Ngày đăng : 17/11/2015

Bùi Giáng và Albert Camus


1. Bùi Giáng - người phương Đông và Albert Camus - người tận phương Tây

Ở Việt Nam – phương Đông, Bùi Giáng xuất hiện trong đời sống văn chương, học thuật miền Nam trước đây và cả nước sau này (sau 1975) trên bốn lĩnh vực: sáng tác thơ, nghiên cứu triết học, phê bình văn học và dịch thuật. Dù ở mỗi lĩnh vực sáng tạo của ông, các nhà nghiên cứu có những nhận định, đánh giá khác nhau; dù thơ ông được thưởng thức, soi rọi và được đánh giá cao hơn cả; dù công chúng và giới phê bình hâm mộ tài năng sáng tạo của ông ở lĩnh vực thơ ca hơn dịch thuật, phê bình… nhưng thực tế, Bùi Giáng đã nghiên cứu, sáng tác trong sự sung mãn của năng lực, trong sự khác lạ của bút lực và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện niềm say mê, thể hiện tâm thế của chính mình. Với văn chương, học thuật nước nhà, ông đã có những đóng góp nhất định.

Sống hơn hai phần ba thế kỉ (1926 – 1998), với gần nửa thế kỉ sáng tác và nghiên cứu (từ khoảng năm 1952 cho đến cuối đời), Bùi Giáng đã sống, trải qua những giai đoạn miền Nam trong bối cảnh sóng gió, bi đát: chính trị hỗn loạn, chiến tranh thảm khốc, xã hội sa đoạ, tinh thần dân chúng xáo động, hoang mang,… Với những người sáng tác văn chương, nghệ thuật thời ấy, sự mẫn cảm khiến suy nghĩ, tâm hồn mỗi người ngã theo những lối khác nhau: băn khoăn, ưu tư, mê muội, bức bối hay phẫn uất,… Trong cuộc thế ấy, trong “bầu khí đảo điên” ấy, Bùi Giáng mang tâm hồn nhiều u uẩn với nỗi ám ảnh về thân phận con người.

Sau chiến tranh, đất nước bước vào giai đoạn lịch sử mới. Ý thức, tâm hồn người cầm bút chuyển biến, hoà nhập với đời sống hoà bình. Tuy nhiên, bệnh cuồng của Bùi Giáng vốn khởi phát ở dạng nhẹ từ cuối năm 1969 đã chuyển sang dạng nặng từ trước và sau năm 1975, dù cũng có lúc ông tỉnh táo, sáng suốt. Không còn u uất, suy tư về thời cuộc, phận người, ông trở thành kẻ lãng du hồn nhiên với bộ dạng nhiều lúc kì quặc trên những nẻo đường nhộn nhịp của Sài Gòn đô hội. Không còn nghiên cứu, dịch thuật, Bùi Giáng chuyên làm thơ với khả năng ngôn ngữ tiếng Việt phong phú, được sử dụng khi có ý thức, sâu sắc; lúc vô thức, ngây ngô và vẫn với cái thú nói láy ảnh hưởng từ cách nói trong dân gian nhưng đậm chất riêng, rất Bùi Giáng.

Bùi Giáng và sáng tác của ông được các nhà nghiên cứu quan tâm từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX. Tính đến nay, ngoài những bài viết về ông của Thuỵ Khuê, Huy Tưởng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Cung Tích Biền, Thạch Chương, Trần Đới, Nhất Thanh, Đào Hiếu, Nguyễn Hoàng Văn, Văn Huyền Nguyên, Vũ Đức Sao Biển… đăng trên các báo, còn những nghiên cứu có ý nghĩa xác định Bùi Giáng là một trong những gương mặt “đại diện cho các ý hướng mới”[1], cho “chiều hướng sáng tạo đặc thù”[2] trong các công trình nghiên cứu chung về thơ và các nhà thơ tiêu biểu. Chẳng hạn, bài viết “Bùi Giáng” (trong Những nhà thơ hôm nay của Nguyễn Đình Tuyến), “Bùi Giáng – người thi sĩ chối bỏ thi ca” (trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ), “Bùi Giáng và Bùi Giáng nguồn xuân” (trong Thơ – thi pháp và chân dung của Đặng Tiến), “Bùi Giáng giải minh người minh giải” (trong Thơ như là mỹ học của cái khác của Đỗ Lai Thuý)… Ngoài ra, năm 1973, tạp chí Văn đã ra số đặc biệt về Bùi Giáng và năm 2007, nhà nghiên cứu Trần Đình Thu ra mắt công trình: Bùi Giáng – thi sĩ kỳ dị. Đặc biệt, tháng 11 năm 2012, Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội tổ chức “Toạ đàm về thơ Bùi Giáng” nhân Đười ươi chân kinh – tinh tuyển thi văn của ông - được xuất bản.

Dẫu thiếu dày dặn so với khối lượng tác phẩm đồ sộ của Bùi Giáng và dẫu chưa đánh giá toàn diện vị trí, ảnh hưởng của ông trong nền văn chương, học thuật nước nhà nhưng có thể nói, những bài viết, công trình nghiên cứu về Bùi Giáng đã khẳng định sự hiện diện của ông với một phong cách lạ trong văn học Việt Nam hiện đại và khẳng định sự quan tâm tìm hiểu, yêu thích của độc giả đối với sáng tác của ông, đối với trường hợp vô cùng đặc biệt trong nền thi ca Việt Nam.

