Ngày đăng : 12/12/2015

Đời sách như đời sữa chua!


“Một cuốn sách xuất hiện vào tháng chín sẽ bị vất bỏ mấy tháng sau cùng với lối 500 hoặc 5.000 cuốn khác, cùng được đặt trên quầy các tiệm sách và cuốn sách đó biến mất vĩnh viễn. Số phận của những cuốn sách có thể được so sánh với số phận của các món sữa chua. Cứ ba tháng một đợt sách mới đến thay đợt sách cũ đã đi vào quên lãng vì không còn hiệu lực”.

Frédéric Badré, nhà phê bình, giám đốc tờ Ligne de Risque đã châm biếm đầy chua chát như trên trong cuốn Tương lai văn học (Đa Huyên và Nguyễn Thanh Xuân dịch, Đoàn Cầm Thi giới thiệu, NXB Đà Nẵng, 2006).

Nhưng đó là thực tế ở Pháp, hay rộng hơn, thị trường sách Âu, Mỹ, nơi có nền công nghiệp xuất bản rực rỡ; có một lực lượng viết bản xứ hùng hậu (mỗi mùa giải văn học ở Pháp trung bình có 500 – 700 cuốn sách ra đời) và sự giao lưu xuất bản diễn ra mạnh mẽ, tự do. Nhưng, đó lại là nơi mà, theo Badré, “tất cả đều bán được và tất cả phải biến mất trong sự đổi mới tức thì và liên tục có những sản phẩm mới thế chỗ”.

Một dự báo bi quan về sự “tan rã trong lãnh vực văn học” ở thị trường sách phương Tây khiến chúng ta nhìn lại thực trạng của thị trường nhỏ bé của Việt Nam. Nơi mà sách với số đông dân chúng vẫn chưa được coi là nhu yếu phẩm cho đời sống tinh thần. Trên các giá sách, từ những tác phẩm của các tác giả trong nước cho đến những kiệt tác đương đại thế giới cũng chỉ được bán với số lượng 1.000 – 2.000 bản. Nơi mà, đôi khi những bản tin dư luận sách trên truyền hình, báo chí cũng chỉ gây râm ran trong một cộng đồng đọc chật hẹp. Những đầu sách văn học nói chung và các lĩnh vực khác nói riêng vượt quá con số 5.000 bản đã được coi như bestseller ở Việt Nam và trở thành niềm hoan hỉ lớn của những người làm sách.

Thế nhưng, trên các kệ sách của những công ty phát hành, những đầu sách thay nhau xuất hiện rồi sau đó, đi vào khu vực sách hạ giá, và cuối cùng, phần lớn nối đuôi vào kho nhường chỗ cho những cuốn sách mới. “Vòng đời” đó của cuốn sách có khi chưa đến một năm. Cuộc sống của nhiều cuốn sách (trong đó có nhiều tác phẩm lớn của văn chương thế giới) chỉ được biết đến lần đầu ở trên kệ sách mới và một lần chót vào các hội sách, khi các nhà phát hành tiến hành xả kho, bán tống bán tháo với giá rẻ như bèo.

Đó là vòng tồn sinh sách kiểu Việt Nam. Nhiều tác giả, dịch giả tâm huyết đã coi đó là một câu chuyện ngoài mình. Hoặc họ hướng vào cái đời sống khác nằm bên ngoài sinh mệnh thị trường đầy bẽ bàng của một cuốn sách để tự ủi an và viết.

Tại Mỹ, đã có nhiều đầu sách viết về bí quyết làm sao để tạo nên một hiện tượng bestseller. Nổi tiếng nhất về độ thiết thực và sống động, có lẽ là cuốn Để làm nên một bestseller của Brian Hill và Dee Power cung cấp chìa khoá thành công của các tác giả, biên tập viên, đại diện và các nhà sách đứng sau họ trong việc tạo ra những quả đấm phát hành, kéo dài tuổi thọ của cuốn sách, ít ra là trên truyền thông và thu hút mãi lực thị trường. Nhưng, trong khi nó là cẩm nang đối với một số người này thì đồng thời lại trở thành thứ mánh khoé đáng chế nhạo đối với những kẻ khác. Đơn giản, vì cuộc tranh luận giữa hai phe vị văn học và vị thương mại thường nổ ra gay gắt và bất tận trong đời sống văn học.

Vài năm gần đây, Việt Nam đã có một đời sống thị trường sách khá sôi động. Tuy nhiên, còn lâu mới đạt được mức độ công nghiệp hoá nền xuất bản như các nước phương Tây. Song từ một góc hạn hẹp, chúng ta đã bắt đầu chứng kiến và cảm nhận sự sòng phẳng lạnh lùng của sức mạnh thị trường ứng nghiệm trên những mặt hàng sách. Nó trở nên khốc liệt và khắc nghiệt hơn trong điều kiện đời sống dân trí đọc còn thấp và sách chưa bao giờ trở thành nhu yếu phẩm cho đời sống tinh thần số đông.

“Tất cả những tác phẩm văn học, bất luận tốt hoặc xấu, tài năng hoặc tầm thường, được xuất bản ngày nay, dường như không có ngoại lệ đều cần kết thúc nhanh chóng cuộc phiêu lưu trong giỏ rác. Kết thúc nơi giỏ rác như thế là tác dụng phá hoại trong phạm vi văn học”, Frédéric Badré viết.

Và, Badré cũng không ngờ rằng, một ngày nào đó, tại Việt Nam, cuốn sách ghi lại những dự báo bi quan về tương lai văn học của ông đã được một độc giả Việt Nam tìm thấy trong một khu bán sách giảm giá 80%. Nơi mà, thị trường sách không lâu nữa, sẽ ứng nghiệm những điều ông viết trong cuốn sách này: số phận của những cuốn sách cũng như số phận các món sữa chua!

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Nguồn: SGTT