Ngày đăng : 06/09/2013

Đạm Phương với vấn đề nữ học: Giáo dục phụ nữ và trẻ em trong gia đình


Tiểu luận này không có tham vọng bao quát sự nghiệp đồ sộ ấy, chỉ đi vào một hạt nhân quán xuyến tư tưởng và hành động của Đạm Phương, là vấn đề nữ học, từ quan niệm giáo dục, các lĩnh vực giáo dục đến thực tiễn hoạt động giáo dục phụ nữ ấy, ngõ hầu có thể chỉ ra đóng góp và vị trí của Đạm Phương trong lịch sử tiếp cận vấn đề nữ tính và nữ quyền ở nước ta ở những bước khởi đầu của nó.

Vấn đề nữ học được Đạm Phương đặt ra lần đầu trên Nam phong(1), số 43, ra tháng 1/1921, khởi thủy là bức thư bà gửi cho chủ bút Phạm Quỳnh, có lẽ là nhân loạt trao đổi được khởi đi từ bài viết của Phạm Quỳnh bàn về vấn đề phụ nữ: Sự giáo dục đàn bà con gái, số 4, ra tháng 10/1917, dẫn tới các trao đổi sau đó trên Nam phong, chắc cũng còn do những đàm luận trực tiếp với Phạm Quỳnh nhân chuyến ông vào Huế sau đó, có được thảng hoặc nhắc đến trong du ký Mười ngày ở Huế, đăng Nam phong, số 10, ra tháng 4/1918. Song căn nguyên trực tiếp, xuất phát từ ý kiến của Phạm Quỳnh trong một bài viết như một lời hỏi ngỏ: Đàn bà con gái nước ta có nên học mới không?, mà trước đó đã khơi nguồn cho bài đáp của Nguyễn Bá Học: Thư trả lời ông chủ bút Nam phong về vấn đề nữ học, đăng trên Nam phong, số 40, ra tháng 10/1920, là bài trực tiếp đã gây cảm hứng cho Đạm Phương xuất bút. Dựng một bối cảnh vài ba năm như thế để thấy, ngoài những tác động tức thời, Nam phong và ông chủ bút Phạm Quỳnh chắc có ảnh hưởng đáng kể đến Đạm Phương, để một phụ nữ đã gần bốn mươi tuổi, học hạnh tinh nhuần đầy đủ, song trước đó chủ yếu sáng tác văn thơ bằng chữ Hán và tham dự các sinh hoạt văn học cung đình như thói thường của các bậc văn tài trong hoàng tộc, nhận thấy vai trò của báo chí quốc ngữ trong cuộc canh tân dân tộc, để gần như ngay sau đó, tham gia tích cực vào các hoạt động báo chí và đời sống xã hội, bắt đầu từ Nam phong, sau trải cộng tác với nhiều báo và tạp chí khác, từ vấn đề phụ nữ mở sang nhiều vấn đề thiết hữu khác.

Ba năm sau bài viết trên Nam phong, Đạm Phương viết tiếp một bài báo, cũng dưới nhan đề này, Vấn đề nữ học, đăng trên Trung Bắc tân văn(2), số ra các ngày 19&20/3/1924, để đáp lại một số ý kiến bấy giờ bác chuyện giáo dục phụ nữ, đồng thời có bổ sung thêm một số quan điểm mới trong việc giáo dục phụ nữ được bà đề xuất trong bài trước. Ngày 15/6/1926, khánh thành Nữ công học hội tại kinh thành Huế, trong tư cách Hội trưởng, diễn văn của bà cũng hết sức nhấn mạnh đến vấn đề nữ học. Đến năm 1929, một lần nữa vấn đề này được bà trở lại, nhân trả lời trưng cầu của báo Phụ nữ tân văn(3) xung quanh tôn chỉ của báo, ở phạm vi rộng lớn hơn: vấn đề phụ nữ. Tuy vậy, bài trả lời của bà, đăng trên Phụ nữ tân văn, số 5, ra ngày 30/5/1929, hầu như cũng chỉ xoay quanh vấn đề nữ học. Tháng 8 cùng năm, Đạm Phương bị thực dân Pháp bắt rồi thả mà không làm án. Tháng 9, bà xin thôi chức Hội trưởng Nữ công học hội. Sau đấy, hoạt động báo chí và xã hội của bà thuyên giảm dần, công việc chủ yếu tập trung vào việc biên soạn sách vở. Như vậy, có thể nói, những năm giao thời cũng là khoảng thời gian bà hoạt động sôi nổi nhất trên trường văn trận bút, trở thành nữ ký giả có bút lực đáng khâm phục trong nữ giới nước nhà, với việc cộng tác thường xuyên với hàng loạt các báo có tiếng tăm ở cả ba kỳ, như Nam phong, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn, thường xuyên viết cho chuyên mục Văn đàn bà trên Hữu thanh(4), chuyên mục Lời đàn bà trên Trung Bắc tân văn; đồng thời, hoạt động tích cực trong phong trào Nữ công học hội, biên dịch, biên soạn và sáng tác nhiều tác phẩm phục vụ công việc giáo dục nữ giới. Tiểu luận này không có tham vọng bao quát sự nghiệp đồ sộ ấy, chỉ đi vào một hạt nhân quán xuyến tư tưởng và hành động của Đạm Phương, là vấn đề nữ học, từ quan niệm giáo dục, các lĩnh vực giáo dục đến thực tiễn hoạt động giáo dục phụ nữ ấy, ngõ hầu có thể chỉ ra đóng góp và vị trí của Đạm Phương trong lịch sử tiếp cận vấn đề nữ tính và nữ quyền ở nước ta ở những bước khởi đầu của nó.

1. Quan điểm về nữ học

Đạm Phương có một quan niệm thống nhất và rõ ràng về vấn đề nữ học. Khởi đầu của quan niệm ấy, trong bài viết trên tạp chí Nam phong, bà cho rằng: “Nay cái vấn đề nữ học thật là một sự rất quan trọng thứ nhất trong mấy nghìn năm của nước ta… Nay sự học vấn của con gái là cốt để bổ ích thêm trí thức tư tưởng cho con người biết lo xa nghĩ rộng, khỏi bị mê hoặc ám muội như trước; đã là người thời biết cho đủ tư cách làm người, cuộc sinh tồn cạnh tranh là chung cả nhân loại có phải riêng chi một ai, mà người làm được người làm không được… Người đàn bà cốt phải có đức hạnh làm bản, nghĩa ấy dầu cho thiên cổ bất dịch, không những từ đây về trước đã thế, nhưng dầu cho muôn ức nghìn năm nữa về sau, cũng không có thể thay đổi bao giờ, vậy cho nên học hạnh kiêm ưu mới là danh giá; còn như học mà vô hạnh, chính là danh giá tội nhân, chớ có phải học giới danh giá đâu, mà người đời bình phẩm cho hư tiếng tân học của nữ giới (ĐAD nhấn mạnh)”(5). Vấn đề nữ học mà Đạm Phương nói ở đây là vấn đề “tân học của nữ giới”, cái mà Phạm Quỳnh có ý cổ xúy còn Nguyễn Bá Học thì có ý khuyên ngăn, sợ rằng “sở học phi sở dụng”(6). Trong bài viết khởi đầu này, Đạm Phương đặt thế đối sánh “trí” với “đức”, giáo dục cái “đức” (tức phẩm hạnh) thì nền cựu học cũng đã làm rồi, nay nhất thiết phải bổ túc thêm cái “học vấn” (tức tri thức Âu Tây) của nền tân học cho người phụ nữ. Ở đây, bài viết mới chỉ đặt ra cái sự cần thiết của giáo dục phụ nữ và đề xuất nội dung cơ bản của nền giáo dục ấy.

