Ngày đăng : 27/03/2013

Xã hội vô cảm dưới trang văn Nhật Bản


Theo nhà nghiên cứu người Nhật, Tachibanaki Toshoki, “Xã hội vô cảm” là kết quả của già hóa dân số, giảm tỉ lệ sinh cùng hàng loạt các biến đổi khác trong xã hội hiện nay. Khái niệm này bắt đầu được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2010, khi xã hội Nhật Bản đã bước vào giai đoạn siêu già hóa. Theo quan niệm của ông, xã hội vô cảm là một xã hội ngày càng gia tăng các vấn đề như: người già chết vì cơ đơn, bạo lực gia đình, trẻ em không được chăm sóc, tỷ lệ ly dị cao, nghèo đói, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và xã hội trở nên lỏng lẻo, sự ràng buộc giữa cá nhân với xã hội và các yếu tố khác cũng trở nên yếu đi, hệ thống việc làm suốt đời và hưu trí không được đảm bảo, thời gian suy thoái kéo dài, những người trẻ tuổi trong xã hội hiện nay đứng trước muôn vàn khó khăn so với thế hệ cha ông ngày trước…

Xã hội vô cảm được hình thành trong một xã hội mà nhận thức của người trẻ tuổi đang ngày càng thay đổi, đi quá xa so với các quan niệm truyền thống, tình trạng tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng, mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với xã hội, mối quan hệ có tính chất xã hội giữa cá nhân và tổ chức trở nên lỏng lẻo hơn, một xã hội trong đó tỷ lệ người sống độc thân cao, khoảng 30–40% số người trong độ tuổi này không lập gia đình, những cái chết đơn độc, tỉ lệ người già cao. Ngoài ra là sự gia tăng nhanh chóng những Neet , lao động tự do, và lao động thời vụ trong xã hội vô cảm.

Vì đây là một khái niệm khá mới, được các nhà xã hội học của Nhật đưa ra hai năm trước, nên những nghiên cứu về nó chưa nhiều. Tiêu biểu chỉ có thể kể: Tachibanaki Toshiaki với Muenshakai no seitai (tạm dịch: Bản chất của xã hội không mối quan hệ = Xã hội vô cảm); 10 tuyển tập các nghiên cứu về xã hội vô cảm của Nhà xuất bản Văn nghệ xuân thu, xuất bản rải rác từ năm 2010 đến nay. Tác giả Kyotaro Nishimura với Muenshakai kara no shutsuzetsu Kita he kaeru resha (tạm dịch: Thoát khỏi xã hội vô cảm – Chuyến xe về Phương Bắc”; NNK xuất bản hito ha hitorideshinu – Muenshakai wo ikirutame ni (tạm dịch: Làm thế nào để sống trong xã hội vô cảm Những cái chết đơn độc); Nobuo Ikeda với Seifu ha muenshakai ya kozoku wo sukueru noka (tạm dịch: Chính phủ đã cứu giúp như thế nào cho gia đình đơn độc và xã hội vô cảm)… v.v.

Xã hội vô cảm kiểu Nhật không chỉ mang đầy đủ những biểu hiện như phân tích ở trên, mà còn có hàng loạt các biểu hiện khác như: tỷ lệ tự sát trong người trẻ tuổi của Nhật lớn nhất thế giới (gần đây ở Hàn Quốc cũng tương đương, thậm chí cao hơn). Trung bình trong một năm số người tự sát ở Nhật khoảng trên 3 vạn người, Hàn Quốc là 15.556… Nguyên nhân của những cái chết cô đơn kiểu này rất đa dạng, ngoài bệnh tật, thất nghiệp, tứ cố vô thân, buồn chán đôi khi còn vì là bế tắc trong cuộc sống. Họ tìm đến cái chết như một giải pháp duy nhất, giúp thoát khỏi các vấn đề hiện đang phải đối mặt. Ngoài những người tự tử đơn độc, một hiện tượng đau lòng cũng chỉ xảy ra trong xã hội này, đó là tự sát tập thể, họ kết nối với nhau thông qua hệ thống internet, rồi từ đó hẹn nhau tìm địa điểm cũng như phương thức tự sát. Những phương thức tự sát như thế này, được điều tra viên của NPO (Tổ chức phi chính phủ) gọi là “atara na shi – cái chết kiểu mới”, đang ngày càng gia tăng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xã hội vô cảm và những mâu thuẫn nội tại bên trong nó là vấn đề không chỉ tồn tại trong lòng xã hội Nhật Bản, mà còn của hàng loạt các nước khác trong khu vực như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc… khi mà các quốc gia này cũng đang phải đối mặt với vấn đề xã hội già hóa như Nhật. Thuật ngữ “xã hội vô cảm” năm 2010 được nhận giải thưởng nằm trong top ten từ mới xuất hiện của U - CAN.

