Ngày đăng : 22/04/2015

Tính khả dụng của Nho giáo trong đời sống đương đại (qua diễn ngôn Hồ Quý Ly)


1. Đến nay, hẳn không ai trong chúng ta phải dài dòng để giới thiệu về Hồ Quý Ly nữa. Cuốn sách được in lần đầu năm 2000, đoạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998-2000, đã mở đầu cho chuỗi thành công của Nguyễn Xuân Khánh ở thể loại tiểu thuyết trường thiên. Từ khởi đầu tốt đẹp đó đến những thành quả liên tiếp về sau là Mẫu Thượng Ngàn (2006) và Đội gạo lên chùa (2011), Nguyễn Xuân Khánh đã được đông đảo độc giả trong và ngoài nước biết đến như một hiện tượng văn học đặc biệt đầu thế kỷ XXI. Không cầu kỳ, kiểu cách trong nghệ thuật tự sự, cũng không ham các trò chơi cấu trúc hay ngôn ngữ, “gốc mai già” (Văn Chinh) Nguyễn Xuân Khánh đã nở những bông hoa vàng rực một màu sang trọng và quyền quý của tư tưởng. Bởi văn chương đối với ông không phải là sự chơi mà là sự nghiền ngẫm, chiêm nghiệm để đốn ngộ về đạo và đời. Văn hóa và lịch sử truyền thống dưới cái nhìn của Nguyễn Xuân Khánh không hề đơn giản, một chiều mà được soi chiếu và lý giải từ nhiều giác độ, trong một sự phong phú, vững chãi và thâm hậu của tri thức về con người và thế giới – điều mà không phải nhà tiểu thuyết nào cũng có được. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, do vậy, không phải chỉ để mua vui – một căn tính sơ khởi của tiểu thuyết, mà kết nối quá khứ và hiện tại, thể hiện được nhiều vấn đề thế sự, nhân sinh thường hằng, muôn thuở. Một trong những giá trị như thế là tư tưởng Nho học Hồ Quý Ly về giáo dục con người.

2. Hơn sáu thế kỷ đã trôi qua, những gì còn lại liên quan tới Hồ Quý Ly chỉ là thành đá và những ghi chép trong sử ký. Đá thì vẫn lặng câm trơ gan cùng tuế nguyệt. Hơn thế, người đời vẫn cho đó là công trình kiến trúc – thành quả của nhân dân. Còn sử ký, theo Nguyễn Kim Sơn, trong tất cả các ghi chép về Hồ Quý Ly như Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử tiêu án, thì Đại Việt sử ký toàn thư là tỷ mỷ và có nhiều lời bàn, quan điểm đánh giá hơn cả. Dù vậy, đó cũng chỉ là “mấy dòng ngắn ngủi” và tiềm ẩn đầy bất trắc: “Những tóm lược cực ngắn đó được thực hiện bởi các nhà Nho - sử gia thế kỷ XV trở về sau. Thật khó có thể chắc chắn rằng, những tóm lược đó đã từng là những điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong tư tưởng Nho học của Hồ Quý Ly thể hiện trong Minh Đạo cũng như các tác phẩm khác, bởi lẽ nó được thực hiện bởi những người hoàn toàn không có thiện cảm với ông (…). Chúng ta chỉ có thể tin rằng, những điều được dẫn ra trong Đại việt sử ký toàn thư là có thực trong các văn bản Hồ Quý Ly đã viết, nhưng sự thực đó chỉ là một phần, một bộ phận của những gì đã được Hồ Quý Ly viết ra”([1]). Trong tình hình đó, nếu không có một thế giới quan và phương pháp luận toàn diện, khoa học, người đời sau rất dễ có những đánh giá cực đoan. Và thực tế đã xảy ra điều này. Cũng trong công trình rất công phu của mình, Nguyễn Kim Sơn đã hệ thống hóa thành hai loại ý kiến đánh giá trái chiều về Hồ Quý Ly của các nhà Nho thời phong kiến lẫn các trí thức Tây học thế kỷ XX. Có thể thấy, tất cả những đánh giá khác nhau đó đã thể hiện những cách đọc khác nhau của người đời sau về một con người mà tên tuổi đã lưu vào sử sách. Là một nhà tiểu thuyết, Nguyễn Xuân Khánh, hiển nhiên, có cách đọc của riêng mình. Ông không trình bày một tiểu luận về Hồ Quý Ly, mà đọc những trang sử ấy bằng tất cả sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, bằng tất cả tri thức và sự hiểu biết về con người, không phải chỉ vì tiểu thuyết là “tổng hợp tinh thần tối cao” (Milan Kundera) của nhà văn, mà còn muốn lý giải lịch sử, cấp cho những sự cố biên niên trơ trọi cái hồn cốt của lịch sử. Dựa trên những cứ liệu lịch sử rất ít ỏi, nhà văn đã nhào nặn, tái tạo, bồi da đắp thịt để một thời đoạn lịch sử đã lùi xa hơn 600 năm trở nên sống động như tất cả là cuộc đời.

