Lịch sử và lịch sử của bản sắc

Băn khoăn nguồn cội, truy tìm lại nguồn gốc tổ tiên tộc họ đang là một nhu cầu rất lớn và hiện thiếu sự hỗ trợ cần thiết bởi các công cụ khoa học. Hiện tượng này trước đây cũng đã diễn ra một cách vô cùng mạnh mẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm lịch sử và bản văn hóa của hôm nay; đó là sau rất nhiều trăm năm loạn lạc, chiến tranh, ly tán đến thời các vua Nguyễn các tỉnh Trung Trung bộ mới thực sự có những năm yên lành để nghĩ đến tổ tiên tộc họ. Phần lớn các gia phả đều được chép trong thời kỳ này và thường theo những khuôn mẫu chung là theo Lê Thánh Tông Bình Chiêm hoặc theo Nguyễn Hoàng vào Nam rồi ở lại lập nên tộc họ ta. Điều này đã vô tình tạo nên những góc nhìn đấy chúng ta xa với sự thật những gì đã diễn ra trong suốt nhiều trăm năm của quá khứ.

1/ Khát khao tìm hiểu bản sắc mỗi vùng đất nói chung và Quảng Nam nói riêng luôn gặp những khó khăn khó vượt như thế. Thứ nhất là tư liệu và thứ hai là những định kiến khó còn có thể thay đổi đó. Những khó khăn về tư liệu thì khi xây dựng được công cụ ta có thể vượt qua. Nhưng đến khó khăn thứ hai, sự định kiến thì khó vượt qua hơn nhiều. Nói là định kiến chứ thật ra đó là những chân lý được mặc định, hầu như không thể thay đổi. Ta là người Việt, nào ai dám cãi hoặc nghi ngờ, điều này. Chính vì thế, khi tiếp xúc với các nguồn sử liệu ta thường hiểu nó bằng nhãn quan của người Việt mà không hay rằng ở góc nhìn của người Chăm thì mọi chuyện lại khác. Chúng ta thường rất vô tư khi dùng các thuật ngữ như “Bình Chiêm”, “Những bức chân Nam tiến đầy vinh quang của dân tộc”.v.v... mà không hay rằng các bạn Chăm vẫn thường ngậm ngùi khi nghe thế mà mãi vẫn không có dịp nào để lên tiếng hồi âm, nói lại. Khi viết trong sách, sau rất nhiều lập luận rằng một phần tổ tiêng người Quảng Nam là người Chàm nên tôi tự tin hạ xuống một câu: “Mỹ Sơn là của người Việt chứ không phải là của một nền văn minh đã mất nào như được ghi trong các tờ rơi du lịch”. Khi viết thế tôi cứ đinh ninh là đã lay tỉnh được sự tự hào thái quá của người Việt nhưng không hay rằng các bạn Chăm đã xem đó như một thứ thực dân văn hóa, muốn dành nốt cả chút tự hào còn lại đang hoang phế nhiều chiêm nghiệm của họ. Và rõ ràng là tôi có lỗi trong chuyện này.

Về tư liệu, vấn đề thực ra không phải là đi tìm bằng chứng mà chính là phương pháp tiếp cận và những góc nhìn khả tín. Trước nay nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đàng Trong đều dừng ý định lại vì thiếu tư liệu bằng chứng. Vĩnh viễn chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra được bằng chứng nào đủ tin cậy để phản ảnh hết thời gian 500 năm dài đằng đẵn ấy. Bây giờ nếu tìm thấy đoạn phim nào quay cảnh Đàng Trong năm 1402, những đoàn người di dân dưới thời Hồ Quy Ly sau đó chạy tan tác vì nhà Minh trả đất lại cho Chiêm Thành, thì bản thân đoạn phim đó cũng chỉ phản ảnh được thời kỳ đó, tại địa điểm đó; lúc khác, không gian khác mọi chuyện có thể đã không như vậy.

