo sinh dành riêng cho nam (Cub Scouts) và nữ (Brownies), nằm cạnh chồng vào mỗi đêm - chị sợ phải hỏi chính mình câu hỏi câm lặng ấy: “Đời chỉ là thế này thôi sao?”.

Đó là đoạn văn mở đầu cuốn sách The Feminine Mystique của nhà báo kiêm nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động nữ quyền quá cố người Mỹ gốc Do Thái Betty Friedan.

Những trang viết trong The Feminine Mystique cực kỳ gây ấn tượng vào thời điểm cuốn sách ra đời, đến nay ấn tượng đó đã giảm đi nhiều, những câu văn khiến người ta phải giật mình nay đã trở nên thông thường vì đã nghe hay đọc đâu đó quá nhiều. Có lẽ đó là kết quả của phong trào đấu tranh nữ quyền trên thế giới mà The Feminine Mystique đã đóng góp công sức không nhỏ.

“Sự thần bí” chẳng có gì thần bí, đó là thứ quan niệm cho rằng cuộc đời một người phụ nữ sẽ trọn vẹn khi người dành cả cuộc đời để làm nội trợ, làm vợ và làm mẹ. Đó là quan niệm đã kìm giữ nhiều thế hệ phụ nữ trong ngôi nhà đóng kín, nuôi con, lau dọn không ngừng nghỉ, tự làm mình hài lòng bằng những dụng cụ nhà bếp mới, rượu và các vụ ngoại tình để giết chết cảm giác trống rỗng mỗi khi nó xuất hiện. Hãy vứt bỏ, Friedan kêu gọi phụ nữ. Hãy đi làm, và ngừng ngay việc coi các trường đại học là những chợ tình.


The Feminine Mystique phát hành đầu tiên năm 1963.

50 năm vẫn hợp thời?

50 năm sau, nhiều độc giả nhận thấy cuốn sách không phải không tì vết. Trong bài viết Những lời chỉ trích phổ biến về một tác phẩm kinh điển trên New York Times, nhà báo Jennifer Schuessler nhận định: “Ngày nay, sự chìm đắm trong các lý thuyết khoa học xã hội từ nửa thế kỷ trước làm cho cuốn sách lỗi thời. Nó là một vật tổ tượng trưng hơn là một nguồn cảm hứng trực tiếp đối với phong trào nữ quyền hiện tại”.

Nhưng nhận định của Schuessler không phải là chân lý. Cây bút Kathi Wolfe trên trang Washington Blade lại nghĩ cuốn sách vẫn có giá trị thời sự: “Đáng ngạc nhiên, tôi lại thấy The Feminine Mystique rất thích hợp với ngày nay. Tại thời điểm mà trẻ con biết về tình dục ở độ tuổi ngày càng nhỏ hơn, nhận định của Friedan về việc phụ nữ được dạy cách “thể hiện bản thân mình như là các sản phẩm cần được tiêu thụ” có vẻ như quá hợp thời. Ngày nay, khi một số đảng viên Cộng hòa trong Hạ viện Mỹ phản đối khôi phục Tổ chức Hành động chống bạo lực đối với phụ nữ, thì nhiều câu trong The Feminine Mystique càng nghe như thể được trích từ tiêu đề của các bài báo hôm nay”.

Đối với các nhà sử học, The Feminine Mystique có giá trị nghiên cứu lịch sử khi cung cấp cho họ nhiều thông tin về xã hội và văn hóa thập niên 1950 ở Mỹ. Nhưng, trong 50 năm qua, mô tả của Friedan về thời đại đó thỉnh thoảng vẫn gây tranh cãi khi nhiều nhà nghiên cứu khác có vài mô tả trái ngược.

Bên cạnh vấn đề thời gian, cuốn sách của Friedan cũng bị chỉ trích vì cung cấp không nghiên cứu đủ kỹ lưỡng và khoa học về xã hội thời đó. Tác giả bị cho là không trung thực về nhân thân của bà: tự xưng là một nữ nội trợ bình thường trong khi bà là một nhà báo tự do và nhà hoạt động cộng đồng, theo tờ Observer.

Nhưng những lời chỉ trích chỉ là chuyện bên lề. Đóng góp quan trọng là cuốn sách đã nêu ra một đề xuất khiến thế giới phải lắng nghe: phụ nữ nên chủ động và tự quyết đối với cuộc đời mình, thay vì chỉ sống và bổ trợ cho cuộc đời của những người khác - một đề xuất khiến nhiều người phản đối, chủ yếu vì lo sợ trước những thay đổi lớn trong các quy tắc xã hội và gia đình, bất chấp sự tiến bộ của nó.

The Feminine Mystique, từ khi ra đời cho đến khi ở tuổi 50, vẫn là một cột mốc quan trọng với con người khi thứ họ hướng đến là bình đẳng, cho dù hiện tại chỉ là một “vật tổ tượng trưng” hay vẫn có giá trị thực tiễn.

“Đàn ông không thay đổi nhiều lắm” - mới đây tờ Forbes viết với giọng châm biếm hơi tiêu cực - “chẳng có cách mạng cũng chẳng yêu cầu tiến hành nó, nhưng phụ nữ thì thay đổi kinh khủng. Tóm lại, họ giận dữ. Họ rất phòng thủ, dù nhiều khi trong vô thức. Họ được giáo dục để nghĩ rằng đàn ông là kẻ thù. Được trang bị thái độ mới này, phụ nữ đẩy ngã đàn ông và trèo lên để giành lấy những thứ họ được dạy là mình có quyền sở hữu”.

The Feminine Mystique là một trong những cuốn sách phi hư cấu có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Đây cũng là một cuốn sách bán chạy, đã bán được hàng triệu bản và dịch ra nhiều thứ tiếng.

Lúc mới ra đời, sách rất gây tranh cãi. Tác giả Betty Friedan (1921-2006) đã nhận được hàng trăm bức thư từ các bà nội trợ giận dữ phản đối ý kiến của bà, nhưng càng về sau người ta càng phải công nhận quan điểm của bà.

Friedan cũng là nhà sáng lập của và chủ tịch của Tổ chức Phụ nữ Quốc gia Mỹ (National Organization for Women, viết tắt NOW), một tổ chức có ảnh hưởng.

Làn sóng nữ quyền lần hai bắt đầu vào đầu thập niên 1960 tại Mỹ, về sau trở thành phong trào toàn cầu, mạnh nhất ở châu Âu và một phần của châu Á. Phong trào mở tranh luận về các vấn đề: tình dục, gia đình, nơi làm việc, quyền sinh sản, sự bất bình đẳng trên thực tế và pháp lý đối với phụ nữ. Trước đó có làn sóng nữ quyền đầu tiên vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và về sau là làn sóng nữ quyền thứ ba từ cuối thập niên 1980 đến đầu những năm 2000.


Mi Ly
Nguồn: TT&VH