Ngày đăng : 01/04/2013

Bí mật năm trăm năm mươi năm


Nhắc đến vụ án Vườn Lệ Chi, muốn hay không muốn lại nảy ra vấn đề: Lê Thái Tôn bị “bệnh ác” mà chết hay bị giết? Nếu bị giết thì bị giết như thế nào? Ai là thủ phạm giết vua? Lịch sử không có lời xác định rõ ràng. Năm trăm năm mươi năm đã qua rồi. Có thể không cần trở lại vấn đề này làm gì nữa - nhiều người nghĩ vậy. Nhưng “nỗi oan” của NGUYỄN TRÃI, dù Vua Thánh Tôn hai mươi hai năm sau (1464) đã chính thức minh oan và phục hồi danh dự cho ông, vẫn để lại một cái gì đó đè nặng lên lòng mọi người, không phải nỗi đau về một nhà trí thức yêu nước vĩ đại bị giết oan, mà nỗi đau về một dân tộc ngàn năm văn vật lại có lúc sản sinh ra những phường nghịch tử đã vì quyền lợi riêng tư mà sát hại bao trí thức công thần. Cho nên khám phá ra được một nét mới nào dù nhỏ về Vụ án có thể mang lại cho ta những suy nghĩ, những cái nhìn mới, những cái đánh giá mới về lịch sử và con người. ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ có ghi những sự kiện sau đây: 1 - Tháng 10 âm lịch năm 1439, Dương Thị Bí sinh Nghi Dân, con trai đầu lòng của Lê Thái Tôn. Ngày 21 tháng 2 âm lịch 1440, Nghi Dân được lập làm Thái tử và Dương Thị Bí được phong Thần phi. Tháng 6 âm lịch 1440, Ngô Thị Ngọc Dao được phong Tiệp dư. Cuối 1440, Nguyễn Thị Anh có mang thì Dương Thị Bí, trước đã bị giáng xuống Chiêu nghi thì nay lại giáng xuống làm thứ phụ - người đàn bà thường. Thái Tôn đồng thời xuống chiếu cho thiên hạ biết “ngôi Thái Tử chưa định”. Tháng 6 âm lịch, 1441, Nguyễn Thị Anh sinh Bang Cơ. Tháng 11 âm lịch 1441, Bang Cơ được phong làm Thái tử. Nguyễn Thị Anh được phong làm Thần phi. Còn Nghi Dân thì bị giáng xuống làm Lạng Sơn Vương. Trong cuộc tranh chấp tay đôi giữa Dương Thị Bí và Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Thị Anh đã chiến thắng hoàn toàn. Nhưng tạm yên về phía này, Nguyễn Thị Anh lại phải đối phó ngay phía khác. Bang Cơ vừa được phong Thái tử thì Ngô Thị Ngọc Dao có mang và chiêm bao thấy Tiên Đồng đầu thai vào mình. Tiên Đồng đầu thai là điềm sinh Thái tử. Nguyễn Thị Anh lo lắng ngày đêm, sợ đứa con của Ngọc Dao sẽ cướp mất ngôi Đông Cung của con mình. Bà chuyển mũi tấn công sang phía mẹ con Ngọc Dao. Nếu không giết được cũng làm cho thất sủng. Bà gièm pha với Thái Tôn, vu cho Ngọc Dao có dính líu tới vụ làm bùa của Huệ phi Nhật Lệ và có ý hại Thái tử Bang Cơ. Nhật Lệ là con gái của Lê Ngân. Có người tố cáo Lê Ngân dựng bàn thờ Phật trong nhà và luôn luôn mời thầy cúng về nhà cúng bái để cầu cho Nhật Lệ được vua yêu. Vua Thái Tôn bắt Lê Ngân phải tự sát, rồi giáng Huệ phi Nhật Lệ xuống làm Tu dung, một chức thấp trong hàng cung phi. Nguyễn Thị Anh xin vua khép Ngọc Dao vào tội voi giày. May có Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tích