Đứng trước tình hình trên, ngày 18/1/2012 tại Tokyo, chính phủ Nhật đã tổ chức họp báo. Nội dung là thông báo về việc: Trung tâm thông tin, một trung tâm mới được mở, sẽ trực 24/24, với chiến lược có tên “hòa nhập xã hội” , sẽ giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với chủ trương, chính sách của chính phủ trong việc tháo gỡ vấn đề trên. Ngoài ra, Đài truyền hình Trung ương Nhật NNK, với chức năng là cơ quan phát ngôn chính thức của nhà nước, đã tổ chức phát sóng mỗi tuần một buổi về “xã hội vô cảm”, nhằm tuyên truyền và cùng tìm ra phương hướng giải quyết. Thực sự xã hội kiểu này mới manh nha, bắt đầu hình thành từ nửa sau thập niên 1990, khi mà dân số ở các nước đều đã bước qua thời kỳ bonus, thời kỳ ân huệ dân số. Sau thời kỳ dân số vàng là thời kỳ tỷ lệ sinh bắt đầu giảm, số người già tăng cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp lớn, dẫn đến công ăn việc làm khó khăn hơn, và hàng loạt các vấn đề khác cùng nảy sinh. Vấn đề đảm bảo xã hội lúc này đang trở nên vô cùng nan giải như: nguy cơ vỡ quỹ hưu trí do số lượng người nghỉ hưu nhiều hơn người làm việc, trách nhiệm đảm bảo cho người lao động sau khi nghỉ hưu không còn thuộc các công ty, các cấp chính quyền, mà thuộc về các cá nhân. Do đó, trách nhiệm hiện nay của chính phủ hết sức nặng nề khi họ không thể đảm bảo và duy trì hệ thống mạng lưới đổ nát của các công ty của Nhật, mà cũng không thể đảm bảo được hạnh phúc cho mỗi công dân của đất nước.

Như vậy có thể nói rằng, hiện tượng xã hội vô cảm là do những thay đổi trong chuyển dịch cơ cấu dân số, việc giảm tỷ lệ sinh, dẫn đến xã hội già hóa và siêu già hóa, hệ lụy của việc thay đổi trong quan điểm giá trị quan trong văn hóa, giáo dục cũng như nhận thức của con người hiện nay, và cuối cùng cũng là tính tất yếu khách quan của xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Khái niệm xã hội vô cảm mặc dù là một thuật ngữ xã hội học, nhưng được sử dụng rất nhiều trong các phạm vi khác như văn hóa, giáo dục. Thậm chí khuynh hướng viết về “xã hội vô cảm” đã được các nhà văn Nhật dự đoán trong nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn từ cách đây hàng thập niên. Tiểu thuyết của Murakami đã dự đoán về một xã hội như vậy, bởi vì tiểu thuyết chính là phản ảnh một phần của cuộc sống hiện tại và cả dự đoán tương lai. Hàng loạt tác phẩm của tác giả này như: “Rừng Nauy”; “IQ 84”; “Biên niên ký vặn dây cót” “Kafka bên bờ biển”; “Dưới lòng đất”, “Nhảy Nhảy Nhảy”, “Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời”; “Người tình Spunit”…

Tác phẩm của Murakami không viết về thế giới của người già, mà thường viết về những người trẻ tuổi, với cuộc sống rất đời thường và đôi khi mang tính siêu thực. Tính chất siêu thực ở đây, là dự đoán cho một xã hội Nhật Bản trong tương lai. Thông qua tác phẩm của mình, ông có thể nắm bắt được cảm giác trống rỗng về linh hồn của những con người cùng thế hệ với ông và khám phá ra những tác động tiêu cực của tâm lý hướng về công việc của Nhật Bản. Tác phẩm của ông phê bình sự suy giảm trong giá trị người phụ nữ và sự mất mát mối quan tâm giữa con người với nhau trong xã Nhật.

Hình ảnh Nhật Bản trong Murakami Ryu là mặt trái của xã hội với tham nhũng, hận thù, dâm đãng, trụy lạc… Giới trẻ trong tác phẩm của Murakami Ryu là một giới trẻ hiện đại nhưng trống rỗng, sống không mục tiêu lý tưởng. Nhiều nhân vật đã không thể nào tìm thấy niềm tin trong xã hội hiện đại, họ co mình lại để tìm sự an toàn. Hiện tượng "hikikomori" (thoát ly xã hội) thu mình lại, tránh tiếp xúc với đồng loại, trong giới trẻ đã trở thành phổ biến, như một hệ quả của những biến đổi xã hội trầm trọng…

Xã hội mới cùng với những kỹ thuật mới như Internet, điện thoại di động, Ipad... đã tạo nên những không gian ảo, biệt lập mà người ta có thể làm được tất cả mọi chuyện, từ mua bán, đổi chác, vay mượn mà không cần có quan hệ trực tiếp “mặt đối mặt”. Một xã hội hậu hiện đại kiểu Nhật đưa con người tiến gần đến quá trình rô bốt hóa, tạo nên sức ép khủng khiếp cho giới trẻ ngay từ trong học đường… Nhân vật trong tác phẩm của ông chọn cách sống: “hikkimomori” để khép mình và như một cách để phản kháng lại áp lực từ xã hội. Cách phản kháng của nhân vật trong tác phẩm của Murakami Ryu đủ kiểu trạng thái, từ nhẹ nhàng cho đến xô bồ, thô tạp và cao hơn cả là lối sống vô chủ đích.