Đến bài viết trên Trung Bắc tân văn, Đạm Phương đã bắt đầu chú trọng đến việc đòi hỏi sự công bình cho giáo dục nữ nhi so với nam nhi. Bà viết: “Đương buổi phong trào tiến hóa, dân trí khai thông, khoa học mở mang, trình độ thay đổi, người ta ở trong xã hội cũng ví như các thứ hoa thảo, tùy theo thời tiết mà sinh trưởng, đã không trái đặng lẽ tự nhiên của thời tiết, mà lại phải vận động cho hợp với lẽ sinh trưởng ấy nữa… Bởi vậy mà sự giáo dục học thức của con trai làm sao, thì của con gái cũng phải có làm vậy (ĐAD nhấn mạnh); đứa con gái tương lai thành nhơn, là một người đàn bà có công lớn đối với xã hội, vì người đàn bà có chịu cái thiên chức về sự sinh dục, gây nên nòi giống cho nhơn loại. Bổn phận người đàn bà, lại có cái trách nhiệm nặng nề khó nhọc, gánh vác việc gia đình, để cho người đàn ông khỏi phần nội cố, mới rảnh mình mà hiệu lực với bang quốc; cái trách nhiệm ấy, cái thiên chức ấy, nếu không có học thức giáo dục, thì khó lòng làm cho hoàn toàn nghĩa vụ đặng”(7). Chính ở chỗ này, soi rọi vào đời sống rối ren đương thời, Đạm Phương đã đề xuất được quan điểm nữ học có thể nói là rất mới mẻ, được biện luận với chủ kiến rõ ràng: sự giáo dục trong gia đình mà bà gọi là “gia đình giáo dục”. Bà lập luận về điều này như sau: “Có người nói rằng: ngày xưa con gái không có học thức mấy chút, mà người mẹ hiền, người con thảo, người vợ thuận cũng không thiếu; ngày nay, có học thức mà hay hư nết, là nghĩa làm sao? Xin thưa rằng: cái đó tại phần giáo dục gia đình hết thảy (ĐAD nhấn mạnh); học đường giáo dục, là cốt để giúp thêm tư tưởng tri thức cho người, sau ra với đời cho khỏi sự lầm lỗi; còn gia đình giáo dục là gây nên cái tâm tính cho con người (ĐAD nhấn mạnh), tâm tính với học thức thực không ăn thua gì nhau, chỉ có quan hệ một điều: là phải nhờ ở chỗ học thức, mà nhắc tâm tính siêu việt lên cho nhẹ nhàng; nếu tâm tính đã hỏng dẫu có học thức, lại càng như giúp sức cho cái dục vọng lên cao đó mà thôi”(8). Nói cách khác, trong khi một số bậc thức giả quan tâm đến vấn đề nữ học, chủ trương học đường giáo dục cho nữ giới, thì bà lại chủ trương gia đình giáo dục. Bởi với bà, tâm tính là cái thứ nhất, là cái nền tảng, học thức là cái bổ trợ vào đó, làm cho sự giáo dục phụ nữ được trở nên hoàn toàn. Ngoài việc thực hiện được nam nữ bình quyền, nó còn giúp cho phụ nữ thực hiện thiên chức của mình. Bà cho rằng: “nhà nước sở dĩ đặt trường nữ học, cũng vì lấy cái lẽ công bình đã nhắc cái trình độ con trai lên cao, thì bên con gái phải đưa lần bước đường đi tới, để cho nó hợp với nghĩa tương đương, có tương đương mới tương tri, có tương tri mới tương phò; tri thức xấp xỉ với nhau, thì sự đề huề mới có được”(9). Cũng còn bởi, theo Đạm Phương, “nữ giới mà có học thức, là ích lợi chung trong xã hội chớ có riêng vì người đàn bà có lợi, mà để thiệt cho ai. Sắp đặt việc nhà cửa, cho hợp với thời thế văn minh, chẳng cũng làm phương tiện cho sự khai thông dân trí một cái “tiệp kính” (đường tắt - ĐAD chú) ru. Cái tiệp kính mà tôi nói đây, là cái tiệp kính về đường dạy dỗ trẻ con, đứa trẻ con tương lai thành nhơn, phải có học thức, như là vệ sinh, cách trí, luân lý, địa dư, toán pháp,.v.v… mà khi còn ở trong gia đình đã được lược hiểu thiển cận, khi đến trường lợi cho công giáo dục ở học đường biết bao nhiêu”(10). Như thế, gia đình giáo dục, còn là cái đi trước học đường giáo dục, vừa giúp phụ nữ thuần toàn vừa giúp con trẻ mau khôn lớn, cũng bởi tình mẫu tử thường đậm đà và sự gần gũi thường xuyên cũng khiến người mẹ dễ thấu đạt được tính tình của con cái mà dễ bề uốn nắn. Do hai lẽ đó, Đạm Phương khẳng định: “Phàm cái tâm tính con người manh mối ra lúc ban đầu, là toàn có ảnh hưởng về sau hết thảy; vì những lý lẽ thế mà phải nên tô bồi cho nền nữ học, để nâng đỡ lấy cái hạng nhân loại tương lai – ĐAD nhấn mạnh”(11).

Chính ở chỗ muốn nâng đỡ cho nhân loại tương lai, Đạm Phương đòi hỏi những bậc tân học, mà thực chất cũng là tự nhiệm chính mình: “lấy lý tưởng mới, chắc có một cuộc tổ chức trong bụng rằng: xã hội ta sau này tiến hay thoái, gia đình ta sau này thịnh hay suy, tức là bọn thiếu niên mà chúng ta đương làm người hướng đạo đây, vì ta làm người bản lề, tiếp giáp mới cũ trong khoảng thời đại đổi thay, cái nề nếp trước chưa phai lạt mấy chút, mong tô dồi thêm phong hóa mới cho được thêm màu; lại nên tự phụ rằng: ta là người đứng làm môi giới cho hai cái văn minh mới cũ được dung hóa với nhau, người trong nước còn mờ tối chỗ nào, ta sẽ khai đạo cho hợp với trình độ tiến hóa, mà không hại đến phong tục của nước nhà”(12). Quan điểm về giáo dục của Đạm Phương ở chỗ này có hơi hướng chủ trương của Dương Vụ phái bên Trung Quốc hồi cuối thế kỷ XIX, có được ghi lại trong Khuyến học thiên của Trương Chi Động (1837-1907), đề xướng “cựu học vi thể, tân học vi dụng”, mà nội hàm của nó là giữ cái truyền thống luân lý Trung Hoa làm căn cốt để từ đó học tập khoa học phương Tây bổ trợ vào việc canh cải đất nước. Song không dám đoan chắc lúc bấy giờ (1924), sách này của Trương Chi Động đã được biết tới ở Việt Nam chưa. Chỉ mới biết, đến năm 1929, Phan Khôi đã có ý phê bình mạnh mẽ khuynh hướng này trong công trình Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, đăng dài kỳ trên Thần chung, từ số 213 (ra ngày 1/10/1929) đến số 249 (ra các ngày, 17&18/11/1929)(13). Tuy nhiên, đến phần kết luận của bài viết này, thì nhận định có lẽ riêng thuộc về Đạm Phương, ở tư tưởng mang màu sắc nữ quyền trong các ý kiến và đề đạt: “Người ta phải nên hiểu cái tôn chỉ của sự giáo dục, tại làm sao mà trước kia sự dạy dỗ đàn bà con gái lại là phần riêng của gia đình, mà nay việc dạy dỗ đàn bà con gái, cũng có thuộc quyền quốc gia đào tạo nữa, thì đừng nên dắt tới lôi lui mà thêm hoài công. Thực chẳng qua cái lòng thủ cựu của người mình, có ẩn cái máu áp chế ở trong, đàn ông chỉ ưng áp chế đàn bà, chủ nhà ưng áp chế đầy tớ; cái lòng thủ cựu không hết, là vì cái máu áp chế chưa tiêu – ĐAD nhấn mạnh” (14).

