Ngày đăng : 06/02/2015

Tạp chí Bách Khoa và đời sống xã hội Sài Gòn


Bài viết này nghiên cứu đời sống xã hội ở Sài Gòn thông qua góc nhìn của tạp chí Bách Khoa. Bằng cách lần theo các dấu vết của tờ báo như giá bán, số trang, chủ đề bài viết, nội dung bài viết, số quảng cáo… chúng tôi sẽ trình bày những nét cơ bản về đời sống chính trị, đời sống kinh tế và đời sống văn hóa (tập trung vào đời sống báo chí) tại Sài Gòn trong giai đoạn (1954-1975).


Tạp chí Bách Khoa - Nguồn: Sachxua

1. Giới thiệu về tạp chí Bách Khoa

1.1. Hoàn ảnh ra đời

Sau khi hiệp định Gèneve 1954 được ký kết, Huỳnh Văn Lang, Đỗ Trọng Chu, Lê Thành Cường- đang học và làm việc ở nước ngoài, về nước theo lời kêu gọi của Ngô Đình Diệm,  trong khi đợi bổ nhiệm công việc- đã cùng nhau sáng lập hệ thống trường Bách Khoa Bình dân. Họ áp dụng lối giáo dục thực dụng vừa dạy chữ vừa dạy nghề để nâng cao dân trí. Sau đó, Ngô Đình Diệm bổ nhiệm Huỳnh Văn Lang giữ chức vụ Giám đốc viện Hối đoái. Với vị thế xã hội đó, Huỳnh Văn Lang dễ dàng thực hiện các ý tưởng khác. Một trong những ý tưởng đó là thành lập ban Nghiên cứu kinh tế và tài chính trực thuộc hội Văn hóa bình dân[1]. Rồi từ những kết quả hoạt động của ban Nghiên cứu, Huỳnh Văn Lang cùng với một số cộng sự muốn ra một tờ báo nhằm đưa các ý kiến, các kết quả nghiên cứu ra công luận. Họ bèn xin nhãn báo Bách Khoa bình dân đình bản từ số 2, cắt bỏ hai chữ “bình dân” để chỉ còn hai chữ Bách Khoa (Nguyễn Hiến Lê. 1993, tr.184). Để Bách Khoa được xuất bản, Huỳnh Văn Lang đã vận động sự đóng góp từ một số thân hữu và một số chuyên viên ngân hàng dưới quyền của ông. Có 30 vị tham gia đóng góp, mỗi người đóng góp 10.000 đồng[2]. Đó là các ông: Lê Đình Chân, Tăng Văn Chỉ, Đỗ Trọng Chu, Lê Thành Cường, Trần Lưu Dy, Lê Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Lê Giang, Phạm Ngọc Thuần Giao, Nguyễn Hữu Hạnh, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Văn Khải, Phạm Duy Lân, Nguyễn Quang Lệ, Trần Long, Bùi Bá Lư, Lương Chí Sanh, Nguyễn Huy Thanh, Bùi Kiến Thành, Hoàng Khắc Thành, Phạm Ngọc Thảo, Bùi Văn Thịnh, Vũ Ngọc Tiến, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Tấn Trung, Phạm Kim Tương, Hoàng Minh Tuynh, Bùi Công Văn. Có một người chỉ đóng góp 5.000 đồng và không được nhắc đến tên. Những người này luôn có tên ở bìa sau của tạp chí trong những năm đầu. Tuy nhiên, họ không tham gia viết lách gì cho Bách Khoa cả (Nguyễn Thụy Hinh. 2008).

1.2. Nội dung bài vở

Bách Khoa là tạp chí bán nguyệt san, mỗi tháng phát hành hai số. Tổng cộng trong suốt hơn 18 năm tồn tại, từ 15-1-1957 đến 30-4-1975, Bách Khoa đã in được 426 số. Trong thời gian tồn tại, Bách Khoa có 2 lần đổi tên. Lần thứ nhất là đổi từ Bách Khoa (1/1957 đến 1/1965) thành Bách Khoa thời đại (2/1965 đến 12/1969). Lần thứ hai là đổi từ Bách Khoa thời đại thành Bách Khoa (1/1970 đến 4/1975).

Nội dung bài vở của Bách Khoa có thể được chia làm ba phần như sau: Phần biên khảo – nghị luận: gồm các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo dục, triết học, văn hóa,  tôn giáo, sử-địa, khoa học, v.v…phần văn nghệ: gồm truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, thơ, đàm thoại, phỏng vấn, tùy bút, hồi ký, bút ký…và phần tin tức: gồm tin chính trị, tin văn nghệ, tin khoa học. (bắt đầu từ số 195/1965).

1.3. Lượng phát hành và thành phần độc giả

Mỗi số Bách Khoa phát hành khoảng từ 4.000 đến 4.500 bản, Bách Khoa có số độc giả dài hạn trên 1.000, trong đó khoảng 100 ở ngoại quốc (Nguyễn Hiến Lê. 1993, tr.185). Khi cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang, việc vận chuyển về các tỉnh gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là  độc giả miền Trung, lượng phát hành bị giảm sút, đặc biệt sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, lượng phát hành giảm xuống còn 3.000 bản.

Về thành phần độc giả, Nguyễn Hiến Lê cho biết độc giả Bách Khoa đa số là hạng đứng tuổi chiếm đa số, còn giới trẻ chê là khô khan, nặng về biên khảo nhẹ về sáng tác (Nguyễn Hiến Lê. 1993, tr.189). Nhưng ông Lê không nói rõ độc giả thuộc những thành phần nào. Theo chúng tôi khảo sát, kiểm chứng ở mục liên lạc, phản hồi thư từ bài vở giữa ban biên tập Bách Khoa với độc giả và cộng tác viên cho thấy số độc giả trẻ không phải là ít. Tuy nhiên, Bách Khoa không có nhiều độc giả thuộc giới bình dân, giới tiểu thương, công nhân mà phần lớn là giới trí thức, giới công chức trung lưu và sinh viên.