Ở nước Pháp – phương Tây, Albert Camus được biết đến với tư cách một nhà văn nhân bản sáng tác văn chương và nghiên cứu triết học. Ông sáng tác nhiều thể loại: tiểu luận, tiểu thuyết và kịch. Khó có thể khẳng định Camus chú tâm vào thể loại nào hơn bởi lẽ, ông vận dụng nhiều thể loại để chuyển tải tư tưởng, quan niệm và cảm xúc với ý hướng sáng tác được xác định rõ: “Ban đầu tôi muốn diễn đạt sự phủ định. Dưới ba hình thức. Tiểu thuyết: đó là Kẻ xa lạ. Kịch: Caligula, Ngộ nhận. Tư tưởng: Huyền thoại Sisyphe. Tôi cũng nhìn thấy trước cái mặt tích cực dưới ba hình thức. Tiểu thuyết: Dịch hạch. Kịch: Tình trạng giới nghiêmNhững kẻ chính trực. Tư tưởng: Người nổi loạn” [Dẫn theo 1, tr.73]. Tuy nhiên, giữa các thể loại ấy, theo giới phê bình, tiểu thuyết là thể loại nổi trội và thành công hơn cả.

Qua đời ở tuổi 47 (1913 – 1960), Camus không kịp chứng kiến trọn vẹn đường đi của những giá trị vốn thiếu ổn định ở thời đại ông, những chuyển biến về thời cuộc, những hậu quả vô cùng mà con người gánh chịu và những đảo lộn về ý thức hệ của các nhà văn Pháp ở thế kỉ XX. Tuy nhiên, sống trong thời kì đầy biến cố giữa hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc, Camus đủ nhận ra thực tế nước Pháp và thế giới trong bối cảnh sôi động, bất ổn, nhiều tai ương. Ông ý thức và bàng hoàng về tính phi lí của thế giới, cuộc đời, của thân phận con người mong manh. Nhận lấy sứ mệnh “phải lên tiếng nói cho những con người không tiếng nói”*, bị lôi cuốn bởi tinh thần chiến đấu, ông chọn cách dấn thân – sáng tạo và tích cực tham gia hoạt động chính trị chống phát xít, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Camus viết những bài báo ở chiến trường, viết các vấn đề có ý nghĩa thời sự, viết với nỗi ám ảnh sâu thẳm về thân phận con người.

Ở nước Pháp, Camus là một trong những tên tuổi chiếm vị trí áp đảo trên văn đàn, có ảnh hưởng nhiều đến văn học Pháp và thế hệ thanh niên Pháp trong và sau Đại chiến II. Trong các công trình nghiên cứu về lịch sử văn học Pháp, các nhà nghiên cứu Pháp xếp ông vào hàng ngũ những nhà tiểu thuyết mở đường cho chủ nghĩa nhân đạo mới dựa trên tinh thần trách nhiệm. Trong La littérature Francaise, hai nhà nghiên cứu C. de Ligny và M. Rousselot khẳng định ông và nhà văn André Malraux là hai nhà tiểu thuyết về thân phận con người và tiểu thuyết của họ là “những tiểu thuyết về sự vĩ đại của con người” [13, tr.128]. Tuy có lúc Camus cho thấy diễn biến phức tạp trong tư tưởng, thể hiện quan điểm khác biệt với các nhà tư tưởng hiện sinh khi đưa ra “thuyết tiên nghiệm”, nhưng các nhà nghiên cứu luôn khẳng định: “Albert Camus vẫn không tách rời trào lưu hiện sinh” [13, tr.538], là một trong những nhà văn hàng đầu của chủ nghĩa hiện sinh.

Đặc biệt, Camus nhận giải thưởng Nobel về văn chương năm 1957 không phải cho riêng một tác phẩm mà cho toàn bộ văn nghiệp của ông vì “đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra trước ý thức của nhân loại ngày nay” [Dẫn theo 17, tr.736].

Bùi Giáng chuyên tâm nghiên cứu và sáng tác (theo Đặng Tiến, Bùi Giáng chỉ một lần tham gia hoạt động kêu gọi hoà bình cùng một nhóm trí thức), Albert Camus vừa sáng tác vừa tích cực tham gia chính trị. Bùi Giáng nổi tiếng với thơ, Camus thành công với tiểu thuyết. Tưởng là khác biệt nhưng nhìn từ góc độ thời đại, cuộc đời, tư tưởng và sáng tác, giữa hai ông có những điểm tương đồng - sống vào thế kỉ thế giới nhiều bạo lực và thảm hoạ, vào lúc đất nước có chiến tranh, bỏ dở việc học hành, chịu nhiều bất hạnh. Albert Camus đoản mệnh, rời dương gian do một tai nạn xe hơi, hưởng dương 47 tuổi. Bùi Giáng buồn vui dài lâu với cõi trần, hưởng thọ 72 tuổi nhưng lại mắc bệnh cuồng, phải vào ra dưỡng trí viện. Ngoài ra, Bùi Giáng và Albert Camus còn gặp gỡ ở ý hướng tìm đến và quan tâm, gắn bó với triết học hiện sinh; cùng day dứt nỗi âu lo về thân phận con người.

2. Albert Camus – người phát ngôn, thể hiện nội dung của chủ nghĩa hiện sinh và Bùi Giáng – người bị thu hút bởi chủ nghĩa hiện sinh

Được coi là một gương mặt tiêu biểu của trào lưu hiện sinh, của chủ nghĩa hiện sinh – một khuynh hướng triết học - mĩ học khá thịnh thành trước và sau Chiến tranh thế giới thứ hai - Albert Camus đến với khuynh hướng này từ việc tiếp nhận tư tưởng phi lí tính của những người đại diện đầu tiên cho chủ nghĩa hiện sinh (S.Kierkegaard - nhà triết học Đan mạch, M.Heidegger và Karl Jaspers - nhà triết học Đức) và chịu ảnh hưởng của Léon Chestov – nhà triết học Pháp gốc Ukraina.

