Ngày đăng : 22/07/2015

Đọc Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 - 1885)


Nhân dịp “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 - 1885)” được NXB Tri thức và Nhã Nam tái bản (03/2011), Sách Hay trân trọng giới thiệu với bạn đọc Lời giới thiệu của cố Giáo sư Trần Văn Giàu viết cho lần đầu tiên xuất bản quyển sách tại Việt Nam.

Tôi trân trọng giới thiệu với đồng bào, đặc biệt là với sinh viên, giáo sư sử học, quyển sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 - 1885) của ông Yoshiharu Tsuboï - người Nhật Bản, giáo sư Đại học ở Đông Kinh. Tôi sẽ có dịp bình luận, đánh giá tác phẩm này. Bây giờ tôi chỉ xin ghi mấy cảm tưởng đầu tiên khi đã đọc bản dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Pháp - vốn là luận văn tiến sĩ của Y. Tsuboï tại Đại học Khoa học Xã hội ở Paris. Và thật cũng khó nói gì khác hơn, nhiều hơn Lời tựa cũng là Lời giới thiệu của nhà bác học Pháp Georges Condominas mà các học giả Việt Nam đều biết tiếng.

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Y. Tsuboï không phải là người Nhật duy nhất, đầu tiên. Ở Nhật Bản trước nay có nhiều người nghiên cứu Việt Nam. Có thể nói không sai rằng người Nhật biết Việt Nam nhiều hơn là người Việt biết Nhật Bản. Cái điều mà tôi muốn lưu ý ở đây không phải là cái chậm trễ của ta so với bạn láng giềng; tôi muốn nói lên rằng tôi cảm thấy giáo sư Y. Tsuboï là một nhà nghiên cứu có tấm lòng yêu đất nước Việt Nam và trọng dân tộc Việt Nam. Giáo sư không viết thẳng lời nào như vậy mà tình ý toát ra ở nhiều chương mục, từ toàn bộ cuốn sách. Viết về một đoạn suy đốn trong lịch sử cận đại Việt Nam mà tác giả lại có tình ý như vậy, chớ không phải khác, là quý biết mấy. Đa tạ ông bạn.

Giáo sư Y. Tsuboï chọn đề tài nghiên cứu - thời Tự Đức - là chọn rất đúng. G. Condominas gọi cũng rất đúng là một thời kỳ “mấu chốt” (période cruciale). Tôi cho rằng chọn đúng đề tài là yếu tố thành công đầu tiên. Thời kỳ này, lâu nay các nhà sử học Việt Nam cũng đã nhận thấy là mấu chốt, cũng đã ra sức nghiên cứu, vậy mà cho đến gần đây các nguồn tư liệu thiếu lắm, ở xa thì tay mình với tới chậm, ở gần thì kho tàng lưu trữ cơ bản còn như cánh đồng hoang ít thấy chân người. Lắm nhận định bất đồng, trái ngược nữa là khác. Nay giáo sư Y. Tsuboï vào cuộc là đúng với sự nhu cầu, sự mong đợi tiếng chuông mới, tia sáng thêm. Đầu thế kỷ 19, Việt Nam, Nhật Bản hình như chưa cách biệt nhau là mấy. Đến Tự Đức, thời kỳ này ở Việt Nam đại để cũng là thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản, hai nước đều phải “đối diện” với một loạt vấn đề. Thế mà, trước bão táp Âu - Mỹ, nước Nhật Bản giữ vững độc lập và nhanh chóng trở thành cường quốc ngang hàng với các nước lớn mạnh Âu - Mỹ, còn nước Việt Nam thì suy đốn không cứu chữa nổi, bị Pháp lấn áp, gặm dần, nuốt trộng, rốt cuộc trở thành thuộc địa, xiềng chân gông cổ cho đến đỗi cái tên Việt Nam cũng biến mất khỏi bản đồ thế giới. Vì sao? Nguyên nhân sâu xa nào? Tất yếu chăng? Cho đến nay, không phải tất cả các vấn đề lớn đều được giải đáp thỏa đáng. Giáo sư Tiến sĩ Y. Tsuboï góp tia sáng của một người bạn nước ngoài. Và Y. Tsuboï ở cái thế giới của người rành rẽ hết sức về sự nghiệp duy tân của đất nước và dân tộc mình, về một thành công vang dội có một không hai ở Viễn Đông hồi nửa sau thế kỷ 19, thì tự nhiên giáo sư như là có một cái chỗ đứng hết sức thuận lợi để quan sát thất bại thảm hại của Việt Nam, góp phần phát hiện các nguyên nhân của sự thất bại này so với các nguyên nhân của sự thành công kia. Trong quyển sách, tác giả tế nhị không nói lên sự so sánh đó mà kỳ trung thì có, cảm thấy được, và nhờ vậy phần nào các vấn đề được sáng tỏ thêm lên.