1.4. Cộng tác viên

Trong khoảng hơn 18 năm tồn tại, Bách Khoa đã đăng 6.058 bài của hơn 700 tác giả. Làm nên vóc đáng của Bách Khoa có nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp xã hội. Xin nêu một số văn nghệ sĩ có tên tuổi trong làng văn nghệ miền Nam góp mặt trên Bách Khoa như sau:

Thế hệ tiền chiến: Cung Giũ Nguyên, Vi Huyền Đắc, Đông Hồ, Hư Chu, Toan Ánh, Quách Tấn, Tương Phố, Nữ sĩ Mộng Tuyết, Giản chi Nguyễn Hữu Văn, Đông Xuyên, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu…

Lớp trí thức, công chức chính quyền: Đoàn Thêm, Nguyễn Hiến Lê,Trần Thúc Linh, Hoàng Minh Tuynh, Đỗ Bằng Đoàn, Hồ Hữu Tường, Trần Văn Khê, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc Lan, Lê Ngọc Trụ, Vũ Đình Lưu, Lê Văn Siêu, Trương Văn Chình,  Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Võ Quang Yến, Nguyễn Trọng Văn, Phạm Công Thiện, Đỗ Trọng Huề, Bùi Văn Thịnh, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Bão (Phan Văn Tạo), Đặng Văn Nhâm, Đỗ Tiến Đức, Châu Hải Kỳ, Nguyễn Phương…

Các nhà văn: Doãn Quốc Sỹ, Mặc Thu, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Đức Sơn, Tạ Tỵ, Phan Du, Lê Tất Điều, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Ngu Í, Võ Hồng, Thế Uyên, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Phạm Duy, Minh Đức Hoài Trinh, Minh Quân, Thanh Lãng, Đinh Hùng, Lê Phương Chi, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca, …

Tuy nhiên, Bách Khoa vẫn có một đội ngũ cộng tác cố định: Về biên khảo có Hoàng Minh Tuynh, Huỳnh Văn Lang, Nguyễn Hiến Lê, Đoàn Thêm, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngu Í, Võ Quang Yến, Trần Văn Khê, Duy, Lê Phương Chi, Tiểu Dân, Trần Đại, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Hầu, Cô Liêu (tức Vũ Đình Lưu), Từ Trì, Thế Nhân. Về văn chương có Vũ Hạnh, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Lê Tất Điều, Hoàng Ngọc Tuấn, Trùng Dương, Thế Uyên, Trần Hoài Thư, Đông Hồ, Phan Du. Về tin tức có Võ Phiến, Thu Thủy, Tử Diệp, Nguyễn Ngu Í, Võ Quang Yến, Minh Đức Hoài Trinh. Trong đó Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hữu Ngư (Nguyễn Ngu Í), Võ Phiến, Đoàn Thêm là những cây viết chính với hơn 100 bài cho Bách Khoa trong suốt 18 năm tồn tại.

2. Bách Khoa và đời sống xã hội Sài Gòn

Ở phần này, chúng tôi sẽ lần theo một số dấu vết của tờ báo như sự tăng giảm về giá bán, lượng quảng cáo trên mỗi số, số trang trên mỗi số cũng như sự tăng giảm các bài viết từng lĩnh vực. Chúng tôi cũng khảo sát từng chủ đề của mỗi bài viết bởi vì nó cho biết mức độ quan tâm của công luận đối với các vấn đề xã hội và ý nghĩa của từng chủ đề trong bối cảnh kinh tế-chính trị-xã hội Sài Gòn. Mục đích của các khảo sát này nhằm để phác họa bức tranh về đời sống xã hội ở Sài Gòn gồm đời sống chính trị, đời sống kinh tế và đời sống văn hóa chủ yếu là đời sống báo chí. Chúng tôi mô tả đời sống xã hội này với cách nhìn từ bên trong ra ngoài, tức là từ Bách Khoa nhìn ra xã hội.

2.1. Bách Khoa và đời sống chính trị Sài Gòn

Bách Khoa khởi đầu với một số vốn ít ỏi. Vốn ở đây bao gồm tài chính, nhân sự và đội ngũ cộng tác. Với một số vốn đóng góp nhỏ ban đầu, một số bài vở là kết quả sinh hoạt của ban Nghiên cứu kinh tế tài chính và vài nhân sự tòa soạn, những người sáng lập phân công nhau mời thêm các văn nghệ sĩ khác tham gia cộng tác với tờ báo, trước hết là các văn nghệ sĩ tiền chiến. Trong năm đầu tiên 1957, họ đã mời được Á nam Trần Tuấn Khải, Vi Huyền Đắc, Hư Chu, Nguyễn Hiến Lê, Đông Xuyên, Thiên Giang, Quách Tấn, Hào nguyên Nguyễn Hóa, Hoàng Thái Linh (Nguyễn Văn Trung), Trần Văn Khê, Đặng Văn Nhâm, Mặc Thu, Bùi Giáng, Minh Đức, Cô Liêu (Vũ Đình Lưu), Phan Lạc Tuyên, Bác sĩ Nguyễn Văn Ba, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Huy Thanh, Võ Thu Tịnh, Vũ Thừa Chi, Thuần Phong, Võ Phiến, Nguyễn Tử Quang, Nguyễn Huy Thanh…

Trong 24 số đầu năm 1957, các thành viên của Ban sáng lập gồm: Huỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Ngu Í, Phạm Thị Nhiệm là những cây viết chính cho tờ báo. Trong đó, Huỳnh Văn Lang có 13 bài/24 số, Hoàng Minh Tuynh có 18 bài/24 số, Phạm Ngọc Thảo có 14 bài/24 số, Nguyễn Ngu Í có 12 bài/24 số, Phạm Thị Nhiệm có 5 bài/24 số.  Lĩnh vực đảm trách của từng thành viên sáng lập như sau: Huỳnh Văn Lang viết về kinh tế, Hoàng Minh Tuynh viết về Công giáo và chính trị, Phạm Ngọc Thảo viết về quân sự, Phạm Thị Nhiệm và Nguyễn Ngu Í viết về các đề tài xã hội, đặc biệt về phụ nữ.