Trải qua nhiều chặng đường, mang nhiều biến thể khác nhau, có lúc có nhiều điểm trái ngược nhưng trong quá trình phát triển, chủ nghĩa hiện sinh ngày càng được bồi đắp thêm những nội dung mới, đã “ghi dấu đậm” trong lịch sử triết học và đã có một vị trí vững chắc trong đời sống xã hội. Từ quan niệm siêu việt của Jaspers, huyền nhiệm của Marcel, hiện hữu của Heidegger,… đến  J.P.Sartre và A.Camus, quan niệm cái phi lí của hai ông “đã trở thành khái niệm chủ chốt của chủ nghĩa hiện sinh”.

Cái phi lí đã trở thành đề tài chủ yếu trong các tiểu luận triết học, trong các tác phẩm văn học của Camus và chi phối ý tưởng, xúc cảm, cách viết của ông. Thể hiện những suy luận triết lí về sự phi lí, hư vô của cuộc đời, Camus sáng tác một chuỗi liên hoàn các tác phẩm tập trung vào ba chủ đề: phi lí, nổi loạn và sa đoạ. Nếu như các tiểu luận của Camus có ý nghĩa phát ngôn, hệ thống hoá tư tưởng, quan niệm của ông thì tiểu thuyết và kịch có ý nghĩa cụ thể hoá tư tưởng ấy bằng những sự việc, hình ảnh, hành động thực tế. 

Với chủ đề phi lí, tiểu luận Huyền thoại Sisyphe (Le Mythe de Sisyphe), tiểu thuyết Kẻ  xa lạ (L’E1tranger) và kịch Caligula (Caligula), Ngộ nhận (Le malentendu) tập trung triết luận về cái phi lí, phơi bày thế giới phi lí, con người phi lí và ý thức về cái phi lí. Trong Huyền thoại Sisyphe, Camus khẳng định thế giới thực tại là phi lí qua nhận thức của nhân vật huyền thoại Sisyphe – một vì vua bị thần Zeus trừng phạt – về cái phi lí của công việc diễn ra hàng ngày và mãi mãi: phải vần tảng đá lên đỉnh núi sau khi nó tự lăn xuống mỗi khi vừa vần lên… Tưởng rằng sẽ phải đau khổ, bi quan nhưng trái lại, Sisyphe lại bình thản và say sưa với việc vô nghĩa ấy. Sự phi lí của xã hội trong Người xa lạ thể hiện ở sự vô lí giữa lí do nhân vật Meursault bị đem ra xử án và việc kết tội của quan toà; ở việc toà án bàn về con người Meursault hơn là đưa ra tội trạng của anh. Lí do chính khiến Meursault bị coi là “người xa lạ” trong xã hội giả dối mà anh đang sống vì anh dửng dưng, không chịu nhập cuộc, khước từ nói dối cũng là yếu tố vạch rõ bi kịch con người bị vây khốn trong xã hội phi lí. Trong vở kịch Caligula, bạo chúa Caligula – vị hoàng đế trẻ tuổi thời La Mã cổ đại - đã trở thành kẻ loạn luân, tàn bạo, khát máu… khi dùng quyền uy tối thượng để thoả mãn những dục vọng bản năng thấp hèn, để thực hiện những ý tưởng vô lí và những sở thích kì dị… Tuy nhiên, trước sự trừng phạt của lực lượng đối nghịch, Caligula lại chấp nhận cái chết một cách bình thản, không một lần phản ứng, chống cự lại. Ý tưởng, hành động ấy là sự nổi loạn  chống lại thực tại phi lí của con người phi lí. Trong Ngộ nhận, nhân vật Jan trở về nhà sau hai mươi năm phiêu bạt, mong mang hạnh phúc đến cho mẹ và em gái nhưng lại lâm vào một cảnh ngộ đầy oan nghiệt. Đóng vai khách du lịch vào nghỉ ở quán trọ của mẹ và em gái để gây bất ngờ nhưng anh đã bị họ đầu độc để cướp tiền – cũng là cái cách họ làm đối với những khách trọ giàu có khác. Trớ trêu là khi phát hiện ra người bị giết là anh trai, cô em gái Martha vẫn thờ ơ, lạnh lùng và tàn nhẫn bảo chị dâu Maria “phải biết đón nhận cái phi lí của đời người”.

Với chủ đề nổi loạn, tiểu luận Con người nổi loạn (L’Homme révolté), tiểu thuyết Dịch hạch (La Peste), kịch Tình trạng giới nghiêm (L’Eltat de siège) và Những kẻ chính trực (Les justes) – những tác phẩm xuất bản sau Đại chiến II - là tuyên ngôn của Camus về sự phản kháng của con người, chống lại những phi lí của cuộc đời với tiên nghiệm: hạnh phúc sẽ đến trong sự công bằng và nhờ vào sự đoàn kết. Đó cũng là quan điểm khác với các nhà hiện sinh cùng thời như Céline, Sartre và nó khiến ông bị phê phán. Trong tiểu luận Con người nổi loạn, Camus triết luận về cái phi lí qua vấn đề nổi loạn. Cụ thể hơn, Camus khẳng định nổi loạn là bản chất của con người và kêu gọi “mọi người phải chiến đấu chống lại tất cả những gì chế ngự con người và đưa anh ta tới cái chết” [13, tr.129]. Trong tiểu thuyết Dịch hạch, trước căn bệnh dịch hạch lây lan trong thành phố - được coi như sự phi lí của định mệnh – người ta hoặc chống trả yếu ớt, hoặc hoang mang, kinh hoàng, hoặc thờ ơ, lợi dụng tình thế để làm giàu trong một thành phố không ai được phép vào ra. Tuy nhiên, lại có những người như bác sĩ Rieux, nhà hoạt động chính trị Tarroux, phóng viên Rambert luôn băn khoăn về sự đau đớn phi lí của người bệnh, ra sức cứu chữa người bệnh và tích cực tìm cách đối phó, chia sẻ khó khăn với người bệnh. Cuối cùng, bệnh dịch đã rút lui một cách bí mật. Nhân vật Diego trong vở kịch Tình trạng giới nghiêm đã quyết liệt từ chối ân huệ của thần Dịch hạch và cùng dân chúng can đảm vùng lên chống lại thần – người gieo rắc tai hoạ xuống thành phố - đã đẩy lùi căn bệnh phi lí. Kaliayev trong Những kẻ chính trực là một người sẵn sàng hành động chống cái xấu, cái ác, dù biết rằng sẽ bị tù đày, trừng phạt. Anh chọn án tử hình vì không chấp nhận phản bội bạn bè.

