Ngày đăng : 20/05/2013

Phần lãng mạn trong tác phẩm của HONORÉ DE BALZAC


Nói đến HONORÉ DE BALZAC, người ta thường quen ca ngợi ông là “người thầy của tiểu thuyết hiện thực” mà chẳng mấy ai nghĩ ông hoàn toàn là đứa con đẻ của thời đại lãng mạn, và là người sáng tạo ra nền tiểu thuyết hiện đại.

Những tác phẩm tuổi trẻ của Balzac ra đời cùng một lúc với “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo (1831) như Miếng da lừa (1831), Người thầy thuốc nông thôn (1833), Lão Goriot, Cánh huệ trong thung lũng (1835) - Vinh và nhục của Đời lính (Alfed .de.Vigny 1835), Tiếng hát hoàng hôn (V. Hugo 1835), Lời thú tội của một Đứa con của thế kỷ (Alf. de Musset 1835), “Đêm” (Alf. de Musset 1836- 1837, Jocelyn (Lamartine 1836- 1837), Những tiếng nói nội tâm (V. Hugo 1837)…

Tất cả những tác phẩm trên đây của các nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX Pháp đều giống nhau ở nội dung diễn tả nội tâm - những phần sâu kín của con tim mà những biến cố của cuộc Cách mạng đã giúp cho nhà văn, nhà thơ phát hiện ra; những tình cảm và những dục vọng sâu xa thường làm cho tan nát cõi lòng, làm cho tâm hồn chảy máu. Những tác phẩm đó mang lại cho con người cả một trời thơ, bởi vì đau thương là cái nguồn cảm hứng dạt dào, phong phú nhất của văn chương. Và tất cả những tác phẩm này đều chứa chan nhiều kỷ niệm về quá khứ.

CÁNH HUỆ TRONG THUNG LŨNG là một ví dụ cụ thể. Đó là một bi kịch tình yêu mà sức mạnh rung cảm là ở tính giản dị và chân thực. Trong một thời đại mà văn học đầy rẫy hình tượng những chàng trai điên dại vì tình, những cô gái nổi loạn chống lại mọi cái gì ngăn cản họ yêu đương, Balzac khắc họa hình tượng hai con người yêu nhau hết mức độ của tình yêu, nhưng lại nghiến răng, với trái tim chảy máu, dừng lại ở giới hạn mà luật pháp, dư luận và đạo lý đương thời cho phép. Một tình yêu nồng nàn, chân thực mà phải tự đè nén, không một lần được thỏa mãn, nát tan đau đớn trong sự chịu đựng, cho đến cái phút cuối cùng, trên giường lâm chung, mới dám để lộ ra một lời thú nhận, lời thú nhận của một thiếu phụ đã đành bóp nát con tim mình để giữ trọn lòng trắng trong chung thủy với chồng, một người chồng già, ốm yếu, khó tính mà nàng không yêu: “…Tôi đã có, nàng nói nhỏ, một tình cảm nồng nàn cháy bỏng mà không một ai biết rõ, kể cả con người mà tôi thầm lặng yêu thương. Mặc dầu tôi vẫn hoàn toàn sống đúng như cái đạo làm người qui định, mặc dầu lâu nay tôi không hề có một sai phạm gì trong cái bổn phận làm vợ của tôi, thỉnh thoảng vẫn có những tư tưởng, hữu ý hay vô tình, thoáng qua trong con tim tôi mà giờ đây tôi rất lo sợ là mình đã đón nhận nó hơi quá niềm nở, vội vàng. Nhưng, vì tôi đã yêu ông tha thiết và luôn luôn là người vợ phục tùng chồng, và vì những đám mây đen bay qua dưới vòm trời trong xanh không thể làm cho cái trong xanh của vòm trời bị ảnh hưởng, ông đang thấy tôi xin được ông chúc phúc lành cho tôi với một vầng trán thanh thản…”.

Và với người nàng yêu trộm, nhớ thầm; nàng để lại một bức thư dài kể lại tỉ mỉ với người mình yêu tất cả nỗi niềm đau thương nàng đã phải chịu đựng để giữ được sự trắng trong, trọn vẹn của bổn phận và tình yêu, đúng tinh thần đạo lý Cơ đốc giáo: “… Em đã yêu anh nhiều hơn em tưởng. Lúc này Madeleine không còn tồn tại nữa. Những rung cảm thường xuyên gây nên sóng gió cho cuộc đời của em, những cố gắng của em để đương đầu và chiến thắng chính mình, mà không có một sự động viên, nâng đỡ nào ngoài tôn giáo; tất cả những điều đó đã dẫn tới cái bệnh đang giết chết em hôm nay đây. Cái “đòn” nặng nề kinh khủng ấy đã gây cho em những nối đau xé lòng mà em đã nghiến răng chịu đựng âm thầm. Em thấy chỉ có cái chết là có thể chấm dứt cho em tấn bi kịch xót xa không ai biết đến của em…”.