Tiểu thuyết Hồ Quý Ly là một diễn ngôn văn học, là một cuốn tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh. Cái mà ông theo đuổi không phải là nhân vật hay sự kiện lịch sử, không phải là những con số vô tri mà là những hình tượng nghệ thuật sống động. Nghĩa là, tính xác thực lịch sử và cái hư cấu cần phải được hòa giải để cùng phô diễn. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò cầu nối giữa lịch sử với hiện tại của nhà văn.

3. Qua diễn ngôn của Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Quý Ly hiện ra, ngoài tư cách một yếu nhân lịch sử có “đủ tầm vóc, trí lực để giữ con thuyền xã tắc qua cơn giông bão”, còn là một nhà giáo dục đầy tâm huyết. Hồ Quý Ly trước hết là một nhà Nho. Dù đặt vấn đề nhận thức lại vị trí của Khổng Tử thì tinh thần giáo dục của ông vẫn thấm đẫm màu sắc Nho gia. Trong cung Họa Lư, Hồ Quý Ly treo hai bức đại hoành. Một tấm đề bốn chữ “Vô dật, nãi dật” (rút từ thiên “Vô dật” sách Kinh Thư). Tấm còn lại ông viết “Nhật nhật tân” (rút từ câu “Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân” trong sách Đại học). Ông giảng giải cho Nguyên Trừng: “Con phải ghi nhớ suốt đời hai chữ vô dật. Ngoài nghĩa không được ham thú vui, nó còn nghĩa phải chăm chỉ làm việc. Hai tay luôn phải làm việc. Nếu tay không làm việc thì đầu óc phải làm việc. Đừng để con người mình nhàn rỗi. Phải kiếm việc mà làm. Hết việc rồi, thì đọc sách, vắt óc suy nghĩ. Cứ như thế, ngày này qua tháng khác, nguồn vui sẽ tới. Cái tinh túy của thiên Vô dật trong Kinh Thư nằm ở chỗ ấy”(2). Như vậy, Hồ Quý Ly không chỉ thu nhận tinh thần Nho gia mà còn mở rộng nghĩa. Nghĩa “phải chăm chỉ làm việc” của chữ vô dật là phần suy ra, là đóng góp của Quý Ly. Vô dật, theo cách giải nghĩa này chính là Nội thánh, là khắc kỷ, là tu thân, là rèn luyện con người theo chuẩn mực đạo đức thánh hiền. Nãi dật chính là Ngoại vương, là tề gia, trị quốc, là thực hành trách nhiệm và nghĩa vụ kẻ sĩ, làm chỗ dựa cho thiên hạ. Đây là hai phương diện cơ bản của việc đào luyện con người theo tinh thần Nho gia, cũng chính là chỗ khác căn bản giữa nhà nho và tầng lớp tư sản.