Ở trên là tìm hiểu quan điểm nữ học qua hai bài biết của Đạm Phương, một do sự “nhiệt thành” với nữ học mà soạn, một do ý muốn “bàn lại một bài để cho rõ lẽ” mà thành. Ngoài vấn đề thời gian, có lẽ tính chất luận thuật trực tiếp đã khiến bài viết thứ hai hệ thống, mạch lạc và thuyết phục hơn rất nhiều, gần như đã thể hiện đầy đủ quan điểm nữ học của Đạm Phương, điều mà sau này, hầu như chỉ được bổ sung thêm ở thái độ nồng nhiệt hơn trong các luận bàn về nữ tính và nữ quyền. Trong quan điểm ấy, Đạm Phương thấy sự cần thiết của học đường giáo dục thuộc quyền quốc gia đào tạo, nhưng trước nhất, bà khẳng định vai trò quan trọng của gia đình giáo dục. Giáo dục trong gia đình, với Đạm Phương, (1)/ đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ thiên chức phụ nữ, (2)/ hậu thuẫn tới việc giáo dục trẻ em, và (3)/ là bước chuẩn bị cho giáo dục học đường, giáo dục xã hội. Tất cả những ưu điểm ấy, nếu được thực hành một cách đầy đủ, sẽ tôn cao vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, xúc tiến các hoạt động giáo dục nhờ báo chí, đáng chú ý, và cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự khác biệt trong quan điểm nữ học của Đạm Phương, là mấy bài trực diện vào vấn đề trinh tiết và tự do hôn nhân. Bởi đây chính là mâu thuẫn gay gắt nhất giữa cái mới và cái cũ, là điểm khó có thể điều hòa, dù xuất phát từ chủ trương dung hòa tân cựu, đồng thời cũng là nơi ghi nhận rõ nhất những biểu hiện về sự tiếp cận đối với các vấn đề nữ giới mới được hình thành trong xã hội Việt Nam. Trong số các tư liệu hiện mới sưu tầm được, Đạm Phương có hai bài trực tiếp bàn về chữ trinh (Chữ trinh, Hữu thanh, số 17, ra ngày 01/04/1922; Cái lòng trinh tiết của người đàn bà, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 09/10/1925), một bài bàn về tình ái (Bàn về chữ ái tình, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 16/10/1925) và một bài bàn về tự do hôn nhân (Tự do kết hôn, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 20/12/1924). Thực ra đây là một vấn đề khó, nhưng không thể né tránh. Bởi sự lên án của xã hội bấy giờ đối với việc giáo dục phụ nữ, cũng phần nhiều là do vấn đề ái tình tự do, có lúc hiển hiện thành thói dâm ô, lúc bấy giờ mà ra cả. Với vấn đề phức tạp như vậy, một mặt Đạm Phương đào sâu vào các hoàn cảnh xã hội để phân biệt phải trái trắng đen, một mặt đào sâu vào quan niệm về ái tình tự do mà đặng phân tích lẽ hơn thiệt trong mỗi lựa chọn. Nếu như ở phương diện thứ nhất, bà biện bác cho việc càng cần thiết phải có nền giáo dục đầy đủ, hoàn bị cho nữ giới, tránh sự a dua, đua đòi, lợi dụng điều tân tiến mà phá hoại trật tự, làm hại luân lý, như thực tế đã có xảy ra; thì ở phương diện thứ hai, bà quay về ủng hộ quan điểm đạo đức cổ truyền: chữ trinh là quan trọng, đừng để những thói đời dung tục làm mờ ám dần luân thường đạo lý. Liệu đây có phải là một bước lùi trên con đường đấu tranh cho nữ quyền của Đạm Phương? Nó là biểu hiện của sự thiếu thống nhất trong quan niệm canh tân của Đạm Phương hay là biểu hiện của tính chất “thể dụng” như trên đã liên tưởng đến? Và như thế phải chăng Đạm Phương vẫn tư duy trên nếp cũ, quan điểm tiếp cận các vấn đề về nữ giới của Đạm Phương đã bộc lộ hạn chế, dù là ở vấn đề gai góc nhất? Câu chuyện thực ra không hẳn có thể dễ dàng đem đến câu trả lời thích đáng. Bởi sau những phát ngôn của Đạm Phương, trong những năm giao thời của thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước, Phan Khôi vốn nổi tiếng là người đổi mới cực đoan, quyết liệt, vẫn phải né tránh câu trả lời trực tiếp cho vấn đề trinh tiết, dù những phê phán các chuẩn mực đạo đức phong kiến đã khá rõ ràng(15). Trong bài viết Chữ trinh, cái tiết với cái nết (Phụ nữ tân văn, số 21, ra ngày 19/09/1929), Phan Khôi cho rằng: “trinh là một cái nết”, “nhưng về sau, người ta uốn nắn nó ra thành một cái tiết”, sự khác biệt nằm ở chỗ trinh là cái nết thuộc về chủ quan “mình vì cái ý chí, cái phẩm giá của mình mà giữ trinh” chớ không phải vì ai khác, trong khi ngược lại, “tiết là một cái dấu tỏ ra mình đã làm hết bổn phận của mình đối với người mà mình thuộc về”(16). Từ đó Phan Khôi kêu gọi: “đàn bà nước Nam ta nếu muốn giữ lấy nhân cách mình trên nền tự do và độc lập thì hãy phản đối cái tiết trinh, mà thứ nhứt là cần phải trau giồi lấy cái nết trinh”(17). Nếu đặt quan niệm của Đạm Phương bên cạnh Phan Khôi, sẽ thấy cái chữ trinh mà bà sử dụng đồng nhất với cái nết trinh mà học giả Phan Khôi biện bạch. Như vậy, ủng hộ cho nết trinh và lên án tiết trinh, ở đây đã có một sự phân biệt rất vi tế trong vấn đề phụ nữ: nết trinh không phải là tính cách tiên thiên của phụ nữ (caractère des femmes), mà do phải nhờ hàm dưỡng mà có được, lại chỉ riêng có ở phụ nữ, nên thuộc về nữ tính (sexe féminin), theo đó, bảo vệ nết trinh và lên án tiết trinh lại là một hành động có tính nữ quyền (féminisme). 

So với Phan Khôi, Đạm Phương chưa có được sự phân biệt rốt ráo như vậy, song sự phân biệt giữa nữ tính và nữ quyền hầu như cũng đã được định hình. Đó là một bước tiến đáng kể trong các tiếp cận vấn đề phụ nữ ở Việt Nam bấy giờ. Nhất là khi, cách giải quyết vấn đề nữ học của Đạm Phương luôn đặt trên cả hai nền tảng ấy. Đạm Phương đấu tranh cho cả nữ tính và nữ quyền, nữ tính là cơ sở để hoạch đắc nữ quyền, và xét đến cùng, nữ quyền trong quan niệm của Đạm Phương chủ yếu mới được khuôn gọn trong chủ nghĩa bình quyền (égalitarisme), đòi hỏi quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Nó là lý do để cho gia đình giáo dục luôn có vị thế đáng kể hơn rất nhiều so với học đường giáo dục và xã hội giáo dục. Nó cũng là lý do để cho trong các vấn đề nữ học thì giáo dục con gái và nhi đồng luôn dành được nhiều nhất sự quan tâm ưu ái của bà. 

2. Các lĩnh vực của nữ học và sự hiện thực hóa giáo dục phụ nữ

Khi Phụ nữ tân văn ra đời (số 1, ngày 02/05/1929), trả lời cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề phụ nữ của người sáng lập tòa báo, bà Nguyễn Đức Nhuận, thư trả lời của Đạm Phương, đăng Phụ nữ tân văn, số 5, ra ngày 30/05/1929, đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề nữ quyền và các lĩnh vực của nữ học để thực hiện được cuộc đấu tranh cho nữ quyền ấy. Thư viết: “như cái vấn đề phụ nữ là một cái vấn đề quan hệ cho vận mạng chung của chị em trong nước, ai cũng phải đóng góp một phần, vì nghĩa vụ, vì quyền lợi mà tỏ bày ý kiến của mình cho chị em biết, để lấy cái số đông nhất mà làm tiêu chuẩn, thì tôi đây không khi nào dám quên cái nghĩa vụ ấy. Vậy xin có mấy điều kiến giải của ngu ý như sau nầy:

1/ khai đạo trí thức.
2/ nữ công thực nghiệp.
3/ phụ nhơn chức vụ.

