Ngày đăng : 15/07/2015

Không cần tô màu trí thức


Tôi có nhiều người bạn yêu sách từ thuở sinh viên và ngày đó, hầu hết ước mơ của chúng tôi là sau này ra trường – đi làm – xây nhà rồi đóng một cái kệ sách thật đẹp. Đối với đám sinh viên ở ký túc xá như chúng tôi ngày ấy, ước mơ về một căn nhà nhỏ đã là một ước mơ quá lớn. Hình như không đứa nào dám mơ đến việc mình sẽ có một căn nhà rồi dành hẳn một phòng làm phòng đọc. Một cái kệ sách trong phòng khách là mỹ mãn rồi.

1. Người bạn làm ở một nhà xuất bản có lần kể, cơ quan bạn tổ chức một cuộc thi cho những tủ sách ở gia đình nhằm tôn vinh văn hoá đọc. Bạn được phân công khảo sát một số tủ sách. Nhiều tủ sách khiến bạn trầm trồ, nhiều tủ sách khiến bạn xúc động về lai lịch của chúng. Và cũng có những tủ sách thật sự khiến bạn thất vọng. (Dĩ nhiên, đây là cuộc thi mà). Bạn kể về trường hợp một phụ nữ làm nghề bán buôn tạp hoá. Số sách mà chị kê khai tích luỹ là gần 2.000 quyển. Bạn phục, phục vì với sự bận rộn lắt nhắt đặc trưng của nghề tạp hoá mà chị lại có thể xây dựng cho con mình một tủ sách như thế. Đến nơi, bạn ngỡ ngàng vì ngoài những cuốn sách giáo khoa của hai đứa con còn lại là… tạp chí các loại. Nói “thật thà” hơn là những tờ báo lá cải, hình ảnh to đẹp sặc sỡ…

Câu chuyện của bạn khiến tôi nhớ ngay đến một chương trình truyền hình quen thuộc. Những người thực hiện cho một ca sĩ ngôi sao dắt đi vòng vòng căn nhà (dĩ nhiên là đẹp) của mình để giới thiệu thứ này thứ nọ. Vừa giống chương trình về kiến trúc – nội thất vừa như một cách lăngxê lại vừa thoả mãn sự tò mò của số đông khán giả về nơi ở của một ngôi sao. Anh là sao ca nhạc lẫn phim ảnh, ống kính dừng lại lâu ở kệ để băng đĩa của anh. Ngăn nắp, số lượng lớn, nhiều tựa phim rất “hot” trong thời điểm hiện tại. Nhưng anh bảo anh chưa thể xem hết số băng đĩa này, đơn giản vì không có thời gian. Nếu có thì cũng quá mệt vì cả ngày hoạt động ở bên ngoài. Rồi anh dắt lên tầng trên, ở đây có một kệ sách kích thước gần như kệ băng dĩa bên dưới. Nghĩa là rất khiêm tốn so với một kệ sách thông thường. Anh nói anh rất yêu sách, và những chuyến lưu diễn ở nước ngoài cũng là dịp để anh mua những cuốn sách hay. (Anh làm tôi ngưỡng mộ thêm một chút!). Anh thò tay rút ra một số cuốn, tất cả, đều là những tạp chí thời trang nước ngoài. Bìa tạp chí tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung đều có. Ống kính lia kỹ kệ sách, tôi đoán hơn 80% là những loại “sách” ấy, còn lại là vài cuốn dạng hạt giống tâm hồn.

Nhiều người hay nhầm lẫn giữa sách và tạp chí. Anh ca sĩ có thể nhầm, thậm chí không thể phân biệt nhưng những người thực hiện chương trình cũng đồng thuận với điều ấy thì quả là đáng tiếc. Giữa thời đại tràn ngập thông tin, ranh giới của những giá trị bỗng trở nên nhập nhoè bởi rất nhiều chiêu thức của marketing và cả sự non nớt của những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Sự bóng nhoáng đẹp đẽ dễ khiến người ta đánh giá sai bản chất sự vật. Tạp chí có đời sống của tạp chí. Và sách, dù có ngả màu theo thời gian vẫn là một vật phẩm văn hoá cao cấp của nhân loại.

2. Tôi có nhiều người bạn yêu sách từ thuở sinh viên và ngày đó, hầu hết ước mơ của chúng tôi là sau này ra trường – đi làm – xây nhà rồi đóng một cái kệ sách thật đẹp. Đối với đám sinh viên ở ký túc xá như chúng tôi ngày ấy, ước mơ về một căn nhà nhỏ đã là một ước mơ quá lớn. Hình như không đứa nào dám mơ đến việc mình sẽ có một căn nhà rồi dành hẳn một phòng làm phòng đọc. Một cái kệ sách trong phòng khách là mỹ mãn rồi. Điều này, cũng thuận theo lối sắp đặt thông thường, khi người Việt mình vốn là một dân tộc trọng chữ nghĩa, cho nên việc kệ sách luôn được đặt ở phòng khách kiêm luôn chức năng phòng thờ là điều dễ hiểu.