Việc treo hai bức đại hoành ở phía tường hậu cung Họa Lư với những con chữ tự tay mình viết ra, Quý Ly không chỉ nhằm phô chữ. Hành động ấy trước hết là để tự răn mình. Đó cũng chính là mục tiêu, là phương châm của ông trong rèn luyện, đào tạo con người, mà quan trọng nhất là tự rèn luyện. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, gạt bỏ tất cả định kiến về Hồ Quý Ly, người đọc sẽ thấy nổi lên trên hết là một kẻ sĩ đầy tinh thần tự nhiệm. Trước khi trở thành thái thượng hoàng rồi hoàng thượng, Quý Ly đã từng là một bề tôi trung tín. Là chân tay thủ túc của Nghệ Tôn, được sai làm việc gì, “Quý Ly đều làm tròn rất chu đáo”. Ông đã bày binh bố trận giúp Trần Nghệ Tôn giành lại ngai vàng từ tay Nhật Lễ, đưa đất nước thoát khỏi loạn phường chèo. Trên đường tải lương vào cho đại quân đánh Chiêm Thành, hay tin Duệ Tôn tử trận, ông xót xa: “Thế là bao công sức ta bỏ ra xây dựng cho quân đội nhà Trần, nay bỗng chốc tan tành. Nhà Trần đã hết vượng khí rồi sao? Văn ư? Võ ư? Văn cũng đã dứt mà võ cũng đã kiệt rồi sao?”(3). Khát khao xây dựng một nền văn hiến, ông soạn Thi nghĩa, Vô dật nghĩa, viết Minh đạo. Chứng kiến cảnh “chùa sãi tràn lan”, Quý Ly ao ước: “Tiền bỏ ra xây chùa, đắp tượng, giá mà ta khuyên dân dùng để làm trường dạy học thì đất nước ta đâu thiếu nhân tài”(4). Nhìn thấy hiểm họa ngoại xâm trước mắt mà Thăng Long chỉ là đất cai trị muôn dân lúc thanh bình, Quý Ly quyết định dời đô về Thanh Hóa... Giữa lúc nhà Trần suy yếu, đời sống nhân dân điêu linh vì đói khát, vì cường hào đục khoét, quan tham lại nhũng, vì ngoại bang lăm le xâm lược, con người có “văn võ toàn tài” ấy không thể khoanh tay đứng nhìn. Những mưu toan chính sự của Hồ Quý Ly chỉ thực sự lộ rõ kể từ sau cái chết của Nghệ Hoàng. Đó cũng là lúc cơ đồ nhà Trần đã ngả nghiêng như ngọn đèn treo trước gió. Không còn cách nào khác, Hồ Quý Ly phải hành động một cách ráo riết để giành lấy uy quyền tuyệt đỉnh mà chèo lái con thuyền xã tắc. Còn tham vọng quyền lực và thanh trừng ư? Suy cho cùng, ít có cuộc dời chuyển nào mà không có đầu rơi máu chảy.