Để nghiên cứu thời kỳ Tự Đức, Y. Tsuboï đã làm chủ một thư mục đồ sộ hữu ích biết mấy cho thầy trò chúng ta ở Việt Nam. Nếu tôi không lầm thì cho đến nay chưa mấy ai trong số các nhà sử học ở Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh - tôi không dám bao gồm anh chị em ta ở Pháp - làm chủ một thư mục lớn như vậy. Y. Tsuboï đã có công, có đảm lực lục lọi trong các núi tư liệu ở Đông Kinh, ở Paris, Aix-en-Provence; chỉ thiếu phần tư liệu gọi là “Châu bản” của triều đình Huế hiện nay lưu trữ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Y. Tsuboï đọc nhiều thứ tiếng Nhật, Pháp, Anh, Việt, thạo chữ Hán… Cái đó quan trọng lắm, nhưng quan trọng bậc nhất là ở chỗ tuy có nhiều người đọc như ông, nhưng ông phát hiện nhiều tư liệu cho đến nay chưa được biết và chưa được công bố hay đã công bố mà chưa được sử dụng, hoặc sử dụng mà chưa đúng tầm quan trọng. Tất nhiên tư liệu không bao giờ được xem là đủ rồi. Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ “rủ” giáo sư Y. Tsuboï và bạn bè đến cùng chúng ta khai thác cái kho “Châu bản” đồ sộ và quý giá mà có lẽ còn quan trọng căn bản hơn là tư liệu của bộ Hải quân và bộ Thuộc địa Pháp nữa. Vậy mà người Việt Nam cũng chưa biết gì nhiều lắm về cái kho Châu bản đồ sộ đang được bảo quản kém và đang chờ người khai thác. Không khai thác Châu bản một cách triệt để mà chỉ bằng vào tư liệu của các hạng người Pháp phần lớn thuộc quân xâm lược hay chuẩn bị xâm lược, thì làm sao biết rõ, biết đúng một thời kỳ lịch sử “mấu chốt” của nước nhà, làm sao đánh giá các nhân vật được chính xác? Tôi xin nói thêm rằng, tư liệu của Y. Tsuboï phong phú, nhưng người đọc không hề có cảm giác đi trong rừng, rừng tư liệu. Trái lại, giáo sư Y. Tsuboï biết lựa chọn, xếp có trật tự theo giai đoạn, theo những nhóm xã hội cấu thành một hệ thống hợp lý, hài hòa, mà quyển sử vẫn là quyển sử, không phải thành một quyển chính trị học hay là một quyển triết lý lịch sử.

Tuy nhiên, điều làm cho tôi thích thú nhất khi đọc tác phẩm của Y. Tsuboï không phải là sự tổ chức hợp lý hài hòa của sự kiện mà thường hơn hết là những cái gọi là “chi tiết”, và những chi tiết ấy nói lên được hay chứng minh thêm những cái gì lớn và chung. Y. Tsuboï đã vẽ dung mạo của những con người cụ thể, diễn viên chính và phụ của tấn bi kịch 40 năm thời Tự Đức: từ vị thừa sai này, tên cướp núi cướp biển nọ, hoàng đế, tể tướng, lái buôn đến các sĩ phu và văn thân. Cách viết sử đó sống động, ít nhất là sống động hơn cách viết sử của tôi về thời kỳ này. Những chi tiết mà Y. Tsuboï đưa ra về những tay gian hùng hay võ quan người Pháp không trùng lặp với những người Pháp mô tả kể chuyện và tán dương các tướng đầu bò đã chiếm Hà Nội. Những chi tiết về nội tình của triều đình Huế không đẩy vào hàng thứ yếu những vấn đề căn bản như sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn, như âm mưu xâm lược của các tướng lĩnh hải quân Pháp, như sự tiếp tay của một số giáo sĩ thừa sai đã đồng hóa công cuộc bành trướng của Pháp với sứ mệnh rao giảng Tin mừng, như sự quyết tâm đề kháng của sĩ phu chẳng những chống thực dân cứng đầu mà chống cả triều đình bạc nhược…

Y. Tsuboï chẳng những phân kỳ từng giai đoạn của mâu thuẫn bên trong và bên ngoài, trình bày rõ sự kiện lịch sử mà còn khéo hợp chúng lại thành từng nhóm rành mạch có liên quan, làm như thế sự rối rắm cực độ, kéo dài vừa được bộc lộ, đồng thời sự sáng tỏ của quá trình lịch sử cũng được bảo đảm. Tôi chú ý rằng nhà sử học Nhật Bản không phải là không có những nhận xét chính xác, có khi tinh vi nữa, đôi khi không ngần ngại thảo luận với các nhà sử học Việt Nam. Giáo sư có lý phần lớn trong nhận xét rằng nhà Nguyễn cũng có nhiều tính chất năng động, xét cho cùng cũng là tính năng động của dân tộc Việt Nam. Giáo sư tiếc cũng không phải là không có lý rằng, ngay trong thời Tự Đức, cơ phát triển thương mại của Việt Nam đã là một hiện thực, nhưng người Việt Nam không giành lấy cho mình (như một bộ phận quan trọng của dân tộc Nhật lúc ấy), bởi vậy ý muốn duy tân thiếu một cơ sở xã hội, mà chính điều đó, tuy giáo sư không nói tách bạch, đã là một trong các nguyên nhân của sự sụp đổ trước sức tiến công của Tây phương.

Hẳn tác phẩm Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847 - 1885) của giáo sư Y. Tsuboï có đóng góp nhiều hơn là đôi điều tôi đã trình bày để giới thiệu. Cũng không phải là không có những vấn đề để thảo luận thêm với giáo sư. Song tôi muốn dành việc lý thú này cho mỗi độc giả cùng tham gia.

Trần Văn Giàu