cực và tận tình can thiệp, vua mới nghe lời, không khép tội voi giày mà đày Ngọc Dao đi Châu Xa. Như vậy NGUYỄN TRÃI và Nguyễn Thị Lộ đã có cái công thứ hai, rất lớn, cũng ngang hàng với sự nghiệp Bình Ngô: là cứu mạng cho Lê Thánh Tôn, ông vua giỏi đã đưa đất nước Việt Nam phát triển lên mức toàn diện phồn vinh nhất của ngót hai nghìn năm chế độ phong kiến. Không có sự can thiệp dũng cảm của vợ chồng Nguyễn Trãi thì lịch sử Việt Nam đã vĩnh viễn không bao giờ có thời Hồng Đức. Nhưng cũng qua sự can thiệp đó mà NGUYỄN TRÃI và Nguyễn Thị Lộ mặc nhiên bị dính vào cuộc xung đột nội cung lúc bấy giờ đang thật sự “náo loạn” cả cung đình, ảnh hưởng rất nhiều công việc triều chính. 2. Giữa lúc ấy, hai sự kiện xảy ra hầu như một lúc: Việc thứ nhất, Ngọc Dao sinh con trai. Việc thứ hai, Thái Tôn đi tuần về phía Đông. Ngày 20 tháng 7 âm lịch 1442, Ngọc Dao sinh con trai đặt tên là LÊ TỰ THÀNH - sau này là Vua Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ lại phải cho người đưa ngay hai mẹ con Ngọc Dao ra đất An - Bang (Quảng Ninh) để tránh sự theo đuổi của Nguyễn Thị Anh. Nhưng rồi sự việc vẫn đến tai bà. Nguyễn Thị Anh càng thâm thù vợ chồng Nguyễn Trãi, coi như còn vợ chồng ông thì vẫn còn hậu họa cho bản thân Nguyễn Thị Anh. Bà chẳng đã chứng kiến cái việc Thái Tôn vì yêu bà hơn mà đã giáng chức Thái tử của Nghi Dân và giáng Dương Thị Bí xuống làm thứ phụ để phong Bang Cơ làm Thái tử và bà làm Thần phi đó sao? Lê Thái Tôn rất có thể lại nghe Ngọc Dao, giáng bà xuống thứ phụ, con bà làm phiên vương, để lập đứa con trai “Tiên Đồng giáng thế” của Ngọc Dao lên làm Thái tử và Ngọc Dao làm Thần phi lắm chứ! Vả lại có một điều mà chỉ riêng bà biết - điều đó giữ kín trót lọt thì quyền vị của bà mới được đảm bảo. Nếu lộ ra, nhà Vua biết được thì không những mất hết mọi ân sủng mà còn bị trọng tội cả hai mẹ con. Cái điều đó, 17 năm sau, khi Nghi Dân giết cả hai mẹ con Nguyễn Thị Anh, lên ngôi, rồi mới nói ra trong “Bài Văn Đại Xá”: Bang Cơ không phải là con của Lê Thái Tôn. Bài văn viết: “Trẫm là con của Thái Tôn Văn Hoàng Đế, ngày trước đã làm hoàng tử. Không may Tiên đế đi tuần ở phía Đông bỗng băng ở ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn vững quyền vị bèn ngầm sai nội quan là Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, cho trẫm làm phiên vương. Đến sau, Tạ Thanh tiết lộ việc ấy lây đến thái uý Trịnh Khả và tư không Trịnh Khắc Phục, bèn đem giết cả đi để hết người nói ra. Cho nên từ đó đến nay, hạn sâu liên tiếp, tai dị xảy ra luôn, đói kém lưu hành, nhân dân cùng khốn. Diên Ninh (tức Bang Cơ) tự biết mình không phải con Tiên Đế, vả lại lòng người lìa tan, ngày mồng 3 tháng 10 năm nay khiến trẫm thay ngôi...”. - (Đại Việt Sử ký toàn thư tập III, nhà xuất bản KHXH, Hà Nội 1972, trang 170).