Hồ Quý Ly quả là một con người hành động. Những diễn biến dồn dập của thời cuộc đã buộc ông không có quyền mệt mỏi. Nhưng cách hành động của Quý Ly cho thấy đó hoàn toàn không phải là hành động của lý trí thuần túy, của mưu đồ sâu hiểm. Nguyễn Xuân Khánh đã để cho nhân vật sống trong nhiều dằn vặt, trăn trở. Những dự ước là kết quả của đêm ngày suy tưởng cho người ta thấy rõ tâm huyết và khát vọng của ông: “Ta không muốn trong dân gian có kẻ lang thang. Sắp tới, ta sẽ cho làm hộ khẩu khắp nước. Không một người dân nào được sót. Các xã trưởng sẽ phải trách nhiệm chú ý đến từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng, và nhất là phải ghi tên họ trong sổ hộ. Quản lý được từng người dân mới đích thực thời thái bình” (5). Nhận thức rất sâu sắc về thời cuộc và ý đồ hành động của mình, không hề bao biếm, Hồ Quý Ly gay gắt với Nguyên Trừng: “Thế nếu để nguyên trạng như hiện nay, Đại Việt ta có suy yếu không? Nếu nhà Trần thối ruỗng như hiện nay, mà nhà Trần tồn tại, so với một triều đại mới được dựng lên, được quét sạch lũ tham quan ô lại, được tổ chức cứng rắn, được hết lời bàn ra tán vào, thì hỏi hai triều đại ấy bên nào tốt hơn, mạnh hơn?”(6). Mạnh mẽ và quyết đoán là vậy, nhưng trút bỏ bộ áo cánh quyền lực, Hồ Quý Ly nhiều lúc cô độc và đau đớn tột cùng. Lòng ông xót thương khôn xiết khi nhìn “gương mặt trắng bệch buồn bã của con gái, nhìn bộ mặt vô hồn của cháu ngoại” – những con người “sinh ra làm con cái của vua chúa, tức là không có số phận riêng” và có nghĩa là không được hưởng cả những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của đời thường. Khi quyết định dời đô gặp phải sự ngăn trở, lòng ông rối bời toan tính và đau khổ: “Đêm nay, nhìn pho tượng trắng ngần hai tay giơ ra phía trước như muốn can ngăn ấy, nhìn vào khuôn mặt đá trắng buồn héo hắt và thương xót ấy… ông mới thấy nỗi cô đơn của mình mênh mông biết nhường nào! Cứ như thể lòng ông muốn khóc, cứ như thể pho tượng đá trắng kia muốn giục giã cho những giọt nước mắt trong lòng ông tuôn chảy cho vơi nhẹ… song không tài nào được”(7). Vậy là, thời thế đã buộc người anh hùng phải hành động, phải đem tài trí giúp nước, giúp đời. Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng của lịch sử cuối nhà Trần, Hồ Quý Ly đã vần xoay thế sự. Ông chính là đỉnh cao của mẫu hình kẻ sĩ tự nhiệm. Chỉ tiếc, vì quá nhiều ý tưởng táo bạo, ông đã không được lòng người – những bề tôi của nhà Trần trước sau vẫn một lòng thờ phụng hai chữ trung quân dẫu thời cuộc đã rất cần thay đổi. Cách nhìn nhận của nhà văn như thế hoàn toàn thống nhất với cách đánh giá “công bằng” của một số nhà nghiên cứu lịch sử: “Công bằng mà nói, chúng ta không hề thấy sử chép Nghệ Tông cũng như Hồ Quý Ly mắc các “bệnh” như ăn chơi xa xỉ, dâm dật, bòn rút của dân như bọn vua quan vào các buổi mạt thời của các triều đại. Trái lại, chúng ta chỉ thấy với một ý thức dân tộc cao, họ đã cố gắng, chèo chống trước sự rệu rã của xã hội, trước hiểm họa ngoại xâm. Nói rõ hơn, trong 30 năm phục vụ vương triều Trần, Hồ Quý Ly đã chia xẻ mối lo, gánh vác công việc chỉ vì mục tiêu chung là cứu nước”(8).

Không chỉ thấm nhuần tinh thần Nho gia để tự rèn luyện, Hồ Quý Ly còn biến tinh thần ấy thành mục tiêu và phương châm rèn luyện con người. Ông giải nghĩa về bốn chữ “Vô dật, nãi dật” với con trai rồi con gái: “Phải hiểu nghĩa hai chữ dật hoàn toàn khác nhau. Chữ dật thứ nhất là đam mê thú vui, chữ dật thứ hai là hưởng niềm vui sướng chính đáng”(9). Thấm thía sâu sắc rằng càng ở ngôi cao con người ta càng có nhiều điều kiện hưởng lạc, Hồ Quý Ly đã đích thân dạy cuốn Vô dật nghĩa cho vua Thuận Tôn. Hành động này đủ thấy Hồ Quý Ly đề cao sự học tập trong việc rèn luyện nhân cách con người như thế nào. Cũng vì thế, Nguyên Trừng lên tám tuổi, ông đã gửi về cho bố vợ - thầy lang Phạm Công, người “học rộng, uyên thâm tam giáo” - dạy dỗ. Nguyên Trừng cũng “thường bắt gặp ánh mắt sáng lên của ông” mỗi khi thấy bà mẹ kế Huy Ninh và Nguyên Trừng ngồi học với nhau. Hồ Nguyên Trừng hiểu hơn ai hết niềm hạnh phúc của cha mỗi khi thấy các con mình “miệt mài đọc sách của trăm nhà”. Dường như với Hồ Quý Ly, con người chỉ thực sự thành nhân khi có sự nghiêm túc và công phu rèn luyện. Càng là các bậc đế vương, mẫu nghi thiên hạ, càng phải rèn luyện bền bỉ, công phu hơn. Cho nên, “Sau đám cưới, vua Thuận Tôn phải suốt ngày tháng ở cung quan triều để học tập; còn hoàng hậu Thánh Ngẫu, ở điện Hoàng Nguyên, cũng suốt ngày miệt mài nghe các nữ quan giảng sách. Thi thoảng họ mới gặp nhau, dạo chơi với nhau trong vườn Ngự uyển”(10). Tới đây, ta hiểu vì sao Hồ Quý Ly không tán thành, thậm chí căm ghét Phật giáo. Bởi vì theo ông cái hại nhất của tệ chùa sãi tràn lan là tư tưởng yếm thế, “Ai ai cũng chỉ lo xuất thế gian đi tìm cực lạc”.