Có một ví dụ sinh động là văn bản Thủy Thiên làng Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị được các tác giả Nguyễn Hữu Thông và Lê Đình Hùng khảo sát kỹ và xác định được là đã được viết vào những năm đầu thế kỷ 15, trong đó có nhiều dòng mô tả không gian cộng cư của hai tộc người Chàm và Việt mới vào; trong đó có những dòng khá hấp dẫn như: “Xứ này người Chiêm nhiu mà bình nhân (chỉ người Vit gc từ đất Bc) ít, ssinh hcon cháu mt Tề mười Sri nhim biến phong tc của người Man”. Rõ ràng văn bản Thủy Thiên là một văn bản quý, thế nhưng nếu lấy đây làm chuẩn mực, làm tư liệu điển hình phản ảnh toàn bộ lịch sử Nam Tiến (điều đã từng xảy ra ở nhiều công trình về Nam Tiến) thì chúng ta lại rơi vào khái quát hóa vội vàng vì có thể lúc đó ở Quảng Trị là vậy nhưng ở Quảng Nam lúc đó thì khác hoàn toàn. Thật vậy, lúc này Quảng Nam, tức vùng đất bắc Thu Bồn Nam Hải Vân, lúc này đã bị Chiêm Thành chiếm lại, trong khi Quảng Trị đã hoàn toàn thuộc nhà Minh chiếm giữ, tức vẫn thuộc về Thăng Long.

Một ví dụ như vậy để thấy, vấn đề tư liệu tuy quan trọng nhưng vĩnh viễn nó luôn hạn chế. Điều quan trọng nhất chính là một cái nhìn khả tin, và từ đây mới thấy mỗi tư liệu thực sự soi chiếu hoặc minh họa cho mỗi giai đoạn giới hạn nào.

2/ Về mặt phương pháp, cuốn sách muốn nói đến cách tiếp cận lịch sử liên ngành, điều mà ở VN ta tuy đã được nói đến thưa thớt như GS Trần Quốc Vượng, GS Từ Chi, GS Nguyễn Tài Cẩn... nhưng chưa ai làm. Lịch sử, lâu nay như mọi người thường hiểu chính là những ghi chép trong các sử liệu. Thế nhưng chúng ta quên rằng đó chỉ là lịch sử thành văn của các triều đại phong kiến, của các quan lại có học, có chữ, tiền hiền các tộc họ. Lẽ nào lịch sử chỉ có vậy? Cứ nói đến lịch sử Đàng Trong là nói đến “Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân”, nói đến mâu thuẫn Trịnh Nguyễn, nói đến lịch sử của gia đình Nguyễn Hoàng. Chúng ta thuộc chuyện Nguyễn Hoàng để con lại Bắc làm con tin mà không một chút ý niệm nào cha ông mình lúc đó (Trước sau 1600) ăn mặc như thế nào, nhà cửa ra sao...

Như đã có mô tả nhiều trong sách, lịch sử Nam Tiến được nhìn qua các dòng ghi chép trong các gia phả. Gia phả nào cũng ghi “Tiền hiền khai cư, hậu hiển khai canh” “Các ngài chiêu dân lập ấp”. Thử hỏi, dân nào để các ngài chiêu? 7 tộc tiền hiền làng Thanh Quýt chiêu hàng vạn dân để lập làng Thanh Quýt sao ta chỉ thấy chuyện lịch sử của 7 ngài tiền hiền mà không thấy lịch sử của hàng ngàn người dân được chiêu ở dưới?

Vâng, lịch sử được viết nên bởi nhân dân, các cụ Mác, Ăng Ghen, Lê Nin thường nói vậy, và chúng ta cũng thường nói vậy nhưng cũng thường quên, hay nói đúng hơn là không nhận thức đầy đủ về vai trò của nhân dân khi làm nên lịch sử. Nói đến lịch sử giải phóng miền Nam chúng ta nói đến vai trò của tướng Đồng Sĩ Nguyên khi nhận lệnh mở đường Trường Sơn, đến chiếc xe tăng nào húc đổ cổng dinh Độc Lập và tranh cãi rất nhiều chuyện ai soạn lời đầu hàng cho Dương Văn Minh mà quên vai trò của chiếc võng dù trong chiến tranh Việt Nam, thứ không hề có quân đội nào trên thế giới sử dụng, thứ gọn nhẹ và thư giãn không có bất cứ chiếc giường xếp hay túi ngủ nào có thể sánh được; quên con búp bê gùi sau ba lô của người lính khi lên đường về Bắc, quên đi bao gia đình miền Nam ly tán và chính họ giờ đang tạo nên một bản sắc văn hóa nào đó ta chưa nhận thức đầy đủ.