CÁNH HUỆ TRONG THUNG LŨNG là một cuốn tiểu thuyết mà tính chất lãng mạn ở mức độ cao hơn cả cuốn MANON LESCAUT hoặc GRAZIELLA.

Trong những tác phẩm sau năm 1840, Balzac không ghi lại những kỷ niệm về quá khứ hay những chi tiết tự truyện như ở CÁNH HUỆ TRONG THUNG LŨNG, mà ông nghĩ về tương lai: ông “ mơ” về cuộc sống đang mong muốn của chính mình. Ông tự đền bù, tự tạo cho mình, bằng tưởng tượng, những cái mà trong thực tế ông không có được: Tiền bạc, quyền lực, tình yêu. Tất cả các nhân vật chủ yếu đều là những “kẻ thay thế” ông, những kẻ đại diện cho ông về các mặt: dục vọng, chờ mong, và chiến thắng. Bằng tác phẩm, Balzac đã thể hiện giấc mơ cuộc đời của ông, giấc mơ tưởng tượng nhưng mà quyết liệt. Tiền bạc và tình yêu có lẽ chỉ mới đạt được trong tác phẩm chứ chưa phải nhờ tác phẩm; nhưng cái quyền lực hấp dẫn mọi người, chinh phục mọi người, sáng tạo ra một “ thế giới mới”, thực và cao hơn cái thế giới đương thời của ông; bởi vì những nhân vật của ông chưa có nguyên mẫu trong hiện tại mà là tập trung nét tiêu biểu của muôn vạn người vào tính cách của một con người: nhân vật của Balzac ra đời ở giữa thế kỷ XIX chính là những “con người thật” của thế kỷ XX.

Vậy là Balzac đã dùng trí tưởng tượng để miêu tả hiện thực đang phát triển, đúng qui luật lịch sử và hướng về tương lai. Trong quá trình đi lên của xã hội, đồng tiền giữ vai trò cơ bản, nó chi phối mọi hoạt động, mọi xu hướng của xã hội và con người, nhưng đồng thời cũng gây nên bao tác hại, làm chảy bao nhiêu nước mắt và máu của ngàn vạn, triệu nạn nhân…

Chính cái quyền lực vừa tinh thần lẫn vật chất mà Balzac đã thực tế đạt được đối với mỗi người là ở chỗ đó. Nói đến những nhân vật tiêu biểu cho một xã hội phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trước tiên, người ta nghĩ tới các nhân vật của Tấn Trò Đời. Balzac không những chỉ tạo ra những tác phẩm, những nhân vật, mà còn tạo ra cả một “thế giới Balzac”, đồng thời sáng tạo ra “tiểu thuyết hiện đại” làm phương tiện cho các thế hệ nhà văn hậu sinh tiếp tục bổ sung thêm những “Tấn Trò Đời” mới vào cái kho tàng vô cùng phong phú của nền văn học nhân loại.

Balzac có một cái vốn hiểu biết về cuộc sống và về con người sắc sảo ít ai bì kịp, nhờ ở sự quan sát cuộc đời hết sức tỉ mỉ gắn liền với một khả năng phân tích, lý luận chặt chẽ và một cái nhìn khá chính xác xuyên tận tương lai. Cái vốn hiểu biết đồ sộ ấy được ông sử dụng khéo léo theo từng loại chủ đề và diễn đạt ra bằng một lời văn chứa chất đôi khi quá nhiều chi tiết, cho nên cũng khá “nặng nề”. Tuy nhiên, nội dung ấy, lời văn ấy rất ăn khớp với nhau là phải lắm.

Balzac không đơn thuần là nhà văn hiện thực, cũng không đơn thuần là nhà văn lãng mạn. Ông là con đẻ của thời đại lãng mạn, nhưng lại không thuộc về một trào lưu, bởi mọi trào lưu đều mang tính hạn chế, mà ở ông không có hạn chế bất cứ về mặt nào: ông là Balzac”. Balzac đã trở thành như một biểu tượng của cái “mãnh liệt trong văn học: yêu mãnh liệt, sống mãnh liệt- hiện thực mãnh liệt, lãng mạn mãnh liệt- và sau nữa là một sức làm việc mãnh liệt”. Có như vậy mới có thể mang nổi “Tấn Trò Đời” nặng bằng cả một thế kỷ trên tay.

Công lao lớn của Balzac đóng góp vào cho văn học là đã bổ sung mặt yếu của văn học lãng mạn- là nội dung hiện thực, và của văn học hiện thực- là trí tưởng tượng đúng hướng và sự miêu tả nội tâm - để sáng tạo ra Tiểu thuyết hiện đại, trong đó hai yếu tố lãng mạn và hiện thực kết hợp với nhau, thống nhất với nhau một cách thật sự hài hòa, hoàn chỉnh./.

Hoàng Hữu Đản
Nguồn: Newvietart