Trong sự học, ngoài mục tiêu hướng tới là rèn luyện con người theo chuẩn mực Nho gia, Hồ Quý Ly rất coi trọng tinh thần tự giác, tự chủ. Hành động “xét lại” Khổng Tử - Mặt trời của đạo Nho, dịch Thi nghĩa, Vô dật nghĩa và đặc biệt viết Minh đạo, là đỉnh cao của tinh thần ấy. Tuy vấp phải sự phản đối quyết liệt của các bậc túc Nho, Hồ Quý Ly cũng không vì thế mà nản chí. Khi Đoàn Xuân Lôi – một người “kiên trì đạo Khổng hiếm thấy” – dâng thư can khéo về cuốn Minh Đạo, cho rằng cuốn sách có thể làm loạn nề nếp tổ tông, thì trong mắt Hồ Quý Ly, Đoàn Xuân Lôi chẳng qua chỉ là thứ “cuốc kêu ra rả, cúi đầu tầm chương trích cú người xưa”. Ông thất vọng vô cùng: “Các nhà khoa bảng của ta thảm hại thế sao!”. Không chỉ dừng lại ở những ý tưởng trong Minh đạo – cuốn sách Hồ Quý Ly tâm huyết một đời, cuốn sách mà theo Nguyên Trừng, chẳng qua là một biến pháp – Hồ Quý Ly còn thực thi nhiều cải cách trong chính sách tiền tệ, hạn điền, hạn nô, hộ tịch… Những cải cách quyết liệt, dồn dập ấy chính là điểm mấu chốt gây nên sự phản ứng trong nhân dân và kẻ sĩ nhà Trần. Dù vậy, khát vọng xây dựng một đất nước cường thịnh thì vẫn vô cùng mãnh liệt, không gì lay chuyển. Đó chính là căn nguyên lý giải những hành động của Quý Ly – những hành động mà người ta vẫn khép vào tội thoán đoạt, cướp ruộng, cướp tiền, “bẻ nanh vuốt của người quân tử”… Lại vẫn chỉ Hồ Nguyên Trừng là hiểu rõ ngọn nguồn: “Nói cho đúng, mới đầu cha tôi thực bụng chỉ muốn đơn thuần làm biến pháp giúp Nghệ Hoàng cứu đất nước thoát khỏi nghèo khổ yếu hèn, nhưng sự phản đối thật vô cùng gay gắt. (…) Và cha tôi phải đối phó lại. Triều đình bỗng biến thành chiến trường. Máu người liên miên chảy. Cùng với những sự đổ máu ấy, cha tôi mới hiểu ra thi hành biến pháp, muốn thay đổi đâu phải dễ. Và ông cũng hiểu muốn biến pháp cần phải có quyền hành. Từ đó tham vọng trong ông lần lần nảy nở”(11)

