Ngày đăng : 27/03/2013

Tương lai của triết học


Lời người dịch: John Dewey, Charles Sanders Peirce và William James là ba triết gia sáng lập thực dụng luận – một “đặc sản” triết học mang đậm chất Mỹ ra đời vào thế kỷ XIX. Các nhà thực dụng luận kiên quyết từ bỏ lối nghĩ duy lý của triết học châu Âu thời Khai sáng, đồng thời họ còn phản đối lối tư duy siêu hình của ngay chính những bậc tiền bối theo thuyết siêu nghiệm (transcendentalism) tại Mỹ như Ralph Waldo Emmersion, Henry David Thoreau. Điểm mấu chốt của thuyết thực dụng là, kết quả và hệ quả phải được trắc nghiệm (test) bằng hành động. John Dewey đã bổ sung yếu tố “thực nghiệm” và đứng tách ra để sáng lập thuyết công cụ (instrumentalism). Niềm tin của ông vào yếu tố “thực nghiệm” (experimental – làm thật) và phương pháp khoa học (scientific method) lớn đến nỗi ông cho rằng có thể vận dụng phương pháp khoa học và đưa yếu tố thực nghiệm vào mọi lĩnh vực của đời sống, kể cả lĩnh vực đạo đức. Người có đạo đức không hẳn là người “có ý định tốt”, đạo đức không phải là một bản liệt kê những lời giáo huấn, những nguyên tắc chung chung, những đức tính tốt. Đạo đức tức là việc làm đem lại kết quả, hệ quả có đạo đức. Kẻ nói rất hay về đạo đức có khi lại là kẻ vô đạo đức nhất!

John Dewey còn được coi là cha đẻ của trào lưu cải cách giáo dục (tân-giáo dục) bắt đầu tại Mỹ và lan sang châu Âu hồi cuối thế kỷ 19 đầu 20. Ông đã xóa bỏ bức tường (hữu hình và vô hình) ngăn cách nhà trường và xã hội. Giáo dục không phải là chuẩn bị trẻ em cho cuộc sống tương lai. Giáo dục là bản thân cuộc sống. Nhà trường là xã hội thu nhỏ. Trẻ em cư xử ở trường thế nào thì ra ngoài xã hội chúng cũng cư xử theo cách như vậy. Một xã hội muốn trở thành một xã hội dân chủ thì cuộc sống nhà trường phải dân chủ. Nhà trường áp dụng lối dạy áp đặt, nhồi sọ, học vẹt, học suông, tức là vô tình nhà trường trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ có thể cung ứng cho xã hội những cá nhân giỏi chuyên môn thật đấy song mang tư cách của kẻ nô lệ. John Dewey nhiều lần trích dẫn câu nói của Platon: “Nô lệ là kẻ thực hiện ý định của kẻ khác”. Đừng quên rằng những tù nhân đang thụ án trong nhà tù cũng có thể là những người thợ rất giỏi tay nghề, họ có thể làm ra những sản phẩm cực kỳ tinh xảo!

John Dewey tin, không, phải gọi là tín điều mới chính xác (credo), rằng giáo dục là phương tiện, thậm chí là phương tiện duy nhất để cải tạo xã hội. Ông viết trong Tín điều giáo dục của tôi vào năm 1897: “Tôi tin rằng giáo dục là phương pháp căn bản của tiến bộ và cải cách xã hội. Mọi cải cách đơn thuần dựa vào luật pháp hoặc dùng những hình phạt để đe dọa hoặc dựa vào những sửa đổi máy móc và có tính hình thức thì đều là mang tính nhất thời và vô ích… Nhưng bằng giáo dục, xã hội có thể vạch ra những mục đích của riêng nó, có thể tổ chức các phương tiện và nguồn lực, và bằng cách ấy xã hội phát triển theo hướng mà nó mong muốn theo cách được xác định rõ ràng và tiết kiệm …”

John Dewey sinh ngày 20 tháng 10 năm 1859, mất ngày 1 tháng 6 năm 1952. Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 150 của John Dewey không chỉ tại nước Mỹ mà nhiều nơi trên thế giới đã có những hội thảo về John Dewey, riêng Trung Quốc tổ chức hai hội thảo tại Bắc Kinh. Hội thảo thứ nhất có chủ đề “Thực dụng luận và toàn cầu hóa”, hội thảo thứ hai là “Những bản dịch các tác phẩm của John Dewey sang tiếng Trung Quốc”.