Trong bối cảnh sinh hoạt báo chí Sài Gòn, tích chất chính trị là thường được tính đến trong hoạt động của bất kì tờ báo nào. Khi xem xét nội dung các bài viết trong 24 số đầu tiên, chúng tôi thấy rằng các bài viết này có tính chất cổ xúy cho các chính sách kinh tế và văn hóa của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mục đích của các chính sách này là nhằm thay đổi thái độ và niềm tin công chúng vào hình ảnh quốc gia miền Nam, một quốc gia có ranh giới, độc lập và tự cường. Biện pháp thực hiện các chính sách này là tổ chức các buổi nói chuyện, tổ chức các buổi lễ kỉ niệm và viết sách báo. Để nâng cao tinh thần quốc gia dân tộc, chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng các hình ảnh của các nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Hùng Vương, Quang Trung, đặc biệt chính quyền Ngô Đình Diệm rất chú ý khai thác hình ảnh người phụ nữ và họ đã sử dụng hình ảnh Hai Bà Trưng cho các chương trình vận động, tuyên truyền.

Vì vậy, chúng tôi dễ dàng thấy được tính chất “cổ xúy” qua tên bài viết của các thành viên sáng lập trong 24 số đầu.

Trong 24 số đầu, Huỳnh Văn Lang viết một loạt bài như sau Thử tìm một giải pháp để xuất cảng (Bách Khoa số 1), Kế hoạch kinh tế (BK số 2), Một ít nhận xét về phong trào hợp tác xã (BK số 3), Tìm hiểu giá trị đồng bạc (BK số 4), Chính sách thuế vụ (BK số 5 và 6), Chính sách tiền tệ (BK số 7), Tìm hiểu cán cân chi phó (BK số 9), Thử tìm một giải pháp để giải quyết vấn đề phân phối hàng hóa (BK số 10), Trở lại kế hoạch năm năm, thử đề nghị một thí nghiệm (BK số 12), Hợp tác xã tiêu thụ (BK số 13), Khủng hoảng tiền tệ? (BK số 14), Một ít nhận xét về chế độ bảo vệ kinh tế (BK số 23).  Mục đích của bài viết này là phân tích các cơ sở lý thuyết kinh tế để từ đó đề xuất các biện pháp thích hợp cho hoàn cảnh kinh tế miền Nam, đối tượng mà các bài viết này nhắm đến là các nhà hoạch định kinh tế của chính quyền. Ngoài ra về kinh tế, trên Bách Khoa trong 24 số đầu còn có một số bài viết khác như Một giai đoạn mới trong chính sách kinh tế (BK số 1, 2) của Bùi Văn Thịnh, Vấn đề tài trợ những tiểu xí nghiệp (BK số 3), Quỹ tiết kiệm (BK số 5), Vấn đề bảo hiểm (BK số 9, 10, 11, 12) của Nguyễn Huy Thanh, Thử tìm biện pháp thích ứng để nâng đỡ xuất cảng sản phẩm Việt Nam (BK số 4), Quân bình giá vật (BK số 6) của Tăng văn Chỉ.

Trong 24 số đầu, Hoàng Minh Tuynh có 18 bài/24 số, có nghĩa là gần như mỗi số đều có bài của Hoàng Minh Tuynh. Các bài viết của ông thường đề cập về Công giáo và chính trị gồm có Giáo hội với đà tiến triển của thế giới hiện nay (BK số 2), Trách nhiệm của người Công giáo đối với hòa bình (dịch) (BK số 3),  Trách nhiệm của người Công giáo đối với anh em vô thần (dịch) (BK số 4), Đức ái nhân của Thiên chúa giáo (dịch) (BK số 5, 6), Luận về chế độ dân chủ (BK số 7), Chế độ dân chủ cổ điển (BK số 8), Chế độ dân chủ cổ điển: chủ trương của phái Trọng nông (BK số 12), Chế độ dân chủ cổ điển: nước Anh (BK số 15, 18, 19, 20), Chế độ dân chủ cổ điển: Hiệp chủng quốc Mỹ Châu (BK số 21, 22, 23, 24).

Phạm Ngọc Thảo viết các bài về quân sự. Trong 24 số đầu, Phạm Ngọc Thảo có 14 bài gồm Thế nào là quân đội mạnh (BK số 1), Đánh giặc mà không giết người (BK số 2), Góp ý kiến về thiên “Mưu Công” của Binh thư Tôn Tử (BK số 3), Một ý kiến về vấn đề lãnh đạo tinh thần một đơn vị quân đội (BK số 4), Vấn đề kinh tế tự túc trong quân đội (BK số 5), Thiên “kế” của Binh thư Tôn Tử (BK số 6), Vấn đề học tập văn hóa trong quân đội (BK số 7), Vấn đề tập trung lực lượng trong quân đội (BK số 9), Vấn đề xử dụng người (BK số 11), Lực lượng quân sự cơ động và lực lượng quân sự địa phương (BK số 13), Quân đội và nhân dân (BK số 14), Chiến tranh không mặt trận (BK số 15), Quân đội đi bình định đem lại bình an hay oán hận (BK số 16). Các bài viết của Phạm Ngọc Thảo được độc giả đánh giá cao. Nguyễn Hiến Lê nhận xét Phạm Ngọc Thảo là “một người thấp nhỏ, rất hoạt động, có tư tưởng tiến bộ, viết một số bài về quân sự, tỏ ra có kinh nghiệm và biết suy nghĩ” (Nguyễn Hiến Lê. 1993, tr.185).