Nhưng điều đáng nói hơn, tinh thần tự chủ và tư duy phản biện trong học tập đã được Hồ Quý Ly phát huy cao độ thành ý thức tự cường dân tộc mạnh mẽ mà biểu hiện của nó chính là việc giải nghĩa sách kinh điển Nho gia và viết bằng chữ Nôm. Giải nghĩa kinh sách là việc mà ngay cả các bậc đại Nho cũng “chưa khỏi tì vết”, còn chép những bản dịch ấy bằng chữ Nôm (quốc âm) dùng làm giáo khoa thư thì có lẽ Hồ Quý Ly là người đầu tiên thực hiện. Đó không chỉ là hành động cải cách đơn thuần mà nhằm mục đích chấn hưng nền văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hiến riêng của Đại Việt: “Bắc và Nam đều có nền văn hiến riêng. Từ xưa ta vẫn đọc và hiểu theo chữ nghĩa của người phương Bắc, nay thần muốn cho người Nam ta đọc và hiểu theo chữ nghĩa của người phương Nam ta”(12). Bởi vậy, khi Nghệ Tôn đọc xong cuốn Minh đạo ban chiếu khen ngợi “tinh thần riêng một cõi”, thì với Hồ Quý Ly, Nghệ Hoàng là người tri kỷ nhất.

Nhìn chung, Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện một cách sinh động và đầy ấn tượng tư tưởng Nho học của Hồ Quý Ly về giáo dục. Đặt nhân vật dưới nhiều sự phán xét, nhà văn đã tỏ rõ một sự minh triết về con người. Hồ Quý Ly là một nhân cách lịch sử không dễ chấp nhận bất kỳ sự phán xét một chiều nào. Tuy vậy, những đánh giá về ông, dù là của người thân tín hay kẻ đối nghịch, tất cả đều gặp gỡ ở thái độ nể trọng sự uyên thâm kinh sử hơn người của ông. Với Nguyên Trừng: “cha tôi vốn thiên kinh vạn quyển”. Với Nghệ Tông: “Ta nghe nói đệ hơn ta một bậc. Không những đọc mà thôi, đệ còn thuộc lòng sách đó” (sách của Hàn Phi – L.T.A). Với Sử Văn Hoa: “Hãy gạt những ý nghĩ ấy sang một bên, chí ít hai bức đại hoành này cũng vẫn là hai tấm tự họa vô song, làm rung động mỗi ai vào đây” (hai bức đại hoành treo ở tường hậu cung Họa Lư – L.T.A). Ngay cả Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hàng cũng không ngoại lệ: “Cung điện Họa Lư, đầy chữ, đầy tranh, đầy điêu khắc ấy, làm trăm quan đều phải trầm trồ. Ngay cả Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng là những người khó tính nhất, phản đối Quý Ly nhiều nhất, cũng phải im lặng thán phục”(13). Sự thông tuệ ấy chính là phần quan trọng nhất tạo nên tầm vóc con người Hồ Quý Ly. Và đó là kết quả của một sự rèn luyện, học tập phi thường bởi một niềm ham mê và ý chí chỉ thấy ở bậc đại trượng phu “đã làm gì là quyết làm cho bằng được”. 