Các tác phẩm của John Dewey đã được dịch tại rất nhiều nước. Nhật Bản ngay từ những năm đầu thế kỷ XX đã dịch gần như toàn bộ các tác phẩm cùa John Dewey. Tại Việt Nam, năm 2008 nhà xuất bản Tri thức mới bắt đầu giới thiệu John Dewey qua bản dịch tiếng Việt cuốn Democracy and Education (Dân chủ và giáo dục, bản dịch tiếng Việt của Phạm Anh Tuấn). Dưới đây là bài nói chuyện của John Dewey tại đại học Columbia năm 1947.

******

Giáo sư Edman đã tìm hộ tôi chủ đề cho bài nói chuyện này. Tôi không ngờ ông đã tìm được một chủ đề sinh động như thế này. Ông bảo với tôi rằng ông đã nghe tôi nói chuyện về chủ đề này cách đây 5 năm. Thật tiếc là tôi đã quên hẳn mình đã nói gì vào hôm đó. Năm năm trước đây, tôi có nhiều điều để hi vọng hơn bây giờ. Trong 5 năm qua tôi đã trở nên e ngại hơn, e ngại hơn trong những gì cần nói chứ không phải e ngại hơn trong hi vọng.

Tôi sẽ trình bày vắn tắt quan niệm của tôi về triết học – về công việc của triết học, về mối quan tâm của triết học. Theo tôi, quan niệm tồi tệ nhất là quan niệm cho rằng triết học là để giải thích “tồn tại” là gì, như ta thấy ở quan niệm của người Hi Lạp cổ đại, hoặc giả quan niệm coi triết học là để giải thích “thực tại” là gì, như ta thấy ở triết học hiện đại. Như tôi sẽ đề cập ở phần sau, sự rút lui hiện nay của triết học vô tình lại có một ích lợi tích cực ở chỗ gần đây người ta bắt đầu thấy rõ rằng triết học chẳng đạt được thành công lớn nào trong làm việc với “thực tại”. Mặt khác, người ta cũng đang hi vọng rằng triết học bắt đầu giải quyết những vấn đề gần gũi với con người hơn.

Tôi quan niệm triết học phải giải quyết những vấn đề của nền văn minh, văn minh hiểu theo nghĩa khái quát được các nhà nhân học đưa ra rất dễ hiểu – tức triết học phải giải quyết những mô thức nằm trong các mối quan hệ con người. Triết học phải bao gồm những chủ đề như ngôn ngữ, tôn giáo, nền sản xuất, chính trị, mỹ học bao lâu giữa chúng có tồn tại một mô thức chung chứ không phải xét chúng tồn tại như những vấn đề tách rời và độc lập. Nhiệm vụ chính của triết học là tìm cách hiểu được nguyên nhân sâu xa của sự rối loạn rất dễ nhận ra trong những thời điểm diễn ra sự biến động nhanh chóng của nền văn minh, hiểu được cái gì nằm ở đằng sau cái đang bộc lộ ra bên ngoài, hiểu được chất đất nào nuôi dưỡng những gốc rễ của một trình độ văn minh cụ thể. Triết học quan tâm tới mối quan hệ giữa con người với thế giới nơi nó đang sống bao lâu con người và thế giới bị tác động bởi văn hóa, sự tác động này là vô cùng lớn chứ không phải như ta thường vẫn tưởng.

