Ngày đăng : 15/04/2015

Định dạng hiện thực trong "Số đỏ"


Năm 1997, trong một bài trả lời phỏng vấn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng nhận định về Số đỏ: Số đỏ, đấy là một tác phẩm tuyệt vời. Nó chứng minh khả năng tưởng tượng rất phong phú của nhà văn mà là nhà văn trẻ. Sở dĩ Vũ Trọng Phụng có được trí tưởng tượng ghê gớm như vậy là do ông viết Số đỏ khi còn rất trẻ. Trí tưởng tượng là ưu thế của tuổi trẻ. Khi đã sống quá dày dạn thì trí tưởng tượng sẽ mất dần đi, tôi cũng thế. Tôi chắc chắn là không viết được cái gì như Vũ Trọng Phụng. Vũ khí của ông là trí tưởng tượng và cũng là tuổi trẻ, còn vũ khí của tôi có lẽ là... một phong cách đa dạng bao gồm nhiều yếu tố khác nhau” (1). Có lẽ, Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít bạn đọc không bị “mắc lừa” tác giả của Số đỏ. Ông nhận ra tuyệt tác trào phúng này mang đầy màu sắc “bịa đặt”, “dựng chuyện”, đó là sản phẩm của một trí tưởng tượng đặc biệt phong phú.

Số đỏ được xếp vào dòng văn học hiện thực phê phán, nhưng nội dung của nó thật khác biệt so với những tác phẩm Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Ngô Tất Tố… Cả tính hiện thực cũng như phê phán của Số đỏ xem chừng mong manh hơn so với những tác phẩm hiện thực phê phán cùng thời. Thực ra, kể cả khi xếp Số đỏ vào bên cạnh những tác phẩm hiện thực cổ điển thì tính hiện thực của nó dường như cũng mong manh. Khai thác tính hiện thực của Số đỏ là một thách thức đối với những nhà nghiên cứu phê bình. Liệu có phải nó được viết ra với mục đích lên án xã hội thượng lưu thuộc địa nửa phong kiến hay không? Nếu có, tại sao những nhân vật “nhố nhăng” của tác giả lại không khiến người ta ác cảm. Phải chăng, tiếng cười đặc sắc xuyên suốt tác phẩm đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa thiện - ác, chánh - tà?