Chủ đề sa đoạ được thể hiện chỉ với một tác phẩm - Sa đoạ (La chute). Tuy nhiên, Sa đoạ được hiểu là “tiếng vọng sau cùng của Camus về nỗi đau không cứu được của loài người” – sự cô đơn và bất hạnh. Bằng độc thoại, theo thể văn tự bạch, dưới hình thức tự thú, nhà văn phơi bày tấn bi kịch phi lí qua nhận thức về tội lỗi, về cuộc đời truỵ lạc, hoen ố, về quyết định đổi đời; qua việc tự thú về sự sụp đổ tinh thần của nhân vật Clamence. Clamence cố quên quá khứ tội lỗi nhưng vẫn cứ bị quá khứ dày vò, lương tâm cắn rứt. Clamence muốn tìm niềm vui sống và sự giải thoát nhưng thất bại vì anh đang sống trong một xã hội dối trá, đầy tội ác. Sự hoài nghi và nỗi thất vọng trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên trong Clamence.

Việc gọi tên các chủ đề theo các tác phẩm tiêu biểu chỉ mang tính chất tương đối. Bởi lẽ, trong các tác phẩm trên, tác giả đã gián tiếp khẳng định: chính phi lí dẫn đến nổi loạn và nổi loạn chính do phi lí. Khác chăng là trong các tác phẩm thuộc chủ đề phi lí, đó là sự nổi loạn của ý thức cá nhân và trong các tác phẩm thuộc chủ đề nổi loạn, ý thức cá nhân đã định hướng, tác động, dẫn đến ý thức cộng đồng. Sự sa đoạ cũng chính là hành động nổi loạn từ thực tại phi lí. Xã hội đầy những nghịch lí và vô lí; tai hoạ mang tính định mệnh; con người nhận ra tính chất phi lí và vui vẻ chấp nhận thực tại phi lí hay khước từ hoà nhập; phản kháng hoặc sa đoạ… đó là những biểu hiện sâu sắc của cái phi lí ở góc độ bản thể lẫn góc độ xã hội trong sáng tác của Camus.   

Albert Camus bền bỉ với tư tưởng phi lí - một nội dung của chủ nghĩa hiện sinh - và đã đưa nó lên đỉnh điểm khi làm người phát ngôn và thể hiện nó xuyên suốt trong sự nghiệp sáng tác của ông. Sự luận giải và khai thác tính chất phi lí của Camus khiến người ta kinh hãi, bàng hoàng, chấp chới và tiếp nhận nó bằng những quan điểm khác nhau. Tư tưởng phi lí ảnh hưởng đến ý thức nổi loạn để giải thoát trong đời sống nhiều người và trở thành nguồn cảm hứng trong văn học, làm nên văn học phi lí. Văn học phi lí và ý thức, hành động nổi loạn của con người trong xã hội là một phản ứng của thời đại lịch sử.

Bị thu hút bởi chủ nghĩa hiện sinh khi trào lưu này đang diễn ra sôi nổi ở phương Tây và khi chủ nghĩa này được du nhập vào Việt Nam, Bùi Giáng không chỉ làm người nồng nhiệt đón nhận tư tưởng mới, mà ông còn nỗ lực nghiên cứu, dịch thuật và diễn đạt tư tưởng ấy với nhu cầu được thoả mãn của cá nhân và đáp ứng thị hiếu của công chúng. Không để lỗi nhịp với trào lưu tư tưởng đang thịnh hành, theo Đỗ Lai Thuý, Bùi Giáng đã “tiếp thu chủ nghĩa hiện sinh của J-P.Sartre, A.Camus, K.Jasper… một cách trực tiếp và đồng thời, khi triết thuyết này còn đang sống động và đang phát triển” [15, tr.329].

Trong Chủ nghĩa hiện sinh, lịch sử và sự hiện diện ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Dũng cho biết chủ nghĩa hiện sinh đã có mặt ở miền Nam từ 1955, trong chương trình của hệ thống giáo dục tiếng Pháp, tiếng Việt ở các trường đại học, là đề tài nghiên cứu của nhiều luận án, đề tài diễn thuyết của các giáo sư người Việt, người Pháp, người Bỉ và “thực sự bám chân ở miền Nam Việt Nam khi nó có mặt trên sách báo”, trong các loại hình nghệ thuật… Bùi Giáng đã đón nhận tư tưởng và những sản phẩm tinh thần của các nhà hiện sinh phương Tây bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm và cảm xúc của chính mình. Chọn cách biên khảo - giảng giải - phê bình và dịch thuật, cùng với các nhà tư tưởng, dịch giả, văn sĩ cùng thời, ông đã góp phần đưa chủ nghĩa hiện sinh đến và trụ ở Việt Nam trong một giai đoạn. Năm 1962, Bùi Giáng biên soạn Tư tưởng hiện đại.  Năm 1963, bộ sách công phu, đồ sộ thuộc thể loại biên khảo và phê bình triết học - Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại - được xuất bản. Đồng thời, nhiều tiểu luận của ông về các nhà triết học hiện sinh như Nietzsche, Martin Heidegger, Albert Camus cũng được đăng trên báo chí. Ngoài ra, Bùi Giáng đã chú tâm chọn dịch các sáng tác tư tưởng và văn chương của họ. Chẳng hạn: Sương Tỳ Hải (chọn dịch tiểu luận và tuỳ bút của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger), Lễ hội tháng ba (Martin Heidegger, Hoelderlin), các tiểu luận và tiểu thuyết của Camus…

