Ngày đăng : 01/04/2013

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn người khai sinh nền trung học Việt Nam


Có lẽ rồi đây sẽ có nhiều người viết về GS. Hoàng Xuân Hãn như là một nhà trí thức tiêu biểu, một thầy giáo toán học tài năng, một nhà khoa học Việt Nam lừng danh, một nhà nghiên cứu cổ văn và nhà sử học nghiêm túc v.v… vì ông là tất cả những mẫu người ấy. Cũng sẽ có người đầy đủ tư cách hơn tôi để viết về tiểu sử của GS. Hoàng Xuân Hãn vì họ là những người thân thuộc, đồng tuổi, đồng nghiệp, những học sinh cũ hay bạn bè gần gũi, thân thiết. Nhưng tôi không được may mắn thuộc vào các loại người ấy, mà chỉ là một trong các thầy giáo thuộc lớp đầu tiên thực hiện chương trình trung học Việt Nam do chính ông khai sinh vào tháng 6-1945 và được áp dụng vào khoảng tháng mười năm ấy tại các trường học ở miền Trung.

Hồi còn theo bậc trung học giữa thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, chúng tôi biết tên của hầu hết các nhà khoa bảng Việt Nam xuất thân từ các trường đại học Pháp, vì số người này lúc ấy có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng GS. Hoàng Xuân Hãn là người mà chúng tôi vẫn hằng ngưỡng mộ qua các bài viết của ông trên tạp chí Khoa học, một tờ báo đầu tiên về khoa học viết bằng tiếng Việt, do một nhóm trí thức chủ trương. Sự kiện một tờ báo Việt đề cập đến các vấn đề khoa học bằng tiếng Việt, kèm theo bản Danh từ khoa học của GS. Hoàng Xuân Hãn, xuất hiện chỉ hơn một năm sau thời kỳ nước Pháp bại trận (giữa 1940), cho thấy việc làm này không phải ngẫu nhiên mà là sự chuẩn bị có tính cách “chiến lược” cho việc phục hồi vị trí của tiếng Việt trong nền quốc học Việt Nam. Điều này, các nhà giáo dục Việt Nam về sau đã nhận thấy rõ và chính GS. Hoàng Xuân Hãn, gần đây (1993) cũng xác nhận: “Từ khi vào Trường Vinh hay Hà Nội, tôi đã sớm nhận thấy hoàn toàn thiếu phần quốc học, và càng thấy phần quốc học suy đồi, anh em ít người chú tâm; đến cả thầy giáo cũng vừa non nớt vừa uể oải. Tôi lại nhận thấy rằng nếu mình thiếu phần tối thiểu về khoa học, thì dân ta không thể có lý luận chính xác nghiêm túc và những kiến thức cách trí không thể truyền bá vào tập quán của dân ta, chỉ quen với từ chương mơ hồ luộm thuộm. Vì những lẽ ấy, khi tôi được vào Trường Polytechnique, năm 1930, tôi bắt đầu nghĩ đặt danh từ khoa học cho có nền tảng hữu lý và quốc gia… Không bao lâu thì cuộc chiến tranh Âu châu bùng nổ… Tôi cùng một nhóm bạn lập ra tạp chí Khoa học, và tôi tự đem in tập Danh từ khoa học của tôi. Thực ra, bấy giờ tôi chịu những lời phê pháp hiềm nghi của một số người pháp trong chính quyền cao cấp”[1]

Qua lá thư trích dẫn trên đây của GS. Hoàng Xuân Hãn, tôi lại càng ngưỡng mộ ông hơn, và hiểu được vì sao ông vốn là một nhà khoa học, một thầy giáo toán học, được đào luyện trong môi trường giáo dục Pháp, mà đồng thời lại nhà một nhà nghiên cứu Hán Nôm, một nhà sử học Việt Nam nghiêm túc, và gần đây hơn nữa ông lại có ý định “khảo cứu dài về khoa cử và giáo dục Việt Nam” vì “mình phải làm gương mẫu cho xứ ngoài”, như ông đã viết trong lá thư nói trên. Có lẽ không ai có đầy đủ khả năng hơn ông để thực hiện công trình lớn lao này.