Một “thế giới vật chất” hoặc “thế giới vật lý” xét như một nội dung như nó đang tồn tại hiện nay, là cái ra đời chưa lâu. Vật lý chỉ trở thành một nội dung được phân biệt riêng khi nền văn minh nhân loại đã phát triển tới một giai đoạn nào đó. Loài người đã phải trút bỏ vô số những lòng tin – trong đó có những điều mê tín. Trước đó con người nhìn thế giới thông qua tập tục, bằng những khao khát và những nỗi sợ hãi. Chỉ sau khi khoa học hiện đại xuất hiện (vào thế kỷ XVI) thì con người mới thừa nhận có tồn tại thật sự một thế giới vật chất riêng biệt. Ví dụ này chỉ đơn thuần minh họa sức mạnh biến đổi của văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng này thì văn hóa nghĩa là “nguyên liệu”.

Bởi vì công việc của triết học liên quan tới những mối quan hệ giữa con người và thế giới của con người xét như cả hai đều bị tác động bởi văn hóa, cho nên những vấn đề của triết học luôn thay đổi khi thế giới của con người thay đổi. Có thể lấy một ví dụ như sau: con người ở thời đại chúng ta có nhiều hiểu biết hơn về máy móc, công nghệ v.v. Những vấn đề của triết học do đó chỉ đơn giản gắn liền với sự thay đổi, mặc dù có những cấu trúc nền tảng nào đó vẫn tiếp tục duy trì bất chấp sự thay đổi. Việc viết lịch sử của triết học vì thế chưa phải là đã hoàn tất. Lịch sử của triết học cần được hiểu và ghi lại theo những đặc điểm phân biệt trình độ văn minh. Hiện nay có người đã thừa nhận điều này song sự thừa nhận của họ chỉ là hình thức chủ nghĩa – họ chia lịch sử triết học thành các phần gồm triết học Cổ đại, triết học thời Trung đại, triết học phương Tây và triết học phương Đông. Cách phân chia này chỉ có tác dụng dùng làm những đề mục của tư liệu. Các đề mục này đã không được phân loại dựa trên những chi tiết cụ thể trong các hệ thống triết học.

Bây giờ tôi nói về những hi vọng và e ngại của tôi. Tôi hi vọng vào triết học ở chỗ những người làm nghề triết học nhất định sẽ thừa nhận rằng chúng ta đang ở điểm kết thúc của một thời đại lịch sử và ở điểm bắt đầu của một thời đại khác. Giáo sư và sinh viên nên tìm cách nói cho người khác biết sự thay đổi gì đang diễn ra. Bất luận thế nào, việc thừa nhận những thay đổi, việc thừa nhận những thời kỳ, thời đại diễn ra trong lịch sử của thế giới, đâu phải là điều do tôi bịa ra. Mọi cách viết sử đều chính thức thừa nhận sự phân chia lịch sử thành các thời kỳ. Chúng ta đang tiến tới gần một sự chuyển đổi giai đoạn này; xét như là một sự thay đổi, chúng ta cũng đang ở trong một tình trạng giống như thời Trung đại; thời Trung đại đã không còn khả năng kiểm soát những lòng tin và hoạt động của con người. Giờ đây chúng ta thừa nhận sự bắt đầu một thời đại mới. Thời đại mới này hầu như là hệ quả của khoa học tự nhiên ra đời vào thế kỷ XVI nhờ Galileo và Newton, bởi vì ứng dụng của khoa học tự nhiên đã làm thay đổi hoàn toàn cung cách sống và những mối quan hệ giữa con người. Ứng dụng khoa học đã làm nên những đặc điểm của nền văn hóa hiện đại và những vấn đề quan trọng của nó.

Con người ta bao giờ cũng dễ dàng nhận ra những đặc điểm có tính phá hủy hơn là nhận ra những khía cạnh có tính xây dựng. Có một giai đoạn nào đó, không nghiên cứu nào về thế giới này lại không nhắc tới phản ứng phân rẽ nguyên tử. Chúng ta coi điều này là quan trọng bởi vì nó là biểu trưng cho những thay đổi đang diễn ra trong khoa học.