Biên khảo Tư tưởng hiện đại, Bùi Giáng xác định: “Giảng giải: Kierkegaard, Malraux, Jaspers, Heidegger”. Trong Tư tưởng hiện đại, tác giả nêu cơ sở và mục đích ra đời của chủ nghĩa hiện sinh: “Chủ nghĩa hiện sinh muốn ra đời để đáp lại tiếng gọi của  tâm tình nhân gian cầu xin cởi mở, cảm thông chia sớt. Những u tình chưa được bày tỏ, những uẩn khúc chưa được phanh phơi, những hoài mong chưa được gạn kể” [11, tr.26]. Từ đó, ông giảng giải tư tưởng của Soen Kierkegaard – người được xem là vị thuỷ tổ sáng lập chủ nghĩa hiện sinh – về nhận thức đối với cuộc đời;  về tình trạng khắc khoải, bất an; về cõi thiện - quan niệm đức lí. Về tư tưởng Karl Jaspers, Bùi Giáng giảng giải quan niệm thân phận con người gắn với hiện tồnhữu thể. Với tư tưởng André Malraux, ông bàn về sự ám ảnh của định mệnh, về thân phận làm người và ý thức phải hành động, vượt thoát. Về tư tưởng Heidegger, ông chú ý đến những lời luận bàn của nhà triết học này về quan điểm “sa mạc lớn dần” (Le désert croit) của Nietzsche, về quan niệm hữu thể bị ngộ nhận của Heidegger.

Biên khảo Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại, Bùi Giáng không chỉ bàn về mối quan hệ giữa tư tưởng Heidegger với các tư tưởng hiện đại, về các tác giả hiện đại như Sartre, Marcel, Camus, Faulkner… theo cách nhìn của Heidegger mà ông còn “sẻ chia cảnh ngộ chua xót: các khuôn mặt lớn trong lịch sử văn chương và tư tưởng Đông Tây ít nhiều đều là nạn nhân của những ngộ nhận, ngộ giải làm rụng tía rơi hồng”*, trực tiếp lên tiếng bênh vực và ca ngợi những tư tưởng đã từng bị ngộ nhận.

Các sách biên khảo trên đã đưa những tư tưởng hiện đại của phương Tây, tiêu biểu là chủ nghĩa hiện sinh, đến với công chúng Việt Nam bằng nỗ lực cảm thụ và suy tư, bằng cách lí giải, so sánh từ nhiều nguồn tư liệu. Nó đã phần nào đáp ứng nhu cầu hiểu và cảm nhận của người đọc theo cảm xúc, suy niệm của tác giả, ngoài những cách nhìn và lí giải của các nhà nghiên cứu khác thời ấy như Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Nam Châu, Vũ Đình Lưu, Trần Văn Toàn…

Tuy thỉnh thoảng ngắc ngứ vì những câu, đoạn tác giả trích dẫn nguyên văn tiếng Pháp nhưng người đọc vẫn đồng điệu đón nhận, trân trọng thái độ khiêm nhường trong biên soạn, mục đích biên soạn và việc lựa chọn cách viết của Bùi Giáng. Trong Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại, ông khiêm tốn bộc bạch: “Kẻ viết mấy dòng này, vẫn ân hận: đầu ba thứ tóc, bốn thứ sương, pha mười loại gió tuyết, hai con mắt tèm nhem đã ngơm ngớp nhìn trước mặt một con đường… Còn đủ thời giờ chăng để theo đuổi tới đâu??? (…) Xin ngồi bên đường. Trao lại chừng này cây gậy và một ít hành trang. Thiếu thốn nhiều? Khuyết điểm, lỗi lầm còn lắm? Nhưng cái cốt yếu – tin chắc là có đủ rồi. Cái cốt yếu giúp nhau trên con đường đi tìm trở lại để bước đến cùng cái nẻo riêng của tài hoa mình chọn lựa…” [10, tr.783]. Giới thiệu các tư tưởng hiện đại thế giới, với Bùi Giáng, không chỉ là cung cấp kiến thức mà ông còn muốn áp dụng vào việc lí giải những trường hợp viết về thân phận con người của các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là với Truyện Kiều của Nguyễn Du. Trong bài tựa của quyển Tư tưởng hiện đại, ông giới thiệu và ca ngợi triết học Heidegger, khuyên độc giả nên đọc Heidegger để “không còn ngộ nhận tiếng tân thanh hiu hắt rạc rời” của Nguyễn Du. Theo Đỗ Lai Thuý, “chính ông lại dùng thông diễn học Heidegger để diễn giải các nhà thơ và các sự kiện triết học, văn học khác của Việt Nam và thế giới” [15, tr.63].

Ngoài biên soạn, việc chọn dịch các tiểu luận và tuỳ bút Mùa hè của Albert Camus, Dưỡng chất trần gian của André Gide, Con đường điền dã của Martin Heidegger, tập hợp trong Sương tỳ hải; dịch tiểu luận của Martin Heidegger, Hoelderlin tập hợp trong Lễ hội tháng ba và dịch các sáng tác văn học của Albert Camus… là thực tiễn cho thấy Bùi Giáng đã ra sức khai thác và góp công dẫn truyền chủ nghĩa hiện sinh ở Việt Nam.