Chỉ bốn năm sau khi ông cho xuất bản tập Danh từ khoa học, niềm mong ước của ông nói trên đã được thực hiện. Không đầy một tuần lễ, sau ngày binh đội Pháp đầu hàng quân đội Nhật tại Huế (9.3.1945), các trường trung học Huế được mở cửa trở lại và tất cả các môn học từ tiểu học đến bậc tú tài đều được giảng dạy bằng tiếng Việt. Đó là một thành tích không dễ gì đạt được nếu không có sự chuẩn bị của GS. Hoàng Xuân Hãn nhiều năm trước đó với cuốn Danh từ khoa học của ông, và cũng là một sự kiện giáo dục chưa từng có tại bất cứ một quốc gia nguyên thuộc địa nào đã bị thực dân đô hộ lâu dài. Ngày 17.4.1945, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ Trần Trọng Kim, rồi đến cuối tháng 6.1945, kỳ thi tú tài đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam được tổ chức tại trường Quốc học Huế với tất cả các bài thi viết bằng tiếng Việt. Năm 1993, trong lá thư kể trên, ông còn nhớ lại về kỳ thi này: “… Những bài làm rất tốt, kể cả bài thi triết học. Đầu tháng 7.1945, tôi phải ra Hà Nội để thu nhận các cơ quan đại học mà Nhật trả; tôi đã mang theo bản chương trình trung học và bản tập lục những bài thi xuất sắc để đem in. Tiếc thay, nhà in bị cháy, tôi chỉ cứu được một bản chương trình trung học…”.

Chương trình trung học này được thảo luận tại Bộ Giáo dục (tức Nha Học chánh cũ, sau lưng trường Quốc học Huế) tại một hội đồng giáo sư do GS. Hoàng Xuân Hãn chủ tọa và sau đó được soạn thảo tại trường Quốc học Huế. So với các chương trình trung học Việt Nam về sau đó, chương trình Hoàng Xuân Hãn là một chương trình cải tổ nền trung học Việt Nam sâu rộng nhất, từ việc thay đổi cấu trúc nền trung học cho đến việc đặt ra những môn học mới, thay đổi nội dung các môn học cũ, nhưng nó đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất và với số giáo sư tham gia ít ỏi nhất. Mỗi môn học chỉ có một hoặc hai người soạn thảo cho tất cả các lớp của bậc trung học từ lớp đệ nhất niên cho đến lớp đệ tam chuyên khoa. Một trong các vị giáo sư đã tham dự vào việc soạn thảo “chương trình Hoàng Xuân Hãn” về môn Anh văn cho nền trung học Việt Nam trong các năm 1945, 1946, đó là thầy Hà Thúc Chính, nay đã 92 tuổi và hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

GS. Hoàng Xuân Hãn không những là người đã đặt ra đường hướng đầu tiên cho việc xây dựng chương trình, mà song song với việc làm ấy, ông cũng còn là người đầu tiên mạnh dạn đặt ra qui chế “giáo sư phụ khuyết” để tuyển dụng những thanh niên có bằng tú tài làm giáo viên giảng dạy tại các trường trung học, thay thế tất cả các giáo viên người ngoại quốc, một điều nhà nhiều quốc gia nguyên thuộc địa không làm được ngay sau khi giành được độc lập. Những công trình lớn lao nói trên đã được hoạch định chỉ trong vòng ba tháng trong khi GS. Hoàng Xuân Hãn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nhưng tất cả chỉ được thực hiện sau khi ông rời chức vụ ấy, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tôi ngưỡng mộ GS. Hoàng Xuân Hãn vì tài năng trí tuệ lớn lao của công cho nền giáo dục Việt Nam, tôi mến yêu ông vì tấm lòng yêu đất nước, yêu con người của công, nhưng trên tất cả, tôi kính trọng ông về “khí tiết” của người trí thức Việt Nam mà ông đã tóm tắt trong lời nói đầu của cuốn La Sơn phu tử: “Trong cơn dông tố, gốc cây đại thụ đứng tin; giữa dòng nước cuốn, cột đá chân cầu không chuyển; đó là đặc tính chắc rắn của gốc cây, cột đá. Chuyện La Sơn phu tử là chuyện một cá nhân đặc biệt, một cá tính đặc biệt mà thôi. Đặc biệt vì khí tiết của cụ đã được thử thách trong những trường hợp éo le, nhiều khi mâu thuẫn cùng nhau, thế mà chung qui vẫn tròn khí tiết”[2]

Tôi nghĩ rằng, với tư cách là một miêu duệ của Nguyễn Thiếp tiên sinh, GS. Hoàng Xuân Hãn xứng đáng nhận lãnh những điều ông đã nhận xét như trên về nhân vật lịch sử ấy.

Dương Thiệu Tống
(Trích chương X (tr. 105-109) cuốn “Suy nghĩ về văn hóa giáo dục Việt Nam”
, Nxb Trẻ)

--------------------------

[1] Nguyễn Q Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin, TP. HCM, tr. 136. Thư của GS Hoàng Xuân Hãn, Paris 20-3-1993.

[2] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử. NXB Minh Tân, Paris. Lời tựa thứ hai viết tại Hà Nội tháng chin năm Canh Dần, 1950.