Tủ sách đầu tiên mà tôi tiếp cận là do nội tôi đóng, phía trên có cửa kính dành cho sách, phía dưới là cơ man nào giấy tờ, bút tích, vở học của ba tôi và các cô chú. Từ cái tủ sách đặt ở phòng khách kiêm phòng thờ tự ấy, tôi đã khám phá ra quá nhiều điều thú vị, từ thế giới sinh học đến những bài ảo thuật nho nhỏ, từ Kiều đến Lục Vân Tiên, từ Nho giáo của Trần Trọng Kim đến English for today! Nhưng, khoái nhất là cái đống lộn xộn ở dưới, tôi nắm trong tay muôn vàn bí mật khi đọc được nhật ký ngày xanh của chú út và một đống thơ tình mà ba mẹ tôi gửi cho nhau! Tủ sách ấy không quá hoành tráng, cũng không nhiều nhặn gì số lượng sách trong đó nhưng thế giới của tôi đã bắt đầu từ đó và chính xác, nó chiếm một phần quá lớn trong chiếc tủ tuổi thơ tôi.

Tôi không dám chắc là nếu không có tủ sách của nội ngày ấy, tôi có yêu sách được như bây giờ không. Ghé thăm nhà ai, cái đầu tiên đập vô mắt tôi thường là cái kệ sách. Lang thang trên mạng hay lần giở những tạp chí nội thất, những chiếc kệ sách đẹp đẽ độc đáo luôn cuốn hút mắt nhìn của tôi trước tiên. Thời sinh viên xa nhà, tôi vài lần ghé nhà ông cậu chơi và ngủ lại, tối đến thì được mợ bố trí ngủ trên gác xép. Trên căn gác nhỏ ấy có một chiếc giường nhỏ xếp cạnh một kệ sách to đùng toàn sách văn học. Những đêm đó, tôi thức khuya lơ khuya lắc để ngấu nghiến đọc rồi gần sáng đuối quá mới gục một chút (vì mợ tôi rất quý sách, không cho mượn mang về). Mười năm sau, cậu mợ tôi quyết định định cư ở nước ngoài, vật dụng trong nhà lần lượt cho đi, lòng tôi phập phồng chờ đợi tới lượt mình nhưng rồi thất vọng não nề khi đứa “thừa kế” cái kệ sách không phải là mình. (Em trai tôi còn cười cợt chua thêm, ai biểu ngủ gục hoài không tắt đèn, tốn điện nên mợ không yêu!)

3. Sếp cũ tôi làm quản lý cơ quan văn hoá, nhưng sự giàu có mà anh đang có lại đến từ việc mua bán bất động sản trong giai đoạn chụp giật sáng tối của thị trường bất động sản. Anh nói, không nên bán đơn thuần một ngôi nhà, mà hãy bán một không khí gia đình! Ví dụ, thử đặt vào ngôi nhà ấy một cây đàn piano, người đến mua sẽ tưởng tượng cảnh con cái mình ngồi bên cây đàn đó với những tiếng nhạc sang trọng vang lên trong đầu. Thử đặt vào đấy một kệ sách thật to để người mua tưởng tượng sự thành đạt giỏi giang trên con đường học vấn của con cái họ… Tôi không biết vài phi vụ thành công của anh là do anh đã áp dụng đúng bài tiếp thị này hay do may mắn. Khi quyết định đầu tư nhiều tiền hơn để làm những cuốn sách thật đẹp đẽ, sang trọng anh luôn nhắc chúng tôi một điều rằng, giai đoạn người đọc mua một cuốn sách hay chỉ để ngấu nghiến chữ nghĩa trong đó qua rồi. Bây giờ, người ta còn mua sách để trang trí! Quá nhiều người dư tiền xây nhà đẹp nhưng họ không có dư thời gian để đọc. Một cái kệ sách đẹp cùng vài bộ “toàn tập” là mảnh ráp cuối cùng cho một căn nhà hoàn chỉnh, chủ nhân có một điểm cộng nữa vì là người yêu sách!

Câu nói của sếp bất đồ quay ngược lại câu chuyện về anh ca sĩ ngôi sao ở trên. Trời ạ, những chiếc kệ sách bây giờ kiêm thêm một chức năng nữa, đó là tô màu trí thức lên cho chủ nhân!

Trương Gia Hoà - Ảnh: Phan Quang
Nguồn: SGTT