Cho nên có thể nói từ 1957-1959, Bách Khoa hoạt động như là một tờ báo “thân chính quyền”. Cho tới khi mỗi thành viên của Ban sáng lập tách ra, mỗi người theo đuổi các công việc khác và Lê Ngộ Châu xuất hiện thì  Bách Khoa mới hoạt động như là một tờ báo “trung lập” và thuần chất văn nghệ hơn. Vì vậy, nhiều nghiên cứu sau này xếp Bách Khoa vào tờ báo văn học hoặc sinh hoạt văn hóa- văn nghệ. Nguyễn Hiến Lê nhận xét:

“… Đến năm 1959, một phần nhờ Lê Ngộ Châu (đã hồi theo kháng chiến rồi về Hà Nội dạy tư), được Huỳnh Văn Lang giao cho nhiệm vụ tựa như thư ký tòa soạn, mà tờ báo khởi sắc, có một đường lối rõ rệt, đường lối thứ ba, không theo Cộng mà cũng không theo Mỹ…” (Nguyễn Hiến Lê. 1993, tr.185).

Mặc dù các bài viết biên khảo và tin tức chính trị gia tăng trong giai đoạn sau, từ sau 1965, nhưng chủ yếu nhằm cập nhật tình hình chính trị quốc tế còn tình hình chính trị trong nước lại ít được quan tâm. Chính cái tính chất trung lập, dung hòa giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau làm cho Bách Khoa có một chỗ đứng khá vững trong sinh hoạt báo chí và chính trị. Võ Phiến viết:

“Cũng như tờ Văn, Bách Khoa là một tạp chí dung hòa rộng rãi mọi khuynh hướng. Không có chủ trương “văn nghệ cách mạng” cũng không chủ trương “vượt thời gian”, nó đăng bài của các lão thi sĩ tiền bối Đông Hồ, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, lẫn truyện của Thanh Tâm Tuyền, Trùng Dương… Về mặt chính trị, sức dung hòa của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh, lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo…” (Võ Phiến. 2000. tr.96)

Phan Du viết:

“Bất luận là trẻ già, là mới cũ, là duy vật, là Phật giáo hay Công giáo, khuynh hướng chính trị, văn chương thế nào, đều được đón nhận với sự cảm thông và được chung đụng trong cái thể hòa đồng, cởi mở” (Phan Du. 1972. tr.79)

2.2. Bách Khoa và đời sống kinh tế Sài Gòn

Đọc các bài viết về kinh tế trên Bách Khoa, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế miền Nam phát triển với nhiều bất ổn: vật giá gia tăng liên tục; nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu mà thành phần nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, ngay cả gạo cũng nhập khẩu mặc dù miền Nam là vựa lúa; thiếu nguyên liệu khiến cho sản xuất đình đốn, nạn đầu cơ các nhu yếu phẩm. Các bài viết cũng cho biết sở dĩ nền kinh tế miền Nam phát triển bất thường là do một chính sách viện trợ ồ ạt. Chính sách này, dưới hình thức hàng hóa nhập cảng, đã biến nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế tiêu dùng và bị lệ thuộc trầm trọng. Cùng với chính sách viện trợ là những khoản chi tiêu của quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh, những khoản ngoại tệ do chính phủ Mỹ đổi cho Chính phủ Sài Gòn để lấy tiền Việt Nam, nhằm chi tiêu cho những cơ quan và đơn vị Mỹ đóng tại bản địa đã tung ra thị trường vài tỷ đôla/năm đã làm lượng tiền tệ tồn tại ngoài thị trường rất lớn.

Để kiểm chứng cho những lập luận trên, chúng tôi đã khảo sát và so sánh giá bán của Bách Khoa qua thời gian. Chúng tôi cũng xem xét một số yếu tố khác như có bao nhiêu số bán với một giá nhất định, trong thời gian tồn tại Bách Khoa có bao nhiều lần tăng giá bán, mỗi lần tăng bao nhiêu để xem mức độ tăng giá như thế nào. Kết quả như sau:

Thời gian

Tổng số tháng

Số lượng tạp chí

Giá bán

Từ

Đến

1/1957

6/1960

42 tháng

42 x 2 = 84 số

8 đồng

7/1960

12/1965

66 tháng

66 x 2 = 132 số

10 đồng

1/1966

7/1966

7 tháng

7 x 2 = 14 số

12 đồng

8/1966

12/1966

5 tháng

5 x 2 = 10 số

15 đồng

1/1967

6/1967

6 tháng

6 x 2 = 12 số

20 đồng

7/1967

7/1968

13 tháng

13 x 2 = 26 số

25 đồng

8/1968

10/1969

15 tháng

15 x 2 = 30 số

30 đồng

11/1969

6/1970

8 tháng

8 x 2 = 16 số

40 đồng

7/ 1970

12/1971

18 tháng

18 x 2 = 36 số

50 đồng

1/1972

7/1972

7 tháng

7 x 2 = 14 số

70 đồng

8/1972

12/1972

5 tháng

5 x 2 = 10 số

80 đồng

1/1973

6/ 1973

6 tháng

(6 x 2) – 3 = 9 số*

100 đồng

7/1973

12/1973

6 tháng

(6 x 2) – 3 = 9 số**

120 đồng

1/1974

6/1974

6 tháng

(6 x 2) – 3 = 9 số***

150 đồng

7/1974

4/1975

10 tháng

(10 x 2) – 5 = 15 số****

200 đồng

Kết quả khảo sát cho thấy trong những năm đầu 1957-1960, vật giá được bình ổn. Nhưng bắt đầu từ 1960, vật giá bắt đầu gia tăng. So sánh giá bán năm 1970 với giá bán năm 1960, cho thấy rằng vật giá đã gia tăng 500%, đặc biệt từ sau Tết Mậu Thân, từ năm 1968 đến 1970, , vật giá đã tăng 200%.  So sánh năm năm cuối tức 1975 với 1970, vật giá gia tăng 400%.