Cho nên người mà Nguyễn Thị Anh sợ nhất lúc này không phải là vợ chồng Nguyễn Trãi, mà là Lê Thái Tôn. Thái Tôn còn sống, việc phong Thái tử chưa dứt điểm thì trước sau Thái Tôn cũng sẽ biết được điều bí ẩn kia. Làm sao bây giờ? ***Có thể suy luận như thế nào đây trên những sự kiện có ghi lại rõ ràng trong Đại Việt Sử ký toàn thư? Việc Tiệp dư Ngọc Dao sinh hoàng nam thúc đẩy Nguyễn Thị Anh phải cấp tốc hành động. Bà phải đối phó ở cả bốn phía cùng một lúc:

- Nghi Dân, vì bà mà phải truất mất ngôi Thái tử.
- Ngọc Dao, vì bà mà suýt nữa bị tội voi giày, được tha, nay lại sinh con trai.
- Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bảo vệ cho Ngọc Dao, đang được Thái Tôn trở lại tin dùng. 
- Và Lê Thái Tôn.

Giá Lê Thái Tôn là con người chín chắn, trước sau như một thì ba người kia không đương đầu nổi với Nguyễn Thị Anh. Nhưng Thái Tôn là người ngỗ nghịch, phong tình và nghiêng ngả, yêu đó rồi ghét đó, dễ nghe lời gièm pha mà giết ngay người thân một cách tàn bạo: Lê Sát và Lê Ngân là hai vị tể tướng và là cha sinh của Nguyên phi Lê Thị Ngọc Dao và Huệ phi Nhật Lệ, đã bị Thái Tôn giết cách đó không lâu. Cho nên, muốn củng cố địa vị của con - tức của chính bà - Nguyễn Thị Anh phải tạo điều kiện đưa Bang Cơ lên ngôi Vua chính thức càng sớm càng hay. Một người như Nguyễn Thị Anh, đã từng có những âm mưu tội ác không phải một lần, chắc chắn không ngần ngại nhiều trước một tội ác mới. Không trị người trước, người sẽ trị mẹ con mình sau. Vả chăng Bang Cơ đâu phải con của Thái Tôn! Và Thái Tôn cũng đâu phải là cái đối tượng yêu thương mà bà muốn chiếm đoạt? Cái đối tượng mà bà muốn chiếm đoạt là chiếc ngai vàng cho con và quyền vị Thái hậu nhiếp chính cho bản thân. Phải đạp lên xác những người nào đó mới đi tới đích ấy được. Không có con đường nào chắc hơn. Có thể bà đang tìm một phương sách để thực hiện ý đồ táo bạo đó thì đây, cơ hội tốt đang bày ra trước mắt, ngang tầm tay: Thái Tôn đi tuần phía Đông, sẽ đóng quân ở Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi tại Côn Sơn rồi mới hồi kinh. Tất nhiên vẫn có Nguyễn Thị Lộ theo hầu, với tư cách là Lễ nghi học sĩ, như thường lệ. Ở chỗ xa kim khuyết, vắng mặt các phi tần… Chỉ cần một ly rượu nhỏ pha loãng chất độc dâng Vua trước lúc đi ngủ, qua bàn tay một người thân cận, có thể qua bàn tay của chính Nguyễn Thị Lộ mà bà Lộ không biết, có để lại một ít tang vật tại phòng bà... Thế là xong. Nhẹ nhàng như không và chẳng ai có thể nghi ngờ... Giấu kín sự việc, đưa Vua về cung lập Bang Cơ lên ngôi vua, Nguyễn Thị Anh làm Thái hậu nhiếp chính rồi tập trung mọi quyền hành dựng lên vụ án, dùng tra tấn bắt Nguyễn Thị Lộ ký vào tờ thú viết sẵn nhận tội đã tiến độc cho Vua, làm cơ sở pháp lý cho triều đình buộc tội và tru di ba họ Nguyễn Trãi, diệt hẳn mọi mầm mống tố cáo và trả thù về sau. Kẻ nào tiết lộ bí mật cho kẻ khác biết hoặc nghi ngờ: giết! Giết sạch, bất luận kẻ đó là ai! Thất nhân tâm nhưng mà được ngôi báu!... Sự thật vụ án Vườn Lệ Chi có thể là như vậy. Sử thần Ngô Sỹ Liên có thể là không biết, hoặc có biết mười mươi mà không dám nói ra. Chẳng hạn, cái việc “Diên Ninh tự biết mình không phải con Tiên Đế”, ông cũng chỉ dám để cho Nghi Dân - là ông vua Ngụy nói ra, 17 năm sau, chứ tự ông không ghi và cũng không bình luận câu nào. Trái lại, một sự kiện nghe chừng nhảm nhí thì, trong cùng một trang, Ngô Sỹ Liên đã nhắc đi nhắc lại hai lần... “Thái Tôn thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”... “Trước, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Lê Thái Tôn trông thấy thích lắm, cùng với Lộ cớt nhả, đến đây đi tuần về miền Đông, tới chơi nhà Trãi rồi bị bệnh ác mà chết, cho nên Trãi bị tội ấy”... “Lại có lời bàn rằng: nữ sắc làm hại người quá lắm thay! Thị Lộ là một người đàn bà thôi, Thái Tôn yêu nó mà thân phải chết. Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên răn lắm ru?...” Lời bàn ấy chỉ gieo xấu chứ không buộc tội. Sự nhấn mạnh đó dường như phần nào phản ánh một chút cái “đắc ý” của vị sử thần họ Ngô đã tìm ra được một cách lý giải cái chết của Lê Thái Tôn có thể chấp nhận được lại coi chừng hợp ý triều đình Nguyễn Thị Anh, để rồi, 30 trang sau, với thái độ thật khách quan, ông để cho Nghi Dân nói rõ: “Bang Cơ không phải con Tiên đế”. Cả về thái độ Nguyễn Thị Anh đối với Lê Thánh Tôn, Ngô Sỹ Liên cũng viết: “Tuyên Từ Thái hậu - tức Nguyễn Thị Anh - yêu (Thánh Tôn) như con mình đẻ ra” (ĐVSKTT III, trang 174), khi chính bà đã tìm cách triệt bỏ cả mẹ con Ngọc Dao ngay từ khi Thánh Tôn còn trong trứng nước! 3 - Sau khi Nguyễn Trãi bị tru di ba họ, có mấy cái chết đáng chú ý. Những cái chết này do một mình Thái hậu Nguyễn Thị Anh quyết định.  

