Ngày đăng : 19/11/2013

Nha Trang hồn phố sách về đâu


1. Những người ham đọc sách, chơi sách luôn luôn có cái thú đi lang thang trong các phố sách cũ. Xưa cũng vậy, nay cũng vậy và sau này khi thiên hạ phát minh ra những thiết bị bỏ trong túi áo với dung lượng cả ngàn cuốn sách thì cái thú đó chắc cũng khó mà mất được.

Những lúc rảnh rỗi, lang thang qua chợ sách cũ là cái thú vừa dân dã vừa thanh tao ở chốn ồn ào phố thị. Đến các tiệm sách cũ có những sinh viên, các viên chức, các nhà giáo, cả những đại gia đi săn sách quý.

Còn gì hạnh phúc hơn khi đột ngột nhìn thấy một cuốn sách trong mơ, ta đọc lâu lắm rồi, rất thích, mà nay thì sách đã tuyệt bản. Vậy mà nó đang ở kia thôi, nằm lẫn lộn trong những chồng sách vô danh. Ta thú vị vì ngay cả những người bán sách tinh đời cũng không biết giá trị của nó. Ta thích thú qua mặt họ. Bởi vì lạy Thánh A La, ông bán sách thoáng ngập ngừng rồi định một cái giá khiến ta ngẹt thở. Quá rẻ.

Ở Paris, có những hiệu sách cũ dọc hai bờ sông Seine. Những hiệu sách có một lịch sử xa xưa, từ thế kỷ 16. Giá trị vật chất của những hiệu sách cũ này là quá nhỏ bé, nhưng bền bỉ theo thời gian, nó góp phần tạo nên cái hồn cốt đặc biệt của kinh đô Ánh sáng này. Năm 1992, Unesco đã vinh danh những hiệu sách khiêm nhường dọc theo hai bờ sông Seine này là di sản văn hóa thế giới.

2. Ở Nha Trang đã từng có một phố sách nhộn nhịp. Đó là hai bên hè một quảng đường khoảng vài trăm mét của đường Hoàng Hoa Thám.

Đoạn đường này thật lý tưởng cho những quán sách cũ. Nằm gần trung tâm thành phố, lề đường đủ rộng, những hàng cây cổ thụ xòe tán râm mát, người bán tha hồ mà bày sách, người mua mặc sức lựa chọn, ung dung đi từ quán này đến quán kia, cách vài bước chân. Người bán còn sắm những chiếc ghế nhựa nhỏ để khách quen vừa xem sách, vừa trò chuyện, thậm chí còn gọi mấy ly café ở đầu đường ngồi nhâm nhi.

Người chơi sách không nhiều, các chủ quán nhớ được sở thích đọc sách của bạn. Họ còn dành riêng sách, chờ bạn đến.

Nha Trang là thành phố mà nếu bạn hơi có một chút tiếng tăm thì hãy tin đi, một nửa thành phố sẽ biết mặt bạn, nửa còn lại sẽ nghe được vài thông tin sơ lược về bạn. Qua những dòng chữ viết tay trên những trang đầu của cuốn sách, bạn có thể biết ít nhiều về người chủ của cuốn sách. Vật đổi sao dời, cuốn sách từ thư phòng của người chủ danh giá đó chạy ra chợ sách, nằm phơi mặt với gió bụi cuộc đời. Cái gọi là vật đổi sao dời ấy có khi là mấy chục năm hay lâu hơn, có khi chỉ là vài tháng hay ngắn hơn, từ khi người chủ qua đời. Sự thăng trầm của một nhân vật danh giá hay của một gia tộc có thể được kể lại từ số phận của những cuốn sách cũ.

Nếu bạn có ý định lập thân bằng ngòi bút, để chút danh với đời, bạn không thể không ra tiệm sách cũ. Nó dạy bạn sự tàn nhẫn của thời gian, của lòng người. Bao nhiêu những tác phẩm trứ danh của mọi thời đại được xếp thành từng chồng, bán xôn! Bao nhiêu tác giả ân cần kí tặng sách, chữ kí còn tươi rói, sách vẫn thơm mùi mực mà sách tặng đã bẻ bàng ra nằm đây, chường mặt với người đời.

Tất cả những ngọt ngào, cay đắng, những bất ngờ, những chiêm nghiệm về nhân tình thế thái khiến những quán sách cũ luôn luôn níu giữ bạn.

3. Rồi đến một ngày, đội dân phòng đến từng quán nhắc nhở. Có lẽ từ cái tật quá ham café của người Nha Trang mà chợ sách bị vạ lây? Dạo ấy, dân thất nghiệp nhiều, quán café cóc mọc lên như nấm sau mưa. Qua một ngã đường, dưới một bóng cây bao giờ cũng có một quán cafe cóc. Dân Nha Trang thích cafe, ủng hộ hết mình những người chủ quán. Người đang uống, nếu thấy có dân phòng hay du kích đi qua, họ giúp chủ quán bê luôn cả bàn (thường là cái bàn nhựa), “chạy loạn” cùng chủ. Dân phòng đi qua, họ lại khệ nệ mang bàn ra, vừa nhâm nhi vừa nhìn thiên hạ đi qua đi lại. Cái thú cafe cóc của người Nha Trang thực dễ thương hết mức! Nhưng trật tự hè phố phải được siết chặt, các đội xe của du kích cứ đi qua đi lại. Giấc mơ café cóc tan, kéo theo chợ sách tan luôn.

Đó là khoảng năm 2005.

Bây giờ đi qua con đường Hoàng Hoa Thám vào những buổi trưa vắng, nhìn hè phố rộng rinh, lá rụng, gió thổi, nỗi lòng dân chơi sách cũng trống vắng, bâng khuâng. Ước chi có được vị quan đầu tỉnh ham đọc sách, dám chịu chơi gây dựng lại cái chợ sách một thời vang bóng?

Nguyễn Hoa Lư
Nguồn: Nguyenhoalu.wordpress