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta thấy rằng trong 18 năm tồn tại, Bách Khoa có 14 lần tăng giá bán, mức tăng giá bán không theo trình tự tiệm tiến, mà có sự nhảy vọt, từ mức tăng thêm 2 đồng, 3 đồng, 5 đồng sau mỗi đợt tăng giá từ 1957-1967, mức tăng đã nhảy vọt lên 10 đồng, 20 đồng, 30 đồng sau những mỗi đợt tăng giá trong những năm 1968-1975. Trong đó, số tạp chí giữ một giá bán nhất định cũng giảm xuống từ 132 số xuống còn 16 số, thấp nhất là 9 số, đặc biệt từ 1972 đến 1974. Như vậy, giá bán tăng nhanh và liên tục, đặc biệt từ 1968 và số tạp chí giữ được một giá bán chỉ còn 9 số sau mỗi đợt tăng giá.

Và việc tăng giá bán này không đồng nghĩa với sự tăng bài viết hay số trang giấy, mà ngược lại, số bài viết, số trang trên Bách Khoa giảm đi (xem phần phân tích tiếp theo).

2.3. Bách Khoa và đời sống văn hóa Sài Gòn

Trong đời sống văn hóa Sài Gòn, chúng tôi tập trung trình bày đời sống báo chí Sài Gòn. Nhìn chung, xét về mặt nội dung, báo chí Sài Gòn nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ và giải trí, ít chú trọng tới mảng kinh tế hay chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế.

Trong một xu hướng như thế, chúng tôi đã thống kê và phân loại tất cả các bài viết trên 426 số Bách Khoa (1957-1975) bao gồm 6.508 bài theo từng lĩnh vực khác nhau và chia thời gian hoạt động của Bách Khoa thành hai giai đoạn (1/1957 đến 1/1965) và (2/1965 đến 4/1975) để xem tích chất hoạt động của Bách Khoa và sự thay đổi giữa các lĩnh vực như thế nào qua thời gian. Kết quả như sau:

Lĩnh vực

Tổng số bài

Tổng số

Giai đoạn 1

(1/1957 đến 1/1965)

Giai đoạn 2

(2/1965 đến 4/1975)

Bách Khoa, Bách Khoa thời đại*

106

67

39

Tin tức

365

47

318

Văn học

2995

1665

1330

Lịch sử

317

196

121

Chính trị

771

328

443

Kinh tế

171

103

68

Văn hóa

573

332

241

Giáo dục-y tế

342

138

204

Dân tộc học, ngôn ngữ học

39

36

3

Triết học

218

122

96

Tôn giáo

127

89

38

Xã hội

168

77

91

Khoa học kỹ thuật

192

111

81

Khác

124

58

66

Tổng số

6.508

3.369

3.139

Từ kết quả trên cho thấy tích chất hoạt động của Bách Khoa cũng giống như xu hướng chung của báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ, nghĩa là nghiêng về văn nghệ, chính trị và giải trí. Các tác phẩm văn xuôi và phê bình văn học chiếm đến 2.995 bài, các bài viết về chính trị chiếm 771 bài, các bài viết về văn hóa có 573 bài. Mặc dù được khởi xướng từ một số người công chức kinh tế nhưng trong suốt thời gian tồn tại 18 năm các bài viết về kinh tế chỉ có 171 bài.

Khi so sánh sự tăng giảm các bài viết trong từng lĩnh vực giữa hai giai đoạn (1/1957 đến 1/1965) và (2/1965 đến 4/1975), chúng tôi nhận thấy bốn lĩnh vực có sự gia tăng bài viết là tin tức, chính trị, giáo dục, xã hội, tăng mạnh nhất là tin tức trong khi các lĩnh vực còn lại đều giảm (xem bảng). Chúng tôi cũng cần nói rõ thêm về việc phân chia thành hai giai đoạn như trên, chúng tôi chọn thời điểm Bách Khoa đổi tên thành Bách Khoa thời đại làm cột mốc phân chia giai đoạn. Việc phân chia này tỏ ra hữu ích khi chúng tôi nhận thấy sự giảm mạnh của tổng số bài viết. Giai đoạn 1 có tổng số 3.369 bài, giai đoạn 2 có tổng số 3.139 bài trong khi số tạp chí phát hành trong giai đoạn hai nhiều hơn giai đoạn thứ nhất 38 số nhưng số bài viết lại giảm đi 230 bài. Cụ thể là trong giai đoạn 1 từ 1/1957 đến 1/1965, kéo dài 97 tháng, Bách Khoa phát hành được 194 số với 3.369 bài trong khi giai đoạn hai từ 2/1965 đến 4/1975, kéo dài 123 tháng, Bách Khoa phát hành được 232 số mà chỉ có 3.139 bài.

Điều này, theo chúng tôi, là do những biến chuyển của thời cuộc và tình hình kinh tế-chính trị. Từ sau 1965 với sự leo thang của chiến tranh, sự đổ quân đội Mỹ vào miền Nam đã khiến cho các vấn đề chính trị gia tăng ở báo chí và cũng chính các sự kiện này cũng đẩy các vấn đề xã hội và giáo dục tăng theo. Bên cạnh đó là sự tác động của những yếu tố kinh tế-chính trị đã kéo sinh hoạt báo chí Sài Gòn vào tình trạng ngưng trệ, đặc biệt từ sau 1972. Thứ nhất, sắc luật 007/72 (buộc báo chí phải ký quỹ) đã “đẩy giới cầm bút vào cảnh thất nghiệp tạo ra bao cảnh cơ cực về tinh thần cũng như về vật chất” (Vũ Hạnh. 1973. tr.83), rồi tình trạng tăng giá và khan hiếm giấy làm cho sinh hoạt báo chí Sài Gòn từ 1973 gần như tê liệt. Ông Phạm Việt Tuyền đã liệt kê sự gia tăng giá giấy trong năm 1973 như sau:

+ Tháng 2/1973: 1.600 đồng/ 1 rame (500 tờ)

+ Tháng 4/1973: 1.670 đồng/ 1 rame

+ Tháng 5/1973: 2.650 đồng/ 1rame

+ Tháng 9/1973: 2.700 đồng/ 1 rame

+ Tháng 11/1973: 3.180 đồng/ 1 rame. (Thế Nhân. 1973. tr.125)

Chính vì vậy mà Bách Khoa từ năm 1973, 1974, mỗi năm in hụt mất 6 số chỉ in được 18 số thay vì 24 số. Riêng năm 1975, Bách Khoa chỉ được in 6 số thay vì 8 số nghĩa là hụt đi (tồn tại đến 4/1975). Vì giá giấy cao nên số trang trong mỗi số cũng giảm đi từ 5 đến 10 trang.

Nguyễn Hiến Lê cho biết thêm:

“…Từ vụ Tết Mậu Thân (1968), tờ báo mất một số lớn độc giả miền Trung– mà độc giả đó là phân nửa độc giả Bách Khoa– giá giấy và công in lại cao, nên lỗ. Ông Lê Ngộ Châu ráng giảm mọi chi phí– cả toà soạn chỉ có ông và hai người giúp việc– và duy trì tờ báo tới đầu 1975. Một nhà văn theo kháng chiến, ra Bắc về phải ngạc nhiên về sự làm việc của tòa soạn vì theo ông thì ở Bắc, một tờ định kỳ như vậy phải dùng ba chục nhân viên là ít…” (Nguyễn Hiến Lê. 1993. tr. 185).

Xét về tầm ảnh hưởng của Bách Khoa đối với dân chúng, chúng tôi thấy rằng “nhật báo ở Sài Gòn sau năm 1963 có chỗ đặc điểm của nó: báo ra đời nhiều hơn ở các thủ đô lớn trên thế giới (…) có lúc 40 tờ nhật báo Việt ngữ, rồi tuần san, bán nguyệt san nữa…” (Nguyễn Ngu Í. 1966. Tr. 60). Vì thế, trong cái rừng báo chí ấy và với số lượng phát hành ít ỏi, tầm ảnh hưởng của Bách Khoa đối với người dân Sài Gòn không lớn. Nguyễn Hiến Lê nhận xét:

“… Bách Khoa không có ảnh hưởng lớn như Nam Phong, Phong Hóa, Ngày nay trong dân chúng (…) Bách Khoa sinh sau bốn chục năm, vào cái thời mà số người viết đông, số độc giả cũng đông, gồm nhiều khuynh hướng, nên bị nhiều báo định kì chia bới độc giả…” (Nguyễn Hiến Lê. 2006. Tr. 189).

Mặc dù, tầm ảnh hưởng của Bách Khoa không lớn, tuy nhiên trong sinh hoạt báo chí Sài Gòn vào giai đoạn 1954-1975, Bách Khoa là một trong số rất ít tạp chí có mặt lâu dài trên diễn đàn báo chí và văn nghệ Sài Gòn.

3. Một số nhận xét

Trong sinh hoạt báo chí Sài Gòn 1954-1975, Bách Khoa là một trong số ít tạp chí tồn tại được trong suốt thời gian này. Căn cứ vào tôn chỉ mục đích và các bài viết trong 48 số đầu tiên cho thấy Bách Khoa là một tờ báo “thân chính quyền”. Những người sáng lập bao gồm Huỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Thị Nhiệm là những cây viết chính của Bách Khoa trong những năm đầu. Tùy theo sự quan tâm và chuyên môn của họ mà mỗi người lựa chọn lĩnh vực và chủ đề riêng. Khi xem xét các bài viết của họ, chúng tôi nhận thấy các bài viết này đã “cổ xúy” cho các đường lối, chính sách của chính quyền Ngô Đình Diệm. Trong hai năm đầu, Bách Khoa bị độc giả chê là khô khan, nặng về kinh tế và Công giáo. Nhưng tờ báo vẫn hoạt động được vì nhờ ảnh hưởng Huỳnh Văn Lang, lúc bấy giờ là giám đốc viện Hối đoái, cho nên tờ báo nhận được nhiều quảng cáo, đặc biệt là các quảng cáo về ngân hàng. Trung bình mỗi số, Bách Khoa có 15 quảng cáo. Số tiền thu được từ quảng cáo giúp tờ báo có thể đứng vững mà không cần sự trợ giúp của chính quyền và có tiếng nói riêng của mình.

Bên cạnh đó, Bách Khoa trong thời gian đầu hoạt động mang nhiều sắc thái của báo chí thời kỳ Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí. Viết báo nhằm mục đích giáo dục, giảng dạy luân lý, phổ biến các trào lưu tư tưởng. Phần nhiều các người cộng tác cho Bách Khoa thời kỳ đầu là thế hệ tiền chiến như Đông Hồ, Hư Chu, Cung Giũ Nguyên, Toan ánh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hữu Ngư, Vi Huyền Đắc, Á nam Trần Tuấn Khải… Họ vẫn quen với cung cách làm báo cũ. Cho nên, Bách Khoa không có ảnh hưởng lớn đến độc giả, số phát hành ban đầu chưa đến 1.000, độc giả chủ yếu là người lớn tuổi.