Yoshimoto Bana, một nhà văn có khá nhiều tác phẩm được dịch ở Việt Nam như: Amrita (2008), Np (2007), Vĩnh biệt Tsugumi (2007), Nhà bếp (2007) Thằn lằn (2008) là một chuyên gia về những tổn thương tinh thần của Nhật Bản. Hầu hết nỗi đau của nhân vật và tác phẩm nơi Yoshimoto Banana là những bi ai về đời sống hiện đại, sự mất mát trong số phận, sự gò ép của xã hội, bế tắc của thanh niên trong bối cảnh ngày nay, những cái chết đơn độc. Bi kịch, cái chết, nỗi đau, loạn luân, cô độc là những chủ đề thường lặp đi lặp lại trong sáng tác của Yoshimoto Banana. Các nhân vật của cô, đặc biệt là những người phụ nữ trẻ tuổi, thường hiện lên cô đơn giữa một cuộc sống đầy bi kịch, và luôn phải hứng chịu những đòn roi tinh thần. Những vết thương này là nỗi đau thường trực, những vấn đề của xã hội Nhật Bản hiện đại. Yoshimoto Banana muốn gửi tới bạn đọc suy nghĩ về đời sống tinh thần đang dần kiệt quệ, đang biến đổi cuộc đời con người rất ghê gớm, và về sức mạnh của tình cảm giữa con người với con người, tình bạn, tình máu mủ, hay tình yêu trong sáng và thuần khiết...

Masatsugu Ono, một nhà văn được sinh ra trong thời kỳ phát triển nhất của nền kinh tế Nhật lại có cách nhìn và lối viết hết sức độc đáo, với những tác phẩm tiêu biểu như: Ngôi mộ vùi trong nước (2001), Trôi trên vịnh (2002), Ven rừng (2006), Chiếc xe buýt mini (2008). Chính nhà văn này đã nói rằng ông thích cách viết “đào hang”, đào và đào mãi mà không biết khi nào kết thúc. Khác với Murakami là viết nhiều về giới trẻ, thì Masatsugu Ono lại viết về những miền quê còn sót lại của Nhật Bản, đó là cái đau đáu về quá khứ, trong một bầu không gian lắng đọng bị chia cắt với những phần còn lại của thế giới. Một thế giới khác “hậu vô cảm” hay “tiền quá khứ”. Chính vì sống trong một thế giới như thế nên Masatsugu nảy sinh nhu cầu cầm bút “Tôi viết văn là do nhu cầu nội tại, tôi viết để nói những điều mình nghĩ, tôi viết để tránh những bất an, tìm sự bình yên, nhưng càng viết thì những bất an cứ lớn dần, nên tôi càng viết nhiều hơn" (nhà văn Masatsugu Ono chia sẻ trong một buổi giao lưu với độc giả Việt Nam tháng 3/2012). Sự bất an như nhà văn nói, chính là sự bất an của cả một thế hệ, cả một xã hội mà Nhật Bản đã và đang phải đối mặt.

Yamada Amy cũng là một nữ văn sỹ gây nhiều tranh cãi ở Nhật. Một số tác phẩm tiêu biểu được dịch ở Việt Nam như: Sống lưng của Jesse (2008), Trò đùa của những ngón tay (2009), Phong vị tuyệt vời (2010). Những câu chuyện của Yamada Amy xoay quanh tình dục, bạo lực và công cuộc đấu tranh trong chính bản thân nhân vật, giữa tồn tại và sống sao cho ra sống. Truyện của Yamada mặc dù thiên về nhục thể, xoay quanh tình yêu, tình dục giữa cô gái da vàng và chàng trai da den, nhưng là sự giao lưu thực sự giữa hai sắc tộc, sự đấu tranh giữa hai luồng quan điểm, giữa bảo tồn truyền thống và hiện đại, sự giằng xé ở trong chính mỗi con người. Ngòi bút của Yamada Amy thật tài tình trong việc miêu tả diễn biến nội tâm của nhân vật, sự cô đơn, hoang mang, không tương lai. Những biểu hiện của xã hội vô cảm đều được bà phác họa và dự đoán thành công ngay từ khi tác phẩm đầu tiên ra đời vào những năm 1985, cách đây 25 năm khi khái niệm “xã hội vô cảm” còn chưa được hình thành.

Chỉ một vài nét phác họa thôi mà chúng ta có thể thấy rằng, hiện tượng xã hội vô cảm kiểu Nhật không đơn thuần nằm trong tính cách người Nhật, mà còn có căn rễ từ những biểu hiện cực đoan trong xã hội hiện đại. Các nhà văn Nhật đã cảm được nó, đã cảnh báo bằng những hình tượng nghệ thuật đặc sắc. Liệu các giới chức xã hội có đủ năng lực lắng nghe, thấu hiểu, và phòng bị, để tránh những tổn thất trong quá trình phát triển đất nước?

Lưu Thị Thu Thủy
Nguồn:
Văn nghệ