Hơn thế, từ mối tương đồng, tâm giao với tư tưởng hiện sinh của Heidegger, bằng sáng tác của mình, Bùi Giáng đã tìm về và đối thoại cùng bản thể, hữu thể. Cũng trong Lời tựa của Tư tưởng hiện đại, tác giả nói rõ: “Nhưng nghĩ rằng: phần tâm hội phải được chiêm niệm theo điệu tâm hội. Vài dòng lơ lửng của Mưa nguồn đã bóng bẩy làm việc đó theo nhịp võ-vàng-cổ-độ-Á-Đông”[11, tr.14]. Với Mưa nguồn – tập thơ được coi là có nhiều bài thơ hay và tỉnh táo được in vào đầu thập niên sáu mươi - Bùi Giáng đã đưa thế giới, con người trở về với hữu thể, bản thể - “bản thể uyên nguyên”*. Đó là thế giới của “cỗi nguồn”, “hỗn mang”, “sơ nguyên”, “thuở xưa”, “nghìn xưa”, “ngàn năm”; là cội nguồn thiên nhiên, vạn vật trinh nguyên, trong lành qua hình ảnh của đất, trời, sông, suối, núi, rừng: “Nghe trời đổ lộn nguyên khê”, “Nguyên tuyền đổ rộng xuống dòng thiên thâu”, “Nước xuôi giòng là cổ độ nhìn theo”, “Ô vạn vật vẫn chờ nguồn nước lũ/ Tự ngàn năm tuôn dạo tự khe rừng”. Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Với Bùi Giáng, ngũ quan của một cái tôi nguyên sơ đã xui ông đến với một thiên nhiên thuần tuý” [16, tr.126]. Nhà nghiên cứu này cũng phát hiện đặc trưng thiên nhiên trong sáng tác của Bùi Giáng: “Những tên sách gợi lên một thiên nhiên bất tuyệt: Sa mạc phát tiết, Sương bình nguyên, Trăng châu thổ, Đường đi trong rừng, Mưa nguồn, Lá hoa cồn, Ngàn thu rớt hột, Màu hoa trên ngàn…” [16, tr.126]. Con người trong Mưa nguồn là con người hiện hữu hoặc trong dáng vẻ nguyên sơ của “đười ươi”, “Mọi nhỏ” hoặc trong dáng vẻ thời đại nhưng mang “hồn du mục cũ” với nỗi “sầu nguyên sơ”; là con người của “nguyên sơ đầu mộng”, với nỗi chờ trông hay trùng phùng đều gắn với xuân ngọn nguồn: “Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân” hay “Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân”… và từ đó, “tinh thể của ngôn ngữ sơ nguyên” cũng được phô bày qua việc gọi tên thế gian, vạn vật, con người…

Gần gũi với tư tưởng hiện sinh của Camus,  từ những âu lo, day dứt về nỗi dâu bể phi lí của kiếp người, từ nhận thức thế giới “là cõi hí trường có bi kịch tồn sinh”, cũng trong tập Mưa nguồn, Bùi Giáng không thôi nghĩ về con người và thời cuộc. Hiển hiện trong tập thơ là những phận người “sầu ru hao mòn”, “sầu khổ hao mòn”, “buồn tủi giữa đảo điên”, “thiệt thòi đời mộng điêu linh”, đến độ “hơi thở cũng sầu như lá úa”, “hồn nghiêng ngửa hận”… Hiển hiện trong tập thơ là thảm kịch chiến tranh gây nên khổ đau âm ỉ, triền miên:

“Hãi hùng bi kịch đồi tranh

Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù

Thân người nát ở phía sau

Ngàn năm mắt khép khổ đau khôn hàn”

                               (Gió bão Tây Nam)

Xã hội loạn lạc, đảo điên, tội ác chất chồng khiến “người mẹ chết bên con”, khiến người sắp chết - kể cả những người phụ nữ vô tội – “giờ khép mắt” vẫn còn hãi hùng, “Nhớ rất nhiều ngày loạn ngửa đêm nghiêng / Cuồng dại nát liễu hờn xuân rủ rỉ” (Khép mắt).

Con người bị vây hãm trong thế giới thực tại “mịt mờ”, “thấp đen”. Thực tại ấy hoặc khiến con người bi quan, bất lực, không lối thoát hoặc khiến họ phản ứng bằng cách đi tìm nguyên nhân của thực tại, dù chẳng tìm đâu ra “ý nghĩa lầm than”; hay bằng cách hi vọng, dù hi vọng chỉ là hão vọng:

“Hoài vọng uổng bên nỗi đời thê thảm

Hờn núi sông anh lạc xứ xa miền”

                                      (Phương Hà)

Những nội dung thể hiện tư tưởng hiện sinh nói trên cứ bàng bạc trong nhiều bài thơ, tập thơ của Bùi Giáng. Tuy nhiên, Mưa nguồn là tập thơ mà tác giả khẳng định là đã “chiêm niệm” tư tưởng hiện sinh “theo điệu tâm hội”.

Nếu như chủ nghĩa hiện sinh hiện diện và được truyền bá, vận dụng ở miền Nam là “cơ duyên của lịch sử”* thì việc tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh và biên soạn, dịch thuật, sáng tác thể hiện tư tưởng hiện sinh âu cũng là cơ duyên của Bùi Giáng. Ông đã đưa văn chương, triết học hiện sinh đến với độc giả Việt Nam với niềm say mê và ước muốn thiết tha. Từ chủ nghĩa hiện sinh và từ sự gắn bó với chủ nghĩa hiện sinh, sự nghiệp sáng tác của Bùi Giáng càng đa dạng hơn.