Trong ba điều ấy, chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc và thực hành thí nghiệm, song chưa được hiệu quả gì cho mỹ mãn, bởi vậy mà cái chế độ bất bình đẳng không sao đả phá cho đặng. Đáng buồn tủi thay! Người đàn bà ngày nay là thế nào? Là cần phải trực tiếp với xã hội, bởi cái tình thế xui nên, chị em ta không được hưởng thú êm đềm như trước nữa, ngoài gia đình phận sự, còn cần phải mưu sự hạnh phúc chung cho nhơn loại, mà đã muốn như thế thì phải có học thức, nhiên hậu mới hành động nổi. Vậy cái thời kỳ của chị em ta ngày nay, tức là một cái thời kỳ đang đứng trong vòng huấn luyện vậy”(18).

Ba lĩnh vực cơ bản của giáo dục nữ giới mà Đạm Phương đúc kết ở trên thực ra đã được bà triển khai trước đó, nhất là trong thời kỳ bà viết cho chuyên mục Văn đàn bà trên Hữu thanh, chuyên mục Lời đàn bà trên Trung Bắc tân văn, và có nhiều hiệu quả chứ không phải như cách nói khiêm nhường ở trên. Thực sự thì, thời gian cộng tác với Hữu Thanh, những bài viết của Đạm Phương giống như một cuộc tìm đường hơn là đã hoạch định đầy đủ phương châm nữ học. Việc đầu tiên bà muốn hướng đến vẫn là vấn đề thực hiện trách nhiệm của nữ giới. Trong bài Bổn phận con gái, sau khi bình phẩm về những cơ hội đổi thay mà nữ giới có được ở thời đại mới, Đạm Phương nhắn nhủ: “không quý gì bằng sẵn có nền nếp cũ, lại thêm tư tưởng mới, mỹ thuật mới, kỹ nghệ mới, ta nên điều hòa châm trước với nhau, điều hay nên thuộc, lẽ dở nên chừa, một mai làm vợ làm mẹ người, tự lương tâm mình hỏi mình có ưng con mình giống mình không? Tôi xin vô phép trả lời rằng: không những là ưng con mình không giống mình, mà lại cũng không ưng lời thị phi can thiệp đến danh giá bổn phận nữa”(19). Thực hiện đúng chức trách, bổn phận để mà vươn lên “mở mày mở mặt với giang sơn” là một khát vọng táo bạo của Đạm Phương lúc bấy giờ. Để thực hiện được điều ấy, theo Đạm Phương, không có phương cách nào ngoài việc chịu khó trau giồi thực học. Sự thực học ấy phải hướng đến tu dưỡng tâm tính, mưu cầu công nghệ. Bởi theo bà, “chị em ta đã biết rằng: ngày nay tất cả phải có công nghệ mới sinh tồn, cho nên ôm quyển sách mà đi học, là cũng mong cho kiến thức mở mang, tùy theo tư cách mình để mà chọn lấy nghề nghiệp làm ăn…”; ấy vậy mà “trong xã hội, những người có nhiệt thành tâm huyết mong cho cuộc tiến hóa mau được vẻ vang vẫn thường than thở về đường nữ giới giáo dục hiện còn khuyết điểm, công nghệ hiện còn sinh sơ. Lại thêm lời dư luận hàng ngày chỉ trích những người đàn bà vô nghệ là tại phần không có định nghiệp mà sinh ra cả. Đã không có định nghiệp tất không có hằng sản, đã không có hằng sản tất không có hằng tâm, xin xét lại kỹ có phải bởi một lẽ thất giáo mà ra chăng?”(20). Chính vì cái ước nguyện được mở mang cho nữ giới trong hoàn cảnh vị thế phụ nữ còn thấp kém, dư luận với nữ học còn hẹp hòi, Đạm Phương mới bổ cứu sách vở Đông Tây, tìm lấy cái phương châm giáo dục nữ lưu, mà Bàn về giáo dục con gái(21) là một kết quả sơ khởi.

Từ trong những dò dẫm bước đầu này, những năm sau, nhất là khoảng 1923 đến 1926, khi viết thường xuyên cho chuyên mục Lời đàn bà trên Trung Bắc tân văn, Đạm Phương đã triển khai ở mức độ sâu rộng hơn, có chủ đề trở đi trở lại, hòng cổ võ cho vấn đề nữ học. Bà đặt chủ trương người phụ nữ: với bản thân, phải lao động để có tiền tài, thực nghiệp (Vấn đề lý tài, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 09/01/1923; Một hiệu buôn mới mở, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 22/05/1923), rồi cần phải cần kiệm (Cần kiệm, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 20/01/1923; Dạy con gái nên kiệm ước làm đầu, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 27/11/1923), song cũng phải biết trang điểm (Cách trang điểm của người đàn bà thế nào là đẹp, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 30/10/1923), phục sức (Cách phục sức của người đàn bà, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 11/02/1924); với gia đình, phải nên chăm coi việc nhà (Người đàn bà phải nên chăn coi việc nhà, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 25/02/1925), phải hiếu kính với cha mẹ (Trăm nết thảo làm đầu Trung Bắc tân văn, số ra ngày 14/06/1923), phải thuận hòa với chồng (Cái cảnh lạc thú trong gia đình, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 17/04/1923; Người đàn bà phải biết cách ăn ở với chồng, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 28/06/1923), phải hòa mục với anh em (Đối với anh em chồng, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 25/01/1924), rồi với con cái phải biết cách dưỡng dục (Trẻ con trong nhà phải nên dạy cho biết thứ tự cách ăn ở, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 20/05/ và 06/06/1924; Dạy trẻ con khi giao thiệp với người ngoài, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 11/10/1925; Cách dạy trẻ con, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 16/01/1926); với người ngoài, khi giàu có phải rộng lượng (Người giàu đối với người nghèo, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 04/05/1923), khi nghèo đói phải khẳng khái (Người giàu đối với người nghèo, Trung Bắc tân văn, số ra ngày 22/05/1923),… Có thể nói, hầu như Đạm Phương đã đề cập đến hầu hết các mặt của đời sống nữ giới, hướng dẫn và thúc giục nữ giới đi theo con đường chủ động lấy cuộc sống của mình, góp sức mình vào công cuộc gây dựng hạnh phúc gia đình và cải cách xã hội. Các quan điểm được triển khai trên từng lĩnh vực nhỏ này nhìn chung đều rất ôn hòa, điềm đạm, nhưng không vì thế mà kém phần mạnh mẽ và quyết liệt.

Bên cạnh báo chí, Đạm Phương cũng tham gia tích cực trong các hoạt động cổ võ cho nữ học ở Huế. Vận động thành lập Nữ công học hội và trở thành Hội trưởng, bằng uy tín của mình, Đạm Phương đã tổ chức được nhiều hoạt động cho nữ giới xung quanh học hội này. Trong bài diễn văn đọc tại lễ khánh thành Nữ công học hội, ngày 15/06/1926, bà nhấn mạnh:

“Nữ công có ích cho đàn bà đủ mọi phương diện, gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần “tự lập”, một cái tính cách cần mẫn ham công việc, lánh sự nhàn rỗi. Nữ công chẳng những giúp cho đàn bà về đường tự lập, mà lại về đường sinh kế, và thứ nữa là cái mầm mống của sự công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này vậy… Mong ngày nay một phần chị em hưởng thụ được chút giáo hóa Âu, Mỹ về mà sửa đổi cái nào bậy, bổ chánh cái nào khuyết, xây đắp thành một nền nữ công vẹn toàn hoàn hảo… Ấy là cái tôn chỉ thứ nhất về sự lập hội của chúng tôi là vậy”

“Một cái xã hội tốt hay là xấu là do tại gia đình tốt hay xấu, mà gia đình tốt hay xấu là do sự giáo dục của mỗi gia đình đối với mỗi cá nhơn mà tạo ra, đàn bà vẫn có một phần trách nhiệm trong cuộc tạo nhân kết quả ấy. Vì vậy mà gây dựng một cái gia đình tốt không gì bằng xây dựng một nền đạo đức luân lý cho phụ nữ thật hoàn toàn… Ngày nay cái nghĩa vụ của chị em chúng tôi là phải hô hào kèm với giữ gìn phong hóa cũ, mà cần tẩm bổ thêm tư tưởng mới, ngõ hầu vun tưới những mầm non, nụ tốt sau này” (22).