- Ngày 9/9 âm lịch, 1442, chưa đầy 1 tháng sau ngày Nguyễn Trãi bị giết, “giết bọn hoạn quan Đinh Phúc và Đinh Thắng vì khi Nguyễn Trãi sắp bị tử hình có nói là hối hận đã không nghe lời Thắng và Phúc” (Sách đã dẫn, trang 152). 
- Ngày 26/7 âm lịch năm 1451, “Giết cả Tạ Thanh, Thái uý Lê Khả và con trai là Lê Quát, Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con trai là Trịnh Bá Nhai (sđd trang 161) vì Tạ Thanh đã tiết lộ việc Nguyễn Thái hậu đã từng ngầm sai Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, cho Nghi Dân làm Lạng Sơn Vương, giết đi để hết người nói ra” (sđd trang 170).

Những cái chết này nguyên nhân từ đâu? Đinh Phúc và Đinh Thắng là những tên hoạn quan lộng quyền rất căm ghét Nguyễn Trãi. Chúng có thể nói với Nguyễn Trãi điều gì đến nỗi bị Nguyễn Thị Anh chém đầu? Và Tạ Thanh, viên cận thần thân tín số một của Thái hậu Nguyễn Thị Anh, chín năm sau cũng bị chém đầu nốt vì cái tội “tiết lộ việc tôn Bang Cơ lên ngôi vua”. Trịnh Khả là người đã cùng với Nguyễn Xí, Lê Liệt, Lê Thụ, Lê Bôi nhận di mệnh tôn Thái tử Bang Cơ lên ngôi vua, cũng bị giết cùng với Tạ Thanh. Tiết lộ việc làm quang minh đúng đắn theo di mệnh của Vua thì có gì sai trái đến nỗi phải bị giết? Lại giết một lúc năm người ở vị trí rất quan trọng; giết người nói, giết người nghe, giết cha không đủ lại giết cả con, và giết trước hết con người mình từng tin cẩn nhất lâu nay! Rõ ràng không phải vì tội đã tiết lộ việc tôn Bang Cơ lên ngôi Vua, cũng không phải về vụ án Nguyễn Trãi! Mà phải là vì Tạ Thanh đã tiết lộ một việc gì đó cực kỳ bí mật và nghiêm trọng: đó chỉ có thể là vụ đầu độc Lê Thái Tôn mà Nguyễn Thị Anh đã bàn và giao cho Tạ Thanh thực hiện, cùng với vụ “Diên Ninh tự biết mình không phải con Tiên đế”. Phải tiết lộ những bí mật quan trọng như vậy mới bị chém đầu cả ba ông quan to cùng một lúc chứ! Khi hình quan tra tấn Nguyễn Thị Lộ, chúng chỉ quanh đi quẩn lại hỏi có một câu duy nhất: “Có phải mi đã tiến độc cho Đức Đại Hành Hoàng Đế và mưu thí nghịch là do Nguyễn Trãi không?” - (Trần Huy Liệu: NGUYỄN TRÃI, nhà xuất bản KHXH - Hà Nội, 1992 trang 34)