Có thể thấy rằng, hiện thực trong Số đỏ là một ẩn số. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu đã từng có nhận xét tinh tường về Số đỏ, ông cho rằng “ngôn từ của Vũ Trọng Phụng vẽ ra trước mặt mọi người một vùng hoang tưởng khủng khiếp” (2). Dường như đây là một thế giới bịa đặt được tạo dựng khéo léo đến mức hầu hết bạn đọc nhầm lẫn, họ sẵn lòng tin rằng có thể dễ dàng tìm thấy mẫu hình của Xuân tóc đỏ, bà Phó đoan hay ngài Tyfn ở ngoài đời cùng với những tình huống tức cười do những nhân vật này gây ra. Sau này, những bạn văn cùng thời kể lại rằng rất có thể nguyên mẫu của bà Phó đoan là bà me tây Bé Tý ở Hàng Bạc, nhà thiết kế Tyfn là họa sĩ Nguyễn Cát Tường, người cũng sáng chế ra kiểu quần áo tân thời Lamur (Tiếng Pháp Le Mur là Tường), còn Tăng Phú, chủ báo Gõ mõ là “quan sư” Nguyễn Năng Quốc, vừa là Tổng đốc vừa làm chủ nhiệm tờ báo Đuốc Tuệ… Nhưng khi trở thành những nhân vật trong Số đỏ, họ đã liên tục tạo ra những tình huống tức cười và phi lý. Thực ra, những hành vi, lời nói khác lạ giống như họ có thể đã từng xảy ra trong cuộc sống nhưng được tích hợp tài tình ở mức dày đặc và được duy trì suốt từ đầu đến cuối thì chỉ có trong Số đỏ. Bản thân một tác phẩm văn học trào phúng, tính hiện thực không thể đậm nét như những cuốn tiểu thuyết hiện thực thông thường khác, vì bản thân cuộc sống bao giờ cũng có cả bi lẫn hài mà bi nhiều hơn thậm chí lấn át hài. Ngoài ra, còn có vô số tâm trạng phức tạp khác con người phải trải nghiệm hàng ngày. Hơn thế nữa, trong một tác phẩm trào phúng, các nhân vật thường được phóng đại, chính vì vậy, mối quan hệ với hiện thực bị đứt gẫy. Có thể thấy rằng, tìm cách rút ra những bài học luân lý mang tính đạo đức xã hội ở những tác phẩm như Số đỏ là rất khó. Nó được viết ra để tác giả bộc lộ một năng lực uymua đầy đẳng cấp, thậm chí đỉnh cao, từ đó cho thấy một nhãn quan hết sức độc đáo mà từ trước đến nay chưa từng có. Tuy nhiên, có một thực tế là tiểu thuyết trào phúng Số đỏ thường được nhìn nhận như một tác phẩm đậm nét hiện thực. Điều này liên quan mật thiết đến khả năng bố cục bậc thầy của tác giả. Nhờ nó mà các nhân vật của ông luôn có sự phát triển hợp logic nội tại. Trường hợp của Số đỏ có một chút tương đồng với những dị truyện của Edgar Allan Poe. Đó là những truyện ngắn hết sức kỳ quái nhưng không một chi tiết nào vượt ra ngoài giới hạn của hiện thực. Chính Poe cũng từng nhấn mạnh kinh nghiệm sáng tác này trong bài tiểu luận Triết lý về soạn tác. Ông luôn nỗ lực tiết chế các chi tiết để từ đầu đến cuối câu chuyện “mọi tình tiết đều nằm trong những giới hạn có thể lý giải được - những giới hạn của hiện thực” (3). Chính vì vậy, rất nhiều độc giả “không cưỡng nổi cái ảo tưởng đầy vẻ hiện thực và biểu hiện” (4), đã tin rằng Poe đi chu du và kể lại những câu chuyện kỳ quái của đời mình. Sau này, Baudelaire đã dùng một từ chính xác để nhận định về hiện thực của Poe - những “ngoại lệ”. Còn Dostoyevski thì cho rằng Poe gần như luôn chọn hiện thực hiếm hoi nhất và đặt nhân vật của mình vào trong tình huống khách quan tâm lý khó gặp nhất” (5).

Trở lại với Số đỏ, ta cũng nhận thấy tuyệt tác trào phúng này tràn ngập những chi tiết ngoại lệ và tác giả của Số đỏ cũng luôn chọn những tình huống hiện thực hiếm hoi và đặt nhân vật của mình vào trong những tình huống khách quan tâm lý rất khác thường. Đó là giây phút bà Phó Đoan gật gù vì mình đã hư hỏng một cách khoa học, là cuộc tranh cãi của lang Tỳ và lang Phế, là cái ham muốn được người khác đấm vào mặt của cố Hồng… Tóm lại là những hành động và ý nghĩ bất thường của hầu như tất cả các nhân vật trong Số đỏ. Rõ ràng là thế giới trong Số đỏ mang sắc thái phi lý. Vậy thì lý do gì độc giả của Số đỏ luôn có những “ảo tưởng” về tính hiện thực đậm nét của nó?

Lý do quan trọng nhất, như đã được đề cập ở phần trên, đó là sự tích hợp, bố cục tài tình những tình tiết “ngoại lệ” dày đặc. Nó đã phần nào làm mờ đi sắc thái phi lý của Số đỏ. Có thể thấy, Vũ Trọng Phụng là một nhà văn bậc thầy về bố cục. Chỉ cần đọc một loạt những tên chương của ông cũng có thể nhận ra. Từ chương I đến chương XX, các tên chương gồm có 3 tiêu đề không ăn nhập với nhau. Chẳng hạn tên của chương V:

Bài học tiến bộ của Xuân tóc đỏ

Quan điểm về gia đình và xã hội

Vâng, tôi là một người chồng mọc sừng

Hay là chương XIX:

Ôi nhân tình thế thái

Người bạn gái trung thành

Chết, quan đốc Xuân nổi giận

Nếu đọc liền một mạch tên của hai mươi chương chúng ta có thể thấy rõ dụng ý của tác giả. Từ những tiêu đề khác thường này độc giả có thể hình dung ra ngay đây là một tác phẩm trào phúng. Chúng tạo nên một mạch ngầm xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Mạch ngầm này giống như một cái trục mà toàn bộ cấu trúc của tác phẩm có thể xoay trên đó. Nó góp phần quan trọng để Số đỏ có một bố cục chặt chẽ. Đương nhiên, ở đây bố cục không chỉ ở cấp độ vĩ mô, mà ở từng cấp độ nhỏ hơn ông cũng xử lý rất chắc tay. Nếu để ý kỹ, ta sẽ nhận thấy những câu văn lộn xộn của mỗi tên chương tuy không ăn nhập với nhau về nội dung nhưng khi đọc lên nghe rất thuận tai, thậm chí là giòn giã. Diễn ngôn trực tiếp đan xen diễn ngôn gián tiếp và gián tiếp tự do tạo nên một lối hành ngôn khấp khểnh nhưng rất khơi gợi và cuốn hút. Những sắp đặt này không thể do vô tình, nói một cách khác, đó là dụng ý của của tác giả. Trên đây, chúng tôi chỉ phân tích tên các chương trong Số đỏ như là một ví dụ về năng lực bố cục. Còn rất nhiều yếu tố khác bộc lộ tính bố cục chặt chẽ, hoàn hảo trong tác phẩm: phát triển nội dung cốt truyện, tần suất xuất hiện hợp lý của các nhân vật chính, phụ, sự phát triển hợp logic nội tại ở mỗi nhân vật… và đặc biệt là ở giọng kể đặc biệt của Số đỏ. Giọng kể này được tạo dựng bằng lối hành ngôn bình dân, suồng sã đậm chất uymua. Đây cũng là một lý do quan trọng khiến cho bạn đọc có “ảo tưởng” về tính hiện thực đậm nét của Số đỏ

Thực ra xét đến cùng, sử dụng ngôn ngữ cũng không nằm ngoài thao tác bố cục: sắp xếp các từ trong một câu, sắp xếp các câu trong một đoạn văn, sắp xếp các đoạn văn trong một chương… Nhưng vì ngôn ngữ trong Số đỏ là một hiện tượng đặc biệt nên chúng tôi xin dành riêng một phần để bàn luận. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu có lý khi cho rằng “ngôn từ của Vũ Trọng Phụng vẽ ra trước mặt mọi người một vùng hoang tưởng khủng khiếp”, nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, chính nghệ thuật sử dụng ngôn từ của tác giả đã khoác cho Số đỏ một lớp áo hiện thực tuy mong manh nhưng cũng đủ làm cho thế giới phi lý của nó mờ nhạt đi phần nào. Sau đây, chúng ta sẽ khảo sát một đoạn đối thoại giữa lang Tỳ và lang Phế. Tất cả có 17 lời thoại bắt đầu từ câu “Cụ lang Phế cũng nói ra ý bóng gió” đến “sao anh không cho sạch mấy nốt ghẻ ở mình cô Tuyết đi”. Trong đó, trong 9 lời là của lang Phế và 8 lời của lang Tỳ. Tác giả đã thực sự tạo ra được một cuộc tranh cãi tương tài tương sức giữa hai ông lang bất tài và ngoa ngoắt. Ý đối ý chan chát, nếu bớt đi lời dẫn chuyện của tác giả xen vào kiểu như: “Cụ Phế giơ hai tay phân bua với mọi người” hay “Nhưng cụ Tỳ thản nhiên ngồi xuống ghế, đủng đỉnh nói” thì đoạn đối thoại giống hệt đối thoại trong kịch. Chỉ cần thêm tên của nhân vật ở đầu câu chúng ta sẽ có đoạn đối thoại đạt tiêu chuẩn đối thoại trong kịch bản.

Lang Tỳ: Lang băm? Có lẽ! Nhưng không làm đọa thai người nào thì thôi.

Lang Phế: À! Anh to gan nhỉ? Nói nữa ? Nói nữa đi xem nào?

Lang Tỳ: Chứ lại sợ à? Nói tại Sở Liêm phóng cho mà xem!