Điểm lại hoạt động của Nữ công học hội, rõ ràng đã có những hiệu quả và tác động xã hội rõ rệt(23). Việc cổ động thực nghiệp hay in sách phổ biến kiến thức chẳng hạn, trong đó phải kể đến việc học hội xuất bản được cuốn Nữ quốc dân tu tri của Phan Bội Châu, bậc trí sĩ luôn có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Huế lúc bấy giờ. Với riêng Đạm Phương, hoạt động của hội đã đáp ứng được cả hai cách để thực hiện sự học: 1/ qua đường sách vở; 2/ qua đường thực nghiệm(24), nhất là ở con đường thứ hai. Trong khi đó, với con đường thứ nhất, ngay từ năm 1922, khi Ích hữu thư xã được thành lập, Đạm Phương đã rất quan tâm đến vấn đề biên soạn sách vở, trong bài viết Cái cảm tưởng của nữ giới đối với Ích hữu thư xã, bà đề xuất: “Người đã thâm Tây học thời đem những nghĩa lý văn minh mà dịch thành một lối văn chương trí hóa, người đã thông Hán học, thời lại đem những đạo lý cương thường mà phiên dịch ra một lối văn chương đức hóa, hoặc soạn thêm các bộ thuộc về giáo dục, thuộc về văn chương khoa học, đều lấy nền quốc văn mà phô diễn thành sách vở, khiến cho người chỉ có công học quốc ngữ trong đôi ba năm, mà cũng được thông hiểu đạo lý Tây học và Hán học vậy” (25). Sau này, chính Đạm Phương đã thực hiện một cách tích cực đề xuất đó. Nhiều bài báo sau này được bà tái cấu trúc, viết thêm một số bài có cùng chủ đề để tập hợp in thành sách. Năm 1928, công trình Bàn về giáo dục con gái của Đạm Phương được Nữ lưu thơ quán Gò Công của bà Phan Thị Bạch Vân xuất bản. Năm sau, 1929, là hai biên khảo Phụ nữ dữ gia đìnhPhụ nữ dữ xã hội, cùng tiểu thuyết Hồng phấn tương tri cũng được xuất bản tại đây. Năm 1942, công trình dài hơi nhất của Đạm Phương, Giáo dục nhi đồng, được nhà in Lê Cường ở Hà Nội xuất bản. Nhìn vào các công trình này, dễ thấy vấn đề giáo dục phụ nữ và trẻ em vẫn là mối quan tâm thường trực, trọn đời của Đạm Phương. Chỉ ra phương cách để phụ nữ tự tu dưỡng bản thân, khẳng định thiên chức làm vợ làm mẹ của họ, rồi từ đó, cổ vũ cho các hoạt động hướng tới nữ quyền, hầu như đã thu hút toàn bộ suy tư của bà.

3. Định vị Đạm Phương từ bối cảnh tiếp cận “vấn đề phụ nữ” ở Việt Nam trước 1945   

Đạm Phương giữ một vị trí ra sao trong sự chuyển mình của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, nhất là khi vấn đề phụ nữ mà bà quan thiết luôn được xem trọng? Bởi như một phát hiện sớm của David G. Marr, ở những thập niên đầu của quá trình hiện đại hóa của Việt Nam đầu thế kỷ XX, phụ nữ và xã hội (“women and society”) trở thành vấn đề trọng tâm tập trung quanh nó nhiều vấn đề quan thiết khác đang được xét lại khi truyền thống bị/được đặt trước thử thách(26). Chủ điểm “truyền thống Việt Nam trước thử thách” về sau cũng trở thành tên một chuyên luận có tiếng vang của ông(27). Trong chuyên luận này, ông khảo sát Đạm Phương chủ yếu ở phương diện hoạt động phụ nữ của bà [ở Nữ công học hội] trong các khảo sát các thảo luận về quyền phụ nữ (women’s rights) được tiến hành trên báo chí Việt Nam trước 1945, từ các bài viết của các bỉnh bút là nam giới đến các bài viết và báo chí do phụ nữ trực tiếp thực hiện(28). Khởi đi từ những quan tâm của Marr, một tiểu luận khác của Shawn McHale về địa vị của phụ nữ trong xã hội thể hiện trong các tranh luận trên báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XX, cũng được xuất bản trong ấn phẩm của Chương trình Nghiên cứu Đông Á của Đại học Cornell về quá khứ Việt Nam(29), mà sau được tác giả phát triển thành một chuyên luận sâu rộng hơn(30). Đạm Phương không được đề cập trong tiểu luận này, dù hoạt động và các quan niệm về vai trò của các ấn phẩm đối với phụ nữ của bà là một minh chứng sáng rõ cho mối quan hệ giữa “in ấn và quyền lực” mà McHale tập trung khảo sát. Trong một khai triển khác, dù cũng chủ yếu đặt trọng tâm vào tờ Nữ giới chung(31)Phụ nữ tân văn như McHale nhưng trong một không gian báo chí tiếng Việt rộng mở hơn, Đặng Thị Vân Chi cũng chưa đánh giá hết tầm mức của Đạm Phương, người phụ nữ tiêu biểu đứng giữa sự khai mở của bà Sương Nguyệt Anh và sự khai triển của bà Nguyễn Đức Nhuận (Cao Thị Khanh) (32). Vấn đề chỉ ít nhiều trở lại có hệ thống trong luận án của Bùi Trân Phượng, Viet Nam 1918-1945, genre et modernité. Emergence de nouvelles perceptions et expérimentations/ Việt Nam 1918-1945, giới tính và hiện đại. Sự trỗi dậy của những nhận thức mới và kinh nghiệm mới, được bảo vệ thành công tại Đại học Lyon II (Pháp) năm 2008, mà rất tiếc chúng tôi mới chỉ tiếp xúc được qua bản toát yếu tác giả công bố trên tạp chí Thời Đại Mới(33). Việc hệ thống hóa Đạm Phương vào xu hướng nữ quyền chính trị xã hội (bên cạnh nữ quyền về văn hóa mà Phụ nữ tân văn là đại diện) là hợp lý với cách nhận diện bà như một nhà hoạt động nữ quyền (féministe) không rứt đứt với những tác động của nhà cách tân (modernistes) chịu tác động của Tân thư, Tân văn kết tập với một kinh nghiệm đọc khác, từ một trải nghiệm giới khác.    