Đứng về logic sự việc mà nói, Thái Tôn có chết vì ngộ độc thì bọn hình quan mới tra khảo Nguyễn Thị Lộ tiến độc cho vua. Tất nhiên không phải do âm mưu của Nguyễn Trãi, nhưng có thể người dâng rượu độc mà không ngờ là chính Nguyễn Thị Lộ, do sự bố trí xảo quyệt của bọn Đinh Phúc, Đinh Thắng tay chân của Tạ Thanh. Bọn này, những kẻ trực tiếp thực hiện âm mưu đã bị giết ngay một tháng sau Nguyễn Trãi để bịt đầu mối. Không hiếm gì cái kiểu tạo ra một số tang vật - một chút cặn rượu độc vứt vào buồng Nguyễn Thị Lộ chẳng hạn - rồi ép cung bắt Nguyễn Thị Lộ phải nhận vì bị tra tấn đau quá không chịu nổi, hoặc chúng cầm tay bà bắt ký vào tờ cung viết sẵn... Thế là chúng có đủ cơ sở pháp lý để dựng nên một “vụ án”, sát hại một con người mà chúng nó biết: Nguyễn Trãi còn thì tất cả chúng nó sẽ phải chết. Còn cái đầu mối gốc là Tạ Thanh thì chín năm sau, quyền vị thật vững vàng rồi, Nguyễn Thị Anh xuống lệnh giết nốt. Với cái nhìn trung thực và sáng suốt, Nguyễn Trãi đã thấy ngay, nhận ra ngay điều đó. Ông biết đây không phải là một vụ án theo nghĩa thông thường mà là đích thân Thái hậu Nguyễn Thị Anh cùng tay chân bà tìm cớ sát hại ông, giết rất nhanh, giết cả ba họ ông để ông không có đủ thời gian phanh phui cái vụ giết Vua tranh chấp quyền vị, trái ngược với cương thường đạo lý này. Ngay từ hồi ông rời Thanh Hư động trở về triều đình theo tiếng gọi của Lê Thái Tôn, thực chất là theo tiếng gọi của lòng yêu nước xây dựng non sông, ông đã biết trước sau tai họa cũng sẽ đến với ông. Nhưng ông đã đặt niềm ưu ái đối với đất nước lên trên mọi ý nghĩ riêng tư... Ông tự ví mình như con ngựa già còn kham rong ruổi và lòng vui vẻ, mang theo bầu nhiệt huyết làm hay làm đẹp cho đất nước, trở lại giúp Vua. Cho đến chết, ông vẫn trung thành thủy chung với lý tưởng Nhân Nghĩa của mình. Vậy thì nội dung vụ án này không phải là vấn đề “oan hay không oan” của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, bởi đây thực chất không phải là một vụ án. Cái mà lịch sử gọi là “Vụ án Vườn Lệ Chi” chính ra là một vấn đề khác. Máu đã chảy nhiều, từ hai, ba năm về trước: máu Lê Sát, máu Lê Ngân, nay lại máu Lê Thái Tôn, máu ba họ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, suýt nữa máu của Ngọc Dao và Lê Tự Thành còn trong bụng mẹ. Rồi máu của Đinh Phúc, Đinh Thắng, máu của Tạ Thanh, Lê Khả, Lê Quát, Trịnh Khắc Phục, Trịnh Bá Nhai. Máu đổ trước, máu đổ sau, máu đổ liên tục... cho đến ngày chính kẻ âm mưu đổ máu đầu tiên đến lượt mình phải tắm trong vũng máu cả mẹ cả con (con không có tội) mới thôi! Ngày xưa gọi đó là số mệnh, là quả báo. Ngày nay gọi đó là quy luật. Tục ngữ dân gian thì gọi đó là “ở ác gặp ác”.
Vậy có kết luận:

1 - Về nội dung, “Vụ án Vườn Lệ Chi” thực chất là màn kết thúc sơ bộ của một âm mưu đảo chính, giành giật và củng cố ngôi báu, do một người đẹp trong nội cung chủ trương.

2 - Về tính chất lịch sử, nó là hậu quả tất yếu của hai nền văn hoá chênh lệch xung đột lẫn nhau.

- Một bên là nền văn hoá Nho giáo tiên tiến của thời đại, biểu hiện ở lý tưởng NHÂN NGHĨA, ở phương pháp trọng dụng nhân tài, mà người tiêu biểu là Nguyễn Trãi. 
- Và một bên là nền văn hoá võ biền thô sơ chỉ nhằm củng cố quyền vị cá nhân, dòng họ mà tiêu biểu là cái triều đình Lê Sơ bao gồm hầu hết là người châu Mường. Âm mưu ấy kéo dài trọn mười hai năm mới kết thúc.

Trong vở kịch nói lịch sử “BÍ MẬT VƯỜN LỆ CHI” của tôi - Giải thưởng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 1981 - nhiều nhân vật nói đến cái “oan” của Nguyễn Trãi. Điều đó là hiện thực. Họ chưa nhìn được ra ngoài tầm của cái nhìn phong kiến. Nhưng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ thì nhìn rộng hơn, xa hơn, rõ và đúng hơn, sâu hơn, họ quyết liệt lên án việc giết Vua và hãm hại công thần. Họ đấu tranh đến cùng chống lại những hành vi vô đạo, không phải vì mình mà vì vận mệnh dân tộc, vì độc lập và hoà bình lâu dài của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Những lời cuối cùng của Nguyễn Trãi trước lúc bị đưa ra pháp trường là khuyên Thái hậu Nguyễn Thị Anh năm điều giữ nước chăm dân, chứ không phải những lời cầu xin tha chết. Cái tầm cao, cao vời vợi trong nhận thức và tình cảm vào khoảnh khắc cuối cùng đau xót nhất ấy hoàn toàn phù hợp và xứng đáng với con người suốt đời mang hoài bão: “Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Tiêu biểu khí phách và tinh hoa dân tộc, tài đức song toàn - một con người thực sự Con Người, một con người thực sự Việt Nam.  

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 01 năm 1992
Hoàng Hữu Đản