3. Bùi Giáng và tác phẩm của Albert Camus

Ở Việt Nam, Albert Camus được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nhiều tác phẩm của ông đã được chọn dịch, nhất là ở miền Nam những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi, trong bầu không khí học thuật cởi mở. Dịch tác phẩm Camus có Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc, Vũ Đình Lưu, Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo, Bùi Giáng, Võ Lang, Dương Kiền, Tuấn Minh và sau 1975 có thêm Dương Tường, Lê Hoàng Dân, Nguyễn Văn Dân. Đặc biệt, có đến bảy dịch giả cùng chọn dịch nguyên tác L’E1tranger (Kẻ xa lạ) của Camus.

Riêng với Bùi Giáng, sự gặp gỡ sáng tác của Camus dường như là niềm tương ngộ, tương tri để từ đó tạo nên sự gắn bó lâu bền. So với các dịch giả khác, ngoại trừ Trần Phong Giao (dịch năm tác phẩm của Camus), Bùi Giáng tập trung dịch và dịch nhiều nguyên tác của Camus hơn hẳn. Cụ thể, chúng tôi tìm thấy các văn bản dịch sau:

- Mùa hè sa mạc (L’Été – Le Désert – Noces), Nxb. Võ Tánh, 1968.

- Mùa hè (L’Été), Nxb. Võ Tánh, 1968.

- Ngộ nhận (Le malentendu), Nxb. Võ Tánh, 1967.

- Bạo chúa Caligula (Caligula), Nxb. Võ Tánh, 1967.

- Con người phản kháng (L’Homme révolté), Nxb. Võ Tánh, 1968.

- Biển đông xe cát (Le Mythe de Sisyphe), Nxb. An Tiêm, 1969.

- Tuyển dịch một số tiểu luận, tuỳ bút của Camus cùng với các tiểu luận của André Gide, Martin Heidegger, tập hợp trong Sương Tỳ Hải,  Nxb. An Tiêm, 1972.

Bùi Giáng dịch tác phẩm Albert Camus phải chăng vì Camus là một trong hai nhà đại diện chủ chốt của chủ nghĩa hiện sinh Pháp thế kỉ XX? Phải chăng vì ông là một trong những tên tuổi trên văn đàn, có ảnh hưởng nhiều đến văn học Pháp và thế hệ thanh niên Pháp? Thiết nghĩ, ngoài những lí do trên, còn có thể lí giải về điều này dựa trên những điểm tương đồng của hai nhà văn - mà chúng tôi đã nói đến - ở góc độ thời đại, cuộc đời, tư tưởng và mối quan tâm về thân phận con người. Hơn hết, đó còn do cơ duyên.

Khó có thể đòi hỏi các bản dịch của Bùi Giáng cùng lúc thoả cả ba yếu tố “tín – đạt – nhã” theo quan điểm của các nhà nghiên cứu dịch thuật. Bởi lẽ, ngoài việc theo tiêu chí chung, ông còn dịch theo quan niệm riêng của mình. Trong Lời bạt của dịch phẩm Ngộ nhận, Bùi Giáng nêu quan điểm: “Dịch văn là sáng tạo trở lại một áng văn trong một ngôn ngữ khác. Dầu dịch một cuốn sách, hay dịch một đoạn, một câu thôi, dầu dịch hay, dầu dịch dở, cũng không cách gì thoát khỏi vòng yêu sách của tái tạo. Nguyên tác càng sâu thẳm, sự tái tạo càng phức tạp hơn” [4, tr.179]. Từ quan điểm đó, ông vừa dịch vừa luận giải, như trường hợp Con người phản kháng. Ông dịch đến độ có được kinh nghiệm riêng: “Đọc “văn” Camus, Gide, Heidegger, nên lưu ý tới những “mệnh đề phụ”, những khoảng lưu không bạch xứ của Vô Ngôn, qua những trận cưỡng bức ngôn từ (một cách tịch mịch) trong cách điệu “user de violence” [8, tr.9]. Có lẽ “user de violence” được dùng với nghĩa “sử dụng bạo lực”. Từ thực tiễn dịch Mùa hè sa mạc, ông nhận ra: “Dịch sang lời Việt, tiếng nói của Camus bỗng đứng ngay tại Thông Đạo Ngã Ba của lục bát Nguyễn Du. Nghĩa là: tại một vùng ẩn mật vô sắc vô tướng vô tức vô thanh” [6, tr.19]. Điều này cũng làm rõ việc ông đưa các bài thơ dịch, thơ Nguyễn Du, Tản Đà  hoặc thơ của chính ông vào các bản dịch văn xuôi của Camus.

Nhiều người không hài lòng, không thích cách dịch của Bùi Giáng, thậm chí khó chịu như với trường hợp Biển Đông xe cát, ở nội dung cuối “Cung thành Sisyphe ” bàn về tư tưởng của Saint Exupéry, ông dừng lại với lí do: “Cung thành bản thảo không may bị cháy mất. Xin thay thế tiếp vào bằng một ít bài thơ” [9, tr.132]. Tuy nhiên, những phát biểu của Bùi Giáng về việc dịch văn, tiêu biểu là dịch Camus đã cho thấy tâm huyết của ông trong việc dịch tác phẩm của nhà văn này. Mặt khác, khi dịch Caligula, ông cũng từng tuyên bố: “Tôi không nhắm mắt làm một cách vô ý thức” [5, tr.5].

Trong khi nhiều người dịch L’E1tranger và nhiều tiểu thuyết khác thì Bùi Giáng chọn dịch các tiểu luận tiêu biểu. Dịch các tiểu luận, Bùi Giáng đã giới thiệu quá trình phát triển tư tưởng của Camus, từ ý thức về mối giao hoà giữa con người và vạn vật; ý thức về thân phận, về niềm khắc khoải vô hạn, về phận sự tìm công bằng, ý nghĩa cho hạnh phúc giữa những điều phi lí (trong Mùa hè sa mạc), đến những cảm nhận về sự mất mát của những điều bình dị, quen thuộc và tốt đẹp nhất; bị đẩy vào cuộc sống u ám, dậy sóng, nhiều hiểm hoạ (trong Mùa hè), đến những lí luận về cái phi lí của đời người, của thế giới thực tại (trong Biển Đông xe cát), đến những suy nghiệm về tiến trình nổi loạn và tội ác (trong Con người phản kháng). Có thể nói, Bùi Giáng đã tỏ hành trình sáng tác và hành trình tư tưởng của Camus.