Việc đặt lại Đạm Phương vào phả hệ vấn đề phụ nữ được thảo luận trên báo chí nửa đầu thế kỷ là một việc làm cần thiết để có thể xác định vị trí của bà, và cùng với đó, quá trình dịch chuyển của các quan niệm và hành động mang tính nữ quyền ở Việt Nam. Một trong không nhiều những trí thức thuộc giới tinh hoa ở Việt Nam ngay đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh, là người thực sự mở ra chủ trương về vấn đề phụ nữ. Việc này được ông khởi động trên Đăng cổ tùng báo(34), và sau đó, xiển dương trên Đông Dương tạp chí(35)Trung Bắc tân văn, nơi ông đều giữ vị trí chủ bút. Trong lĩnh vực phụ nữ, cả ba tờ đều có mục Nhời đàn bà(36), ban đầu do Nguyễn Văn Vĩnh chấp bút, sau đăng những bài viết của tác giả khác, mà những năm đầu thập niên 1920, Đạm Phương nhiệt thành tham gia. Tiếp nối vào đó, là những hoạt động của Phạm Quỳnh, với ít nhiều những liên đới với Đạm Phương, đã được chúng tôi chỉ ra ở trên. Tất cả làm thành một sợi dây tuy mỏng mảnh nhưng mạch lạc về sự tiệm tiến của các vấn đề phụ nữ. Dẫu vậy, việc liên kết với những thành phần tinh hoa nhất đương thời không đủ xác quyết nguyên nhân lựa chọn tham gia vào sự nghiệp báo chí về phụ nữ và xã hội của Đạm Phương. Sự hình thành của Nữ công học hội tại Huế, tổ chức phụ nữ đầu tiên của Việt Nam mà bà làm hội trưởng cũng vậy, như một sắc mắc đáng lưu ý của Bùi Trân Phượng (tại sao lại ở kinh đô này chứ không phải Sài Gòn hay Hà Nội? và tại sao ở đây lại sớm xuất hiện những phụ nữ có tư tưởng tân tiến như Đạm Phương, Trần Thị Như Mân (phu nhân học giả Đào Duy Anh)?), cũng chưa tìm được ở đây lời giải thuyết phục. Câu hỏi vẫn để bỏ ngỏ ở đấy. Nhưng chính từ việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy, có một điều đáng lưu ý là, trải khắp không gian ba miền, trong khoảng 30 năm đầu của thế kỷ XX, chúng ta có thể nhận thấy ít nhiều giới tinh hoa Việt Nam đã chia sẻ với nhau những quan điểm và lý tưởng về vấn đề phụ nữ. Có sự phân hóa về mặt tiểu tiết, nhưng về đại cục thì sự phân biệt trong quan niệm và hành xử chưa thật đáng kể. Đó là lý do để khi tổng kết cuộc trưng cầu ý kiến nhân ra mắt Phụ nữ tân văn, gồm 12 nhân sĩ, theo thứ tự công bố trả lời trưng cầu trên Phụ nữ tân văn là: Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Vĩnh, Đạm Phương nữ sĩ, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Nguyễn Phan Long, Cao Văn Chánh, Diệp Văn Kỳ, tờ báo đã đúc kết: “...Sao những nhà rất khác nhau về ý kiến chánh trị, mà đối với vấn đề phụ nữ lại được tương tợ nhau như vậy ? Dẫu các nhà ấy không thật là đồng ý với nhau hẳn mà nhà nào cũng có một chỗ gặp nhau: là muốn duy trì gia đình (ĐAD – nhấn mạnh). Từ cấp tấn như ông Phan Văn Trường cho tới ôn hòa như ông Phạm Quỳnh, chẳng thấy ai khuyên bảo [bỏ] gia đình, như nhiều phái thợ thuyền Âu Mỹ cả”(37). Có thể nhận thấy ở đây, “muốn duy trì gia đình” là hạt nhân tư tưởng của giới tinh hoa hoạt động văn hóa và xã hội những năm giao thời này. Một quan niệm được coi là trung dung trong trong tính cách chính trị nhưng lại là khoan dung trong tính cách văn hóa của các hoạt động nữ quyền, thể hiện rõ ràng tính chất nước đôi khi quan niệm truyền thống va đập với các quan niệm khác trong quá trình hiện đại hóa.

Bước sang những năm 1930, sự thống nhất bước đầu của thế hệ cầu nối giữa văn hóa Á-Âu rạn vỡ dần bởi sự xuất hiện của các thế hệ trí thức mới, tiếp thu ảnh hưởng văn hóa trực tiếp từ phương Tây, không phải ít nhiều qua con đường Tân thư, Tân văn như trước. Bản thân văn hóa và xã hội Việt Nam, sau mấy chục năm thực dân Pháp thúc đẩy quá trình khai thác thuộc địa, cũng đã trở nên phân hóa sâu sắc, đặc biệt ở khu vực thị dân và văn hóa đô thị mới thành hình. Vấn đề phụ nữ không còn gói gọn trong mấy chủ điểm về giáo dục, luân lý hay thực nghiệp nữa, mà mở ra các chủ điểm mới như xã hội, chính trị, hay đào sâu đến các đặc điểm về sinh lý và tính cách. Chẳng hạn, chỉ xét trên chính Phụ nữ tân văn, quan điểm “duy trì gia đình” cũng đã bị chất vấn. Từ sự khác biệt của ý hệ các nhà diễn giải (như giữa Phan Khôi với Nguyễn Thị Chính (phu nhân Phan Văn Hùm), hay của chính Phan Văn Hùm chẳng hạn) (38). Ở đấy, xung đột xuất phát từ việc một phía xuất phát từ ý hướng cá nhân tự nhiệm (“tu thân”) của Nho giáo còn một phía xuất phát từ cảm hứng (tranh đấu) xã hội của chủ nghĩa Marx, một phía nhấn mạnh vào tính cách đạo đức của vấn đề trong khi phía kia nhấn mạnh vào tính chất chính trị của nó. Nhưng quan trọng hơn là, cả hai cùng bị chất vấn bởi thực tại mới, nỗi lo lắng từ cảm nghĩ thông thường (đơn cử như trước các vấn đề của “phụ nữ tân tiến”): hiện đại hóa thực sự đã luồn lách vào những vấn đề sát sườn nhất của đời sống thế tục, đời sống chi phối và ảnh hưởng sâu rộng tới quần chúng chứ không còn là đời sống tinh thần của một bộ phận tinh hoa. Chủ nghĩa Marx và các tư tưởng phương Tây về phụ nữ sẽ từng bước xâm chiếm vào diễn ngôn về phụ nữ, theo đà phát triển của các phong trào chính trị và theo đà của xu hướng giao lưu văn hóa, như một quan niệm của McHale hay Đặng Thị Vân Chi, khi xét vấn đề phụ nữ trên cấp độ tư duy của nó. Trong khi ở một khía cạnh khác, ở đời sống thế tục của vấn đề, như cách mà Nguyễn Nam chỉ ra từ một biểu hiện nhỏ bé của đời sống ấy là hiện tượng “phụ nữ tự sát” chẳng hạn(39), thì câu chuyện lại không hẳn mạch lạc như vậy. Luôn có những trồi sụt trong quan điểm về phụ nữ hay nữ quyền ở Việt Nam, khi tư tưởng thường khi bị triệt thoái về mặt bằng thực tại, bởi một truyền thống ít luận lý và một thực tại bị phân hóa bởi nhiều lựa chọn chấp nhận và nghi hoặc lối tư duy còn xa lạ. Cho đến trước 1945, vấn đề nữ quyền vẫn ở trong thế hỗn dung các quan điểm đối thoại như vậy. Nhưng chiều hướng nữ quyền được “dân tộc hóa” (nationalisation), như một vận dụng khéo léo quan điểm của sử gia Françoise Thébaud của Bùi Trân Phượng để tìm hiểu giai đoạn lịch sử rối ren này, xuất phát từ phía các nhà hoạt động cánh tả dần trở nên lấn lướt hơn, và về sau mang tính cách áp đặt hơn khi phụ nữ được huy động vào hai cuộc kháng chiến và kiến quốc. Nó làm cho vấn đề phụ nữ nói chung và nữ quyền nói riêng, từ sau đổi mới 1986, phải bắt đầu lại ở một số chủ điểm mà trước đó nửa thế kỷ, người ta đã khá trở nên thân thuộc(40). Một phần nào đó, cùng với quá trình hiện đại hóa thời toàn cầu hóa, nó làm cho giới và nữ quyền, trở thành một vấn đề đương đại được quan tâm sâu rộng.