Lang Phế: Này không phải dọa! Chưa chắc đâu! Hỏi cái đứa nào đánh mộng mà đến nỗi lòi con ngươi người ta ra, nó đây kia! Nó đây kia!

Lang Tỳ: Số nó mù thì anh bảo sao? Anh muốn tôi nhắc đến cái thằng bé sài suyễn mà anh chữa bằng lá ô nhĩ mãi không?

Lang Phế: Sao không nói đến bệnh chẩn kinh của Phó Đoan mà anh cứ kêu là có chửa?

Lang Tỳ: Anh là thằng khốn nạn nhé! Thế cô Nga đây kia hôi nách mà anh chữa bằng dầu bạc hà trong sáu tháng giời không khỏi thì sao?

Lang Phế: Sáu tháng? Thế trong ba năm giời sao anh không cho sạch mấy nốt ghẻ ở mình cô Tuyết kia đi?

Chỉ cần đọc một phần trong cuộc tranh cãi của lang Tỳ, lang Phế ta đã thấy đoạn đối thoại này đầy ắp hành động (full of action). Ở đây, từ hành động được dùng như một thuật ngữ sân khấu. Có thể hiểu rộng ra đó là cơ hội để diễn xuất (một trong những nghĩa chính của động từ act trong tiếng Anh là diễn xuất). Có thể thấy lời nói - diễn ngôn trực tiếp của hai thầy lang trên tạo ra rất nhiều đất diễn cho diễn viên nếu như cuốn tiểu thuyết này được chuyển thể thành kịch. Một vở kịch full of action là một vở kịch diễn viên có thể diễn xuất thuận lợi từ đầu đến cuối. Nó liên tục tạo ra xung đột (conflict) khiến cho vở kịch có một sức lôi cuốn rất đặc trưng của sân khấu. Từ conflict ở đây không nên hiểu theo ý độ căng của cốt truyện, cái mà định hình hay thúc đẩy sự vận động của cốt truyện. Nó đơn giản chỉ là sự bất đồng, va chạm giữa các ý kiến. Tóm lại, có thể hiểu vắn tắt, xung đột ở đây chính là sự va đập liên tục giữa những phát ngôn của các nhân vật. Phát ngôn của nhân vật thứ nhất phải là cái cớ để phát ngôn của nhân vật thứ hai ra đời, rồi sau đó phát ngôn của nhân vật thứ hai phải được tạo ra sao cho trở thành cái cớ để nhân vật thứ nhất bật lại tiếp. Sự bật qua bật lại này là không thể thiếu được trong đối thoại kịch bản. Như vậy là đoạn đối thoại giữa lang Tỳ và lang Phế không chỉ là những lời cãi cọ đốp chát điêu ngoa. Xem xét kỹ hơn, ta thấy nó đã được kịch hóa. Trong Số đỏ có nhiều đoạn đối thoại được kịch hóa như thế này, chẳng hạn giữa Xuân và Tăng Phú, Xuân và cô hàng mía… nhưng có lẽ dài hơi nhất vẫn là cuộc tranh cãi về “y thuật” của hai thầy lang vườn. Nếu Số đỏ được dựng thành kịch theo tinh thần bám sát nguyên tác, khả năng đoạn tranh cãi này sẽ tạo được nhiều sự hứng thú cho khán giả nhất. Bên cạnh tiểu thuyết và truyện ngắn, Vũ Trọng Phụng có viết một số kịch bản như Không một tiếng vang, Phân bua, Cái chết bí mật của người trúng số độc đắc… Kịch bản là một lĩnh vực sáng tác có nhiều khác biệt so với tiểu thuyết. Tính bố cục được đặt lên hàng đầu vì đặc trưng của kịch là chỉ trình diễn một lần, sau đó khán giả sẽ ra về, còn tiểu thuyết thì có thể đọc đi đọc nhiều lần. Nếu kịch bản bố cục yếu thì khi dựng thành kịch sẽ gây khó hiểu hoặc hiểu nhầm cho người xem. Vũ Trọng Phụng đã từng thử sức ở lĩnh vực kịch bản nên không có gì khó hiểu khi Số đỏ được ông viết chắc tay đến như vậy. Trong quãng thời gian làm báo Vũ Trọng Phụng đã từng cho ra mắt một bài viết có nhan đề Cái đặc tính của kịch lãng mạn. Trong đó, ông so sánh sự giống và khác nhau giữa kịch lãng mạn và cổ điển (6). Bài viết chứng tỏ ông yêu thích kịch và có am hiểu về lĩnh vực này. Ngay từ tiểu thuyết đầu tay Dứt tình ta cũng thấy những đoạn đối thoại dài hơi mang hơi hướng kịch rất rõ. Việc xuất hiện liên tục những đoạn đối thoại được kịch hóa trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng cho thấy ông có tiềm năng của một kịch gia lớn. Nếu được sống lâu hơn rất có thể ông sẽ cho ra đời những vở hài kịch đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam. Trong Số đỏ, những đoạn đối thoại kịch hóa được cài đặt rải rác từ đầu đến cuối tác phẩm khiến cho giọng kể của Số đỏ thêm phần đa dạng. Như vậy, giọng kể trong Số đỏ không chỉ có sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ tiểu thuyết và báo chí, tác phẩm này còn xuất hiện cả ngôn ngữ kịch đan xen. Đây có thể là một trong những lý do quan trọng khiến Số đỏ mang một phong cách hiện đại vô cùng sống động. Nó khiến cho thế giới hiện thực của Số đỏ trở nên rất khó định dạng, thậm chí là một ẩn số đầy tính khơi gợi.