Ai cũng đều biết rằng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học đang phát triển nhanh hơn nghiên cứu những vấn đề liên quan đến con người – kinh tế học, chính trị và đạo đức. Sự chênh lệch này gợi ý cho ta điều gì nên hi vọng ở một sự phát triển tương lai của Triết học. Các triết gia ở thế kỷ XVI và XVII có lẽ tưởng rằng họ đang giải quyết lý luận về thực tại, song thực ra họ đang ủng hộ môn khoa học tự nhiên vừa ra đời. Họ bận rộn với việc phê phán thứ khoa học ra đời từ thời Aristotle và tồn tại cho tới thời Trung đại. Họ đòi phải có một khoa học giải thích thế giới theo cách khác. Vào thế kỷ XVIII, nhất là tại nước Pháp thời Khai sáng, và trong chừng mực nào đó là tại nước Anh, các triết gia đã làm điều tương tự với những vấn đề của con người và xã hội, song họ thiếu những chất liệu và công cụ. Họ tống khứ rất nhiều thứ nhưng họ lại chẳng xây được cái gì đáng kể. Tôi cho rằng hiện nay triết học đang có những điều kiện trí tuệ để thúc đẩy những vấn đề của con người và xã hội. Môn khoa học tự nhiên [trước thế kỷ XVI] sau khi đã tống khứ những tàn dư duy linh (animistic) thì nó lại không hề quan tâm tới những vấn đề của con người. Nó quan tâm tới những vấn đề riêng lẻ tồn tại tách rời nhau về không gian và thời gian, và tách rời khỏi mọi thứ đã từng xảy ra. Khoa học tự nhiên [ra đời vào thế kỷ XVI] đã gần như đánh đổ quan điểm này. Nhờ những ứng dụng ngày càng nhiều trong tự nhiên học (physiology) và sinh học (biology), vật liệu của thế giới tự nhiên không còn được đặt trong quan hệ đối lập lại với những mối quan tâm của con người như trước đây. Bản thân khoa học cũng tự giải phóng khỏi cái vật chất hiểu theo nghĩa truyền thống. Nhưng điều này không có nghĩa là vật chất đã trở thành cái thứ yếu so với những mối quan tâm của con người, điều này là không thể xảy ra chừng nào mà quan niệm kiểu Newton vẫn còn thắng thế.

Có biết bao khó khăn cản trở việc thực hiện được niềm hi vọng mà tôi đang bàn tới. Một trở ngại rất nghiêm trọng là tình trạng đáng sợ, khủng khiếp của thế giới hiện nay, hiểu theo nghĩa đen của từ này, tức là thật khó khăn khi phải đối mặt với nó. Người ta có khuynh hướng đi tìm giải pháp hão huyền nào đó để giải quyết những vấn đề của thế giới hiện nay, cách giải quyết này về bản chất là mang tính phản động – người ta quay về với những quan niệm của thời Hi Lạp cổ đại hoặc thời Trung đại, hoặc trong triết học người ta lựa chọn một phương pháp trốn tránh bởi vì ta không xem rằng ta có thể giải quyết được những vấn đề có thực, việc này chắc chắn đòi hỏi hàng thế kỷ khi mà ta đang ở thời điểm bắt đầu một thời đại mới.

Trong triết học, điều gây nản lòng nhất là thứ chủ nghĩa kinh viện hình thức kiểu mới, điều này đã từng xảy ra vào thời Trung đại. Trong nhiều trường hợp, ngày nay đó là hình thức vị hình thức. Một hình thức của những hình thức chứ không phải là những hình thức của nội dung. Nhưng trong thế giới khó kiểm soát ngày hôm nay, nội dung là cái vô cùng hỗn độn và dễ gây nhầm lẫn. Tôi sẽ giải thích cách nào triết học đang rút lui vào những vấn đề thuần túy hình thức để trốn tránh đề cập những sự kiện của đời sống con người – tôi miễn cưỡng dùng chữ “vấn đề” bởi chưa bao giờ có “vấn đề” nào cả mà chỉ có “hình thức” mà thôi! Chuyện này là vô hại với tất cả mọi người nhưng với nhà triết học thì không. Sự rút lui này lý giải tại sao hiện nay công chúng ngày càng vô cảm trước những vấn đề của triết học.