Vì những lý do riêng, những người sáng lập lần lượt ra đi, giao công việc trông nom, quản lý, chủ bút lại cho Lê Ngộ Châu. Theo Nguyễn Hiến Lê, từ khi có Lê Ngộ Châu mà tờ báo khởi sắc. Đóng góp của Lê Ngộ Châu đối với Bách Khoa là giữ vững được lập trường “trung lập” và duy trì hoạt động của tờ báo. Một điều đáng chú ý khác là ông Châu đã quy tụ và kết hợp được các văn nghệ sĩ thuộc các khuynh hướng chính trị, tôn giáo khác nhau, có người già lẫn người trẻ, có người cũ lẫn người mới, có nam lẫn nữ. Bách Khoa đón nhận cả Vũ Hạnh lẫn Võ Phiến, Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo với Lý Chánh Trung, Thích Nhất Hạnh, Thanh Lãng, Vi Huyền Đắc, Á Nam Trần Tuấn Khải lẫn Trần Hoài Thư, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Trùng Dương.

Nếu so sánh lượng phát hành của Bách Khoa với các tạp chí cùng loại thì đây là là lượng phát hành thấp. Bình Nguyên Lộc, người chủ trương tờ Vui Sống, nói rằng: “ Một tờ báo như Vui Sống phải bán được tám ngàn số thì mới đủ sống. Lúc ấy cho nó ra đời, tôi cũng liều. Nhưng cũng nắm một số yếu tố chắc ăn, tôi mới liều. Số ra mắt bán trên tám ngàn, nhưng số sau thì còn năm ngàn mấy. Mấy số sau, số bán có tăng lên, song tăng chậm, đến số 9, chưa tới mức tám ngàn. Tôi đành nghỉ sau số 10” và Bình Nguyên Lộc  mất đi số vốn 150.000 đồng khi làm tờ Vui Sống (Nguiễn Ngu Í. 1965, tr.83). Như vậy, với số lượng phát hành 4.000 đến 4.500 từ 1957-1967 rồi xuống 3.000 (1968-1975), làm thế nào Bách Khoa có thể tồn tại được trong suốt thời gian này? Trong khi Vũ Hạnh cho rằng “Những tờ báo trường thọ trọn năm mà không chết giấc đôi ngày hoặc đôi ba tuần, có thể liệt vào hàng quái kiệt có một phúc phận khác phàm” (Vũ Hạnh. 1965, tr.22). Trong khi ấy Bách Khoa “không nhận trợ cấp của chính quyền, không ủng hộ chính quyền mà sống được mười tám năm” (Nguyễn Hiến Lê. 2006, tr.185).

Có một số giải thích xung quanh sự tồn tại, có mặt lâu dài như thế của Bách Khoa, Nguyễn Văn Lục cho rằng Bách Khoa là chính sự tiếp nối của Nam Phong:

“(…)những cái gì không có ở Nam Phong thì Bách Khoa có hết, mà có hơn bội phần, có dồi dào và phong phú (…) Bách Khoa là một thứ Bách Khoa toàn thư cho bất cứ ai muốn mưu cầu mở mang kiến thức (…) hơn bất cứ tờ báo nào, nó đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu hiểu biết của một người(…)” (Nguyễn Văn Lục. 2008).

Nguyễn Thụy Hinh cũng cố gắng giải thích về vấn đề này, tác giả cho rằng thông qua sự lý giải tại sao những tờ như Sáng Tạo, Hiện đại, Thế Kỷ 20 được tài trợ nhưng vẫn chết yểu sẽ gián tiếp trả lời vì sao Bách Khoa tồn tại cho đến 1975. Thứ nhất, tác giả cho rằng nội dung bài viết rời rạc, không có cái mới mà người đọc muốn tìm như tên gọi, như các hô hào của tờ báo. Thứ hai, là những tờ báo này không có một người quản lý, một người nội trợ trông nom đến tiền bạc, độc giả dài hạn, kế toán số sách, nhà in. Trong khi đó, Bách Khoa “âm thầm hơn, kín tiếng hơn, cứ đường ta ta đi. Góp gió từ muôn phương rồi trải ra tứ phía” (Nguyễn Thụy Hinh. 2008) và theo tác giả cho rằng “phải chăng” ở Bách Khoa có những con người như Huỳnh Văn Lang, như Lê Ngộ Châu “làm hết” mọi việc. Thứ ba, Bách Khoa đã quy tụ được nhiều cây viết của nhiều thế hệ kế tiếp nhau.

Tóm lại, để giải thích cho sự tồn tại lâu dài của Bách Khoa, Nguyễn Văn Lục cho rằng chính nhu cầu muốn hiểu biết của con người. Còn Nguyễn Thụy Hinh dù đưa ra ba yếu tố: bài vở, nhân sự, đội ngũ cộng tác nhưng cuối cùng ông cũng không dám khẳng định điều gì đã làm nên một Bách Khoa như thế.

Cũng giống như xu hướng chung báo chí Sài Gòn, Bách Khoa nghiêng về văn nghệ, chính trị, xã hội ít chú trọng tới mảng kinh tế hay chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế. Trong thời gian tồn tại, Bách Khoa có 2 lần đổi tên. Lần thứ nhất là đổi từ Bách Khoa (1/1957 đến 1/1965) thành Bách Khoa thời đại (2/1965 đến 12/1969). Lần thứ hai là đổi từ Bách Khoa thời đại thành Bách Khoa (1/1970 đến 4/1975). Việc đổi tên xuất phát từ bối cảnh chính trị- kinh tế- xã hội. Bách Khoa cũng có hai Ban chủ nhiệm: Huỳnh Văn Lang (1957-1959) và Lê Ngộ Châu (1960-1975). Nói đến Bách Khoa không thể chỉ nhìn thấy tuổi thọ của nó mà Bách Khoa còn quy tụ được nhiều thế hệ văn nghệ sĩ kế tiếp nhau, lưu giữ được một khối lượng lớn bài vở có giá trị tham khảo để tìm hiểu về con người và xã hội miền Nam.

Về hoạt động báo chí, thông qua các dữ kiện phản ánh trên Bách Khoa đề tài thấy rằng số tờ báo và số lượng phát hành của báo chí Sài Gòn giai đoạn 1954-1975 tăng nhanh so với thời kỳ trước đó, và phần lớn là báo chí tư nhân. Tuy nhiên, thị trường báo chí hoạt động không ổn định, trồi sụt bất thường. Đặc trưng này có thể được giải thích bằng những xáo trộn chính trị, các chính sách kiểm soát báo chí của chính quyền và do tình trạng khan hiếm giấy và tăng giá giấy.