Vâng, cuộc vận động, chuyển động, chuyển dịch và cả những va chạm xung đột văn hóa của các cộng đồng dân cư, của các tộc người mới là đối tượng chính của lịch sử. Hay nói cách khác lịch sử là cuộc hành trình đi tìm bản sắc chứ không phải chỉ là tìm lại các câu chuyện. Nếu lịch sử là những câu chuyện thì lịch sử chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là tạo nên những bài học. Những bài học lịch sử thường rất hay nhưng xem ra rất khó thuộc, cho dầu đã được bắt học thuộc lòng ở trường phổ thông thế nhưng người ta cũng thường quên đi nhanh chóng khi va vào thực tế, có sự kiện nào lặp lại y nguyên với lịch sử đâu. Những bài học ứng xử với đất nước Trung Hoa có lẽ không ai nhiều hơn Việt Nam chúng ta nhưng xem ra Việt Nam ta chẳng ai chịu thuộc, từ cấp lãnh đạo đến người dân bình thường cũng thế. Chúng ta không thuộc vì ứng xử của mỗi thời đại mỗi khác, góc nhìn của mỗi người cũng mỗi khác. Thế nhưng nếu hiểu lịch sử là bản sắc thì ta sẽ có những thái độ chắc chắn là vững bền hơn với người bạn khổng lồ này, không phải thái quá yêu thương để rồi lại thái quá giận hờn như đã xảy ra.

Những điều này không mới. Thật tiếc là phải nói những phát hiện cũng như những phương pháp mà tôi đề xuất để tiếp cận lịch sử, và được hội đồng xét chọn sách hay trao cho giải “sách có dấu ấn mới” nó lại không hề mới với thế giới. Sau khi sách ra, qua tiếp xúc với nhiều người trên mạng tôi mới được biết chuyện này, tức từ bỏ cách nhìn lịch sử cũ, các nhà nghiên cứu châu Âu và phương Tây nói chung đã tiến hành từ nửa đầu thể kỷ 20. Có thể do khát khao xác định bản sắc của các tộc người khá là giống nhau ở vùng đất châu Âu nên nghiên cứu về bản sắc, về sự giao tiếp, va chạp tạo thành các nền văn hóa đã được nghiên cứu rất nhiều. Tiếc thay những sách này đã không hề được dịch và phổ biến ở Việt Nam.

Và vì là đây là giải thưởng sách hay nên xin nói thêm đôi điều về cách viết. Nếu là một công trình nghiên cứu chắc chắn sự trình bày đã có một hình thức khác. Vì nhắm đến đối tượng người đọc bình dân tôi đã chọn cách diễn đạt đơn giản nhất có thể. Tại sao lại chọn đối tượng người đọc bình dân với một đề tài khoa học khá là phức tạp. Đơn giản là vì tôi hiểu nhận thức khoa học ở đây, trong lĩnh vực này là hoàn toàn không đáng kể, không quan trọng một chút nào so với sự nhận thức lại nguồn cội tộc họ tổ tiên ông bà của chính bản thân mỗi người Quảng Nam nói riêng và người miền Trung nói chung. Chính vì xác định người đọc là ông bác tộc trưởng, là ông chú nhiều băn khoăn về tộc họ sau nghỉ hưu lặn lội ra Bắc, hết Nghệ đến Thanh, đến Hải Dương đối chiếu so sánh để nối lại cội nguồn với tiên tổ nên cuốn sách đã mắc khá nhiều lỗi về diễn đạt, nhiều chỗ lặp lại vì nhiều nội dung cùng dùng chung một nguồn tư liệu, chung một phương pháp lập luận vì muốn những ông chú ông bác ấy được liền mạch khi đọc, không bị những trích dẫn hoặc xem thêm làm mệt óc.