4. Lâu nay, trong một quan niệm mờ nhạt và phần nhiều mang tính a dua, nhiều người vẫn đồng nhất tư tưởng Nho gia với cái cổ hủ, khô khan, giáo điều. Với Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã chuyển hóa những bài học tưởng không còn hợp thời, hết giá trị vào nhân vật tiểu thuyết, làm cho nó trở nên cực kỳ sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp nhận. Hình tượng Hồ Quý Ly song hành cùng những bài giảng về đạo làm người không chỉ đem lại một cái nhìn khác - tích cực về nhân vật lịch sử được coi là phức tạp; mà còn khiến cho tư tưởng Nho gia về giáo dục trở nên gần gũi và đầy tính hữu dụng ngay trong cuộc sống đương đại. Nền kinh tế hàng hóa và sự lên ngôi của đồng tiền đang từng bước xô đẩy con người vào một lối sống thực dụng, nghiện hưởng thụ tầm thường. Mọi nhu cầu về vật chất lúc này đang được đẩy lên tột đỉnh của sự sang trọng. Để thỏa mãn những nhu cầu bất tận đó, người người, nhà nhà đua nhau học kinh tế, làm kinh tế. Người ta quá coi trọng việc nhồi nhét kiến thức Đông Tây mà lơ là việc giáo dục đạo đức, đạo lý làm người. Nhiều người được sinh ra chưa kịp nghĩ đến việc đóng góp gì, đã nghĩ ngay tới sự hưởng thụ cuộc sống. Tâm lý nghiện hưởng thụ tầm thường đang tràn lan như một bệnh dịch. Nó chính là căn nguyên của rất nhiều vấn nạn nhức nhối khác như tham nhũng, trộm cắp, cướp giật, lừa gạt… với quy mô và mức độ ngày càng khủng khiếp. Hàng ngày, mở báo mạng, báo in, người ta gặp nhan nhản những mẩu tin kinh hoàng về chuyện giết người cướp của, trò đánh thầy, thầy làm nhục trò, con cháu ngược đãi ông bà cha mẹ… Xã hội hiện tại đang bày ra thật nhiều vấn nạn mà căn nguyên của nó chính là sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức truyền thống.

Còn nhớ bài học từ cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, do muốn nhanh chóng loại bỏ nền giáo dục phong kiến, nhà cầm quyền đã lập tức xóa bỏ Nho học. Hành động này đã dẫn đến tình trạng suy đồi đạo đức trong xã hội. Chưa cần tới những sáng tác tiểu thuyết, chỉ qua mấy câu thơ của Trần Tế Xương, người ta đã có thể hình dung ra thảm trạng này: "Nhà kia lỗi phép con khinh bố,/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng" (Đất Vị Hoàng). Các giềng mối không còn được duy trì như trước, nhà cầm quyền gặp phải khó khăn trong việc cai trị. Họ liền nhận ra việc sớm chấm dứt nền giáo dục Nho học của người bản xứ là một sai lầm bởi vì: "Những nguyên tắc đã làm cho trong xã hội người bản xứ, gia đình được vững mạnh, cha mẹ được kính trọng, chính quyền được tuân thủ, đều được rút ra từ các sách Hán học dạy ở các trường làng. Ngay khi học những chữ đầu tiên, họ đã được học những nguyên tắc nền tảng của luân lý Nho giáo, họ khắc sâu vào lòng dạ những nguyên tắc sẽ hướng dẫn họ trong cả cuộc đời. Chính các trường làng đã đem lại cho họ nền học vấn đó"(14). Tình hình đó đã khiến nhà cầm quyền phải thay đổi ý định. Họ nhận thấy ngay việc cần làm là phải trả lại đạo đức, luân lý cũ, trước hết là trong các nhà trường. Kết hợp với việc truyền bá chữ quốc ngữ, thực dân Pháp cho dịch sách chữ Hán (Minh tâm bửu giám, Hiếu kinh diễn nghĩa...), phiên sách chữ Nôm (Huấn nữ ca, Thơ mẹ dạy con, Gia huấn ca...) ra thứ chữ mới này. Bên cạnh đó, các sách đạo đức được biên soạn mới bằng chữ quốc ngữ như: Ngũ luân minh cảnh (Nguyễn Đình), Việt Nam luân lý tập thành (Diệp Văn Cương), Ấu viên tất độc (Trần Phong Sắc)... cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, Nha học chính Đông Pháp còn ban hành các cuốn giáo khoa như Quốc văn giáo khoa thư, Hán văn tân giáo khoa thư, Luân lý giáo thư... Những việc làm này đã phần nào lập lại được trật tự xã hội để thực dân Pháp tiếp tục thực hiện các kế hoạch của mình cho cuộc cai trị lâu dài toàn cõi Đông Dương.

