Ngày đăng : 25/07/2013

Thiếu vắng đời sống sách trong tinh thần xã hội


Đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều và tư duy trăn trở cũng nhiều, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phấn chấn khi hồi ức lại những cuốn sách đã tác động sâu sắc đến cuộc đời ông ngay từ thời thơ bé, và trầm buồn bởi mối day dứt: những đứa trẻ ở nông thôn ngày nay vẫn đang rất thiếu sách để đọc.

* Nhắc đến văn hóa đọc bây giờ nhiều người vẫn thở dài mà than rằng, “nó” đang xuống cấp. Có những tiếng nói hoặc cực đoan hoặc bi quan hơn còn phán: Chúng ta chưa có văn hóa đọc. Vậy quan điểm của riêng ông?

- Hỏi chúng ta có văn hóa đọc chưa thì hẳn là chưa có. Nói như vậy không phải bảo chúng ta phi văn hóa mà thật ra lâu nay việc đọc sách của người Việt chưa tạo thành hệ thống. Văn hóa đọc không đơn thuần chuyện ngồi xuống cầm cuốn sách lên mà là một hệ thống tổng hợp, gồm xuất bản sách, làm ra sách, luận bàn về sách và các quy định của pháp luật dẫn đến quá trình sản xuất sách. Trước kia các cụ nhà ta còn có cái hứng thú đọc sách chứ giờ cháu con ít đọc đi nhiều. Tôi nghĩ các nhà nghiên cứu có thể lưu tâm tìm hiểu sâu kỹ hơn và sớm đưa ra được hệ thống những yếu tố tạo thành văn hóa đọc. Cần xem xét khách quan khoa học trên mọi vấn đề để không sợ hãi “nó” quá mà cũng không nên đề cao quá.

* Một cá nhân tạo dựng được thói quen đọc sách ngay từ nhỏ sẽ phong phú tâm hồn và giàu tình cảm hơn những người ít may mắn được tiếp cận với sách?

- Đúng thế. Hiện thời chúng ta vẫn bối rối, con người đang vô cảm hơn, ít chia sẻ hơn. Đấy là hệ quả tất yếu của một nền tảng văn hóa đang có nhiều bất cập và yếu tố quan trọng tạo nên nền tảng đó chính là đọc sách. Con người sẽ hoàn toàn mơ hồ với quá khứ và tương lai của chính mình nếu thiếu đi những cuốn sách tử tế. Sách giúp cho sự kết nối lịch sử và hiện tại, tạo cảm hứng cho đời sống đương đại. Đọc sách không chỉ giải quyết vấn đề tìm hiểu cái này đáp ứng nhu cầu kia mà lớn hơn cả chuyện đem đến cho ta một lượng thông tin, chính là tạo ra những trải nghiệm về nguồn cội, ký ức của mỗi cá nhân với dân tộc mình, đất nước mình, cộng đồng và tự thân con người mình.

* Đang có nhiều rào cản cách ngăn cá nhân sống trong sách. Ví như việc tìm đến thư viện để thụ hưởng không gian sách lại chỉ dành cho một số rất ít người?

- Hệ thống thư viện của ta chưa thành một nơi công cộng cởi mở, giao thoa với xã hội bên ngoài. Thư viện giống như nhà tu kín, sách thì như một vật quý bị nhốt ở cấm cung. Đáng nhẽ mỗi thư viện phải được coi là một quần thể văn hóa dành cho tất cả mọi người, không phân biệt trí thức hay công nhân, đã tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp đại học, có một cơ quan để xác nhận nhân thân hay đang thất nghiệp. Phải có tư duy về đời sống thư viện và chính điều đó tạo ra đời sống văn hóa đọc, góp phần chủ chốt nhân bản lên toàn bộ đời sống của sách. Thật ra chúng ta cũng có hệ thống thư viện, thậm chí phát triển tận đến các xã. Nhưng, đấy là hệ thống chết vì bất động về sách, bất động về giới thiệu sách, và bất động cả về sự quan tâm của người dân đến sách.

* Tuy nhiên các con số thống kê của ngành xuất bản trong nhiều năm trở lại đây đều đưa ra những đánh giá lạc quan?

- Chúng ta đang mở cửa, mở cả xuất bản. Số đầu sách tăng, bản in tăng, nhưng xuất bản mở và phát triển rầm rộ không xuất phát từ đời sống tinh thần của người dân, không phải vì chiến lược của văn hóa giáo dục mà là công cuộc kinh doanh, là lợi nhuận. Người làm sách, xuất bản sách đang vì áp lực lỗ lãi là chính. Hạn chế này đã dẫn đến vô cùng nhiều các sai sót trong xuất bản thời gian qua. Nhiều nhà xuất bản đang làm nhiệm vụ cấp giấy phép đơn thuần mà không chú trọng tham gia khâu tổ chức bản thảo. Hệ thống xuất bản đang bị vỡ trận mà chắc chắn phải mất nhiều công sức thời gian mới khôi phục lại được đúng mục đích tôn chỉ như chúng ta đã có và thế giới vốn có.

* Hệ thống thư viện hoạt động theo cơ chế đóng, xuất bản thì vỡ trận như ông nói nên văn hóa đọc có bị coi là xuống cấp cũng là chuyện đương nhiên?

- Thế mới cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước phải thấy được sự cần thiết tối thượng của sách và đầu tư kịp thời để xây dựng một đời sống sách trong đời sống tinh thần của xã hội. Sách cũng phải được xem là một phúc lợi xã hội mà con người mặc nhiên được thụ hưởng. Ở các quốc gia phát triển Nhà nước chăm lo cho văn hóa đọc thông qua hệ thống thư viện.

Nhà xuất bản kinh doanh sách làm ra sách không phụ thuộc vào Chính phủ nhưng truyền bá sách, chọn lựa sách lại có sự giám sát tư vấn của Chính phủ thông qua hệ thống thư viện. Thư viện Quốc hội Mỹ được mệnh danh khổng lồ nhất thế giới hằng năm đều chọn một cá nhân xuất sắc vượt bậc làm người phát ngôn của văn hóa nghệ thuật Mỹ. Nhà thơ Nga đoạt giải Nobel Joseph Brodsky, người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ đã hai lần được chọn làm người phát ngôn. Ngay tại Mỹ, các nhà xuất bản tư cũng luôn song hành hai hướng đi: Họ vừa xuất bản những cuốn sách bán chạy nhất lại vừa lựa chọn những cuốn kinh điển nhất để in ấn phát hành. Họ hài hòa được cả yếu tố kinh doanh lẫn truyền bá tri thức nhân loại một cách chỉn chu kỹ lưỡng.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Nhân dân