Đặt Đạm Phương, với quan niệm và sự hiện thực hóa quan niệm về giới nữ và sự nghiệp giáo dục (của) giới nữ, vào trong lịch sử vấn đề phụ nữ Việt Nam như phác thảo ở trên, dễ nhận thấy bản lĩnh văn hóa của bậc nữ lưu trước những đối kháng gay gắt của các tác nhân mới du hành vào mảnh đất Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu, đạo lý thờ Nho, tự trong nội tại đã hàm chứa các phản ứng hay thích nghi với chủ nghĩa bình quyền, tự do luyến ái hay tranh đấu chính trị. Nhưng tất cả những quan niệm mang tính lý thuyết ấy, đều quy hội vào cơ cấu và sự tồn tại của gia đình. Khi căn cước bị khủng hoảng, rất ngạc nhiên, gia đình chứ không phải cá nhân, trở thành nơi nương náu của nữ quyền. Đó là mảng màu Việt Nam trên bức khảm nữ quyền thế giới, đã được kết tạo rất sớm, từ trong thái độ khoan hòa của giới tinh hoa Việt Nam giữa buổi giao thời. Đạm Phương, trong không gian của những nhận thức và trải nghiệm mới về giới và hiện đại ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, vì vậy, xác đáng với những nhận định của Bùi Trân Phượng: “Trong chủ nghĩa nữ quyền chánh trị xã hội... người đã để lại số lượng sách báo đồ sộ và những hoạt động thực tiễn không kém ấn tượng là Đạm Phương nữ sử, nhà giáo dục có tính cách tân đáng kinh ngạc; tôi nhận diện ở bà một nhà hoạt động nữ quyền ôn nhu, trầm tĩnh nhưng tâm huyết và quyết đoán trong sứ mạng khai trí của mình. Là mẹ và là bà của hơn một thế hệ thanh niên trí thức nam và nữ, tất cả đều được bà cho học lấy một nghề để mưu sinh, sống tự lập hay đã dấn thân hoạt động cách mạng, suốt đời bà chuyên tâm đào tạo và tổ chức đào tạo nhiều nhà giáo dục nữ khác, chia sẻ với họ tri thức, năng lực giáo dục và niềm tin rằng ‘giáo dục không phải là một công trình trói buộc người ta. Giáo dục là một công trình bồi bổ để nảy nở tất cả những năng lực cao quý trong một người’(41). Phát biểu nầy đúc kết tuyệt diệu sự hài hòa giữa truyền thống nhân bản trong đào tạo ban đầu của bà trên nền tảng Nho giáo và chủ nghĩa cách tân mạnh mẽ của một người tự học (autodidacte) đã mở trí, mở lòng tiếp nhận tri thức hiện đại quốc tế”(42). Chúng ta có thể hoàn toàn chia sẻ với nhận định ấy của Bùi Trân Phượng về những hoạt động nữ học, những tiếp cận vấn đề phụ nữ từ nền tảng nữ tính và nữ quyền của Đạm Phương. Có điều, cần nói thêm rằng, từ chính hoạt động nữ học ấy, vị thế của Đạm Phương hiện lên như một nhà hoạt động nữ quyền Việt Nam đầu tiên xây dựng quan niệm nữ quyền của mình trên nền tảng nữ tính một cách có hệ thống và có tính tư tưởng./.