Hiểu được những dư vang u ẩn, tiếng kêu của “thế kỉ bị tử thương” trong tác phẩm của Camus, Bùi Giáng chọn dịch hai kiệt tác thuộc thể loại kịch - Ngộ nhậnBạo chúa Caligula - với sự sáng tạo và cảm xúc mãnh liệt về số phận, về tội ác của con người. Nếu Ngộ nhận là một xã hội của những dâu biển đa đoan, của oan nghiệt tồn sinh, của những mưu toan đẫm máu thì Bạo chúa Caligula là triều đình của một vì vua nổi loạn, thách thức triều thần thông qua những hành động điên cuồng, tàn nhẫn, những tranh luận, triết lí mang tính chất phi lí. Trong lời tựa bản dịch Bạo chúa Caligula, Bùi Giáng bộc lộ cảm xúc: “Le Malentendu xui ta thảng thốt. Caligula xui ta kinh hoàng. Kinh hoàng trong cuộc chết đứng để hồi sinh nằm” [5, tr.3].

Những văn bản dịch tỏ rõ thái độ, sự sáng tạo và xúc cảm của Bùi Giáng, cho thấy niềm tương ngộ thiết thân giữa dịch giả và nhà văn Camus. Bùi Giáng đã góp phần đưa tư tưởng hiện sinh và sáng tác của Camus – cột trụ của văn học phi lí – đến với công chúng Việt Nam.

Bùi Giáng ở phương Đông, Albert Camus ở tận phương Tây nhưng khoảng cách địa lí xa xôi không phải là một trở ngại đối Bùi Giáng trong việc tiếp nhận Camus. Bởi lẽ, ông tiếp thu chủ nghĩa hiện sinh của Camus trong sự thuận lợi về mặt lịch sử - xã hội: chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ; chủ nghĩa duy linh nhân vị không còn chỗ tồn tại; triết học hiện sinh được các giáo sư, nhà nghiên cứu đưa từ phương Tây vào Việt Nam thu hút đông đảo các giới… Cũng bởi lẽ, Bùi Giáng đã bị lôi cuốn bởi tư tưởng và sáng tác của Camus nên đã nhập tâm nghiên cứu, dịch thuật tác phẩm của nhà văn này. Và cũng có thể nói, sáng tác của Bùi Giáng đậm nỗi suy tư, âu lo về con người, cuộc sống, chịu ảnh hưởng từ tư tưởng hiện sinh của Camus.

Hà Minh Châu (Tiến sĩ, Trường Đại học Sài Gòn)
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An

--------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Dân (2002), Văn học phi lí, Nxb. Văn hoá Thông tin, Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.

2. Xavier Darcos (1997), Lịch sử văn học Pháp, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

3. Nguyễn Tiến Dũng (2006), Chủ nghĩa hiện sinh – lịch sử, sự hiện diện ở Việt Nam, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.

4. Bùi Giáng (dịch) (1967), Ngộ nhận, Nxb. Võ Tánh, Sài Gòn.

5. Bùi Giáng (dịch) (1967), Bạo chúa Caligula, Nxb. Võ Tánh, Sài Gòn.

6. Bùi Giáng (dịch) (1968), Mùa hè sa mạc, Nxb. Võ Tánh, Sài Gòn.

7. Bùi Giáng (dịch) (1968), Mùa hè, Nxb. Võ Tánh, Sài Gòn.

8. Bùi Giáng (dịch) (1968), Con người phản kháng, Nxb. Võ Tánh, Sài Gòn.

9. Bùi Giáng (dịch) (1969), Biển đông xe cát, Nxb. An Tiêm, Sài Gòn.

10. Bùi Giáng (2008), Martin Heiderger và tư tưởng hiện đại, Nxb. Văn học, Hà Nội.

11. Bùi Giáng (2008), Tư tưởng hiện đại, Nxb. Văn hoá Sài Gòn.

12. Bùi Giáng (2012), Mưa nguồn, Nxb. Văn hoá – Văn nghệ.

13. C. de Ligny – M. Rousselot (1998), Văn học Pháp, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

14. Huỳnh Như Phương (2008), Những nguồn cảm hứng trong văn học, Nxb. Văn nghệ, TP.HCM.

15. Đỗ Lai Thuý (2012), Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

16. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2007), “Đi tìm cổ mẫu trong văn học Việt Nam”, Nghiên cứu văn học số 1-2007, tr.105 – tr.130.

17. Nhóm tác giả (1997), Văn học phương Tây, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.


[1] Ý của Nguyễn Đình Tuyến trong Những nhà thơ hôm nay.

[2] Ý của Tạ Tỵ trong Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay.

* Theo Xavier Darcos trong Lịch sử văn học Pháp (bản dịch củA Phan Quang Định – Nxb Văn hoá Thông tin – 1997), đây là tuyên bố của nhà văn Camus.

* Ý của Bùi Văn Nam Sơn trong bài giới thiệu quyển Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại của Bùi Giáng nhân quyển sách được Nxb. Văn học tái bản năm 2000, tr.9.

* Cụm từ Đỗ Lai Thuý dùng để nói về ngôn ngữ trong tập thơ Mưa nguồn của Bùi Giáng.

* Nhận định của  Huỳnh Như Phương trong bài “Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 (trên bình diện lý thuyết)”.