Bối cảnh xã hội hiện tại cũng đang gióng lên nhiều hồi chuông cảnh báo. Văn học đang được nhìn nhận như một thứ vũ khí dùng để tấn công, vạch trần cái xấu, cái ác, cổ vũ cái đẹp, cái thiện, làm lành mạnh đời sống tinh thần xã hội. Đầu tháng 8 vừa rồi, trong khuôn khổ trại viết Lý luận phê bình văn học lần thứ nhất, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm Văn học với vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng đạo đức đã chính thức đặt ra vấn đề này. Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh càng trở nên có ý nghĩa hơn bất cứ lúc nào. “Vô dật, nãi dật” rất cần được cổ súy để phủ nhận sạch trơn lối sống buông thả, quen thói hưởng thụ tầm thường rất đáng lên án trong xã hội hiện nay. Tinh thần tự chủ và tư duy phản biện cần được phát huy để loại bỏ kiểu học vẹt, học mót, học thêm vô bổ, dựa dẫm vào những tài liệu tham khảo nhảm nhí khiến con người nhiều lúc trở nên thụ động và phụ thuộc một cách tội nghiệp. Nhấn mạnh vào việc lao động trí óc (đọc sách, vắt óc suy nghĩ), tinh thần giáo dục của Hồ Quý Ly rất phù hợp với quan điểm phát triển nền kinh tế tri thức trong giai đoạn hiện nay… Tiếp nhận theo tinh thần ấy, Hồ Quý Ly không chỉ góp phần thiết thực vào việc cải thiện tình trạng suy thoái về đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống trong xã hội hiện đại; mà còn góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.

Nhìn chung, với Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh đã làm cuộc hòa giải thành công giữa lịch sử và tiểu thuyết. Nói đúng hơn, ông đã biến những tên tuổi xa lạ, những “sự cố biên niên ù lì” (chữ dùng của Nam Dao) thành cái bình thường, gần gũi, sống động. Dùng hiện tại để lý giải quá khứ và đến lượt mình, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh lại đang lấy quá khứ đánh thức hiện tại. Điều này dường như cũng đã thành quy luật của việc sáng tạo tiểu thuyết lịch sử: “Tiếp cận quá khứ từ vị thế hiện tại dĩ nhiên đèo bòng vào lịch sử được tái tạo qua tiểu thuyết những vấn nạn hiện tại. Ở điểm này, đèo bòng đó đến khi thì từ ý thức, khi vô thức, nhưng ít hay nhiều đều nhằm truy nguyên nguồn căn của những vấn nạn, vì lẽ hiện tại nào cũng là tổng hợp những thành tựu và những thất bại trong quá khứ”(15). Đọc các tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ XX, nhất là tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu, ta cũng thường thấy như vậy. Chỉ khác là, ở tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, người đọc tuyệt nhiên không thấy tính “ám chỉ thời cuộc”. Ông đã thể hiện như lịch sử vốn là như thế. Hình tượng Hồ Quý Ly và tư tưởng giáo dục mang tinh thần Nho gia càng trở nên sinh động và có sức hấp dẫn lạ lùng.

Thanh Hóa, tháng 8 năm 2012

Lê Tú Anh
Bài đã in trong Lịch sử và văn hóa cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), Nxb Phụ nữ - Viện Văn học, Hà Hội, 2012.


CHÚ THÍCH:

(1)  Nguyễn Kim Sơn: Đạo đức công phu hay chính trị thực hành?, nguồn:

http://khoavanhoc.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=421:pgsts-nguyn-kim-sn&catid=85:trit-hc-m-hc-vn-hoa-hc&Itemid=256

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (9), (10), (11), (12), (13) Nguyễn Xuân Khánh: Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ (Tái bản lần thứ ba), Hà Nội, 2002, tr.370-371; tr.151; tr.126; tr.559; tr.105; tr.572; tr.370; tr.368; tr.305; tr.369; tr.523.

(8) Nguyễn Danh Phiệt: Hồ Quý Ly - Một nhân cách anh hùng, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 5/ 1992, tr. 46-50.

(14) Dẫn theo Nguyễn Văn Kiệm: Lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX-1918, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1979, tr.30.

(15) Nguyễn Mộng Giác & Nam Dao: Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử, nguồn: http://nguyenmonggiac.info/bai-viet-ngan/tap-chi-van-hoc/thao-luan-ve-tieu-thuyet-lich-su.html