Tính chất thương mại của báo chí trong giai đoạn 1954-1975 thể hiện đậm nét hơn so với giai đoạn trước. Khi nghiên cứu về báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1930, Huỳnh Văn Tòng cho biết: “Ngay từ khởi thủy, báo chí Việt Nam không là báo thương mãi, mà chỉ là báo chính trị. Vấn đề thương mãi (kinh doanh thương mãi) chỉ là yếu tố thứ yếu, so với yếu tố chánh yếu là nhiệm vụ chính trị” (Huỳnh Văn Tòng. 1973, tr.245). Song, do bối cảnh chính trị của miền Nam sau 1954, tính chất chính trị và đấu tranh chính trị vẫn bao trùm đời sống báo chí giai đoạn này. Nhưng cái tính chất thương mại vẫn nổi trội hơn vì “cái mục đích chính trị vẫn không tách rời ý nghĩa kinh doanh vì sự tranh đấu chính trị mạnh mẽ của báo còn nhằm mục đích lôi cuốn cho nhiều độc giả” (Vũ Hạnh. 1965, tr.23).

Một đặc điểm cần chú ý đối với báo chí Việt Nam nói chung và báo chí Sài Gòn nói riêng là mối quan hệ giữa báo chí và văn học. Sự phát triển của báo chí Việt Nam nói chung kể từ đầu thế kỷ XX đã đóng vai trò hết sức quan trọng vào việc phổ cập chữ quốc ngữ, vào sự ra đời của thể loại văn xuôi, cũng như thúc đẩy nền văn học chữ quốc ngữ (Trần Hữu Quang. 2006, tr.201). Và sự đóng góp này của báo chí vào văn học đến mức có thể nói lịch sử văn học hiện đại đi đôi với lịch sử báo chí (Huỳnh Văn Tòng. 1973, tr.119-121). Và mối quan hệ giữa báo chí và văn học lại càng thêm khắn khít trong giai đoạn 1954-1975. Bất cứ tờ nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san nào cũng có bốn năm truyện ngắn, truyện dài. Mối quan hệ được củng cố và gắn bó là do nhu cầu của độc giả và nó đã lôi kéo hầu hết các nhà văn, nhà thơ vào việc viết feuillton cho các báo. Việc viết feuillton này một phần cải thiện nguồn thu nhập cho nhà văn, một phần tạo ra “món ăn” tinh thần cho độc giả.

Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết trong thời kỳ đầu của báo chí Việt Nam, phần lớn các nhà báo là các nhà văn. Nhà báo lúc ấy được hiểu một cách mặc nhiên là nhà văn, “người viết báo (lúc đó) nói thực ra là làm văn chớ không phải làm báo” (Vũ Bằng, 1969, tr.14). Trong giai đoạn 1954-1975, cái đặc trưng này của báo chí vẫn còn, đội ngũ cộng tác cho báo chí hầu hết là giới văn nghệ sĩ. Tính chất không chuyên ấy được Vũ Hạnh phản ánh “phần đông đều không trải qua một sự đào tạo nào khác là óc thông minh và sự ưa thích của mình, nên phải phát triển chậm chạp trong nghề” (Vũ Hạnh, 1965, tr.23). Điều này cũng thể hiện rõ trong Bách Khoa, các thế hệ cộng tác cho Bách Khoa phần lớn là các văn nghệ sĩ. Ở Sài Gòn, mãi cho đến năm 1967, lớp báo chí đầu tiên mới được khai giảng tại Viện Đại học Đà Lạt. Sau đó Đại học Vạn Hạnh mới đưa môn báo chí vào chương trình giảng dạy (Trần Đại, 1969, tr.16).

Nhìn vào đời sống báo chí giai đoạn 1954-1975, ta thấy chức năng của báo chí giai đoạn 1954-1975 đã khác so với chức năng báo chí thời Pháp thuộc. Những chức năng xã hội quan trọng của báo chí thời kì trước như sau: (i) phổ cập chữ quốc ngữ và thúc đẩy văn học, (ii) phổ biến các tư tưởng tiến bộ về tự do, dân chủ, dân quyền và những tư tưởng cách tân xã hội, (iii) diễn đàn đấu tranh của các lực lượng yêu nước, (iv) thông tin kinh tế (Trần Hữu Quang. 2006, tr.199). Trong giai đoạn sau, tức 1954-1975, do bối cảnh và những điều kiện kinh tế- chính trị- xã hội ở miền Nam đã khác so với giai đoạn Pháp thuộc, trong đó phải kể đến sự phát triển trong kỹ thuật in ấn, số người đọc chữ đã tăng, thị trường báo chí mở rộng do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, giao thông thuận tiện, đời sống vật chất đã khấm khá, tự do báo chí đã mở rộng hơn thời Pháp thuộc, chữ quốc ngữ đã phát triển và hoàn thiện. Do đó mà chức năng xã hội của báo chí giai đoạn 1954-1975 đã phát triển một cách sâu xa hơn trước. Trong đó, báo chí có chức năng thúc đẩy cho một “xã hội tiêu thụ”, chứ không chỉ thông tin kinh tế đơn thuần mà phải khơi dậy nhu cầu tiêu dùng của xã hội qua các mục quảng cáo, tư vấn, làm đẹp, xu hướng thời trang… Chức năng phổ biến chữ quốc ngữ và thúc đẩy văn học trong giai đoạn trước giờ đây đã thay đổi. Báo chí và văn học được coi như là một nhu cầu giải trí, một “món ăn” không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày.

Vũ Thị Thu Thanh
Nguồn: Nam bộ Đất và Người tập 9