Thuyết toàn trị, tức ý định tìm ra một kế hoạch chi tiết hoàn chỉnh hòng giải quyết mọi vấn đề, là một hình thức phản động khác, một hình thức nguy hiểm hơn nhiều so với sự trốn tránh. Chúng ta đã nhìn thấy điều này ở chủ nghĩa phát xít, và theo ý kiến của tôi còn ở cả chủ thuyết bôn-sê-vích hiện nay nữa.

Hiểu rõ được tình hình hiện tại đòi hỏi nhiều can đảm. Hiểu được tình hình một cách triệt để đòi hỏi nỗ lực lâu dài. Nhưng triết học đem lại niềm hi vọng bởi vì triết học nhất định phải tham gia vào việc khởi xướng những xu hướng vận động để rồi sau đó con người sẽ hoàn tất những xu hướng đó bằng hành động.

Bước trước tiên là phải thẳng thắn nhận ra thế giới mà chúng ta đang sống lúc này là gì và nó sẽ đi về đâu. Ngay cả nếu như chúng ta không thể làm được gì bằng sức lực đôi tay và cơ bắp thì chúng ta ít nhất cũng có thể nhìn thẳng vào nó. Nhưng điều không nên làm là thêu dệt những bức màn chắn khiến cho chúng ta không nhận ra tình hình đang diễn ra thực sự. Xét trên phương diện này thì chủ nghĩa hình thức là một trường hợp như vậy: nó có khi là một dấu hiệu đem lại hi vọng. Nó bắt đầu bằng một sự thừa nhận rằng nhà triết học là những kẻ giải quyết vấn đề chẳng đâu vào đâu, nói chung, chẳng hạn họ quan tâm giải quyết cái “thực tại tối hậu” nào đó. Sự phản động này có thể lại là cơ hội làm nảy sinh một nỗ lực nghiêm túc hơn trong việc giải quyết những vấn đề của nền văn minh ngày hôm nay. Trong vài thế kỷ qua khoa học đã thủ tiêu rất nhiều sự chia cắt nhị nguyên: tinh thần và vật chất, cá nhân và xã hội v.v. Những chia cắt nhị nguyên này đã từng có đất sống lâu dài chỉ bởi vì những điều kiện của nền văn minh đã cho phép điều đó. Giờ đây chúng ta đã trưởng thành và thoát khỏi những điều kiện đó. Chúng ta còn thiếu một tư tưởng có hệ thống để chỉ ra sự phát triển tiếp theo.

Triết học không thể giải quyết những vấn đề này, cũng giống như triết học của thế kỷ XVII không thể giải quyết những vấn đề của vật lý học, song các nhà triết học ngày hôm nay có thể phân tích những vấn đề và đưa ra những giả thuyết thuyết phục và gây ảnh hưởng tới nhiều người để rồi chúng có thể được trắc nghiệm bằng phương pháp duy nhất sau đây: việc làm thực tiễn (sinh viên vỗ tay).

Tôi muốn nói thêm một điều nữa, điều đó là thế này: ở thời nào cũng vậy, sinh viên triết học như các bạn đều có một cơ hội lớn lao giống như sinh viên trong bất cứ môn học nào, nhưng mọi sự đều đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, rất nhiều sự can đảm, và cả rất nhiều khí phách nữa!

(Bài nói chuyện của John Dewey tại Khoa Triết Đại học Columbia, New York, ngày 13/11/1947. Nguồn: Trung tâm nghiên cứu John Dewey thuộc đại học Nam Illinois (Southern Illinois University Carbondale 807 S. Oakland Carbondale, Illinois 6290 – http//www. http://www.siuc.edu/~deweyctr/about_influence.html)

Phạm Anh Tuấn dịch, 15/8/2011
Nguồn: Blog Phạm Anh Tuấn