Những nhược điểm này sẽ được khắc phục trong lần tái bản sắp tới. Lần này, toàn bộ nội dung sẽ được chia làm hai phần là phần xây dựng công cụ và phần tổng luận. Vấn đề thế hệ, phương pháp phân kỳ hay khảo sát về giọng nói của người Quảng Nam đều là những công cụ để từ đó giúp ta có những hình dung về những gì xảy ra suốt 500 năm ấy. Bên cạnh phần giọng nói người Quảng Nam vấn đề vốn từ đã được đặt ra ở lần xuất bần đầu giờ cũng được khảo sát kỹ. Thật bất ngờ, người Quảng Nam đã có một lượng vốn từ ít ỏi một cách đến tội nghiệp. Rất hay là điều này lại ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, và tính hay cãi của người Quảng cũng sẽ được bàn đến một cách thấu đáo trong lần tái bản này.

Hướng mở ra của phương pháp này là gì? Liệu bằng phương pháp này chúng ta sẽ có công cụ để hiểu rõ hơn sự hình thành của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ không? Sự vận động nào, va chạm, xung đột nào của các nền văn hóa của các tộc người để tạo nên người Việt như ta thấy hôm nay ? Nếu loại bỏ 70% phần chữ Hán đi 30% tiếng Việt còn lại có còn có thể được gọi là Việt không nếu như phần lớn trong số đó là thuộc Mường, Thái, Tày, Dao, Chức, Lô Lô.... Cái mà ta gọi là Việt đó là tộc người nào vậy? Hai Bà Trưng là tộc người nào? Bà mà sống lại bà nói ngôn ngữ nào, ta nghe hiểu không? Tôi tin rằng cần phải hướng sự tìm hiểu nguồn gốc người Việt vào thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc hơn là cứ mãi tìm kiếm vào thời các vua Hùng hoặc xa xưa, hơn hai ba chục ngàn năm trước. Thật kỳ lạ, cho đến giờ chúng ta hiểu biết về thời kỳ dài dằng dặc suốt một ngàn năm này rất ít. Cứ nói đến ngàn năm Bắc thuộc thì nói đến Nhâm Diên Sĩ Nhiếp Tích Quang. Hết. Nói đến khởi nghĩa thì Bà Triệu, Lý Bí, Mai Hắc Đế. Hết! Một ngàn năm lẽ nào chỉ có chừng đó người trong khi đó là lúc, không dám nói là hình thành dân tộc Việt chứ chắn chắn đó mới chính là lúc hình thành tiếng Việt như ta sử dụng hôm nay. Mà ngôn ngữ chính là dân tộc. Cứ nhìn vào tấm gương người Chiêm Thành ở lại Quảng Nam là ta hiểu. Mất ngôn ngữ họ như mất tất cả!

Một chút cảm nhận, như phóng chiếu từ phương pháp phân kỳ, mong rằng sẽ có lúc một ai đó bỏ công giúp ta hiểu hơn thời kỳ quan trọng này của lịch sử dân tộc.

Tôi không biết hội đồng xét chọn sách hay có điều lệ trao thêm lần nữa cho sách tái bản hay không chứ thực sự tôi rất hào hứng với những gì viết thêm cho lần tái bản này và nó xứng đáng để được gọi là sách hay hơn lần được trao giải này.

Nói điều đó để một lần nữa cảm ơn con mắt xanh của bạn đọc và hội đồng xét giải đã trao giải cho một  cuốn sách còn ở dạng là ý tưởng. Tôi biết sự đánh giá này của bạn đọc và ban thư ký cũng như hội đồng xét chọn trao giải không chỉ vì “dấu ấn mới” mà cuốn sách đặt ra mà còn là sự động viên với những nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Tôi bắt tay vào thực hiện những ý tưởng của mình lúc mới hơn 40. Trong lĩnh vực xã hội học thì tuổi này quả thực là rất trẻ để có thể nêu ra được điều gì đó mới mẻ. Các bạn trẻ hãy mạnh dạn bước qua những điều mà mình cảm nhận thấy là đúng nhưng chưa thấy một ai nói đến. Hơn ai hết, tôi biết, họ, tức ban giám khảo, tức thế hệ đi trước thèm thấy lớp trẻ phát triển và họ không ngại ngần trao những giải thưởng vinh quang như giải này cho các bạn trẻ.

Tôi xin cảm ơn hội đồng xét chọn.

Hồ Trung Tú

----------------------

* Diễn từ nhận giải Giải thưởng Sách Hay 2012, hạng mục sách Dấu ấn mới.