Để tìm hiểu kỹ hơn về giọng kể trong Số đỏ, chúng ta cũng nên lưu ý tới thái độ khó chịu, xem thường của Vũ Trọng Phụng với nhóm Tự lực văn đoàn. Rất có thể khi viết Số đỏ ông muốn tạo ra một tác phẩm hoàn toàn khác biệt với họ. Tinh thần Âu hóa, Văn minh hóa của họ đương nhiên là bị đem ra chế giễu, nhưng có lẽ ông còn muốn tạo ra một lối viết hoàn toàn khác biệt, thậm chí chưa từng xuất hiện trước đó. Vũ Trọng Phụng đã sử dụng một loạt diễn ngôn đậm đặc khẩu ngữ của đủ hạng người trong xã hội để tạo nên một thế giới nhốn nháo, lộn xộn và tức cười. Nếu cách đặt vấn đề trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đậm nét chính kịch (drama) thì Số đỏ lại đậm nét hài kịch (comedy). Thậm chí, nếu như không có sự thách thức với nhóm Tự lực văn đoàn thì ông vẫn sẽ là một nhà văn luôn ý thức về sự độc đáo trong sáng tạo. Theo như lời kể của Lan Khai, ông từng nói rằng trên đời này ghét nhất là cái tủ chè. Cái cách ông “chì chiết, đay nghiến” cái tủ chè khiến không ít người Việt chạnh lòng: “Thực tế dân An Nam này đã khổ sở và sẽ còn khổ sở vì cái tủ chè ấy không biết đến bao giờ. Mày thử xem, trong mỗi nhà An Nam, cái chỗ tốt đẹp nhất đáng lẽ phải để tủ sách hoặc treo những tác phẩm của họa sĩ hoặc để máy truyền thanh, người mình đã chỉ dùng để kê tủ chè. Anh em ruột thịt lìa nhau, bạn bè khinh nhau cũng chỉ vì cái tủ chè. Đến nỗi chạy loạn chúng nó cũng chỉ nghĩ đến cái tủ chè trước rồi mới nghĩ đến sinh mạng. Thực là một nghiệp chướng cho một thứ dân chỉ thiết làm cu li cũng được miễn là có chút hư danh thì thôi” (7). Câu nói này bộc lộ rõ tư chất của Vũ Trọng Phụng: khinh ghét những thói thường, khinh ghét sự a dua mang tính bày đàn. Một giọng kể như Số đỏ không hẳn chỉ do ảnh hưởng của nghề làm báo (giọng kể trong các phóng sự của Vũ Trọng Phụng có thể nói cũng rất đặc sắc. Cho đến nay vẫn chưa ai vượt được ông trong thể loại này). Chính vì vậy, có thể thấy rằng, giọng kể khác biệt của Số đỏ cũng như những thiên phóng sự kỳ tài là do ý thức về một giọng kể độc đáo của tác giả, thậm chí chúng còn là sản phẩm của cả một quá trình tìm tòi cá nhân. Nếu tham khảo cuốn Dứt tình, một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông ta sẽ thấy sự khác biệt lớn:

Ánh trời tà đã hết nhuộm vàng bãi bể. Bên trên dãy núi tím, vàng, xanh, xám mấy màu pha lộn nhau như nét bay miết dài của nhà họa sĩ, mây lồng thành hình vạn vật, cỏ cây. Giữa khoảng vô cùng, đó là một đàn voi… dần dần dồn nhau lên một cái cánh phượng, rồi, sau hết, lại bị gió dãi ra tản mạn thành chỗ này thì eo bể, vịnh, bán đảo, chỗ kia, cù lao, sông, núi - một bức tranh họa đồ (8)!

Có thể thấy rõ, từ Dứt tình tới Số đỏ giọng kể đã hoàn toàn thay đổi. Trong Số đỏ, ngôn ngữ kể chuyện cũng như ngôn ngữ nhân vật đậm chất khẩu ngữ (Khẩu ngữ tự nhiên là một hiện tượng ngôn ngữ luôn trở đi trở lại trong ngôn ngữ thường ngày). Bằng việc sử dụng điêu luyện khẩu ngữ tự nhiên, Vũ Trọng Phụng đã khiến Số đỏ “tươi rói một thứ ngôn ngữ của đời sống” (9). Điều này khiến cho thế giới phi lý của Số đỏ có vẻ mang bóng dáng đời thường hợp lý.

Như vậy, có thể thấy rằng với trí tưởng tượng đặc sắc và năng lực bố cục bậc thầy ở mọi cấp độ, Vũ Trọng Phụng đã khiến nhiều bạn đọc dao động giữa các chiều kích của hiện thực. Số đỏ là sự kết hợp nhuần nhuyễn đáng kinh ngạc giữa thực và hư, giữa hợp lý và phi lý, giữa cái bình thường và cái dị thường… Người đọc có cảm tưởng rằng, câu chuyện hài hước khó tin này được thôi ra từ đời sống thường ngày, từ một thực tại mà họ đang trải nghiệm từng giây, từng phút và đồng thời cũng có lúc ngờ ngợ nó tràn ngập “bịa đặt, dựng truyện”. Xem ra, định dạng hiện thực trong Số đỏ không hề đơn giản. Sau gần một thế kỷ, hiện thực trong tác phẩm trào phúng này vẫn là một thách thức đối với bạn đọc cũng như các nhà nghiên cứu phê bình.

Hoàng Tố Mai
Nguồn: Viện Văn Học

------------------------------

1. Mai Hoàng, Cuộc sống đương cựa quậy, Tiền phong chủ nhật số tháng 7/1997, tr.9.
2. Đỗ Đức Hiểu, Những lớp sóng ngôn từ trong Số đỏ, Vũ Trọng Phụng tài năng và sự thật, Nxb. Văn học, H., 1997, tr.117.
3. Edgar Allen Poe, Triết lý về soạn tác, Toàn tập tác phẩm của Edgar Allen Poe (The Unabridged Edgar Aleen Poe), Nxb. Running Press, 1983, tr.1089.
4, 5. Tzavetan Todorov, Những giới hạn của Edgar Poe (Phùng Kiên dịch), Lý luận phê bình văn học nước ngoài thế kỷ XX, Công trình cấp bộ đã nghiệm thu, 2006.
6. Xem Cái đặc tính của kịch lãng mạn, Vũ Trọng Phụng toàn tập, quyển 1, Nxb. Văn học, H., 2004, tr.579.
7. Lan Khai, Vũ Trọng Phụng (Mớ tài liệu cho văn sử Việt Nam) Vũ Trọng Phụng về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H., 2000, tr.76. 
8. Vũ Trọng Phụng, Dứt tình, Vũ Trọng Phụng toàn tập, quyển 2, Nxb. Văn học, H., 2004, tr.7.
9. Nguyễn Hoài Thanh, Chất khẩu ngữ trong lời văn phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Bản sắc hiện đại trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nxb. Văn học, H., 2003, tr.307.