Ngày đăng : 11/10/2013

Trước cửa pháp luật


Franz Kafka (1883-1924) sinh tại Praha. Ông xuất thân từ một gia đình Do Thái trung lưu. Ông thông thạo tiếng Séc nhưng chỉ sáng tác văn chương bằng tiếng Đức, cho nên nhiều người xem ông là “vị vua được ngầm tôn vinh của văn xuôi Đức”, mặc dù ngày nay Cộng hoà Séc coi ông là đại văn hào của mình và đặt ra một giải thưởng danh giá nhất mang tên Franz Kafka. Phần lớn các tác phẩm của ông được xuất bản sau khi ông mất, trái với ý nguyện của ông, vì trước khi chết ông đã nhờ Max Brod, một đồng nghiệp văn chương và một người bạn thân của ông, đốt hết các bản thảo. Nhưng Max Brod đã không làm theo lời dặn của Franz Kafka, nên sau khi ông mất Max Brod đã cho xuất bản các tác phẩm của Franz Kafka. Nhờ đó, người đọc sau này mới được khám phá những tác phẩm xuất chúng của một thiên tài văn chương.

Trong lịch sử văn học thế giới, Franz Kafka là một trong những gương mặt nổi bật với một vị trí đặc biệt quan trọng. Trong nhiều tác phẩm của ông chứa đựng những điều phi lí, nhưng ông lại khiến người đọc không thể nào không đắm chìm trong những suy tư trăn trở về lẽ đời và kiếp nhân sinh. Sự nghiệp sáng tác của ông bao gồm ba tiểu thuyết chưa hoàn thành và rất nhiều truyện ngắn và truyện cực ngắn. Tuy nhiên, ngay cả với những truyện rất ngắn ông cũng làm cho chúng ta trăn trở bởi bao tư tưởng sâu sắc. Các tác phẩm của ông đã trở thành những tác phẩm có tầm ảnh hưởng bậc nhất của văn học phương Tây – Sách Hay giới thiệu đến bạn đọc truyện cực ngắn của Franz Kafka.

-0-

Một người gác cửa đứng trước pháp luật. Một người đàn ông ở quê ra đi đến chỗ ông ta và xin phép vào trong pháp luật. Nhưng người gác cửa nói là bây giờ ông ta không thể cho phép anh ta vào được, người đàn ông ngẫm nghĩ và sau đó hỏi, vậy thì sau này có được phép vào hay không. “Điều đó là có thể”, người gác cửa nói, “nhưng bây giờ thì không”. Vì cửa vào pháp luật vẫn mở như mọi khi và vì người gác cửa bước sang một bên, nên người đàn ông khom lưng để nhìn qua cửa vào bên trong.

Khi người gác cửa thấy thế, ông ta cười và nói: “Nếu trong đó hấp dẫn anh như vậy thì hãy thử xem, mặc dù tôi cấm anh vào trong. Nhưng hãy nhớ là: Tôi là một người lực lưỡng. Thế mà tôi chỉ là người gác cửa thấp bé nhất. Từ phòng này đến phòng khác lại có những người gác cửa đứng canh, người nọ lực lưỡng hơn người kia.Thậm chí tôi cũng không chịu đựng nổi cái nhìn của người gác cửa thứ ba”. 

Người đàn ông ở quê ra đã không tính đến những khó khăn như thế; pháp luật cần dành cho tất cả mọi người và nhất định là có thể vào được, anh ta nghĩ vậy, nhưng khi giờ đây anh ta ngắm người gác cửa trong chiếc áo choàng lông, cái mũi lõ to tướng, bộ râu dài, thưa, màu đen, theo kiểu Tác-ta của ông ấy, thì anh ta quyết định tốt hơn hết là đợi đến khi anh ta được phép vào trong. Người gác cửa đưa cho anh ta một cái ghế đẩu và cho phép anh ta ngồi xuống cạnh cửa. 

Anh ta ngồi ở đó hết ngày này sang ngày khác và hết năm này sang năm khác. Anh ta thử nhiều lần để được vào bên trong, và làm người gác cửa mệt mỏi bằng những câu nài nỉ của mình. Thỉnh thoảng người gác cửa chất vấn qua loa anh ta, hỏi han anh ta về quê quán và về nhiều thứ khác, nhưng đó chỉ là những câu hỏi bâng quơ, như những người đàn ông lớn tuổi thường hỏi, và cuối cùng ông ta luôn nói với anh ta rằng anh ta chưa thể vào được.

Người đàn ông ở quê ra đã tự trang bị nhiều thứ cho chuyến đi của mình, sử dụng tất cả mọi thứ còn rất giá trị để mua chuộc người gác cửa. Mặc dù người gác cửa này nhận tất cả mọi thứ, nhưng lại nói: “Tôi chỉ nhận những thứ đó, để anh không nghĩ mình đã bỏ quên cái gì đó”.

Trong suốt nhiều năm trời người đàn ông hầu như không ngừng quan sát người gác cửa. Anh ta quên khuấy những người gác cửa khác, và dường như người gác cửa thứ nhất này là vật cản duy nhất đối với anh ta, khi anh ta đi vào pháp luật. Anh ta nguyền rủa số phận không may mắn, trong những năm đầu anh ta nguyền rủa ầm ĩ một cách thiếu suy nghĩ, sau này, khi đã già đi, ông ta chỉ còn làu bàu. Ông ta trở nên ngây ngô và khi ông ta đã nhận ra trong sự quan sát kĩ càng người gác cửa trong nhiều năm thậm chí cả những con bọ chét trong áo choàng lông của ông ấy, thì ông ta cũng cầu xin chúng giúp đỡ ông ta thuyết phục người gác cửa.

Cuối cùng thị lực của ông ta trở nên kém đi và ông ta không biết, trời đất xung quanh ông ta có trở nên tối tăm hơn hay không hoặc liệu đôi mắt của ông ta có đánh lừa ông ta hay không. Nhưng chắc là giờ đây ông ta nhìn thấy một ánh hào quang ở trong bóng tối đang phát ra một cách không thể dập tắt được từ cửa của pháp luật. Bây giờ ông ta không còn sống được lâu nữa.

Trước khi ông ta chết tất cả kinh nghiệm trong suốt những năm ông ta chờ đợi trước cửa pháp luật tập trung vào một câu hỏi ở trong đầu ông ta, câu hỏi mà cho đến nay ông ta chưa đặt ra đối với người gác cửa. Ông ta vẫy tay gọi người gác cửa lại, vì ông ta không còn có thể nâng cơ thể đang cứng đờ ra của mình lên. Người gác cửa phải cúi sâu xuống với ông ta, bởi vì sự khác biệt về chiều cao giữa người ngồi và người đứng mang lại nhiều bất lợi cho người đàn ông ở quê ra.

“Ông thật tham lam. Bây giờ ông còn muốn biết gì nữa nào?”, người gác cửa hỏi. “Rõ ràng là tất cả mọi người đều cố giành lấy pháp luật”, người đàn ông nói, “Nhưng tại sao trong nhiều năm tôi đứng ở đây không có ai ngoài tôi xin vào trong pháp luật?” Người gác cửa nhận thấy là người đàn ông đã sắp chết và để ông ta còn nghe được với thính giác đang giảm sút của mình, người gác cửa hét lên với ông ta: “Thông thường ở đây không ai được phép vào, cho nên chắc chắn là cửa vào này đã chỉ giành cho ông. Bây giờ tôi sẽ đi và đóng nó lại.”

Franz Kafka
Phạm Đức Hùng
dịch từ nguyên bản tiếng Đức
Nguồn: Văn nghệ quân đội