Hà Nội, tháng 4/2011-6/2013

Đoàn Ánh Dương

____________________

(1) Nam phong, văn học, khoa học tạp chí. Xuất bản hằng tháng, đến số 195 (tháng 5/1934) xuất bản hai kỳ mỗi tháng. Chủ bút: Phạm Quỳnh phần quốc ngữ và Pháp ngữ, Nguyễn Bá Trác phần Hán ngữ; Nguyễn Tiến Lãng thay thế vị trí Phạm Quỳnh từ 199 (tháng 7/1934). Số 1 ra tháng 7/1917, số cuối cùng (210) ra tháng 12/1934. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb. Văn hóa thông tin, H., 2001, tr.345-346.
(2) Trung Bắc tân văn, lúc đầu là tuần báo sau chuyển thành nhật báo. Chủ nhiệm: F.H. Schneider; Chủ bút: Nguyễn Văn Vĩnh,… Số 1 ra tháng 1/1913 [1915?], số cuối cùng (7.265) ra tháng 4/1941. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr. 657; Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Nxb. Khoa học xã hội, H., 2008, tr.60-74.
(3)
Phụ nữ tân văn là tờ báo quốc ngữ thành công nhất của phụ nữ Việt Nam, tuần báo xuất bản ngày thứ Năm. Sáng lập: bà Nguyễn Đức Nhuận (Cao Thị Khanh), Chủ nhiệm: Nguyễn Đức Nhuận, Chủ bút: Đào Trinh Nhất, [và có sự góp mặt đáng kể của Phan Khôi tuy không được xác định thuộc bộ biên tập]. Số 1 ra ngày 2/5/1929, [đến số 82 báo bị chính quyền đình bản theo nghị định ngày 6/12/1930, về sau có nghị định thay đổi việc đình bản vĩnh viễn này thành đình bản 5 tháng, nên đến ngày 21/5/1931 Phụ nữ tân văn ra tiếp số 83; ngoài ra, có thời gian ngắn, từ số 133 ra ngày 3/6/1932 đến số 157 ra ngày 2/7/1932, ngoài các số thường kỳ ngày thứ Năm, Phụ nữ tân văn còn ra báo hàng ngày với 4 trang khổ lớn, để đáp lại những luồng dư luận mà tòa báo cho là không công bằng xung quanh Hội chợ phụ nữ do Phụ nữ tân văn và Hội Dục anh Sài Gòn tổ chức tháng 5/1932, và phải đợi đến 16/8/1932, Tòa Trừng trị Sài Gòn mới tuyên phạt báo Trung lập Sài thành về tội bày đều đặt chuyện cho báo Phụ nữ tân văn về vụ Hội chợ theo đơn kiện của ông bà Nguyễn Đức Nhuận], số cuối cùng [273] ra ngày 21/4/1935. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr.428; Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004, tr.10-11; Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Sđd, tr.135; và Thiện Mộc Lan: ‘Phụ nữ tân văn’ – Phấn son tô điểm sơn hà, Công ty sách Thời đại & Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Tp.HCM., 2010.
(4)
Hữu thanh, cơ quan của Hội ái hữu những người làm công bản xứ trong thương nghiệp và công nghiệp Bắc kỳ. Xuất bản mỗi tháng hai kỳ. Chủ nhiệm: Nguyễn Duy Hợi, Trần Quang Huy, Nghiêm Vịnh; Chủ bút: Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Mạnh Hương; Thư ký biên tập: Nguyễn Thượng Hiền, Đào Trinh Nhất. Số 1 ra ngày 1/8/1921, số cuối cùng (22 ?) ra ngày 15/9/1924. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr.272-273;
(5)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Nam phong, số 43, tháng 1/1921], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn, giới thiệu; Nguyễn Khoa Điềm bổ sung, sửa chữa, Nxb. Văn học, H., 2010, tr.61,63,64. Từ đây, các trích dẫn Đạm Phương đều theo sách này.
(6)
Xin xem: Phạm Quỳnh: “Sự giáo dục đàn bà con gái”, [Nam phong, số 4, tháng 10/1917]. Cũng có thể tham khảo trong Về Đạm Phương Nữ Sử, Nguyễn Khoa Điềm sưu tập, Huế - Hà Nội, tháng 7/2010, [Tài liệu gia đình Nguyễn Khoa Điềm], tr.274-276; Nguyễn Bá Học, “Thư trả lời ông chủ bút Nam phong về vấn đề nữ học”, [Nam phong, số 40, năm 1920]. Cũng có thể tham khảo trong Về Đạm Phương Nữ Sử, Tlđd, tr.274-276.
(7)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.178.
(8) Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.178-179.
(9)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.179.
(10)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.179.
(11)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.179.
(12)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.180.
(13)
Xin xem: Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1929, Sđd, tr.40-102.
(14)
Đạm Phương: “Vấn đề nữ học”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 19&20/3/1924], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.181.
(15)
Đấy là chưa tính đến chuyện sau ông, trên Phụ nữ tân văn và một số báo chí khác, vấn đề phụ nữ được bàn thảo và tranh luận khá sôi động, với những tên tuổi cũng đáng kể như Phan Văn Hùm, Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Thị Kiêm, Nguyễn Thị Minh Khai mà những bước tiến chưa hẳn đã có sự vượt trội, dù các quan điểm tiếp cận đã trở nên phong phú và đa dạng hơn.
(16) Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1929, Sđd, tr.214.
(17)
Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1929, Sđd, tr.218.
(18)
Đạm Phương: “Bài trả lời cuộc trưng cầu ý kiến của báo Phụ nữ tân văn”, [Phụ nữ tân văn, số 5, ra ngày 30/05/1929], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.335-336. Về các ý kiến được trưng cầu, xin xem: “Tổng luận cuộc trưng cầu ý kiến của Phụ nữ tân văn”, [Phụ nữ tân văn, số 16, ra ngày 08/08/1929], cũng có thể tham khảo trong Về Đạm Phương Nữ Sử, Tlđd, tr.222-226.
(19)
Đạm Phương: “Bổn phận con gái”, [Hữu thanh, số 16, ra ngày 15/03/1922], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.74.
(20) Đạm Phương: “Phụ nhơn công nghệ”, [Hữu thanh, số 21, ra ngày 01/06/1922], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.83-84.
(21)
Đạm Phương, “Bàn về giáo dục con gái”, [Hữu thanh, số 27&28, năm 1922], xin xem chi tiết trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.90-94.
(22)
Đạm Phương: “Diễn văn tại lễ khánh thành Nữ công học hội”, [Trung Bắc tân văn, số ra ngày 21/06/1926], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.323,324,325.
(23)
Đào Hùng: “Bà Đạm Phương và nhà nữ công học hội ở Huế”, [Phụ nữ tân văn, số 69, ra ngày 11/09/1930]. Cũng có thể tham khảo trong Về Đạm Phương Nữ Sử, Tlđd, tr.233-237.
(24)
Đạm Phương: “Mấy lời hoan nghênh về việc sáng lập Phụ nữ tùng san”, [Tiếng dân, 1929], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.331.
(25)
Đạm Phương: “Cái cảm tưởng của nữ giới đối với Ích hữu thư xã”, [Hữu thanh, số 20, ra ngày 15/05/1922], trong Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử, Sđd, tr.81-82.
(26)
David [G.] Marr: “The 1920s women’s rights debates in Vietnam”, The Journal of Asian Studies, Vol. XXXV, No.3, (May, 1976), pp.371-389.
(27)
David G. Marr: Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, University of California Press, Berkeley, 1981.
(28)
Xin xem: David G. Marr: “Women Questions”, trong Vietnamese Tradition on Trial…, Sđd, tr. 190-251; đặc biệt là phần “Early Women’s Organizations” (tr.214-220) của chương này.
(29)
Shawn McHale: “Printing and Power: Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934”, in Essays into Vietnamese Pasts, (Southeast Asia Program), K.W. Taylor and John K. Whitmore ed., Cornell University Press, Ithaca, 1995. Có thể tham khảo các bản dịch của Đặng Thị Vân Chi tại: http://chuyencuachi.blogspot.com/2013/07/an-pham-va-quyen-luc-cac-cuoc-thao-luan.html; và Hồ Liễu tại: http://www.gio-o.com/HoLieu/HoLieuShawnMcHaleDanBaVN1934.htm
(30)
Shawn McHale: Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam, University of Hawaii Press, Honolulu, 2004.
(31)
Nữ giới chung là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, cơ quan phổ biến ngôn ngữ, thương mại, kỹ nghệ và các vấn đề phụ nữ. Chủ nhiệm: Henri Blanquier; Chủ bút: bà Sương Nguyệt Anh (con gái  cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu). Báo ra hằng tuần vào thứ Sáu. Số 1 ra ngày 1/2/1918, số cuối cùng (22) ra ngày 19/7/1918. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr.405; và Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Sđd, tr.74-76.
(32)
Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Sđd.
(33)
Bùi Trân Phượng, Việt Nam 1918-1945, giới tính và hiện đại: sự trỗi dậy của những nhận thức mới và kinh nghiệm mới, Tạp chí Thời Đại Mới, số 18, tháng 3/2010.
(34)
Đăng cổ tùng báo nguyên là công báo mang tên Đại Nam đồng văn nhất báo, xuất bản từ năm 1892, đến 1907 thì đổi tên thành Đại Nam (Đăng cổ tùng báo), đánh dấu việc trở thành tờ báo tự do, xuất bản hằng tuần bằng hai thứ chữ là quốc ngữ và Hán. Chủ nhiệm: F.H. Schneider; Chủ bút: Nguyễn Văn Vĩnh. Số 1 (793, theo cách đánh số tiếp tục Đại Nam đồng văn nhất báo) ra ngày 28/3/1907; số cuối cùng (826) ra ngày 14/11/1907. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr.172-173; Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Sđd, tr.60-74.
(35)
Đông Dương tạp chí, tạp chí bình dân, văn chương, nông nghiệp, thương mại. Chủ nhiệm: F.H. Schneider; Chủ bút: Nguyễn Văn Vĩnh. Số 1 ra ngày 15/5/1913, số cuối cùng (231) ra ngày 15/6/1919. Theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Sđd, tr.191; Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Sđd, tr.60-74.
(36)
Về Nguyễn Văn Vĩnh với vấn đề phụ nữ, xin xem: Đặng Thị Vân Chi: Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Sđd, tr.60-74.
(37)
Dẫn theo: Thiện Mộc Lan: ‘Phụ nữ tân văn’ – Phấn son tô điểm sơn hà, Sđd, tr.39.
(38)
Về vấn đề này, xin xem: Shawm McHale: “Printing and Power: Vietnamese Debates over Women’s Place in Society, 1918-1934”, Tlđd.
(39)
Nguyễn Nam: Phụ nữ tự sát – Lỗi tại tiểu thuyết? (một góc nhìn về phụ nữ với văn chương – xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX), tham luận Hội thảo quốc tế Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX), do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp.HCM. tổ chức, ngày 18-19/3/2010. Bản điện tử tại: http://khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=991:phu-nt-sat-loi-tai-tieu-thuyet&catid=85:hi-tho-qua-trinh-hin-i-hoa-vn-hc&Itemid=159
(40)
Trong văn học chẳng hạn, xuất phát từ các trải nghiệm giới và tính dục, đời sống đương đại trong tác phẩm của các nhà văn nữ thể hiện những cảm nhận khác lạ, khó tìm thấy trong văn học của nam giới, và trong nền văn học bị nam tính chi phối trước đó. Sự xen cài giữa màu sắc nữ quyền và nữ tính trong sáng tác của họ, làm nên sức hấp dẫn riêng có, mời gọi tiếp nhận nhưng đồng thời thách thức các nỗ lực diễn giải. Gần 40 năm sau chiến tranh, văn học nữ đã phát triển với những khúc quành: từ sự quy chiếu của diễn ngôn dân tộc qua diễn ngôn dân sự đến diễn ngôn đặt nền tảng ở sự nhìn nhận về tính cá thể. Trong dòng chảy ấy, những sáng tác xuất phát từ ý hệ dân sự có được thành công hơn cả, bởi nó dung hợp được cả nguồn cội văn hóa, ý chí xã hội và sức mạnh giới. Nhưng nó là một ốc đảo, không trao truyền năng lượng cho giai đoạn kế tiếp, để chỉ trở thành một điểm nhấn kỳ lạ, như chính sự phát triển lạ kỳ của văn học Việt Nam đương đại.
(41)
Tuyển tập Đạm Phương nữ sử, Lê Thanh Hiền sưu tầm, biên soạn, giới thiệu, Nxb. Văn học, H., 1999, tr.211 (Bùi Trân Phượng chú).
(42)
Bùi Trân Phượng, Việt Nam 1918-1945, giới tính và hiện đại: sự trỗi dậy của những nhận thức mới và kinh nghiệm mới, Tlđd.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8 - 2013